Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo gia nhập thị trường - thực trạng pháp luật và giải pháp

Dương Hiểu Phong (Trường Đại học Luật Hà Nội)

Tóm tắt:

Bài viết trình bày quan niệm và dấu hiệu của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, bài viết cũng nêu thực tiễn pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn gia nhập thị trường để tìm ra một số hạn chế cần khắc phục. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn gia nhập thị trường.

Từ khóa: khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, gia nhập thị trường.

1. Đặt vấn đề

Kết luận tại cuộc đối thoại với thanh niên khởi nghiệp tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: “Nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là thể hiện lòng yêu nước, làm cho quốc phú, dân cường. Khởi nghiệp sẽ là một con đường biến ước mơ của bản thân thành hiện thực, đồng thời góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của toàn dân tộc.” Khẳng định trên đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ, cũng như thái độ tích cực của Nhà nước ta đối với vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) là tiền đề quan trọng để tạo ra năng lực cạnh tranh nhằm đạt được sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hội nhập hóa quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST), đặt ra những yêu cầu cấp thiết về xây dựng chính sách, hệ thống pháp luật để hỗ trợ và quản lý nhóm DN này, đặc biệt là giai đoạn gia nhập thị trường để đảm bảo phát triển kinh tế thị trường bền vững, tăng cường tính cạnh tranh của DN.

2. Quan niệm và dấu hiệu của DNKNST

Với góc độ tiếp cận của Việt Nam về “khởi nghiệp” có phần nghiêng theo nghĩa là tự khởi sự kinh doanh với mục đích chủ yếu là tạo việc làm và tăng thu nhập thay vì hướng tới ý nghĩa phổ biến là một ngành kinh tế sáng tạo trên thế giới. Định nghĩa “Startup” trên thế giới thực tế chính là định nghĩa “khởi nghiệp sáng tạo” của Việt Nam. Theo đó, KNST là việc kết hợp quá trình khởi nghiệp truyền thống thuần túy với việc áp dụng khoa học công nghệ, trình độ kĩ thuật cao để tạo ra hình thức kinh doanh mới, tạo ra sản phẩm khác biệt có giá trị cao và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Ở góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam quy định, định nghĩa DNKNST tại khoản 2, Điều 3, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017 như sau: “DNNVV KNST là DNNVV được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.” Nếu bỏ qua yếu tố nhỏ và vừa, DNKNST theo Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 được xác định theo 3 tiêu chí: (i) Một là, tư cách pháp lý phải là DN thành lập hợp pháp; (ii) Hai là, về hoạt động, phải dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới; (iii) Ba là, về triển vọng, phải có tính đột phá, tăng trưởng nhanh.

Như vậy, DNKNST được định nghĩa là DN được thành lập hợp pháp để thực hiện ý tưởng dựa trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Các DN này có khả năng tăng trưởng nhanh do có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

* Dấu hiệu của DNKNST:

Thứ nhất, DNKNST luôn mang tính đột phá và sáng tạo: đặc điểm dễ nhận biết nhất của DNKNST là khi tốc độ tăng trưởng DN cao dựa vào sự sáng tạo và tiềm năng, với những ý tưởng kinh doanh mang tính đột phá và sáng tạo; Giá trị của trí tuệ và sáng tạo là vô cùng to lớn, góp phần tạo sự đột phá và quyết định khả cạnh tranh của DNKNST trong điều kiện nhóm DN này còn hạn chế về nhiều mặt như: vốn, trang thiết bị,...

Thứ hai, tiềm năng và mục tiêu tăng trưởng: Khác với DN truyền thống, sự tăng trưởng nhanh chóng là một điều kiện bắt buộc. Một khi tăng trưởng nhanh, DNKNST sẽ tạo ra những lợi nhuận mới, là nguồn động lực cũng như là nguồn tái đầu tư, khiến cho DN cố gắng nhân rộng mô hình, vươn ra khu vực và thế giới. Cũng chính vì mục tiêu tăng trưởng này nên các DNKNST thường năng động, sáng tạo và linh hoạt hơn so với những DN truyền thống.

