Đưa Hiệp định EVFTA đến gần hơn với doanh nghiệp, người dân

Sắp tới, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức được phê chuẩn, do vậy việc chuẩn bị cho tiến trình này là rất quan trọng, đòi hỏi các bên liên quan, không chỉ Chính phủ, các Bộ, ngành mà còn các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân cũng phải được cung cấp thông tin, tìm hiểu, tiếp cận đến tất cả các nội dung quan trọng của Hiệp định.

Phổ biến rộng rãi nội dung Hiệp định EVFTA

Nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về Hiệp định EVFTA,  ngày 28/8/2019, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - Các cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý”.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và thành phố Hải Phòng hiểu về tầm quan trọng và sự tác động của Hiệp định EVFTA đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua đó phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

bộ trưởng trần tuấn anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không chỉ Chính phủ, các Bộ, ngành mà còn các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân cũng phải được cung cấp thông tin, tìm hiểu, tiếp cận đến tất cả các nội dung quan trọng của Hiệp định EVFTA

Mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, EVFTA là một Hiệp định quan trọng với Việt Nam. EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Đây là FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất tính đến nay và cũng là FTA đầu tiên của EU với một quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế, tham gia EVFTA các doanh nghiệp được hưởng lợi về ưu đãi thuế quan cũng như môi trường đầu tư.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, với EVFTA, nếu được tổ chức thực thi sớm từ đầu năm 2020 thì tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam - EU, đặc biệt là tiềm năng xuất khẩu sẽ được tăng lên nhanh chóng, có thể đạt mức 22% trong năm 2020 và tăng lên 44% và cao hơn nữa vào 2025 và những năm tiếp theo.

hiệp định evfta
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đồng chủ trì Hội nghị 

Trong ngắn hạn và cả trong dài hạn, EVFTA cùng với 11 Hiệp định thương mại tự do khác mà chúng ta đã ký kết cũng như một số hiệp định đang tiếp tục đàm phán sẽ trở thành công cụ để Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia nhập, tham gia vào chuỗi giá trị.

Đặc biệt là việc tham gia vào những chuỗi giá trị mới sẽ xuất hiện, hình thành thông qua quan hệ đối tác giữa Việt Nam với các nước trong Liên minh châu Âu, với các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và trong cả CPTPP...

Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, việc chuẩn bị cho tiến trình sắp tới khi hiệp định được phê chuẩn là công việc quan trọng, đòi hỏi tất cả các bên liên quan, không chỉ Chính phủ, các Bộ, ngành mà còn các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân cũng phải được cung cấp thông tin, tìm hiểu, tiếp cận đến tất cả các nội dung quan trọng của Hiệp định.

Đây là lần đầu tiên, sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về Hiệp định EVFTA nói riêng và các Hiệp định thương mại tự do nói chung được tổ chức tại địa phương, do vậy, Bộ Công Thương rất trân trọng và đánh giá cao sự hỗ trợ ủng hộ tích cực của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo các địa phương Hải Phòng, Hải Dương đã hỗ trợ Bộ Công Thương tổ chức hội nghị này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Hiệp định EVFTA
Ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định, Hiệp định EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng có cơ hội được tiếp cận những thị trường công nghệ thiết bị dây chuyền kỹ thuật cao từ các nước EU

Cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Xuân Ký - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, Hiệp định EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng có cơ hội được tiếp cận những thị trường công nghệ thiết bị dây chuyền kỹ thuật cao từ các nước EU.

Cùng với đó, năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, môi trường đầu tư mở hơn tạo thuận lợi, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ các nước EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là đối với tỉnh Quảng Ninh đang có nhu cầu rất lớn thu hút các dòng vốn đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đang được triển khai xây dựng.

EU quan tâm đến sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại trong EVFTA

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về SHTT và vì vậy cũng là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA.

Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền, đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.

hiệp định EVFTA
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, sở hữu trí tuệ là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA

Do vậy, để đảm bảo thực thi có hiệu quả các cam kết trong EVFTA, bên cạnh việc nội luật hóa các cam kết của EVFTA, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT.

Đáng chú ý, trong EVFTA, công tác xúc tiến thương mại cũng được các bên tham gia quan tâm, chú trọng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan ở Hiệp định này mang lại lợi ích to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử...

Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuật...

Đây đều là các mặt hàng mà Việt nam có thế mạnh, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU. 

xúc tiến thương mại trong evfta
Ông Vũ Bá Phú chia sẻ công tác xúc tiến thương mại trong Hiệp định EVFTA

Theo ông Vũ Bá Phú, hiện nay, Cục đang triển khai nhiều chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ EVFTA mang lại, đẩy mạnh giao thương, phát triển xuất khẩu sang thị trường EU như: cung cấp thông tin XTTM thị trường và ngành hàng; nâng cao năng lực XTTM cho các tổ chức XTTM Việt Nam và doanh nghiệp; tư vấn, thiết kế phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...

Thông tin về cơ hội của một số ngành khi Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, giày dép là ngành có lợi thế nhất, được giảm thuế nhiều nhất và quy tắc xuất xứ không quá khắt khe. Dệt may được giảm thuế hơn 10% nhưng phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của sợi, vải.

"Đây là điểm nghẽn của dệt may Việt Nam" - ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh. Đối với ô tô, cả hai bên đều bảo hộ khá lâu với mức thuế cao. Cơ hội xuất khẩu chủ yếu đối với phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy và xe máy nguyên chiếc dung tích 50-250cc...

hiệp định evfta
Hội nghị đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các Sở, ban, ngành tại tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, cũng như đại diện các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực

Sau phần trình bày của các các thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ và chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên lề sự kiện, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có phần thảo luận sôi nổi và hiệu quả về các nội dung cam kết, giúp tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu về EVFTA.

Đây cũng là cơ hội để các hiệp hội, ngành hàng địa phương thể hiện góc nhìn của mình, xác định những thách thức, trở ngại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định EVFTA mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của địa phương.

Hạ An