TÓM TẮT:
Bài nghiên cứu phân tích đặc điểm hoạt động xuất khẩu Hà Nội trong những năm gần đây. Đồng thời phân tích thực trạng hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn TP. Hà Nội, những hạn chế còn tồn tại như: Hà Nội chưa có những nhân tố đầu tư nước ngoài mới có quy mô để có tác động đột phá đến sản xuất và xuất khẩu; Hệ thống logistics của TP. Hà Nội đã và đang hình thành nhưng còn nhiều hạn chế; Công tác dự báo thị trường xuất khẩu còn chưa hiệu quả…. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn.
Từ khóa: xuất khẩu hàng hóa, sản xuất, doanh nghiệp, TP. Hà Nội.
1. Thực trạng hoạt động xuất khẩu của TP. Hà Nội
Thời gian qua, sau khi dịch Covid-19 bùng phát tác động đến sản xuất, kinh doanh, TP. Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa được chú trọng, từ việc huy động nguồn lực, kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, Tp. Hà Nội cũng tranh thủ tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do…
Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu của TP. Hà Nội đã đạt những kết quả tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ổn định qua các năm (Bảng 1). Trong giai đoạn 2017-2022, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội tăng bình quân khoảng 8,2%/năm. Ngoại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội giảm 3,4% so năm trước, các các năm còn lại đều đạt tốc độ tăng trưởng dương. Đặc biệt, trong 3 năm: 2018, 2019 và 2022, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội đạt mức tăng trưởng 2 con số so với năm trước (năm 2018 tăng 18,8%; năm 2019 tăng 12,8%; năm 2022 tăng 10,6%). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu liên tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của Hà Nội là hàng nông sản, hàng dệt may và nhóm hàng máy móc, thiết bị phụ tùng.
Điều đáng chú ý là, trong giai đoạn 2017-2022, quy mô xuất khẩu nhóm hàng nông sản có xu hướng giảm dần, nhóm hàng công nghiệp chế biến có xu hướng tăng dần và việc chuyển dịch sản xuất để có thể sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang diễn ra theo chiều hướng tích cực [3].
Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2022
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Tổng hợp từ Cục Thống kê TP. Hà Nội
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%, gấp 5 lần mức tăng của năm 2021 (năm 2021 tăng 2,1%) và cao hơn nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 5%. Với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, Hà Nội xếp thứ 8 trong 10 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 (Bảng 2).
Bảng 2. Top 10 địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước
năm 2021-2022
Nguồn: Bộ Công Thương (2023)
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,181 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,9 tỷ USD. Đáng mừng là, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước lại lớn hơn doanh nghiệp FDI, điều này là điểm sáng tích cực của hoạt động sản xuất thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội trong bối cảnh xuất khẩu của cả nước vẫn chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương [1], năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm 2021 có thể kể đến như: ngành hàng dệt may đạt 2.570 triệu USD, tăng 15,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2.525 triệu USD, tăng 16,3%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 2.015 triệu USD, tăng 1,6%; xăng dầu đạt 1.258 triệu USD, tăng 83,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%; hàng nông sản đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; hàng hóa khác đạt 4.175 triệu USD, tăng 4,6%.
Hoạt động xuất khẩu trên địa bàn TP. Hà Nội đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, bao gồm: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực FDI. Theo Cục Thống kê Hà Nội, năm 2022, trên địa bàn TP. Hà Nội có trên 2.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Cơ cấu thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu trên địa bàn TP. Hà Nội đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế FDI và giảm dần tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước.
2. Một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại
Tuy đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song hoạt động xuất khẩu hàng hóa của TP. Hà Nội vẫn còn một số hạn chế đó là:
- Thời gian qua, Hà Nội chưa có những nhân tố đầu tư nước ngoài mới có quy mô để có tác động đột phá đến sản xuất và xuất khẩu; chưa có những dự án quy mô lớn, tập trung sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và các ngành công nghiệp hỗ trợ cho xuất khẩu... Chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu, ít xuất hiện những mặt hàng mới có đóng góp kim ngạch lớn. Bên cạnh đó, tuy là trung tâm của nhiều tổ chức quốc tế nhưng TP. Hà Nội chưa khai thác hiệu quả hình thức xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tại chỗ. (Thu Uyên, 2021)
- Hệ thống logistics của TP. Hà Nội đã và đang hình thành nhưng còn nhiều yếu kém, nhất là cơ sở hạ tầng logistics - hạ tầng thiết yếu cho phát triển xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ dẫn đến việc thất thu về dịch vụ logistics, dịch vụ hải quan... và làm tăng chi phí logistics, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. (Thu Uyên, 2021)
- Công tác thống kê, báo cáo xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ chưa có sự thống nhất, kết nối liên thông giữa cơ quan thống kê, hải quan và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ quan tìm hiểu và cung cấp thông tin thị trường nước ngoài và việc kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài còn những hạn chế nhất định. (Thu Uyên, 2021)
- Công tác dự báo thị trường xuất khẩu chưa tốt, thiếu chủ động và chưa sát với diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới. (Thu Uyên, 2021)
3. Đề xuất giải pháp
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của TP. Hà Nội trong thời gian tới, qua phân tích thực trạng, tác giả đề xuất thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, Thành phố cần tái cơ cấu ngành Công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong ngành Chế biến, chế tạo, nhằm tạo ra sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất các mặt hàng có thể mạnh xuất khẩu.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách hành chính lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu; ứng dụng rộng rãi hơn việc thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng internet, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Duy trì thường xuyên việc tổ chức hội nghị, giao ban tiếp xúc doanh nghiệp để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết đề xuất của doanh nghiệp.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực.
Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”; tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; triển khai Chương trình Phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố, hỗ trợ các làng nghề phát triển sản xuất kinh doanh...
Thứ tư, khai thác tiềm năng, lợi thế gồm mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao và mặt hàng truyền thống. Theo đó, thành phố tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm chế biến và chế tạo, các loại sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như: linh kiện và thiết bị ngoại vi; điện tử, viễn thông; vật liệu xây dựng và đồ gỗ. Cùng với đó, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu hoặc thay thế mặt hàng nhập khẩu; công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Duy trì tốc độ tăng trưởng nhóm sản phẩm có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, thị trường xuất khẩu ổn định, tỷ trọng kim ngạch lớn.
Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng, đi kèm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm trên cơ sở áp dụng các giải pháp về khoa học công nghệ.
Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Trong đó, cần tập trung vào việc tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; đào tạo giám đốc điều hành và kiến thức quản trị doanh nghiệp; đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu về: nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề và các mặt hàng nông sản chủ lực, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các rào cản trong thương mại quốc tế, chính sách mới, thông tin thị trường kịp thời (chú trọng tới thông tin phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu trước các diễn biến mới liên quan đến các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với từng ngành hàng).
Thứ sáu, tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Chú trọng đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; trung tâm Logistics hạng I và hạng II. Ưu tiên xây dựng hạ tầng logistics kết nối trên địa bàn và với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thông qua các trung tâm logistics và khu công nghiệp logistics. Theo đó, TP. Hà Nội cần có chính sách ưu tiên đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng logistics để xây dựng các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics, tiến tới xây dựng thị trường bất động sản logistics… nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần giảm ùn tắc giao thông nội đô, đồng thời tháo gỡ mọi rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên địa bàn.
Mặt khác, có chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics (làng logistics có quy mô lớn) - mô hình kinh doanh mới mà ở Việt Nam và Hà Nội chưa có, để phát triển xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và nâng cao giá trị các sản phẩm xuất khẩu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Công Thương (2023). Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
- Cục Thống kê TP. Hà Nội (2019, 2020, 2021, 2022). Niên giám thống kê năm 2018, 2019, 2020, 2021, Nxb Thống kê.
- Cục Thống kê TP. Hà Nội (2022). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022.
- Tổng cục Hải quan (2023). Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng năm 2022. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/01/no-luc-phuc-hoi-xuat-nhap-khau-nam-2022-lap-ky-luc-moi/
- UBND thành phố Hà Nội (2023). Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố. Truy cập tại https://vioit.org.vn/vn/quy-hoach/dia-phuong/ke-hoach-thuc-hien-chien-luoc-xuat-nhap-khau-hang-hoa-den-nam-2030-cua-thanh-pho-ha-noi-5225.4102.html
- UBND thành phố Hà Nội (2023). Quyết định số 2913/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 05 năm 2017 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
- Thu Uyên (2021). Xuất khẩu - động lực quan trọng cho tăng trưởng. Truy cập tại https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/2845209/xuat-khau---ong-luc-quan-trong-cho-tang-truong.html;jsessionid=xmMh7gDkFvnvcGAtsvsA4Wq3.app2
PROMOTING GOODS EXPORTS OF ENTERPRISES IN HANOI CITY
• Ph.D BUI THI HOANG LAN
Faculty of Environment, Climate Change and Urban Studies
National Economics University
ABSTRACT:
This study analyzes the characteristics of Hanoi’s exports over the past few years. The study also explores the current performance of exporting companies located in Hanoi. It shows that Hanoi’s exports is facing some challenges. For example, Hanoi has not had new large-scale foreign investment factors in order to make a fundamental impact on the city’s production and exports; the city’s logistics system is still underdeveloped with many limitations; the city’s market forecasts are not effective, etc. Based on these findings, some solutions are proposed to help the city increase its exports of goods.
Keywords: goods exports, production, enterprise, Hanoi.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]