Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành môn kế toán trong kỷ nguyên công nghệ số

ThS. NGUYỄN THỊ HOÀN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thực tế, sinh viên nói chung và sinh viên ngành Kế toán nói riêng khi mới ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của tuyển dụng để tự tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố hàng đầu, có yếu tố quyết định đó là sự trang bị kiến thức chuyên ngành gắn liền với nhu cầu thực tế. Bài viết đã nêu rõ sự cần thiết phải tăng cường giảng dạy thực hành nghiệp vụ kế toán gắn với nhu cầu xã hội, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành môn kế toán trong kỷ nguyên công nghệ số.

Từ khoá: phương pháp giảng dạy kế toán, kỷ nguyên số, công tác kế toán.

1. Đặt vấn đề

Thực tiễn hiện nay, công tác đào tạo kế toán ở các trường đại học (ĐH) mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo chuyên sâu về nội dung lý thuyết các chuẩn mực kế toán (VAS), các nguyên tắc cơ bản về kế toán, chưa có nhiều chương trình về thực hành cũng như chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường học và các doanh nghiệp (DN), thực hành chưa thực sự gắn liền với thực tiễn DN. Điều đó khiến cho các sinh viên thiếu môi trường thực tế và thiếu khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Sinh viên khi mới ra trường gặp không ít khó khăn, trở ngại để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, việc tăng cường học các học phần thực hành và nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành kế toán tại các cơ sở đào tạo ĐH chuyên ngành kế toán theo hướng đáp ứng với những yêu cầu của kỷ nguyên công nghệ số là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn cao.

2. Tác động của kỷ nguyên công nghệ số đến công tác kế toán

2.1. Cơ hội của ngành Kế toán trong kỷ nguyên công nghệ số

Kỷ nguyên công nghệ số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đời sống, kinh tế, xã hội và có sức lan tỏa nhanh chóng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghệ gắn liền với những đột phá vượt bậc, những phát minh mới về công nghệ với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ Blockchain, vạn vật kết nối,… Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động lớn đến lĩnh vực kế toán, với các ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép lưu trữ một lượng lớn thông tin kế toán và không bị giới hạn về bộ nhớ. Công nghệ Blockchain liên kết tất cả các dữ liệu của bộ phận tài chính - kế toán lại với nhau giúp công tác quản lý kế toán dễ dàng hơn và không cần nhiều nhân lực kế toán. Mạng internet giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.

2.2. Thách thức đặt ra đối với cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành Kế toán

Thứ nhất, cần tích cực trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ thuật số và các kỹ năng khác có liên quan để đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0.

Thứ hai, vấn đề việc làm và thất nghiệp là hiện tượng phổ biến của quá trình công nghiệp 4.0 và nhất là thời kỳ đầu khi lực lượng lao động chưa thích ứng với điều kiện mới của công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động giữa các lĩnh vực. Người máy bắt đầu thực hiện các công việc phổ thông thay cho con người. Công việc kế toán cũng có thể bị thay thế một phần bởi các rô-bốt thông minh.

Thứ ba, chương trình đào tạo hiện nay chưa linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế của thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo cần thực hiện hoạt động đào tạo theo hai hướng: một mặt phải đáp ứng tính định hướng xã hội (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành), mặt khác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu phương pháp đào tạo cần thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số. Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, số hóa bài giảng… sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai.

Thứ năm, internet đã từng bước làm chuyển đổi hoạt động đào tạo từ “teaching” sang “coaching”. Điều này sẽ thúc đẩy đội ngũ giáo viên phải va chạm thực tế để có thể hướng dẫn người học giải quyết từng trường hợp cụ thể trong thực tiễn, dựa trên nền tảng kiến thức đã được trang bị; góp phần tăng tính thực tiễn cho người học để có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

2.3. Sự cần thiết phải tăng cường giảng dạy thực hành nghiệp vụ kế toán

Hiện nay, ngành Kế toán dù có nguồn cung cao, nhu cầu nhiều nhưng sinh viên kế toán tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành nghề trong khi nhân sự kế toán của doanh nghiệp vẫn thiếu hụt. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc đào tạo kế toán không được quy hoạch tổng thể gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần thiết phải tăng cường thực hành nghiệp vụ kế toán vì một số lý do như sau:

Một là, nhìn vào thực trạng đào tạo ngành Kế toán hiện nay, có thể đánh giá: “Nội dung môn học vẫn còn nặng về lý thuyết thuần túy. Mặc dù, trong những năm gần đây nhiều trường đại học, học viện đã có những đổi mới tích cực trong phương pháp giảng dạy theo hướng giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thực hành và giờ tự học của sinh viên. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này còn thấp, vì cơ sở vật chất và kinh phí của các trường còn hạn chế. Mặt khác, sự liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp để sinh viên đi thực tập tốt nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thời gian thực tập ít, thậm chí chỉ là hình thức”.

Hai là, ở  Việt Nam hiện nay, ước tính trên 80% doanh nghiệp đã sử dụng các phần mềm kế toán, ngay cả những doanh nghiệp chưa sử dụng phần mềm kế toán, các kế toán viên đa số cũng được trang bị máy tính và sử dụng Excel trong công việc, nhưng trong giảng dạy, đa số các cơ sở đào tạo lại tách biệt việc trang bị kiến thức, kỹ năng kế toán và việc áp dụng công nghệ. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ vào học tập rất hạn chế. Đào tạo tại các cơ sở mang nặng về lý thuyết mà chưa gắn với thực hành nghề nghiệp.

Ba là, đào tạo nghiệp vụ kế toán xuất phát từ yêu cầu thị trường đào tạo nghề nghiệp. Có thể khẳng định, trong quá trình cạnh tranh khốc liệt này việc tăng cường thực hành nghề nghiệp, đưa người học đến gần với thực tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu, để các cơ sở đào tạo kế toán tồn tại và phát triển.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành môn kế toán trong kỷ nguyên công nghệ số

3.1. Giải pháp đối với giảng viên

Thứ nhất,​​ đổi mới về phương pháp và phương tiện giảng dạy: Phương pháp giảng dạy mới, đào tạo nghiệp vụ kế toán theo hướng lấy người học làm trung tâm (Dạy những gì người học cần chứ không phải là dạy những gì mà cơ sở đào tạo có khả năng thực hiện). Điều này mang lại tính chủ động, sáng tạo cho người học trong việc tiếp thu kiến thức kỹ năng.

Để làm được điều này, đòi hỏi người dạy phải thật sự tâm huyết, năng động và sáng tạo, phải thay đổi tư tưởng trong cách dạy, không chỉ là một người truyền đạt kiến thức mà còn là người chia sẻ các phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học và cách tìm tòi kiến thức; giúp người học phát huy được khả năng tự nghiên cứu, tự học của bản thân; Giảng viên từ người truyền đạt các kiến thức trở thành người giúp sinh viên thay đổi kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và cập nhật kiến thức.

Thứ hai, đào tạo kế toán theo hướng tăng cường thực hành: Giải pháp này mang lại nhiều lợi ích tích cực cho các đối tượng liên quan, gồm:

Đối với người học: Sinh viên khi tốt nghiệp sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về lý thuyết, thực hành, thực tế công việc, biết được nhu cầu của doanh nghiệp. Những quy định của pháp luật về kế toán, thuế, phần mềm kế toán.

- Đối với nhà trường - cơ sở đào tạo kế toán: Tạo sự đột phá trong đào tạo, gắn liền giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, thực tế đảm bảo được chất lượng đào tạo theo tuyên bố chuẩn đầu ra của ngành kế toán doanh nghiệp, sẽ khẳng định được uy tín, thương hiệu của nhà trường.

- Đối với doanh nghiệp: Dễ dàng hơn trong việc lựa chọn nhân sự kế toán đáp ứng nhu cầu công việc. Doanh nghiệp giảm bớt chi phí đào tạo và hạn chế tình trạng “cầm tay chỉ việc”, đáp ứng mục đích của đơn vị là tuyển nhân sự vào làm việc chứ không phải tuyển nhân sự vào học việc.

Thứ ba, giảng viên cần chuẩn bị chu đáo nội dung giảng dạy thực hành: soạn giáo án chi tiết theo đề cương, lập kế hoạch giảng dạy chi tiết, mục tiêu kết quả cần đạt được và quy định hình thức kiểm tra kết quả thực hành của sinh viên. Đối tượng sinh viên phong phú với nhiều mức độ tiếp thu khác nhau, cần thiết kế giáo án phù hợp để phát huy tính chủ động của sinh viên. Phải chuyển đổi cách học từ “nhớ” sang “học để hiểu” và “học để vận dụng”.

Thứ tư, áp dụng phương pháp giảng dạy thực hành nghiệp vụ kế toán trên Bộ số liệu thực hành thực tế tại doanh nghiệp mang tính hệ thống, tổng hợp cao kết hợp với việc ứng dụng phần mềm kế toán, phần mềm hỗ trợ kê khai thuế trong xử lý bài tập tình huống, chia nhỏ nội dung thực hành và tìm sự hỗ trợ từ sinh viên khá - giỏi.

Thứ năm, giảng dạy theo mô hình kế toán ảo gần với mô hình thực tế của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán và sinh viên sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm hỗ trợ kê khai thuế để thực hiện các yêu cầu từ việc xử lý chứng từ cho đến việc đưa ra các báo cáo tài chính, báo cáo thuế.

3.2. Về phía bộ bộ môn, khoa và nhà trường

Để có thể thực hiện được các giải pháp trên đáp ứng nhu cầu của xã hội cần sự chung tay hỗ trợ từ phía bộ môn, khoa và nhà trường, như:

- Xây dựng các chương trình giảng dạy thực hành nghiệp vụ Kế toán, phải gắn với nhu cầu về nghề nghiệp của xã hội. Giảm thời gian, thời lượng các học phần giáo dục đại cương để tăng thêm thời gian học tập các học phần chuyên ngành, học phần thực hành.

- Nhà trường cần trang bị phương tiện, cơ sở vật chất như máy tính, phần mềm kế toán, máy chiếu, phòng học,... để nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần thực hành. Đồng thời, tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề, seminar trao đổi kinh nghiệm cách thức tổ chức tiết học thực hành hiệu quả. Lắng nghe nguyện vọng của sinh viên, giảng viên để có hướng điều chỉnh phù hợp nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần thực hành.

- Nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành nghiệp vụ kế toán phải song hành với việc nâng cao chất lượng của cán bộ giảng dạy kế toán, theo hướng gắn với kỹ năng nghề nghiệp thực tế.

- Thực hiện liên kết chặt chẽ với khối doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động nhằm nhìn ra hướng đào tạo thiết thực, theo nhu cầu xã hội.

4. Kết luận

Kỷ nguyên công nghệ số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với lĩnh vực kế toán - kiểm toán, quy trình tự động hóa có thể sẽ thay thế bộ phận tài chính - kế toán trong nhiều công việc kế toán đã chuẩn hóa. Kỷ nguyên công nghệ số cũng đặt ra thách thức để ngành Giáo dục phải thay đổi phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Trường đại học cần phải mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục. Bên cạnh đó, sinh viên cũng phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng, năng lực, có kiến thức thực tế đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời đại công nghiệp 4.0.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Khánh Đức, 2013, Lý luận và Phương pháp dạy học hiện đại, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  2. Dương Thị Ngọc Bích (2020), Một số vấn đề xung quanh việc giảng dạy thực hành kế toán trong thời đại công nghiệp 4.0. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-van--de-xung-quanh-viec-giang-day-thuc-hanh-ke-toan-trong-thoi-dai-cong-nghiep-40-71250
  3. Hồng Hạnh (2011), Nhiều bất cập trong đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán. Truy cập tại https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhieu-bat-cap-trong-dao-tao-nganh-ke-toan-kiem-toan-1320733088.htm
  4. Đức Minh (2018), Kế toán Việt Nam nắm bắt thời cơ trong thời công nghệ số. Truy cập tại: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2018-09-06/ke-toan-viet-nam-nam-bat-thoi-co-trong-thoi-cong-nghe-so-61687.aspx
  5. Trường Thịnh (2021), Cơ hội nào cho kế toán trong cuộc cách mạng 4.0. Truy cập tại: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/co-hoi-nao-cho-nganh-ke-toan-trong-cuoc-cach-mang-40-2021040410185863.htm
  6. Một số website: vacpa.org.vn, aum.edu.vn.

Solutions to improve the quality of teaching and practicing accounting knowledge in the digital era

Master. Nguyen Thi Hoan

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

In fact, there are many factors affect the job hunting of fresh graduates in general and accounting graduates in particular and they need to meet job requirements to take right jobs. One of the decisive factors affecting the job search is whether students have specialized knowledge associated with practical needs or not. This paper highlights the need for teaching and practicing accounting knowledge associated with practical needs. The paper also proposes some solutions to improve the quality of teaching and practicing accounting knowledge in the digital era.

Keywords: accounting teaching methods, digital era, accounting work.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]