Thực tiễn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hiện nay và giải pháp hoàn thiện

PHAN KHUYÊN (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Thực tiễn cho thấy, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường thị trấn hoạt động khá hiệu quả. Trong khi đó, Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước gặp không ít khó khăn và hiệu quả hoạt động rất hạn chế. Bài viết phân tích thực tiễn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hiện nay và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

Từ khóa: thực tiễn hoạt động, ban thanh tra nhân dân, hiệu quả của ban thanh tra nhân dân.

1. Đặt vấn đề

Xuất phát từ quy định của Hiến pháp Việt Nam về bản chất dân chủ của Nhà nước, “mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”[2] là căn cứ pháp lý quan trọng để đảm bảo sự ra đời của Ban Thanh tra nhân dân (TTND). Mặc dù trong các bản Hiến pháp không dành chế định về Ban TTND nhưng sự ra đời của TTND là biểu hiện của nguyên tắc bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. Tinh thần này được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1959, tiếp tục được kế thừa và phát triển cho đến nay: “Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân” [3];“Tất cả các cơ quan Nhà nước và nhân viên Nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” [4]; “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng” [5]

2. Vai trò của Ban Thanh tra nhân dân

Theo quy định của pháp luật, Ban TTND có vai trò quan trọng trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị  [6]. Từ vai trò trên nhận thấy, TTND có chức năng chính là thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan thực thi quyền lực Nhà nước, đặc biệt là trong hệ thống hành pháp, có vai trò quan trọng trong phát hiện và kiến nghị để cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước. Nhận thức về vai trò của Ban TTND trong việc đảm bảo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn đã có những quy định cụ thể để Ban TTND có cơ sơ pháp lý để hoạt động.

Thực hiện theo Luật Thanh tra năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban TTND. Kế thừa Nghị định số 99/2005/NĐ-CP, phạm vi giám sát của Ban TTND đó là: Việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các ủy viên Ủy ban nhân dân, cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn và Trưởng thôn, Phó trưởng thôn, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố và những người đảm nhận nhiệm vụ tương đương,…[7]. Như vậy, phạm vi giám sát được quy định tại Điều 13 và Điều 29 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP là khá rộng.

3. Thực tiễn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

3.1. Thực tiễn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn

Hiện nay, ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có gần 11.159 Ban TTND/11.161 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 99,98% trên tổng số xã, phường, thị trấn. Tổng số ủy viên ban TTND gồm có 89.354 ủy viên [8]. TTND giám sát ở tất cả các lĩnh vực như giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, Ban TTND xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, chi tiết trên các lĩnh vực như: thu, chi, sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tham gia giám sát hoạt động của UBND và HĐND cấp xã; việc quản lý, sử dụng đất; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; bình chọn các đối tượng nghèo đề nghị hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thi công các công trình có vốn đầu tư của Nhà nước và của nhân dân đóng góp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; chi trả chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách; quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân,… Vai trò trách nhiệm của Ban TTND, từng thành viên Ban TTND luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Từng thành viên đã nghiêm túc tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) quận triệu tập. Ban TTND phường đã trang bị đầy đủ các văn bản, tài liệu cho các thành viên trong ban phục vụ cho công việc.

Tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các đợt tập huấn. Qua các buổi tập huấn và trao đổi kinh nghiệm ở phường đã nâng cao dần được trình độ công tác, do đó, hiệu quả giám sát ngày càng cao. Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động truyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến từng tổ dân phố, thu hút hàng trăm lượt đại biểu tham dự như: Tuyên truyền về môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm, đối thoại với người dân trong diện giải phóng mặt bằng; Giám sát về công tác tiếp dân, công tác giải quyết đơn thư được thực hiện tốt, Ban TTND xã, phường tham gia tổ công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), bám sát cơ sở, nắm bắt dư luận kịp thời, luôn phát huy tốt vai trò của mình trong việc giám sát các quy trình phục vụ GPMB đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng luật.

