Thực trạng nhượng quyền sản phẩm giáo dục và sự dịch chuyển của các giáo viên bản ngữ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo: Trường hợp nghiên cứu của Hệ thống Trung tâm Anh ngữ AMA - Hà Nội

VƯƠNG BÍCH HẰNG (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Bài viết nêu ra thực trạng và nhu cầu đào tạo Ngoại ngữ tiếng Anh ở các thành phố lớn nói chung và hệ thống AMA - Hà Nội nói riêng.  Do tần suất chuyển giao các sản phẩm nhượng quyền và số lượng các chi nhánh tăng quá nhanh, cùng với đó, do đặc thù chuyên môn, đòi hỏi nhiều trung tâm Ngoại ngữ phải có những giáo viên bản ngữ cùng tham gia công tác đạo tạo, cũng là để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp mình. Bài viết nêu rõ sự dịch chuyển, không ổn định của giáo viên bản ngữ dưới cơ chế quản lý mang tính chất dịch vụ gây ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Điều này tác động không nhỏ đến sự hài lòng của học viên đối với Khóa học như kỳ vọng ban đầu.

Từ khóa: Thực trạng, nhu cầu, đào tạo tiếng Anh, AMA - Hà Nội, giáo viên bản ngữ, sự dịch chuyển.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu giao tiếp để học tập, trao đổi, giao lưu, mua bán hàng hóa và thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng. Nếu như Công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực để kết nối toàn cầu, thì ngoại ngữ là phương tiện để mọi người dễ dàng giao tiếp, truyền dẫn và chia sẻ thông tin hiệu quả nhất. Trước thực tế đó, tiếng Anh là ngoại ngữ ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết ở Việt Nam nói chung, ở các thành phố lớn nói riêng. Nắm bắt thời cơ đó, nhiều Trung tâm Anh ngữ được thành lập dưới nhiều hình thức. Một trong những trường hợp đó là thực trạng nhượng quyền thương hiệu từ những địa danh đã có sự thành công đáng kể. Bài viết này quan tâm đến trường hợp chuỗi hệ thống Anh ngữ AMA - Hà Nội, đây cũng là những chuỗi nhượng quyền giáo dục tư nhân của Việt Nam sớm được vận hành nhất.

2. Đôi nét về thị trường Giáo dục tư nhân (Trung tâm Anh ngữ) giai đoạn 2011- 2014 ở miền Bắc Việt Nam

Kể từ năm 2000, tiếng Anh được xem là một ngành “dịch vụ không khói” bùng nổ ở thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung các khu trung tâm hành chính quốc gia, lại là cái nôi của Pháp ngữ. Ngược lại, TP.Hồ Chí Minh được xem là trung tâm kinh tế của cả nước. Chính vì lẽ đó, TP.Hồ Chí Minh tập trung lớn rất nhiều du khách nước ngoài đến làm việc và giao thương. Thị trường Anh ngữ ở TP.Hồ Chí Minh từ đó cũng sớm hình thành và phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là điểm thuận lợi cho các Trung tâm Anh ngữ ở Sài Gòn trong việc tuyển dụng, lựa chọn được những đội ngũ giáo viên bản ngữ có chất lượng và phong phú hơn. AMA - Sài Gòn là sự tiếp nối của Cleverlearn Sài Gòn, là một trung tâm Anh ngữ có uy tín cao, được thành lập lâu đời, đã từng là đơn vị chủ trì tổ chức các kỳ thi chứng chỉ quốc tế. Năm 2017, AMA - Sài Gòn nằm trong nhóm 15 trung tâm ngoại ngữ có quy mô khủng nhất (theo Edu2Review).

