Tác động của bệnh dịch Covid-19 đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ MỸ ĐIỂM - ThS. TRỊNH XUÂN HOÀNG (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Với tình hình dịch bệnh Covid-19, ngành Ngân hàng (NH) của Việt Nam chịu tác động tương đối lớn do các khách hàng của ngân hàng đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dịch bệnh làm giảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cụ thể là lợi nhuận giảm và có nhiều doanh nghiệp phá sản. Dịch bệnh còn tác động đến thu nhập của các khách hàng cá nhân vì họ bị giảm thu nhập thậm chí là mất việc làm. Các ngân hàng thương mại (NHTM) vì thế cũng giảm nguồn vốn huy động và vốn cho vay cũng như phát sinh các khoản nợ quá hạn và nợ xấu, các tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động đều giảm xuống. Để giảm thiểu các rủi ro do dịch bệnh mang lại, các NHTM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng của mình khắc phục khó khăn và phát triển trong tương lai.

Từ khóa: Covid-19, hiệu quả hoạt động, ngân hàng thương mại, dịch bệnh.

1. Đặt vấn đề

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh mẽ lên sức khỏe của nền kinh tế trong năm 2020 và dự kiến còn ảnh hưởng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Hệ quả của dịch bệnh là hàng loạt công ty phá sản, doanh thu các doanh nghiệp giảm đáng kể, sản xuất đình trệ và chắc chắn hệ thống NHTM cũng chịu ảnh hưởng rất lớn khi các khách hàng sử dụng nghiệp vụ của ngân hàng mình bị ảnh hưởng.

Dưới sự tác động của dịch bệnh nhiều NH như Scotiabank, Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC), Royal Bank of Canada (RBC),... đều dự báo nguy cơ khủng hoảng tài chính là rất lớn, các NH trung ương (NHTW) của các nước hối hả tung biện pháp giải cứu nền kinh tế, nên không khó để các nhà quản lý và chuyên gia liên tưởng đến một cuộc khủng hoảng mới.

Vậy những tác động cụ thể của dịch bệnh đến sức khỏe của ngành NH như thế nào? Các giải pháp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực và các giải pháp phục hồi như thế nào? Tác giả đã thực hiện bài viết “Tác động của bệnh dịch Covid-19 đến hiệu quả hoạt động của các NHTM tại Việt Nam”.

2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện phân tích và viết bài, tác giả dựa trên sự tổng hợp các dữ liệu đã thu thập gồm các báo cáo về hoạt động của NH, các bài báo đã được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, các báo cáo tổng hợp về vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19,…              

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Tình hình tín dụng và huy động vốn của NHTM

3.1.1. Tình hình huy động vốn

Huy động vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì và phát triển hoạt động của NH. Tăng trưởng huy động tính đến hết tháng 9.2019 ở mức 9,11%, tương đương so với mức 9,15% tại cùng kỳ năm 2018. Tình hình huy động vốn được thể hiện qua Hình 1:

Hình 1: Huy động vốn của các ngân hàng năm 2019

Huy động vốn của các ngân hàng năm 2019

Nguồn: Vietstock.vn

Thống kê của Vietstock cho thấy tổng lượng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá của 26 NHTM tính đến cuối quý IV/2019 đạt hơn 6.3 triệu tỷ đồng tăng 16% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá của các NH ở mức khoảng 4-47% so với đầu năm, trong đó tăng trưởng cao nhất là VIB (47%).

3.1.2. Tình hình tín dụng

Hoạt động tín dụng là một trong hoạt động chủ yếu mang lại thu nhập cho NH. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng của các NH được cấp phụ thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn hoạt động. Trong năm 2019, dự báo tăng trưởng tín dụng giảm dưới 14%, cụ thể tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến hết tháng 9/2019 ở mức 9,4%, giảm so với mức 10,3%% tại cùng kỳ năm 2018.

Hình 2: Tăng trưởng tín dụng Ytd 

Tăng trưởng tín dụng Ytd 

Nguồn: Báo cáo ngân hàng 2020

Dư nợ cho vay của các NH được thể hiện qua Hình 3:

Hình 3: Dư nợ cho vay của các ngân hàng năm 2019

Dư nợ cho vay của các ngân hàng năm 2019

Nguồn: Vietstock.vn

Tính đến cuối quý IV/2019, tổng dư nợ cho vay của 26 NHTM đạt 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với dư nợ hơn 4,8 triệu tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Trong đó, Techcombank đạt mức tăng trưởng cao nhất (đạt 44% so với đầu năm); BIDV, VietinBank và Vietcombank vẫn dẫn đầu ngành NH về dư nợ cho vay và mua nợ, đạt lần lượt 1,1 triệu tỷ đồng; 935,271 tỷ đồng và 734,707 tỷ đồng. Ngoài ra, các NHTM cổ phần còn lại có dư nợ cũng đạt trên dưới 100,000 tỷ đồng.