Ví dụ như ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ hiện có 31 Ban TTND, trong 5 năm qua, các Ban TTND trên địa bàn huyện đã giám sát được 463 vụ, việc, trong đó đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét được 175 vụ việc [9]. Ở tỉnh Bình Thuận với 127 Ban TTND, tiến hành giám sát 530 cuộc, kiến nghị xử lý 109 vụ việc đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, tiến hành giám sát các công trình dân sinh, giao thông nội đồng do Nhà nước và nhân dân cùng làm là 468 công trình,… [10] góp phần làm minh bạch quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí của các công trình, dự án đầu tư tại cộng đồng. Ban TTND ở nhiều xã, thị trấn đã phát huy vai trò của mình, tham gia giám sát nhiều vụ việc có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng, công dân, hạn chế những sai sót, tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại địa phương. Điển hình như các Ban TTND xã Phú Khê, Tuy Lộc, Đồng Lương, Sai Nga, thị trấn Sông Thao,... trong quá trình giám sát đã kịp thời phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các nội dung về quy hoạch xây dựng chi tiết, xử lý nước thải sinh hoạt, cấp điện, nước, bồi thường giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất dân cư dịch vụ và bảo vệ môi trường; phát hiện có một số công trình sử dụng vật liệu không đảm bảo đã kiến nghị để chủ đầu tư và đơn vị thi công kịp thời khắc phục.

Mặc dù vậy, thực tế tổ chức và hoạt động của Ban TTND cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc làm giảm hiệu quả hoạt động. Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Ban TTND không chỉ xuất phát từ bất cập trong quy định của pháp luật mà còn xuất phát từ chính quá trình triển khai thực hiện. Hầu hết các thành viên của Ban TTND khi thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế về kinh nghiệm, thiếu chuyên môn trong lĩnh vực giám sát (đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản) nên hiệu quả giám sát các công trình còn hạn chế. Sự quan tâm của các cấp, các ngành và các đoàn thể nhân dân đối với công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm giám sát của cộng đồng, nhân dân ở cơ sở. Một số địa phương chưa tạo điều kiện thuận lợi trong việc hướng dẫn; cấp và quyết toán kinh phí, từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động của Ban GSĐTCCĐ,… Việc tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ giám sát, nghiệp vụ thanh tra nhân dân, cũng như cung cấp các tài liệu hướng dẫn về hoạt động thanh tra nhân dân cho cán bộ làm công tác này chưa được thường xuyên.

Phần lớn thành viên của Ban TTND hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên quỹ thời gian dành cho hoạt động này còn hạn chế. Một số thành viên chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình, hoạt động còn mang tính hình thức nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cá nhân. Mặt khác, trong quá trình hoạt động vẫn còn tâm lý e dè, nể nang, ngại va chạm, chưa đi sâu, đi sát thực tế công việc,… nên dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguồn lực cho hoạt động của TTND, còn hạn chế, các thành viên Ban TTND không có phụ cấp, chế độ họp theo quý, không giải quyết nắm bắt kịp thời tình hình, diễn biến của địa phương cơ quan, đơn vị, nhất là công tác giám sát quy chế dân chủ được đẩy mạnh như hiện nay [11].

3.2. Thực tiễn hoạt động của Ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập

Các Ban TTND tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do Ban chấp hành công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động; cơ quan thuộc cấp nào, ngành nào trực tiếp quản lý thì tổ chức thanh tra nhà nước cấp đó, ngành đó hướng dẫn nghiệp vụ hoặc tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho các Ban TTND.