Thứ ba, về vốn đầu tư: Khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, các DNKNST bắt đầu từ chính nguồn tài chính của người sáng lập, gia đình, bạn bè hay từ các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Thứ tư, tính rủi ro cao: DNKNST thông thường là các DN “sớm nở tối tàn”, còn “non trẻ”, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, nhóm DN này rất khó tiếp cận với các nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm trong quản lý điều hành, phát triển DN; cùng với đó, DNKNST gắn liền với tính mới của khoa học công nghệ nên tính rủi ro, sự thất bại trong khởi nghiệp rất cao.

Thứ năm, về mô hình kinh doanh: Không giống như mục tiêu các DN truyền thống là doanh thu, mục tiêu ưu tiên của DNKNST là đi tìm mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường và hoạt động hiệu quả nhất. Để làm được điều đó, DNKNST phải không ngừng cải tiến, thử nghiệm những cách làm mới. Việc có được một mô hình hiệu quả trong vận hành, quản lý và kinh doanh sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thứ sáu, về đội ngũ nhân sự: Đa phần các DNKNST với quy mô còn nhỏ, do đó số lượng nhân sự chưa nhiều, thậm chí một người phải đảm nhiệm nhiều công việc. Phần lớn nhóm DN này không có đội ngũ hành chính hay pháp lý chuyên biệt dẫn đến việc thực hiện các thủ tục khởi sự sẽ gặp nhiều khó khăn.

3. Thực tiễn pháp luật hỗ trợ DNKNST trong giai đoạn gia nhập thị trường

Đối với những DNKNST mới, trong giai đoạn gia nhập thị trường, điều quan trọng nhất đối với DN là thủ tục đăng ký thành lập DN và thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện nay, công cuộc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam khi thực hiện cắt giảm, loại bỏ hàng loạt TTHC trên hầu hết các lĩnh vực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

Các bước đăng ký DN được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký DN. Nghị định 01 đã quy định chi tiết TTHC đăng ký thành lập DN, hồ sơ đăng ký thành lập DN đối với từng loại hình DN khác nhau. Đặc biệt, Nghị định 01/2021/NĐ-CP còn quy định về việc đăng ký thành lập DN thông qua mạng thông tin điện tử.

Ngoài thủ tục đăng ký thành lập DN, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư cũng là một trong những TTHC được các DNKNST quan tâm nhất hiện nay. Đặc thù của nhóm DN này là cần phải gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư muốn đầu tư, họ phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn (hình thức đầu tư thường theo hình thức góp vốn để thành lập DN).

Nếu DN nộp đầy đủ và không bị yêu cầu thay đổi, bổ sung thông tin, DN sẽ nhận được Giấy chứng nhận thành lập DN sau 3 ngày làm việc, cũng như Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày. Quy định của pháp luật là như vậy, thế nhưng có tới 73% DN cho rằng rào cản liên quan đến cơ chế chính sách do thủ tục rườm rà, gây mất thời gian; 46% cho rằng do chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước; 36% cho rằng do sự thay đổi đột ngột và bất định về chính sách…[1] Nhiều DN muốn nhận được các giấy chứng nhận trên phải chờ nhiều tháng đến hàng năm.

Ngoài ra, DNKNST vẫn còn phải đối mặt với hàng loạt các TTHC khác như thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; thủ tục nộp thuế; thủ tục xuất khẩu hàng hóa, thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, giấy phép thiết lập website,… Khi thực hiện các thủ tục này, các DN phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ và phải nộp tại nhiều các cơ quan hành chính khác nhau, mất thời gian và là nguyên nhân khiến nhiều DNKNST mất đi cơ hội.