3.2. Tình hình lãi suất

3.2.1. Lãi suất huy động 

Trong năm 2019, NH Nhà nước thực hiện giảm trần lãi suất huy động còn 5,0%/năm, do đó lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng có mức tương đối ổn định và có chiều hướng giảm trong năm 2019. Đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, lãi suất nhìn chung đang ở ngưỡng cao hơn so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2020, dịch bệnh covid xuất hiện làm ảnh hưởng đến toàn thể các chủ thể trong nền kinh tế, do đó mức lãi suất huy động của các NH cũng bị thay đổi. Theo Quyết định số 919/QĐ-NHNN ngày 12/05/2020, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm; riêng Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm.

Chi tiết về sự thay đổi lãi suất huy động được thể hiện qua Hình 4:

Hình 4: Lãi suất huy động tiền gửi bình quân name

Lãi suất huy động tiền gửi bình quân name

Nguồn: Báo cáo ngân hàng 2020

3.2.2. Lãi suất cho vay

Mặt bằng chung của lãi suất cho vay duy trì ổn định trong năm 2019. Lãi suất cho vay tối đa với một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế được điều chỉnh giảm nhằm mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Trong năm 2020, sự bùng phát của dịch bệnh làm ảnh hưởng đên nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế. Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid NH Nhà nước đã thực hiện giảm lãi suất cho vay và được quy định trong Quyết định số 420/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020.

4. Tác động của bệnh dịch Covid 19 đến hoạt động của NH

4.1. Tác động đến thu nhập của ngành NH

Theo báo cáo đánh giá tác động của Covid -19 đến thu nhập của ngành NH năm 2020 của tiến sỹ cấn Văn Lực, cho rằng thu nhập của các NHTM có thể bị giảm khoảng 30-34 nghìn tỷ đồng, cụ thể Bảng 1.

Bảng 1. Tóm tắt tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập ngành NH Việt Nam năm 2020

Tóm tắt tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập ngành NH Việt Nam năm 2020

Nguồn: Báo cáo ngân hàng 2020

4.2. Tăng trưởng tín dụng

Theo số liệu từ CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), năm 2020, NHNN đã đưa ra mức cấp tín dụng cho các NH và tổ chức tín dụng ở mức ước tính 10,1%, thấp hơn nhiều so với mức 13% đầu năm đặt ra do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chi tiết về mức cấp tín dụng do NHNN quy định thể hiện chi tiết như Bảng 2:

Bảng 2. Quota cấp tín dụng của NHNN cho các NHTM

Quota cấp tín dụng của NHNN cho các NHTM

Nguồn: Các NH niêm yết, BSC tổng hợp

Mức tăng trưởng tín dụng cũng có sự biến động theo chiều hướng giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, thể hiện qua biểu đồ 1:

Biểu đồ 1: Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2020

Đơn vị: %

Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2020

4.3. Tình hình huy động

Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19 đến các khách hàng của NH bao gồm các doanh nghiệp, cá nhân. Do đó, không chỉ cho vay mà cả huy động vốn cũng giảm do các NH khó cho vay bởi cầu tín dụng giảm.

Vào tháng 3/2020, Techcombank công bố biểu lãi suất mới với lãi suất tiền gửi tại quầy từ 4,3-6,7%/năm đối với khách hàng dưới 50 tuổi và từ 4,7-7,1%/năm đối với khách hàng từ 50 tuổi trở lên áp dụng cho các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Mức lãi suất cao nhất là 7,2%/năm áp dụng tại kỳ hạn 18 tháng, số tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên áp dụng đối với khách hàng ưu tiên trên 50 tuổi, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Từ ngày 3/3/2020, VPBank áp dụng mức lãi suất mới, từ 0,05-0,15%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, từ 6,9-7,1%/năm với lãi suất kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy và 7-7,1% khi gửi online.

Tại NH ABBank, từ ngày 6/3/2020, cá nhân gửi tiền dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 18-36 tháng, lãi suất sẽ giảm từ 7,9%/năm xuống 7,7% một năm. Như vậy, so với đầu tháng 2/2020, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các NH đã giảm thêm 0,05 điểm phần trăm trong tháng 3.

