Kiểm toán hoạt động chuyển giá tại Việt Nam

THS. NGUYỄN HOÀNG GIANG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp ngày càng bị phát hiện với hậu quả nghiêm trọng như thất thu ngân sách nhà nước với quy mô rất lớn, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, gia tăng nhập siêu, mất cân bằng cán cân thương mại và cán cân thanh toán… Chống chuyển giá đã được các cơ quan chức năng nhà nước xem như một vấn đề nổi cộm cần được ưu tiên, trong đó, kiểm toán hoạt động chuyển giá chính là một cách thức hữu hiệu và không thể thiếu để phát hiện và quy kết, xử lý hoạt động chuyển giá. Bài viết khái quát thực tế kiểm toán hoạt động chuyển giá và đề xuất những biện pháp tăng cường kiểm toán hoạt động chuyển giá ở Việt Nam.

Từ khóa: chuyển giá, doanh nghiệp FDI, kiểm toán hoạt động.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các công ty xuyên quốc gia ngày càng gia tăng về số lượng, phạm vi và mức độ hoạt động. Các công ty con hoạt động ở các quốc gia khác nhau về thuế suất nên dễ có xu hướng định giá chuyển giao theo cách tăng lợi nhuận ở các công ty con có thuế suất thấp và giảm lợi nhuận ở công ty con có thuế suất cao, tổng thuế phải nộp của toàn tập đoàn do đó sẽ giảm bớt. Ngoài ra, giá chuyển giao có thể được xác định theo cách làm tăng tài sản cho công ty mẹ, hoặc tăng lợi nhuận cho công ty mẹ... tùy theo sự điều tiết của tập đoàn. Hoạt động chuyển giá có thể áp dụng đối với nhiều loại giao dịch, như: mua nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, thuê chuyên gia, thuê tư vấn, bán sản phẩm,... trong nội bộ doanh nghiệp, hay tập đoàn. Hoạt động này có thể làm sai lệch thông tin về doanh thu, chi phí, kết quả hoạt động và nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính (BCTC), đồng thời gây ảnh hưởng đến cân đối xuất nhập khẩu cũng như cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái. Việc kiểm toán đối với những giao dịch có dấu hiệu chuyển giá sẽ đánh giá tốt tính đúng đắn của giá trị trong các giao dịch, từ đó phát hiện và góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hành vi chuyển giá.

2. Thực trạng kiểm toán hoạt động chuyển giá ở Việt Nam

Trong phần này, các số liệu sử dụng được lấy từ mẫu khảo sát thực tế là các kiểm toán viên (KTV) đang làm việc trong các công ty kiểm toán quốc tế, kiểm toán nhà nước. Có 32.3% KTV nhà nước, 67.7% KTV độc lập trong tổng số 28 KTV tham gia trả lời bảng hỏi về công tác kiểm toán hoạt động chuyển giá tại Việt Nam. Đa số các kiểm toán viên được khảo sát đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán nhiều năm và hiểu biết rõ về hoạt động chuyển giá. Các KTV độc lập thuộc mẫu khảo sát đang công tác tại nhóm 4 công ty kiểm toán lớn, gồm: Deloitte Việt Nam, KPMG Limited, PwC, Ernst & Young Việt Nam. Khi được hỏi về vai trò của kiểm toán trong việc phát hiện và ngăn ngừa chuyển giá, có tới hơn 90% kiểm toán viên được hỏi cho rằng kiểm toán chuyển giá là cần thiết. Qua đó cho thấy hoạt động kiểm toán chuyển giá đóng một vai trò rất quan trọng.

Quá trình kiểm toán hoạt động chuyển giá ở Việt Nam phụ thuộc và chịu sự tác động từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội, luật pháp, điều kiện kinh tế vĩ mô, quá trình toàn cầu hóa… Sau đây là tổng hợp những điều kiện thuận lợi, khó khăn mà KTV, các công ty kiểm toán trong quá trình kiểm toán có thể gặp phải.

Thuận lợi:

- Hoạt động chuyển giá là vấn đề chung của tất cả các quốc gia có hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia, các tập đoàn, nhóm công ty, Việt Nam là quốc gia mới hội nhập, có thể học hỏi kinh nghiệm đối phó với hoạt động chuyển giá ở các quốc gia phát triển, đi trước về kiểm toán hoạt động chuyển giá; bên cạnh đó là lợi thế từ việc tham gia vào các tổ chức toàn cầu về phát triển kinh tế.

- Các cơ quan chức năng ở Việt Nam ngày càng quan tâm tới vấn đề chuyển giá, trốn thuế tạo điều kiện chính sách, hỗ trợ quá trình kiểm toán diễn ra thuận tiện nhất. Đặc biệt là Kiểm toán Nhà nước, ngày càng có quan hệ chặt chẽ với cơ quan thuế trong quá trình hỗ trợ cơ quan thuế phát hiện và xử lý tình trạng chuyển giá ở các doanh nghiệp.

