Hội nghị được thực hiện theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, kết nối với 12 điểm cầu trong nước và 60 điểm cầu chính ở nước ngoài từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng có sự tham dự của đại biểu các cơ quan bộ, ngành, các hệ thống phân phối, hợp tác xã cung ứng, doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu Việt Nam và nước ngoài từ hàng trăm điểm cầu liên kết khác.
Báo cáo kết quả hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản năm 2020, nhiệm vụ năm 2021 của tỉnh Hưng Yên cho biết, Hưng Yên là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển vùng trồng các cây ăn quả và các cây công nghiệp khác theo hướng tập trung và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng. Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh có sức cạnh tranh cao trên thị trường hiện nay như Nhãn lồng Hưng Yên, Cam Hưng Yên, Chuối tiêu hồng, Nghệ, hoa-cây cảnh...
Năm 2020, Hội nghị Xúc tiến thương mại nông sản - Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên đã mang lại kết quả rất tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nông dân, Hợp tác xã trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, với mức giá khá cao mang lại lợi nhuận cho người sản xuất.
Năm 2021, tổng diện tích trồng nhãn của toàn tỉnh lên đến 4.800ha, sản lượng ước đạt từ 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000-45.000 tấn...
Đối với các sản phẩm nông sản khác như, chuối đạt 70.020 tấn (sản lượng chuối VietGAP đạt 900 tấn); cây vải đạt trên 12.000 tấn; nghệ đạt 9.000 tấn củ; trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha trồng hoa, cây cảnh; tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 130.500 tấn…
Trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19 trên thế giới, năm 2021, nông sản tỉnh Hưng Yên hiện gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, bên cạnh những hoạt động xúc tiến truyền thống ngành Công Thương tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số ứng dụng thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, để đưa nhãn cũng như nhiều sản phẩm nông sản khác lên các trang thương mại điện tử lớn trong nước.
Ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, Hội nghị là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ cũng như kết nối sản phẩm nông sản. Đây cũng là dịp thuận lợi để khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước biết đến thương hiệu Nhãn lồng Hưng Yên đã nức tiếng từ lâu cũng như đa dạng các sản phẩm nông sản thế mạnh khác của tỉnh.
Xúc tiến tiêu thụ trực tuyến và đẩy mạnh xuất khẩu
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tương tự như Hải Dương, Bắc Giang trong mùa vải thiều vừa qua, phương thức tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử cũng được UBND tỉnh Hưng Yên và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm.
Điều này thể hiện qua các hoạt động: khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên các sàn thương mại điện tử, ký kết hợp tác hỗ trợ đưa nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử giữa Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại và 5 sàn thương mại điện tử trong đó có Postmart, Vỏ Sò, Shopee...
"Việc đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử không chỉ nhằm tiêu thụ đặc sản mang tính mùa vụ, mà kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới để người nông dân nói chung và người trồng nhãn Hưng Yên nói riêng có thêm kênh phân phối nông sản bền vững, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn", Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Khẳng định chất lượng nông sản, trong đó có trái cây tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng, ông Hồ Toả Cẩm- Tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông tin: Việt Nam là quốc gia cung cấp lớn thứ 3 trái cây tươi cho thị trường Trung Quốc. Nhiều loại nông sản của Việt Nam như thanh long, vải, nhãn được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Để nông sản Việt Nam, trong đó có nhãn của Hưng Yên hiện diện nhiều hơn tại thị trường Trung Quốc, ông Hồ Toả Cẩm đề xuất, các đơn vị chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa trong công tác thông quan cho hàng nông sản hai nước; khuyến khích doanh nghiệp uy tín của Trung Quốc đầu tư dự án chế biến nông sản tại các địa phương và Hưng Yên để nâng cao giá trị nông sản.
“Riêng Hưng Yên, tỉnh còn nhiều nông sản chất lượng tốt như mật ong, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan để xúc tiến xuất khẩu các nông sản này sang Trung Quốc” đại diện Thương vụ Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.
Chung quan điểm, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường hết sức tiềm năng đối với trái cây tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu thuận lợi hơn, ông Bùi Huy Sơn khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, mã vùng trồng, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống và trực tuyến… Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước phối hợp chặt chẽ với các nhà phân phối của Hoa Kỳ, nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hạn chế rủi ro…
Xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sản lượng thu hoạch nhãn của Hưng Yên năm nay dự kiến đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 đến 20%, trong đó hơn 60% được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đây là một tin vui với bà con nông dân tỉnh Hưng Yên, song cũng đặt ra thách thức cho việc đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc kiên trì “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vấn đề về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế, lấy thị trường trong nước làm nền tảng nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản.
“Hội nghị ngày hôm nay quy tụ sự tham gia của các cơ quan quản lý thương mại ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm của quả nhãn và nông sản Hưng Yên; đại diện các nhà nhâp khẩu; hệ thống phân phối theo kênh truyền thống và các kênh thương mại điện tử… tôi tin tưởng, những chuỗi cung ứng hiện tại sẽ được mở rộng và củng cố. Đồng thời sẽ có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành góp phần đưa nông sản của nước ta đi được xa hơn và bền vững hơn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cam kết, tỉnh luôn đồng hành cùng người nông dân vượt qua những khó khăn trong đợt dịch. Trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ có kế hoạch cụ thể phát triển chất lượng các sản phẩm nông sản nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị, hoạt động “Khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên Sàn thương mại điện tử”, chương trình Ký kết hợp tác tạo điều kiện lưu thông, tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên tại các kênh phân phối ở thị trường trong nước, sự kiện “Cắt băng xuất hành đưa nhãn lồng Hưng Yên vào các hệ thống phân phối”… đã được diễn ra nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên lề Hội nghị, tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhãn và nông sản tiêu biểu của tỉnh. Đây sẽ là điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại Nhãn lồng - nông sản của tỉnh năm 2021.