Đối với lãi suất huy động ngắn hạn kỳ hạn dưới 6 tháng, các NH niêm yết phổ biến ở mức 5%/năm - bằng trần lãi suất ngắn hạn theo quy định của NH Nhà nước (NHNN). Trong đó, NCB đưa ra mức lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,6%/năm, BACABANK (7,55%/năm); Vietbank (7,5%/năm). Đối với các NH có vốn nhà nước, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,3%/năm.

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất huy động của các NH tiếp tục giảm do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, NHNN thực hiện gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để góp phần phát triển cho nền kinh tế của Việt Nam.

4.4. Tình hình cho vay

Năm 2019, các NHTM Việt Nam có mức lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6- 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài. Tuy nhiên, nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vượt qua giai đoạn khó khan, các NH áp mức lãi suất cho vay giảm xuống còn khoảng 5-7%/năm đối với đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia dự báo, việc cắt giảm mạnh lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tác động tích cực lên lãi suất tiền đồng và xu hướng giảm lãi suất sẽ còn duy trì trong thời gian tới do nhiều ngành, lĩnh vực bị đình trệ do dịch Covid-19.

Hiện nay, bên cạnh việc xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn, miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng. Các NHTM còn giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng; tiếp tục cho vay mới 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến 24.000 tỷ đồng. Nhiều NH miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch.

5. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của NH

Một là, các NHTM cần tính toán, xác định và đánh giá lại mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các hoạt động của mình và tác động của dịch bệnh đến kết quả kinh doanh, từ đó có cơ sở quản lý rủi ro một cách hiệu quả.

Hai là, các NHTM cần đa dạng hóa nguồn thu, dịch vụ để tăng thêm các nguồn thu cho NH, giảm rủi ro khi cơ cấu thu nhập và tập trung vào các hoạt động tín dụng.

Ba là, các NHTM cần liên tục cập nhật các thay đổi về chính sách lãi suất nhằm tránh các tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của NH.

Bốn là, các NHTM cần thực hiện rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển của NH cho phù hợp với xu hướng trong thời gian tới.

Năm là, các NHTM cần nắm bắt kịp thời và bám sát các lĩnh vực/khách hàng/khu vực có nguy cơ và rủi ro cao do ảnh hưởng từ dịch bệnh, tiếp tục rà soát lại tổng thể danh mục, quy trình, hệ thống xếp hạng tín dụng và điều chỉnh/áp dụng các hoạt động, biện pháp giảm thiểu rủi ro cần thiết.

Sáu là, các NHTM cần xây dựng, triển khai các biện pháp khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ của NH số, phát triển các sản phẩm phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế nhằm tăng lượng khách giao dịch với NH.

Bảy là, các NHTM cần thực hiện rà soát và đưa ra giải pháp tiết giảm chi phí, từ đó giảm thiểu chi phí cho NH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngân hàng Nhà nước (2020), Quyết định số 420/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, ban hành ngày 16/3/2020.
  2. Ngân hàng Nhà nước (2020), Quyết định số 919/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014, ban hành ngày 12/5/2020.
  3. Bộ kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo số 628/BC-BKHĐT về đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh Corona đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.
  4. Chính phủ (2020), Chỉ thị 11/CT-TTg, của Thủ tướng Chính Phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
  5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Báo cáo số 74/BC-NHNN, Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế, tiền tệ và các giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng.
  6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Báo cáo số 67/BC-NHNN, Báo cáo tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế, tiền tệ; định hướng giải pháp thời gian tới.

THE COVID-19 PANDEMIC’S IMPACTS ON THE PERFORMANCE

OF COMMERCIAL BANKS IN VIETNAM

• Master. NGUYEN THI MY DIEM

• Master. TRINH XUAN HOANG

Faculty of Finance - Accounting, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

The on-going Covid-19 pandemic has severely affected the banking industry in Vietnam. Many businesses which are corporate customers of banks have experienced a significant decrease in their profit, event bankruptcy. The pandemic also greatly affects the income of individual customers as they lose income, even their jobs. In this context, commercial banks have to slowdown their capital mobilization and loans and they have experienced an increase in non-performing debts. In order to minimize the risks brought by the pandemic, commercial banks have implemented many solutions to support their customers to overcome difficulties and develop in the coming time.

Keywords: Covid-19, commercial banking performance, pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]