Hoạt động thực tế của Ban TTND hiện nay đã có những kết quả đáng khích lệ, như: Giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, sử dụng ngân sách, chế độ quản lý tài chính của đơn vị,… Mặc dù vậy, hoạt động của Ban TTND vẫn chưa thực sự hiệu quả, hầu hết cán bộ làm công tác TTND đều làm việc kiêm nhiệm, các Ban TTND còn mang tính hình thức, chiếu lệ. Thực tế này cũng đang làm giảm tính chiến đấu và vai trò của các Ban TTND. Phần lớn Ban TTND ở các cơ quan, đơn vị nhà nước chỉ tồn tại trên danh nghĩa, mang tính hình thức, cho có đủ thành phần, ban bệ ở cơ quan, nhưng hoạt động lại không phát huy vai trò.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do công chức được bầu đảm nhận vị trí thành viên Ban TTND chỉ là những cán bộ kiêm nhiệm, chưa đủ bản lĩnh cũng như năng lực, hiểu biết để đứng ra giải quyết, xử lý những tồn đọng, yếu kém, sai phạm trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Mặt khác, những người thanh tra thường là nhân viên, cấp dưới, nên chưa mạnh dạn xử lý những sai phạm, tiêu cực có liên quan đến quyền lợi của thủ trưởng. Do đó nhiều người khi được bầu vào làm việc trong Ban TTND thường tìm cách né trách, thoái thác trách nhiệm. Thêm vào đó, việc thiếu quy chế làm việc, cùng với việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động còn sơ sài, chung chung, chưa xác định được mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nên dẫn đến hoạt động của Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập kém hiệu quả, mang tính hình thức [12].

Việc thiếu sự phối hợp hoạt động tổ chức tập huấn nghiệp vụ giám sát, nghiệp vụ TTND cho Ban TTND của cơ quan Thanh tra Nhà nước; việc cung cấp các tài liệu hướng dẫn về hoạt động TTND cho cán bộ làm công tác này chưa được thường xuyên, đầy đủ. Việc hoạt động chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, rất ít cuộc có sự tham gia của cơ quan thanh tra của chính quyền, cơ quan nhà nước đồng cấp theo luật định. Do đó, hầu hết các Ban TTND ít được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát. Tại  nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thiếu sự quan tâm, tạo điều kiện của thủ trưởng cơ quan, đơn vị cho hoạt động của Ban TTND được diễn ra một cách thuận lợi.

Như vậy, về hoạt động, thực tiễn cho thấy, hoạt động TTND ở một số địa phương, đơn vị đã có kết quả tích cực. Tại nhiều xã, phường, thị trấn, các Ban TTND đã phát huy vai trò giám sát của mình đối với hoạt động của chính quyền, góp phần phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thì vai trò của TTND còn mờ nhạt, nhất là các TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Bởi lẽ, người được bầu tham gia các Ban TTND đều là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong khi phải thực hiện nhiệm vụ là giám sát hoạt động của thủ trưởng đơn vị nên hiệu quả giám sát bị hạn chế. Hiệu quả hoạt động của Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập lại càng giảm. Ngược lại, cũng là Ban TTND nhưng được tổ chức ở xã, phường, thị trấn đặt dưới sự chỉ đạo hoạt động của MTTQ thì hiệu quả.

4. Một số đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Trước thực trạng trên, tác giả đề xuất cần phải có những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban TTND. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật Thanh tra nên bỏ quy định thành lập Ban TTND trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập bởi xuất phát từ những lý do sau:

Một là, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là mối quan hệ mang tính hành chính, mệnh lệnh, phục tùng. Trong khi, hoạt động TTND về bản chất là hình thức giám sát của nhân dân nên mô hình Ban TTND sẽ không thích hợp có trong mô hình của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Thêm vào đó, những chủ thể công tác trong cơ quan nhà nước đơn vị sự nghiệp được xác định là công chức nhà nước, là những “công bộc”, vậy yếu tố “nhân dân” ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp dường như không tồn tại. Do vậy, bản chất của hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước chưa đúng với tên gọi của nó.

Hai là, Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc vào chính đối tượng giám sát: tức là được tổ chức, bố trí nhân sự, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho đến chế độ kinh phí cho hoạt động của Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc chặt chẽ vào với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Do tính chất phụ thuộc này nên việc giám sát sẽ không thể có tính hiệu quả, phản ánh sự việc một cách khách quan, toàn diện.

Ba là, do phụ thuộc “hoàn toàn” vào chính cơ quan nhà nước, thêm vào đó thành viên Ban TTND lại là cấp dưới của thủ trưởng về quan hệ hành chính nên phát sinh tâm lý e sợ, ngại va chạm của thành viên Ban TTND khi giám sát, kiến nghị đối với thủ trưởng. Sự ràng buộc về lợi ích, bị chịu sự chi phối của chính đối tượng giám sát (thủ trưởng cơ quan, đơn vị) là nguyên nhân chính làm cho thiết chế Ban TTND chỉ được thành lập ra cho có, đảm bảo về hình thức. Còn thực chất hoạt động không đem lại hiệu quả. Để thiết chế Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được hoạt động hiệu quả thì phải đảm bảo tính độc lập. Tuy nhiên điều này là khó thực hiện bởi nhân sự lại thuộc chính cơ quan nhà nước, đơn vị công lập, kinh phí hoạt động phụ thuộc.

So với tổ chức Ban TTND ở xã, phường, thị trấn, chúng ta thấy các Ban TTND này là độc lập với đối tượng bị giám sát: nhân sự không thuộc bộ máy nhà nước; kinh phí không phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan nhà nước; quyền lợi của các thành viên Ban TTND không bị ảnh hưởng hay tác động bởi thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Do vậy, hoạt động của Ban TTND đã phát huy được hiệu quả của hoạt động hơn so với Ban TTND được tổ chức ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Bốn là, các hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập còn chịu sự giám sát, kiểm tra của rất nhiều chủ thể độc lập khác nhau nên so sánh với những chủ thể khác như thanh tra, kiểm tra lại có những chế tài mạnh để buộc đối tượng giám sát phải thực thi những yêu cầu, kiến nghị của mình. Đặt trong bối cảnh đó, quyền hạn của Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập bị yếu thế và trùm lấp đi bởi những thiết chế giám sát khác.

Thứ hai, hoạt động TTND là một hình thức cụ thể của việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân tại các địa phương. Đây là một phương thức giám sát, kiểm tra rất có hiệu quả bởi vì địa phương chính là nơi mà mọi chủ trương, chính sách của Đảng, mọi qui định của pháp luật được đưa vào thực tiễn cuộc sống. Trong những năm qua, hoạt động của Ban TTND ở cấp xã đã phát huy được hiệu quả thiết thực. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cần một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, Ủy ban MTTQ các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ của TTND nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên công chức và nhân dân về công tác này; tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tăng cường vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đó có các văn bản về TTND.

Hai là, Ủy ban MTTQ các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để Ban TTND hoạt động. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, chăm lo kiện toàn tổ chức, định hướng hoạt động cho TTND. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh phải chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư có hướng dẫn cụ thể về các điều kiện đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban TTND theo tinh thần các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

Ba là, để công tác giám sát ở cơ sở đạt hiệu quả thì phải thường xuyên chăm lo đến công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thành viên của Ban TTND.

Bốn là, song song với việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND cần tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban MTTQ các cấp, Ban công tác Mặt trận, làm cơ sở nâng cao công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền. Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương để lựa chọn nội dung giám sát cho phù hợp và đúng chức năng, quyền hạn của Ban TTND. Công tác này phải được thực hiện một cách thường xuyên, lâu dài, xem như là một hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác tham gia xây dựng chính quyền.

Năm là, cần làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương thanh tra viên và Ban TTND có thành tích xuất sắc trong công tác TTND và tạo điều kiện và cấp kinh phí thường xuyên, ổn định cho các tổ chức trên hoạt động.

Sáu là, giới hạn nội dung giám sát của Ban TTND cho phù hợp với thực tế, bảo đảm hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung và gắn trực tiếp với mục đích phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đơn vị. 