  • Bối cảnh ra đời của AMA - Hà Nội và mô hình đào tạo Active Learning (AL):

AMA- Hà Nội chính thức ra đời vào ngày 31/3/2011 và là chi nhánh thứ 9 được nhượng quyền bởi AMA - Sài Gòn. Sản phẩm đào tạo tiếng Anh của AMA - Hà Nội thời bấy giờ chủ yếu là nhượng quyền từ AMA - Sài Gòn, với các sản phẩm giảng dạy tiếng Anh từ cấp độ Kids (cho trẻ 3-4 tuổi) đến các sản phẩm dành cho người lớn (GE - Tiếng Anh tổng quát), tiếng Anh học thuật, tiếng Anh dành cho người đi định cư nước ngoài (TOEFL, IELTS), tiếng Anh dành cho người đi làm (TOEIC),…

AMA - Sài Gòn là đơn vị tiên phong thành công trong mô hình đào tạo Active Learning (AL) tức mô hình học chủ động. Mô hình này hướng đến các đối tượng có nguyện vọng tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế như TOEFL, IELTS, TOEIC,… Điểm đặc biệt hơn nữa, tại thời điểm AMA- Hà Nội ra đời, chưa có bất kỳ một trung tâm Anh ngữ nào trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện đào tạo phương pháp mới (1 kèm 1 theo mô hình AL) và cam kết đảm bảo điểm đầu ra như AMA - Hà Nội. (Hình 1)

Hình 1: Mô hình AL

mo_hinh_al

  • Ưu điểm của phương pháp học tập chủ động này là:Người học được chủ động về tốc độ học tập theo mong muốn mục tiêu đầu ra cá nhân.
  • Giờ học linh động, không bỏ lỡ buổi học nào.
  • Luyện tập hằng ngày với thư viện sách từ A-Z reading.
  • Được học theo mô hình 1 kèm 1; và luyện tập thường xuyên với giáo viên Bản ngữ.
  • Được cam kết đầu ra theo mục tiêu của học viên.

 Với phương pháp đào tạo mới trên, AMA - Hà Nội cũng dần khẳng định được danh tiếng trên thị trường miền Bắc, dù cũng còn khá nhiều khó khăn.

Đến sau năm 2015, AMA - Hà Nội  chính thức đổi tên thành AMES - Hà Nội và không tiếp tục là đơn vị nhượng quyền của AMA - Sài Gòn. Từ đó đến nay, AMES - Hà Nội đã có 25 chi nhánh, với 25 chi nhánh trải dài khắp miền Bắc-Nam (Bảng 1)

Bảng 1. Chi nhánh AME

chi_nhanh_ame

3. Phương pháp nghiên cứu

  • Phương pháp quan sát.
  • Phương pháp phỏng vấn sơ bộ và phỏng vấn sâu.

4. Thực trạng vấn đề nghiên cứu

AMA - Hà Nội ra đời tiền thân từ AMA - Sài Gòn, các sản phẩm giáo dục AMA - Hà Nội  sử dụng để triển khai từ phương pháp, giáo cụ, giáo trình, thiết bị sử dụng trên lớp học,… đến cách thức tuyển sinh, tuyển dụng, và triển khai các chương trình PR-Marketing theo các chiến dịch trong năm tài chính đều là sản phẩm kế thừa nguyên bản của AMA - Sài Gòn. Điều này, đưa AMA - Hà Nội có nhiều lợi thế, nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều thách thức (Bảng 2)

Bảng 2. SWOT của AMA - Hà Nội

swot_cua_ama_-_ha_noi

  • Giới thiệu về vấn đề: Hiện tượng dịch chuyển của các giáo viên bản ngữ tại trung tâm Anh ngữ AMA - Hà Nội:

Giáo dục truyền thống thường gắn kết vai trò của người thầy rất quan trọng trong sự thành bại của giáo dục. Điều đó hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, tính ổn định về sự gắn bó của người thầy giáo trong mỗi Khóa học hoặc trong một khoảng thời gian nhất định là rất cần thiết đối với người học, song song đó, là văn hóa chất lượng trong đào tạo. Lê Thị Phương (2019) có đề cập đến văn hóa chất lượng là xu thế chung của tất cả các cơ sở giáo dục. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo và thể hiện bản sắc riêng của mỗi trường.