- Luật pháp Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 201/2013/TT-BTC quy định về phương pháp tình giá chuyển giao giữa các công ty đa quốc gia, tập đoàn - phương pháp định giá trước APA (Advance Pricing Arrangement), đang được khuyến khích áp dụng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía các doanh nghiệp FDI. Theo Luật Quản lý thuế sửa đổi, từ ngày 1/7/2020, cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá được áp dụng ở Việt Nam.

- Đội ngũ kiểm toán viên tại Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và có trình độ chuyên môn cao hơn. Đặc biệt phải kể đến nhân sự của nhóm các công ty kiểm toán quốc tế lớn - Big4, là nhóm 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, trình độ cao, chuyên môn nghiệp vụ tốt, dày dặn kinh nghiệm đã có mặt tại Việt Nam. Cụ thể, EY có mặt tại Việt Nam năm 1992, cũng trong năm này, Deloitte cũng thành lập văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh, PWC, KPMG năm 1994.

- Ngày càng nhiều các trung tâm đào tạo chứng chỉ kế toán - kiểm toán, tài chính như ACCA, FTMS,…, cũng như nỗ lực hỗ trợ, kết hợp của các công ty kiểm toán lớn với các trường đại học tạo ra sân chơi bổ ích nhưng cũng rất cạnh tranh dành cho sinh viên các khối ngành Kế toán - Kiếm toán, Tài chính - Ngân hàng, góp phần đào tạo nên những kiểm toán viên tương lai tài năng...

- Nhiều doanh nghiệp FDI chủ động trong cuộc chiến chống chuyển giá khi cam kết sử dụng phương pháp tính giá APA, phần đấu vì một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Khó khăn:

- Nền kinh mở của Việt Nam hiện nay thu hút hàng năm một lượng lớn vốn FDI, các doanh nghiệp này thường là các “ông lớn” trên thương trường, kinh nghiệm, thủ thuật trong kinh doanh vô cùng đa dạng và phức tạp, bên cạnh đó các công ty này thường có hệ thống kế toán, chuyên gia tư vấn về quá trình định giá, chuyển giá chuyên nghiệp, những đối tượng này nắm rất rõ luật và cũng rất khéo léo vận dụng những kẽ hở của pháp luật, từ đó tạo ra những nghiệp vụ kinh tế đầy đủ chứng từ, cơ sở pháp lý nhưng có thể dễ dàng nhìn thấy điểm bất hợp lý giữa tình hình tài chính công ty với các khoản đầu tư... Có thể điểm tên nhiều doanh nghiệp FDI liên tục bỏ vốn vào đầu tư phát triển cơ sở sản xuất mới, tuy nhiên trong suốt một thời gian dài lại chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam, tiêu biểu: Coca cola, Metro, Adidas, Keangnam, Pepsico,... Chính vì vậy có thể thấy, thủ thuật chuyển giá của các doanh nghiệp trên là rất tinh vi và phức tạp, được che đậy một cách chuyên nghiệp, hợp pháp hóa những nghiệp vụ mua bán, từ đó dẫn đến khai báo lỗ liên tục nhiều năm, di chuyển lợi nhuận, trốn thuế,…

- Một khó khăn nan giải nằm ở chính các công ty kiểm toán. Như đề cập ở trên, các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn được tư vấn bởi các chuyên gia và các công ty kiểm toán trong một số trường hợp chính là các chuyên gia đó. Điều này đặt ra vấn đề là nếu các công ty kiểm toán lớn “tiếp tay” cho hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp, hợp pháp hóa chúng và che đậy một cách kín kẽ thì để phát hiện hoạt động này là vô cùng khó khăn.

- Hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào khi hoạt động kinh doanh đều phải thực hiện kiểm toán BCTC trước khi cơ quan thuế quyết toán thuế, khác với trước đây, không bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải trải qua kiểm toán mới quyết toán thuế; các công ty kiểm toán có một lượng khách hàng cực kỳ lớn, không còn phải cạnh tranh nhau gay gắt để thu hút khách hàng như trước đây, từ đó đặt ra câu hỏi “Chất lượng của các cuộc kiểm toán hiện này như thế nào?” Liệu tính độc lập, thận trọng, khách quan, trung thực và các nguyên tắc, chuẩn mực khác của kiểm toán có còn thực sự được đánh giá cao như trước…

- Các hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp chuyển giá trốn thuế ở Việt Nam hiện nay chưa tính đến trách nhiệm của các công ty kiểm toán, các KTV trực tiếp liên quan tới các khoản mục gian lận chuyển giá chính. Vì vậy, câu hỏi cần phải giải quyết lúc này chính là lợi ích của các công ty kiểm toán cũng như trách nhiệm của các công ty này khi thực hiện kiểm toán đã tương xứng hay chưa? Sự thật là nhiều doanh nghiệp sau khi được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán vẫn bị các cơ quan thuế thanh tra, truy thu thuế và xử phạt.

