Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19 của Trương Thị Hoàng Yến (Khoa Kinh tế chính trị - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

TÓM TẮT:

Đầu tư nước ngoài (FDI) là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bài viết chỉ ra những lợi thế và thách thức trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để phát huy lợi thế, đẩy mạnh thu hút FDI trong bối cảnh mới.

Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, Covid-19, vốn FDI.

1. Đặt vấn đề

Đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra các hệ lụy sâu sắc về kinh tế, xã hội, chính trị trên quy mô toàn cầu. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên lọt vào Top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin  lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vậy, sau đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải làm những gì để phát huy lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

2. Lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài

Do tác động của dịch bệnh, bức tranh đầu tư đầu tư nước ngoài toàn cầu thay đổi.  Dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu ghi nhận tăng 77%, ước tính lên tới 1.650 tỷ USD, vượt qua mức trước đại dịch Covid-19. Trong đó, các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức tăng vốn đầu tư nước ngoài mạnh nhất từ trước đến nay, với ước tính 777 tỷ USD trong năm 2021.

Các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất, vẫn chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, ghi nhận mức tăng trưởng phục hồi khiêm tốn hơn. Dòng vốn đầu tư nước ngoài không chỉ thúc đẩy doanh thu xuất khẩu ở các nước đang phát triển, mà còn tạo ra nhiều việc làm, tác động tích cực hơn đến phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế nói chung. 

Mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài, lần đầu tiên lọt vào Top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Bước sang năm 2022, nhờ chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau 2 năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19 và những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại. Tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD, tăng 37,6% về số dự án và giảm 55,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, chiếm 68,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 599,9 triệu USD, chiếm 18,7%; các ngành còn lại đạt 422,7 triệu USD, chiếm 13,1%.

Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 626,6 triệu USD, chiếm 19,5%; Trung Quốc 379,5 triệu USD, chiếm 11,8%; Đài Loan 219,9 triệu USD, chiếm 6,8%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 191,7 triệu USD, chiếm 6%. Vốn đăng ký điều chỉnh của 228 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước) với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.

Theo đó, Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%. Các số liệu trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới. Những thành tích trong thu hút FDI của Việt Nam năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 là rất đáng ghi nhận. Với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng, theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có các lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm: Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào. Tình hình chính trị ổn định, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, môi trường pháp lý ngày càng được cải thiện là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư. Điển hình là Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư.

Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện.Đặcbiệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn và mạnh, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình dương - CPTPP; Hiệp định EVFTA; các Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh; Việt Nam đã phê chuẩn và Cộng đồng chung châu Âu đang đi đến phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.

Lực lượng lao động trẻ, dồi dào, với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 23,6%. Bên cạnh đó, lực lượng lao động Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự chăm chỉ, trình độ học vấn cao, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường lao động trong khu vực. Vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng biển nước sâu, là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

3. Thách thức trong việc thu hút FDI của Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt trước nhiều thách thức trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI. Đó là:

Thứ nhất, do khả năng kết nối với doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp trong nước còn yếu, cùng các khó khăn trong phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay gặp khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa đủ năng lực để chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với xu thế mới, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các dự án công nghệ cao của Việt Nam còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp nội địa nhỏ về quy mô, trình độ công nghệ thấp nên chưa thể trở thành vệ tinh, là mắt xích trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Thực trạng này dẫn tới hạn chế tính lan tỏa của các dự án FDI đối với phát triển các ngành kinh tế Việt Nam. Mặc dù, cơ sở hạ tầng: đường xá, cầu cảng, điện, internet của các vùng miền Việt Nam có nhiều cải thiện, nhưng so với nhiều nước vẫn còn chưa đồng bộ, tắc nghẽn giao thông, chi phí vận tải cao, điện nước chập chờn, đặc biệt ở Tây Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tình trạng này tác động bất lợi đến khả năng thu hút các dự án lớn có trình độ công nghệ cao.