AMA - Hà Nội trong những ngày đầu gây dựng thương hiệu ở thị trường miền Bắc cam kết đảm bảo đầu ra cho người học và sử dụng 100% giáo viên Bản ngữ. Chính luận điểm này làm nên điểm khác biệt của Doanh nghiệp giáo dục AMA, cũng là đem đến cho AMA - Hà Nội rất nhiều thuận lợi trong công tác truyền thông, marketing đến chiêu sinh học viên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi mức độ tăng trưởng quá nhanh như trường hợp của Anh ngữ AMA - Hà Nội đã làm nảy sinh nhiều vấn đề nan giải ở góc độ quản lý doanh nghiệp tư nhân nói chung và quản lý chất lượng giáo dục nói riêng. Kết quả về lâu dài sẽ ảnh hưởng đầu ra của người học; sự hài lòng của khách hàng và cuối cùng là đến uy tín của doanh nghiệp. Từ nghiên cứu thực nghiệm, thông qua phỏng vấn và quan sát trực tiếp tại Doanh nghiệp AMA - Hà Nội (chi nhánh Lò Đúc và chi nhánh Cầu Giấy), cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của học viên cũng như sự gắn kết của giáo viên bản ngữ với Trung tâm. Vì điều kiện hạn chế chưa cho phép, nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào phân tích các yếu tố tác động đến sự dịch chuyển của giáo viên bản ngữ và thời gian gắn kết làm việc của họ tại một trung tâm.

(1). AMA - Hà Nội chưa đủ tiềm lực để xây dựng đội ngũ giáo viên bản ngữ Full-time dài hạn:

AMA - Hà Nội  cam kết sử dụng nguồn giáo viên 100% là giáo viên bản ngữ đến từ các quốc gia phát triển và sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa như Anh, Mỹ, Úc, Canada, New Zealand,… Điều này cũng tạo nên một áp lực tài chính lớn để đảm bảo chế độ làm việc toàn thời gian cho họ như ở nước bản địa. Hơn nữa, bài toán chi phí về giáo viên bản ngữ còn cần phải cân đối lại so với mức học phí và số lượng người học tham gia tại AMA - Hà Nội.

(2). Chế độ và chính sách làm việc cho giáo viên bản ngữ chưa thu hút họ ở lại lâu dài:

AMA - Hà Nội chủ yếu sử dụng hình thức trả lương theo giờ cho giáo viên bản ngữ (mức lương dao động từ 20- 25 USD) phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, trình độ học vấn, kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên đó. Bên cạnh đó, số giờ giảng được bố trí cũng căn cứ trên những thông số trên (tức là dựa trên năng lực chuyên môn sư phạm, sự thu hút của giáo viên đối với người học) mà bố trí. Cho đến nay, chưa có một quy định nào về số giờ giảng tối thiểu và số giờ dạy tối đa tại trung tâm/chi nhánh của AMA - Hà Nội. Vấn đề này là một thách thức rất lớn cho việc giữ chân những người giỏi  gắn bó lâu dài với Trung tâm.

So với các giáo viên Việt Nam và những nhân viên làm việc tại trung tâm, giáo viên bản ngữ không được nhận bất kỳ chế độ phúc lợi nào theo Lluật Lao động hiện hành của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng nghĩa với việc họ sẽ được thụ hưởng bất kỳ chế độ phúc lợi, bảo hiểm, các khoản thưởng bất kỳ nào hết.

Khó khăn lớn nhất đó là vấn đề Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam (Work-Permit). Nhiều giáo viên bản ngữ than phiền về rào cản để họ ở lại cống hiến cho Việt Nam đó là thực trạng Giấy phép lao động cấp quá ngắn ngày, việc làm mới (Re-new) giấy phép lao động còn gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

(3). Nguồn cung giáo viên bản ngữ đa phần là nguồn tự phát (do đi du lịch sang Việt Nam và ở lại tham gia giảng vài ngày)

Nhiều giáo viên bản ngữ lâm thời được trở thành giáo viên trong những chuyến du lịch hoặc trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam. Họ chia sẻ chưa hề có ý định sang Việt Nam dạy tiếng Anh, nhưng do sự chào mời nồng nhiệt, và quyết định tạm thời ở lại lưu trú tại Việt Nam khiến họ đồng ý với công việc giảng dạy tiếng Anh này.

