Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, bán hàng ra nước ngoài

Với vô vàn tính năng nhưng tính năng nổi bật nhất, ưu việt nhất của TMĐT là gia tăng khả năng tiếp thị, bán hàng ra nước ngoài.
Thương mại điện tử
Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương

Cách đây mấy năm, Unicharm - thương hiệu của Nhật Bản về chăm sóc phụ nữ, trẻ em mở kênh kinh doanh online tại Việt Nam. Thời gian đầu Unicharm gặp nhiều khó khăn, nhất là quản lý giá trên hai kênh bán hàng online và offline. Sau đó, Unicharm hợp tác với sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, tiếp nhận sự hỗ trợ qua các bộ công cụ vận hành, tiếp thị, bán hàng, quản lý dữ liệu, nên đến nay, Unicharm đã “sống khỏe”,  doanh số qua Shopee chiếm đến 50% trong doanh số từ TMĐT của Unicharm.

Đến nay, kênh bán hàng trực tuyến đã khá phổ biến. Đại dịch Covid -19 đã “đẩy” người tiêu dùng tiếp cận với phương thức mua hàng online. Về phía doanh nghiệp, xu hướng bán hàng đa kênh ngày càng thắng thế, từ bán hàng trực tiếp, gửi hàng qua siêu thị, đến lập website bán online rồi bán hàng qua sàn TMĐT.

Nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là bán hàng qua sàn TMĐT. Vì lập website riêng có chi phí đầu tư và duy trì cao, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tài chính và nhân sự để làm. Hơn nữa, số doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, đủ uy tín thuyết phục người tiêu dùng mua online không nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp phải nhờ vào uy tín của sàn TMĐT để bán hàng.

Những sàn TMĐT được doanh nghiệp tạo tài khoản bán hàng nhiều nhất là Lazada, Zalora, Shopee, Sendo, Tiki, Chodientu, Zanado…

Cái lợi của doanh nghiệp lên sàn là được tập huấn, hỗ trợ công cụ từ khóa giúp sản phẩm của thương hiệu được ưu tiên xuất hiện ở trang Google kết quả tìm kiếm; được hưởng dịch vụ logistics chuyên nghiệp. Cùng với đó, nhiều sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Sopee… còn cho phép doanh nghiệp tham gia tiếp thị liên kết với hàng ngàn đối tác của sàn.

Không chỉ bán hàng trong nội địa, nhiều doanh nghiệp trong nước thông qua các  sàn TMĐT như Amazon, Alibaba, Lazada… xuất khẩu hàng ra nước ngoài với giá bán cao gấp 5-8 lần giá bán trong nước. Nhưng doanh nghiệp nước ta chủ yếu là nhỏ và vừa, phần lớn không đủ nguồn lực, nhân lực, khả năng cung ứng cũng như năng lực quản lý chất lượng sản phẩm để tham gia sàn TMĐT.

Nhằm vào đối tượng này, Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM), Bộ Công Thương đã hợp tác cùng Amazon hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng đến hàng trăm nước trên sàn TMĐT. Những bước đi đầu tiên hai bên đã giúp hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo tài khoản trên Amazon, tập huấn kỹ năng tiếp cận và sử dụng TMĐT trong xây dựng thương hiệu, bán hàng xuyên biên giới.

Amazon cũng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác triệt để các tính năng  của sàn TMĐT thu hút người mua như công cụ hiển thị, công cụ từ khóa, sự phản hồi của khách hàng, hay tận dụng độ phủ quảng cáo đa nền tảng của sàn TMĐT để hiện diện ở những thị trường chủ chốt, tiếp cận với nhiều người tiêu dùng hơn.

Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình huấn luyện đào tạo giúp doanh nghiệp mở, duy trì và quản lý tài khoản trên sàn TMĐT. Cùng với tập huấn, Bộ tổ chức những buổi hội thảo theo chuyên đề từng ngành hàng đang “hot” trên sàn TMĐT như may mặc, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, trang trí nội thất, mỹ phẩm…

Mỗi buổi hội thảo đều mời đại diện các cơ quan liên quan đến hoạt động xuất khẩu gồm thuế, hải quan, vận tải, logistics và các đơn vị đã thành công trong TMĐT đến chia sẻ những kiến thức thực tế nhất, có thể ứng dụng được ngay. Nhưng TMĐT không chỉ là “sàn” chỉ để bán hàng. Với vô vàn tính năng nhưng tính năng nổi bật nhất, ưu việt nhất của TMĐT là gia tăng khả năng tiếp cận với khách hàng, tiếp thị bán hàng ra nước ngoài.

Cục XTTM đã chủ động ứng dụng TMĐT trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của dịch Covid-19. Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan XTTM nước ngoài tổ chức hàng chục hoạt động XTTM trực tuyến, gồm hội nghị giao thương trực tuyến, hội thảo trực tuyến giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác tại các thị trường như Hoa Kỳ, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Bulgaria...

Các hoạt động XTTM trực tuyến đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, duy trì quan hệ khách hàng với các đối tác nước ngoài đồng thời tiếp xúc, làm quen ban đầu với khách hàng mới, đặt nền móng ban đầu trong xây dựng quan hệ đối tác, tạo tiền đề cho hoạt động XTTM hiệu quả hơn khi tiến tới gặp gỡ trực tiếp, đàm phán đơn hàng.

Ngoài ra, Cục đang triển khai xây dựng hệ sinh thái XTTM một cách toàn diện, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của dịch Covid-19.

Hệ sinh thái này bao gồm nhiều cấu phần, nhưng phần lõi của hệ sinh thái là Cơ sở dữ liệu tập trung (CRM). Đến nay hệ thống này đã tập hợp được trên 5.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam theo từng lĩnh vực, ngành hàng. Sau đó, hệ thống cơ sở dữ liệu này được kết nối với hệ thống tham tán Việt Nam ở trên 50 nước trên thế giới, cũng như Văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài.

Mỗi khi có doanh nghiệp hay nhà nhập khẩu nào ở nước ngoài có nhu cầu thì các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài có thể vào hệ thống cơ sở dữ liệu này và hỏi, giới thiệu trực tiếp cho những doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Qua đó tiết kiệm được thời gian cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối nhanh hơn với các nhà nhập khẩu của nước ngoài hoặc các nhà xuất khẩu của nước ngoài

Hoạt động ứng dụng TMĐT vào xúc tiến thương mại không thể thay thế các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống. Nhưng chúng giúp cho các doanh nghiệp bán hàng trên thị trường nội địa cũng như xuất nhập khẩu có thể thêm một phương thức mới bổ sung cho các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống rất hiệu quả bằng cách gia tăng khả năng tiếp thị, bán hàng ra nước ngoài.

Thuận Thành