Không những thế, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương còn yếu. Tình trạng quy định các TTHC trong văn bản Luật vẫn mang tính chất chung chung, không rõ ràng dẫn đến bất cập trong việc cấp dưới còn ban hành các quy định về các giấy phép “con”, “cháu” và cứng nhắc trong giải quyết vướng mắc cho DN. Đặc biệt là chưa có cơ quan chịu trách nhiệm về giải quyết vấn đề vướng mắc như về thủ tục, hồ sơ, pháp lý,... cho DN. Hiện tượng “đùn đẩy” giữa các cơ quan nhà nước vẫn diễn ra thường xuyên qua việc nhiều DN hiện nay muốn thực hiện một hoạt động nào phải xin ý kiến của rất nhiều các cơ quan nhà nước quản lý có liên quan, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện TTHC cho DN, nhà đầu tư. Nếu có sự phối hợp thường xuyên, kịp thời giữa các cơ quan, thống nhất đầu mối trong công tác quản lý, hỗ trợ DN, sẽ giúp các DN và các địa phương tập trung nguồn lực, đồng thời tạo sự phối hợp chặt chẽ khi xác định rõ trách nhiệm ở từng khâu công việc, từng cá nhân, cơ quan, đơn vị.

Đặc thù của DNKNST là luôn thay đổi, thử nghiệm mô hình, tận dụng cơ hội và thời gian nhanh nhất có thể để bứt phá phát triển. Nếu các TTHC ban đầu quá nặng nề sẽ trở thành rào cản rất lớn cho các DNKNST để bắt đầu kinh doanh. Do đó, thay vì mất thời gian thực hiện rất nhiều TTHC mà đáng lẽ phải dành cho việc phát triển sản phẩm, nhiều DN đã chọn giải pháp chuyển dịch sang hoạt động tại các quốc gia khác có thể hỗ trợ tối đa cho DNKNST, tối giản các TTHC - dẫn đến hiện tượng chảy máu khởi nghiệp. Ví dụ như ở Singapore chỉ mất có 2 ngày để thành lập DN và tiền nhà đầu tư rót vốn vào DN đó chỉ trong vòng 1 tháng tính từ khi thành lập DN . Còn ở Việt Nam, các nhà đầu tư từng đầu tư về Việt Nam phải mất 8 tháng mới hoàn thiện xong các TTHC.[2]

4. Đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật hỗ trợ DNKNST trong giai đoạn gia nhập thị trường

Thứ nhất, xây dựng cơ sở pháp lý riêng về hỗ trợ DNKNST. Trước tiên, cần đưa ra định nghĩa rõ ràng, cụ thể và đầy đủ nhất về DN khởi nghiệp hay DNKNST. Những định nghĩa về DN khởi nghiệp hay DNKNST vẫn chưa đủ và cũng chưa bám sát được tình hình thực tế của DN khởi nghiệp Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những DNKNST, vẫn có những DN khởi nghiệp thông thường hay vẫn có những DNKNST không thuộc khối DNNVV. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc thù dành riêng cho khối DNKNST; sửa đổi, bổ sung những chính sách hỗ trợ cho DNKNST sao cho phù hợp với thực tế, phải nhất quán, tránh chồng chéo và đáp ứng được nhu cầu chính đáng của DN. Theo đó, nếu có quy định cụ thể, rõ ràng và đầy đủ về định nghĩa, đặc điểm và loại hình DNKNST với quy mô như thế nào thì sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ sẽ giúp cho các DN và cơ quan nhà nước tránh gặp lúng túng khi thực hiện áp dụng pháp luật.

Thứ hai, cải cách TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DNKNST. Cải cách TTHC theo hướng rút gọn thời gian xử lý, đơn giản hóa các TTHC dành cho đối tượng DNKNST và các đối tượng liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hỗ trợ KNST tốt nhất đó là tiếp tục gỡ bỏ những giấy phép con, những quy định và TTHC bất hợp lý tạo ra rào cản và gánh nặng kinh doanh cho DN. Cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương ban hành văn bản quy định và hướng dẫn về việc thực hiện hỗ trợ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì việc tổ chức thực hiện các thủ tục gia nhập thị trường hoàn toàn có thể quy định về quy trình đăng ký rút gọn, tư vấn miễn phí khi thực hiện quy trình này dành riêng cho các DNKNST; phối hợp với Bộ Tài chính để quy định trường hợp giảm phí, lệ phí đối với chủ thể đăng ký là DNKNST. Tương tự, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan quản lý về bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ, có thể quy định về quy trình rút gọn cho đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ của DNKNST, phối hợp với Bộ Tài chính để quy định trường hợp miễn/giảm phí đăng ký ban đầu, phí duy trì bảo hộ hàng năm cho các DNKNST.