Bảy là, bảo đảm cơ chế lựa chọn người tham gia Ban TTND có trách nhiệm cao, có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn bảo đảm sự linh hoạt. Quy định cụ thể chế độ đãi ngộ đối với người tham gia Ban TTND trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nguồn kinh phí cho các Ban TTND hoạt động cần được tách thành nguồn riêng thông qua MTTQ hoặc Liên Đoàn lao động, không phụ thuộc vào kinh phí của chính quyền địa phương và kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng tham gia Ban TTND, nhất là tập huấn các kỹ năng phát hiện, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nâng cao vị trí, vai trò của TTND là nhằm tăng cường trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước. Sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, phát huy dân chủ, thực hiện phương thức dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thực trạng hoạt động của TTND tại cấp xã, phường đã đạt được một số kết quả song trong những năm tiếp theo cần tiếp tục phát huy, hoạt động này trong các cơ quan nhà nước hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập, cần có giải pháp tháo gỡ./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Khoản 8 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010

[2] Hiến pháp các năm 1946, 1959,1980,1992,2013

[3] Điều 6 Hiến pháp năm 1959

[4] Điều 8 Hiến pháp năm 1980

[5] Điều 8 Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 quy định:

[6] Điều 2, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân dân

[7] Điều 13, Điều 29 Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân dân

[8] Đặng Thị Kim Ngân, (2018), Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng, https:// thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-giai-phap-nham-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-ban-thanh-tra-nhan-dan-va-ban-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong-182495

 [9] Hồng Loan (2019), Nâng cao hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng huyện Cẩm Khê,  https://mattrantoquoc.phutho.gov.vn/Chuyenmuctin/Chitiettin/tabid/92/title/986/ctitle/83/Default.aspx

[10] Đoàn Văn Trúc (2019), Nâng cao vai trò hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, https://ubmttqvn.binhthuan.dcs.vn/Tin-t%E1%BB%A9c/post/27568/nang-cao-vai-tro%CC%80-hoa%CC%A3t-do%CC%A3ng-cu%CC%89a-ban-thanh-tra-nhan-dan-ban-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong

[11] Đinh Văn Minh, (2012), Hỏi - đáp về hoạt động của ban thanh tra nhân dân, NXB Chính trị Quốc gia.

[12] Nguyễn Quốc Văn, (2017), Pháp luật về thanh tra nhân dân, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội, (2010), Luật Thanh tra.
  2. Chính phủ (2016), Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân dân.
  3. Đinh Văn Minh (2012), Hỏi - đáp về hoạt động của ban thanh tra nhân dân, NXB Chính trị Quốc gia.
  4. Nguyễn Quốc Văn (2017), Pháp luật về thanh tra nhân dân, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Trường Đại học Luật Hà Nội, (2017), Giáo trình Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, NXB Công an nhân dân.
  6. Đặng Thị Kim Ngân, (2018), Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng, https:// thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-giai-phap-nham-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-ban-thanh-tra-nhan-dan-va-ban-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong-182495
  1. Hồng Loan (2019), Nâng cao hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng huyện Cẩm Khê, https://mattrantoquoc.phutho.gov.vn/Chuyenmuctin/Chitiettin/tabid/92/title/986/ctitle/83/Default.aspx
  2. Đoàn Văn Trúc (2019), Nâng cao vai trò hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, https://ubmttqvn.binhthuan.dcs.vn/Tin-t%E1%BB%A9c/post/27568/nang-cao-vai-tro%CC%80-hoa%CC%A3t-do%CC%A3ng-cu%CC%89a-ban-thanh-tra-nhan-dan-ban-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong

 Practical activities of the People's Inspectorate Comittee and the complete solutions

Phan Khuyên

National Academy of Public Administration, Ho chi minh Campus

Abstract:

People's inspection is a form of people's supervision through the People's Inspection Committee over the implementation of policies and laws, the settlement of complaints and denunciations, the implementation of the law on democracy at the grassroots level of responsible agencies, organizations and individuals in communes, wards, townships, state agencies, public non-business units, state enterprises. Practical activities shows that the People's Inspection Committees in communes, wards and towns operate quite effectively. Meanwhile, the People's Inspection Committees in state agencies, public non-business units, and state-owned enterprises encountered many difficulties and limited operational efficiency. The article analyzes the practical activities of the People's Inspection Committee and proposes some complete solutions.

Keywords: practical activities, the People's Inspection Committees, the People's Inspection Committees’operational efficiency.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2022]