(4). Thị trường lao động khan kiếm, sự tranh giành chiêu mộ tuyển dụng của nhiều trung tâm ngoại ngữ diễn ra đồng thời.

Thị trường Trung tâm Anh ngữ “mọc lên như nấm sau cơn mưa” theo quy luật cung cầu của Kinh tế học, khi cung giảm mà cầu tang tức thì dẫn đến sự khan hiếm nguồn lực. Điều này dẫn đến sự tranh giành lao động, hoặc sử dụng lao động vượt quá năng lực cung cho phép. Đây cũng là một luận điểm quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo của Trung tâm (hiện tượng chạy show trong giáo dục).

(5). Các yếu tố khác (bao gồm: Quản lý vận hành Doanh nghiệp, đa văn hóa, sự gắn kết giữa các đồng nghiệp, hoàn cảnh cá nhân của giáo viên bản ngữ,…)

Việc quản lý lỏng lẻo, cơ chế chưa rõ ràng, tình trạng giáo viên nghỉ việc đột xuất; môi trường đa văn hóa,… dễ dàng đưa đến cái nhìn thiếu thiện cảm và chưa chuyên nghiệp của những giáo viên bản ngữ đối với trung tâm Anh ngữ AMA - Hà Nội.

5. Thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục tư nhân/ các trung tâm đào tạo ngoài công lập

Áp lực doanh số, chi phí duy trì cơ sở giáo dục tư thục.

Chưa có sự quan tâm đầy đủ và đúng mức của các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài tham gia công tác tại Việt Nam.

Chưa đồng bộ hóa chương trình đào tạo theo khung chuẩn.

Thị trường giáo dục tư nhân ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

6. Một số cơ sở lý thuyết có liên quan

Lý thuyết về cấu trúc dự phòng của Burns và Stalker1 làm nổi bật mối quan hệ "Môi trường tổ chức" bằng cách chỉ ra đây là các biến bên ngoài tổ chức được kêu gọi ảnh hưởng đến cùng tổ chức này. Ở đây, tác giả chỉ ra sự khác biệt giữa hai môi trường: môi trường ổn định và môi trường năng động.

Khi nghiên cứu về Burns và Stalker cho thấy trong nghiên cứu của họ, tình huống bất ngờ phụ thuộc vào 4 yếu tố: tuổi và quy mô của công ty, môi trường làm việc của công ty, thị trường, môi trường văn hóa và hệ thống kỹ thuật cần thiết doanh nghiệp cho hoạt động. Tác giả đề cập đến lý thuyết dự phòng cấu trúc bởi

Công ty AMA - Hà Nội thực sự đã phát triển doanh nghiệp theo 4 biến này,. Các biến này rất có ảnh hưởng trong môi trường AMA - Hà Nội, công ty đã phát triển trong một môi trường năng động và không ổn định.

Cơ sở lý thuyết thứ hai mà tác giả muốn đề cập là học thuyết Mintzberg2, học thuyết này cho biết thêm rằng mô hình của cấu trúc được thực hiện dựa trên sự tương tác giữa môi trường bên ngoài và tính nhất quán bên trong của hệ thống. (Bảng 3).

Bảng 3. Sự tương tác giữa môi trường bên ngoài và tính nhất quán

bên trong của hệ thống

su_tuong_tac_giua_moi_truong_ben_ngoai

Thật vậy, nếu đề cập đến 2 loại cấu trúc khác nhau được đề xuất bởi

Burns và Stalker, Công ty AMA - Hà Nội nên đặt mình vào một hoạt động thích nghi với môi trường năng động, nghĩa là, trong mô hình của một "cấu trúc hữu cơ". Các đặc điểm được chỉ ra trong bảng phân tích trên cho ta thấy các tính năng đặc trưng của cấu trúc hữu cơ. Tất cả có tính đến mức độ thích ứng của hoạt động do Burns và Stalker đề xuất, cho thấy công ty có một số mâu thuẫn trong hệ thống tổ chức nội bộ. Không kết hợp hoàn hảo các đặc điểm được đề xuất trên sẽ không thể đo lường chính xác và nếu không tính đến các biến cụ thể cho công ty AMA - Hà Nội  vào môi trường thực tiễn doanh nghiệp, AMA dường như cách xa hệ thống thích nghi với môi trường năng động. Tổ chức thực sự của chi nhánh cũng phải giống như một hệ thống ổn định hoặc cơ học.

7. Kết luận

Vai trò của giáo dục tư thục là rất cần thiết, góp phần hỗ trợ không nhỏ đến Hệ thống giáo dục chính quy và công lập của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh giáo dục tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra cho người học. Trường hợp Trung tâm Anh ngữ AMA - Hà Nội là một ví dụ điển hình. Việc gây dựng thương hiệu cho một doanh nghiệp nhượng quyền còn quá non trẻ sang ở một thị trường mới là một thách thức rất lớn, đòi hỏi nhiều sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các cá nhân tham gia vào hoạt động đào tạo và giảng dạy.

Các nhà quản lý giáo dục cần cân đo lại bài toán lợi ích ngắn hạn và lợi ích lâu dài mà doanh nghiệp mong muốn, gắn với chất lượng đào tạo mà điển hình là thực trạng sự ổn định của đội ngũ Giáo viên nước ngoài. Cần có sự đầu tư đúng mức vào đối tượng này để đảm bảo uy tín, nâng cao hiệu quả đào tạo, khẳng định chất lượng thương hiệu nhượng quyền mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Burns T. & Stalker G.W. (1966). The management of innovation. London: Tavistock institute.
  2. Mintzberg H. (1990). Le manager au quotidien, Paris, editions d'Organisation.
  3. CORGIE Perrine et al., (2013), Management négligé et professeurs détachés : Le cas de l’entreprise AMA, Toulouse University Le Mirail II.
  4. Ames English. <https://ames.edu.vn/gioi-thieu-ve-ames>
  5. Lê Thị Phương (2018). Xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 8/2018, tr 77-81. <https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/magazine/so-dac-biet-thang-8-348/17-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-chat-luong-tai-truong-dai-hoc-cong-nghe-thong-tin-dai-hoc-quoc-gia-thanh-pho-ho-chi-minh-6246.html
  6. Nhất Uyên (2020). Top 15 trung tâm Anh ngữ có “quy mô khủng” nhất TP. Hồ Chí Minh. <https://edu2review.com/reviews/top-15-trung-tam-anh-ngu-co-quy-mo-khung-nhat-tphcm-6421.html>
  7. Lê Quốc Chơn (2018). Tại sao dạy tiếng Anh ở Việt Nam không hiệu quả? <https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tai-sao-day-tieng-anh-o-viet-nam-khong-hieu-qua-post193491.gd>

 

THE CURRENT SITUATION OF FRANCHISING EDUCATIONAL PRODUCTS AND THE INSTABILITY OF NATIVE TEACHERS WHICH AFFECTS THE TRAINING QUALITY: THE CASE STUDY OF AMA ENGLISH CENTER SYSTEM - HANOI

VUONG BICH HANG

Van Lang University

ABSTRACT:

This paper addresses the current situation and the need for English training in major cities in general and the AMA- Hanoi’s system in particular. Due to the rapid franchising of products, the quick expansion of branches and also the professional characteristics, many foreign language training centers need native teachers for teaching and branding activities. This article highlights the turnover and the instability of native teachers, and the impacts of this issue on the teaching quality. This issue significantly impacts on the students’ satisfaction with the training courses.

Keywords: Current situation, need, English training, AMA - Hanoi, native teachers, shift.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]