Thứ hai, khi dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu dẫn đến suy giảm dòng vốn FDI toàn cầu, suy giảm vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng ưu tiên chuyển dịch sản xuất từ nước ngoài về nội địa hoặc các nước gần đang dần gia tăng nhằm nâng cao tính chủ động của nhiều nước trong chuỗi cung ứng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh trong thu hút đầu tư càng trở nên gay gắt. Trong khi các nguồn vốn đầu tư đang sụt giảm, các thị trường mới nổi hấp dẫn nhà đầu tư ngày càng xuất hiện nhiều, như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia,… với đủ các hình thức thu hút đầu tư hấp dẫn khác nhau. Họ có lợi thế tương đồng hoặc riêng biệt và vẫn đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam. Các quốc gia này cũng đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân, cũng như lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài, như: ưu đãi về thuế, xây dựng các khu công nghiệp, gói hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, hoặc những cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh nội địa,…

Thứ ba, Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức đang trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, như: cơ sở hạ tầng cho các hoạt động logistics chưa phát triển đồng bộ; nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp,… Một số nhà đầu tư nước ngoài chưa hài lòng về khả năng đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách, luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư ở Việt Nam. Do đó, đây cũng là rào cản cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

4. Một số giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư FDI sau đại dịch Covid-19

“Trong nguy có cơ” - hậu quả do đại dịch gây ra đối với nền kinh tế đất nước cũng chính là cơ hội để đánh giá sức chống chịu, các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế và phương thức ứng phó với những bất trắc, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm thu hút và duy trì hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tìm các biện pháp để đẩy mạnh thu hút FDI là đòi hỏi cấp bách trong điều kiện các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những chuyển động tái cấu trúc và phát triển trong điều kiện phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Thứ nhất, bên cạnh cam kết hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam cần tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, không thể vì dịch bệnh mà để trì hoãn cải cách kinh tế. Mở cửa để tái khởi động nền kinh tế, kinh doanh an toàn, sống chung với Covid-19 là giải pháp không thể nào khác. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được mở lại sản xuất - kinh doanh theo cẩm nang hướng dẫn về kinh doanh an toàn do Bộ Y tế phê duyệt. Điều đặc biệt quan trọng hiện nay đó là các quy định phòng, chống dịch phải bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới; đồng thời xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dễ dự đoán trên nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường kết nối toàn cầu bằng các quy tắc của pháp luật.

Thứ ba, Chính phủ cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Đặc biệt xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để giữ vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công để cải thiện các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư và thực hiện các dự án FDI.Các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tới mức tối đa các thủ tục hành chính, thời gian và chi phí tiếp cận, chi phí thực thi các quy định pháp lý và luật pháp, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài.Trên cơ sở phát triển công nghệ số, cần đa dạng hóa, tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc xúc tiến đầu tư nước ngoài một cách có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo yêu cầu lựa chọn, đổi mới hình thức và nội dung thu hút FDI, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Thứ tư, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô vững mạnh, ổn định; có chiến lược đúng trong xử lý dịch Covid-19, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, tạo dựng niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Để không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, các địa phương khẩn trương hỗ trợ mạng lưới đào tạo nghề, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các cú sốc về lao động. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao các kỹ năng mềm, kỷ luật lao động, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao vừa có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
  2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) (2021).Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp 2020. Truy cập tại https://pubdocs.worldbank.org/en/587391600996767625/Slide-T%C3%A1c-%C4%91%E1%BB% 99ng-c%E1%BB%A7a-COVID-19-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-doanh-nghi%E1%BB%87p-t%E1%BA%A1i-Vi%E1%BB%87t-Nam.pdf
  3. The World bank (2019). Bước chuyển về tài chính, Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam.
  4. Tổng cục Thống kê (2022). Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022: “kỳ vọng khởi sắc”. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/04/thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-nam-2022-ky-vong-khoi-sac-2/

SOME SOLUTIONS TO ATTRACT FOREIGN DIRECT INVESTMENT INTO VIETNAM IN THE POST-COVID-19 PANDEMIC ERA

TRUONG THI HOANG YEN

Faculty of Political Economy

 Academy of Journalism & Communication

ABSTRACT:

Foreign direct investment (FDI) is an external force supplementing capital, technology, management capacity, business competencies, and ability to organize and participate in the global supply chain. FDI plays an important role in the growth and the and international economic integration of countries, especially developing countries, including Vietnam. This paper points out the advantages and challenges in attracting FDI into Vietnam in the post-COVID-19 pandemic era. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to enhance advantages of Vietnam to attract more FDI in the new development period.

Keywords: foreign direct investment, COVID-19, FDI.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 6 năm 2022]

Tạp chí Công Thương