Thứ ba, phân công, phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể có thẩm quyền trong công tác thực hiện pháp luật về hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DNKNST. Thẩm quyền, trách nhiệm các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNKNST phải được phân định rõ ràng, tránh chồng chéo lẫn nhau. Việc này cũng sẽ giúp kịp thời sửa chữa và quy trách nhiệm khi xảy ra sai phạm, khắc phục được tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm - một hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Với vấn đề bất cập này, Nhà nước nên nghiên cứu xây dựng cơ chế “một cửa” để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề trên - tương tự như bộ phận, trung tâm “một cửa” giải quyết các TTHC. Với quy định rõ ràng như vậy, các DNKNST sẽ dễ dàng tìm đến đúng đầu mối để giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình gia nhập thị trường và trong hoạt động kinh doanh - sản xuất.

Thứ tư, trong bối cảnh công nghiệp hóa,hiện đại hóa ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải sáng tạo, đổi mới phương thức quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng khoa học công nghệ. Cập nhật đồng bộ các dữ liệu, đổi mới cách thức quản lý hiệu quả, đồng nghĩa với việc sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả DN và cơ quan nhà nước. Các cơ quan quản lý cũng có thể xây dựng phương án tích hợp nhiều thông tin khác về DN như tên, mã số DN, mã số thuế, lĩnh vực kinh doanh, tiểu sử hoạt động, năng lực sản xuất, nghĩa vụ thuế, tình hình tài chính, kế hoạch tương lai,... đặc biệt là “điện tử hóa” tất cả các TTHC. Theo đó, việc tra cứu, phân loại DN để phù hợp với các chính sách, cơ chế hỗ trợ khác nhau sẽ dễ dàng hơn, rút ngắn được thời gian và chi phí cho nhà nước và cả DN khi khắc phục được tình trạng chuẩn bị rất nhiều bộ hồ sơ và phải nộp tại nhiều các cơ quan hành chính khác nhau; điều này cũng tăng hiệu quả quản lý nhà nước tiến tới “Chính phủ điện tử” khi hạn chế tối đa việc thực hiện TTHC, lưu trữ hồ sơ dưới dạng truyền thống.

Thứ năm, nâng cao chất lượng, năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật hỗ trợ DNKNST. Việc các DNKNST có thể gia nhập thị trường dễ dàng, nhanh chóng và đúng pháp luật cũng phụ thuộc nhiều vào những cầu nối then chốt, vô cùng quan trọng là các cán bộ, công chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực hỗ trợ DNKNST. Do đó, việc hoàn thiện và nâng cao về trình độ, năng lực, tổ chức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong việc hỗ trợ DNKNST hết sức cấp thiết. Hơn nữa, cần phải loại bỏ thái độ thờ ờ, nhũng nhiễu và đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước trên toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương khi tham gia hoạt động quản lý, hỗ trợ DNKNST. Ngoài ra, cũng cần có những chế tài xử lý cụ thể, nghiêm khắc đối với các hành vi trái pháp luật, nhiễu sách của cán bộ, công chức làm việc trực tiếp với DN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Xuân Tùng (2019). Khởi nghiệp “nghẽn” vì thủ tục hành chính. Truy cập tại: https://www.daibieunhandan.vn/khoi-nghiep-nghen-vi-thu-tuc-hanh-chinh-430819.
  2. Minh Hạnh (2017). Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chật vật với thủ tục hành chính. Truy cập tại: https://baoquangninh.com.vn/doanh-nghiep-khoi-nghiep-sang-tao-chat-vat-voi-thu-tuc-hanh-chinh-2367493.html.
  3. Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

POLICIES ON SUPPORTING STARTUPS TO ENTER THE MARKET IN VIETNAM: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Duong Hieu Phong

Hanoi Law University

Abstract:

This paper presents the concepts and signs of an innovative startup. In addition, the paper also outlines policies on supporting startups to enter the market and points out shortcomings of these policies. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve the effectiveness of policies on supporting startups to enter the market.

Keywords: startup, innovative startup, entering market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]