- Các chính sách ưu đãi về các loại thuế, ưu đãi về vốn đối với các vùng, các ngành còn chưa tính đến việc các doanh nghiệp lợi dụng chính sách này di chuyển vốn, lợi nhuận; công tác hợp tác quốc tế của Việt Nam chưa tạo nên một thị trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp FDI, cũng như các doanh nghiệp trong nước. Việc này như “cánh cửa hợp pháp hóa” hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp FDI, gây khó khăn cho KTV khi ra kết luận đối với những doanh nghiệp này.

- Chưa cân đối giữa các chính sách ưu đãi cộng với trách nhiệm của doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia, nhóm công ty đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giải quyết việc làm rất lớn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá còn phải xem xét thêm; điều này gây ra nhiều bất cập, dè chừng trong quá trình kiểm toán với những doanh nghiệp như vậy.

3. Các giải pháp hoàn thiện kiểm toán hoạt động chuyển giá tại Việt Nam

Thứ nhất, kiểm toán hoạt động có dấu hiệu chuyển giá cần được thực hiện theo cả hai cách là kiểm toán riêng trong một cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán kết hợp trong khi kiểm toán BCTC.
KTV tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, tính chất của hoạt động chuyển giá cũng nhưchi phí thực, từ đó lựa chọn cách thức tổ chức kiểm toán hoạt đổng chuyển giá phù hợp. Nếucuộc kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới nềnkinh tế cần tiến hành kiểm toán riêng. Và ngược lại, có thể tiến hành kết hợp với kiểm toánBCTC để tiết kiệm thời gian, chi phí, tuy nhiên vẫn phải chặt chẽ, nghiêm túc và cẩn thậntrong mọi khâu của cuộc kiểm toán.

Thứ hai, kiểm toán hoạt động chuyển giá phải được thực hiện tổng hợp trên tất cả các phương diện. KTV tiến hành tham khảo, đối chiếu giá chuyển giao của các giao dịch cùng loại, cùng mặt hàng; tại nhiều các công ty con, công ty liên kết tương đương, tại nhiều quốc gia trên thế giới mà doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tham khảo kinh nghiệm của các nước đầu ngành, các công ty kiểm toán lẫn nhau. Đáng giá dựa trên các phương diện mang tính khoa học và khách quan.

Thứ ba, công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá đối với những hành vi chuyển giá nghiêm trọng, từ đó đẩy mạnh vai trò của truyền thông. Trong xu hướng toàn cầu hóa, các doanh nghiệp FDI ngày càng nhiều, do đó những lợi ích mà các doanh nghiệp đó mang lại ngày càng được người dân quan tâm. Đặc biệt là tình hình nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp FDI. Do đó, việc công khai kết quả kiểm toán nói chung và kiểm toán hoạt động chuyển giá nói chung được nhiều người quan tâm. Người dân và xã hội có thêm thông tin và sự đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp, các hoạt động liên quan đến nghĩa vụ thuế một cách toàn diện hơn. Đây là những đánh giá mang tính chuyên môn, khách quan, về sự tin cậy của thông tin tài chính, các nhận định về việc có hay không hành vi chuyển giá.

Thứ tư, tăng cường sự tham gia của các cơ quan kiểm toán nhà nước trong kiểm toán hoạt động chuyển giá. Các doanh nghiệp liên doanh có phần vốn góp của Nhà nước là khách thể kiểm toán của cơ quan kiểm toán nhà nước. Nếu các doanh nghiêp này có hoạt động chuyển giá thì càng nghiêm trọng hơn rất nhiều, kiểm toán nhà nước cần quan tâm thực hiện kiểm toán hoạt động chuyển giá này với mục đích bảo toàn, chống thất thoát vốn góp của Nhà nước trong liên doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2005). Thông tư số 17/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
  2. Bộ Tài chính (2010). Thông tư số 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.
  3. Bộ Tài chính (2013). Thông tư số 201/2013/TT-BTC quy định về phương pháp tình giá chuyển giao giữa các công ty đa quốc gia, tập đoàn - phương pháp định giá trước APA (Advance Pricing Arrangement).
  4. Deloitte, (2021). Deloitte Global Services Ltd.
  5. Grant Thornton Japan - Member firm of Grant Thornton International.Ltd

Auditing transfer pricing in Vietnam

Master. Nguyen Hoang Giang

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

During the economic integration process of Vietnam, the transfer pricing of foreign-invested enterprises has caused serious consequences such as the loss of state budget revenue, the inequality among enterprises, the increase in trade deficit, the imbalance of trade and balance of payments, etc. Anti-transfer pricing has been considered an urgent task for state authorities. Auditing transfer pricing activities is an effective measure to dectect, prevent and solve the transfer pricing issue. This paper presents an overview on the transfer pricing audit and proposes measures to strengthen this type of audit in Vietnam.

Keywords: transfer pricing, FDI enterprises, operation audit.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương