Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ngành Văn hóa học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

PGS.TS. NGUYỄN QUYẾT THẮNG (Trưởng Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech)) - NGUYỄN THÀNH ĐĂNG KHOA (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bằng phương pháp thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy Cronback’s Alpha, kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy,  Bài viết đã nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nhân lực ngành Văn hóa học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu xác định được 4 yếu tố, bao gồm: (1) Chương trình đào tạo; (2) Chính sách đào tạo;  (3) Chất lượng giảng viên;  (4) Hệ thống cơ sở đào tạo. Bài viết cũng đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành Văn hóa học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Từ khóa: Các yếu tố ảnh hưởng, chất lượng giáo dục, nghiên cứu chuyên ngành văn hóa học, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Văn hóa học là một ngành đào tạo mới ở Việt Nam, riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuy có tuổi đời chưa lâu nhưng Văn hóa học ngày càng hữu ích và cần thiết trong giáo dục đại học và sau đại học.

Thực tế, ngành Văn hóa học hiện nhận được rất nhiều sự quan tâm của người học. Điểm chuẩn ngành Văn hóa học tại hai cơ sở đào tạo đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Văn hóa trong những năm gần đây luôn ở vị trí cao so với mặt bằng điểm chuẩn tuyển sinh của từng trường. Điều này cho thấy sức thu hút lớn của ngành đào tạo này đối với sinh viên, học viên. Trước yêu cầu về nhân lực ngành Văn hóa học đang ngày càng cao về số lượng và khắt khe về chất lượng, các cơ sở đào tạo ngành Văn hóa học buộc phải nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực để hướng tới mục tiêu chính của giáo dục đại học là “năng lực làm việc”.

2. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Chất lượng đào tạo theo Trần Khánh Đức (2010) là kết quả của quá trình đào tạo được phản ánh ở các đặc trưng về phẩm chất, giá trị nhân cách và giá trị sức lao động hay năng lực hành nghề của người tốt nghiệp tương ứng với mục tiêu, chương trình đào tạo theo các ngành nghề cụ thể. Theo Bùi Võ Anh Hào (2016), Chất lượng giáo dục đại học là sự đáp ứng mục tiêu do nhà trường đề ra, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật Giáo dục, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Baldwin, T.T., & Ford, J.K (1988), trong tác phẩm “Transfer of training: A rewiew and directions for future research” cho thấy: (1) Đặc điểm của người tham gia đào tạo (khả năng, cá tính, động lực), (2) Thiết kế đào tạo (các nguyên tắc của việc học, trình tự, nội dung đào tạo), (3) Môi trường làm việc (hỗ trợ, cơ hội sử dụng những gì được đào tạo) ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Nghiên cứu “Contextual influences on training effectiveness” của Quinones, M. A., & Ehrenstein, A. (Eds.). (1997), sau khi nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố bối cảnh đến hiệu quả đào tạo đã đưa ra mô hình bao gồm: (1) học tập, (2) hành vi, (3) kết quả và (4) phản ứng.

Một số tác giả ở Việt Nam đã vận dụng các lý thuyết về chất lượng đào tạo trên thế giới để thực hiện các công trình nghiên cứu như: Lại Xuân Thủy và Phan Thị Minh Lý (2011), Nguyễn Thị Bảo Châu và Thái Thị Bích Châu (2013), Nguyễn Minh Nhã và Nguyễn Thị Thanh Thủy (2018), Nguyễn Thị Mỹ Lệ (2019).

Từ cơ sở lý thuyết và thừa hưởng, kết hợp nhiều mô hình về các yếu tố ảnh hưởng chất lượng đào tạo, bài viết xây dựng mô hình 6 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Văn hóa học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: (1) Chất lượng giảng viên, (2) Chính sách đào tạo, (3) Hệ thốngcở sở đào tạo, (4) Chương trình đào tạo, (5) Chất lượng đầu ra, (6) Người học. (Mô hình 1)

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lý thuyết, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu định tính (thảo luận nhóm) với các chuyên gia, giảng viên, cựu sinh viên, người làm công tác có liên quan đến ngành Văn hóa học nhằm xây dựng thang đo sơ bộ cho nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu sơ bộ và đưa ra bộ thang đo chính thức. Dữ liệu được thu thập qua khảo sát tổng cộng 150 khách thể thông qua 2 hình thức chính: (1) Phỏng vấn khảo sát và lấy thông tin trực tiếp; (2) Phỏng vấn trực tuyến thông qua mạng xã hội.

Kết quả thu được sẽ tiến hành làm sạch và phân tích thông qua quy trình như sau: Tiến hành kiểm tra độ tin cậy thang đo (hệ số Cronbach's Alpha), phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi quy bội nhằm tìm ra vai trò và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đối với chất lượng đào tạo nhân lực ngành Văn hóa học bằng phần mềm SPSS 20.0. Thang đo Likert 5 mức độ (1: Hoàn toàn không đồng ý, 2: Không đồng ý, 3: Trung lập, 4: Đồng ý và 5: Hoàn toàn đồng ý) được sử dụng để đo lường giá trị các biến số. Quá trình khảo sát đã thu thập được 174 bảng trả lời, trong đó 170 bảng đủ điều kiện để đưa vào phân tích.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả kiểm định Cronback’s Alpha

Kết quả kiểm định Cronback’s Alpha cho 32 biến quan sát thuộc 7 khái niệm (6 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc) cho thấy các thang đo của nghiên cứu đều có hệ số Cronbach’s alpha ≥ 0,6 và nằm trong khoảng 0,835 đến 0,937. Đồng thời tương quan giữa biến và tổng đều lớn hơn 0,3 (nhỏ nhất là 0,507). Như vậy, các thang đo sử dụng trong đề tài là tốt và có thể chấp nhận sử dụng để phân tích nhân tố khám phá EFA trong bước tiếp theo.

3.2. Kết quả phân tích EFA

Qua phân tích EFA lần 1 thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến Chất lượng đào tạo, có 3 biến quan sát có trọng số tải nhân tố (Factor loading) nhỏ hơn 0,55 là: Biến CSDT1 “Người học ngành Văn hóa học được tạo điều kiện học tập, nghiên cứu thuận lợi”, biến NH1 “Chất lượng đầu vào ngành Văn hóa học tốt”, biến NH5 “Người học ngành Văn hóa học có các kĩ năng bổ trợ tốt (tin học, ngoại ngữ,…)”. Các biến còn lại đều có trọng số tải nhân tố lớn hơn 0,55. Như vậy, cần phải tiến hành phân tích yếu tố khám phá EFA lại với thay đổi là bỏ đi các biến CSDT1, NH1, NH5.

Kết quả phân tích EFA lần 2, còn lại 26 biến quan sát dùng để đo lường 6 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nhân lực ngành Văn hóa học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được trích vào 6 yếu tố ảnh hưởng đến Chất lượng đào tạo (CLDT) tại mức Eigenvalue = 1,005, giá trị hệ số Eigenvalues của các nhân tố đều > 1, trong đó nhân tố thứ 6 có Eigenvalues thấp nhất là 1,005> 1và chỉ số KMO là 0,911 lớn hơn 0,5; giá trị sig là 0,000 nhỏ hơn 0,05 chứng tỏ dữ liệu nghiên cứu phù hợp để phân tích EFA. Phương sai trích đạt 74,095% (đạt yêu cầu vì >50%). Điều đó cho thấy 6 nhân tố này giải thích 74,095% biến thiên của dữ liệu, đồng thời, tất cả biến quan sát được rút trích vào các yếu tố đều có trọng số tải yếu tố (Factor or Loading) đạt tiêu chuẩn lớn hơn 0,55.

Tiếp đó, kết quả phân tích EFA cho biến phụ thuộc Chất lượng đào tạo cho thấy: Hệ số KMO là 0,690 với mức ý nghĩa là 0,000 trong kiểm định Bartlett. Như vậy, thỏa mãn điều kiện trong phân tích yếu tố khám phá EFA. Trong đó, 3 biến quan sát được trích vào cùng 1 yếu tố với chỉ số Eigenvalue là 2,274 ≥ 1 và phương sai trích là 75,815% lớn hơn 50% và các biến quan sát có hệ số tải ≥ 0,55.

3.3. Phân tích hồi quy và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu

Kết quả tóm tắt mô hình hồi quy bằng lệnh Enter cho thấy R2 điều chỉnh là 59,2% nhỏ và sai số của sai lệch chuẩn bé nhất là 0,40982, chứng tỏ 59,2% biến thiên của chất lượng đào tạo nhân lực ngành Văn hóa học được giải thích tốt bởi các biến độc lập trong mô hình.

Kết quả phân tích tóm tắt ở Bảng 3 cho thấy, 4 biến độc lập CLGV, CSDT, HTCS, CTDT có nhiều khả năng giải thích cho biến phụ thuộc, đồng thời các biến độc lập đạt giá trị phân biệt vì mức ý nghĩa sig đền nhỏ hơn 0.05 và hệ số VIF đều nhỏ hơn 2.

Riêng biến CLDR mức ý nghĩa bằng 0,595 > 0,05 và biến NH có mức ý nghĩa bằng 0,571 >0,05 nên hai biến này không có ý nghĩa thống kê vì không có sự tác động đến biến phụ thuộc CLDT. Thêm nữa, biến CLDR có hệ số VIF bằng 2,163 nên có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra ở biến này. Như vậy, loại hoàn toàn 2 biến CLDR và NH. (Bảng 1)

Dựa vào kết quả trên cho phép kết luận mô hình hồi quy chuẩn hóa về các yếu tố ảnh hưởng đến CLDT được xác định như sau:

CLDT =0,560 + 0,224 * CLGV + 0,260 * CSDT + 0,179 * HTCS + 0,313* CTDT

Trong đó:

CLGV: Chất lượng giáo viên

CTDT: Chương trình đào tạo

CSDT: Chính sách đào tạo

CLDT: Chất lượng đào tạo

HTCS: Hệ thống cơ sở đào tạo

 

Như vậy, có 4 yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo nhân lực ngành Văn hóa học theo thứ tự giảm dần: (1) Chương trình đào tạo (β = 0,313); (2) Chính sách đào tạo (β = 0,260);  (3) Chất lượng giảng viên (β = 0,224);  (4) Hệ thống cơ sở đào tạo (β = 0,179).

4. Kết luận và hàm ý quản trị

Nghiên cứu đã khẳng định được 4 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nhân lực ngành Văn hóa học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này. Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành Văn hóa học, cần chú ý đến cả 4 yếu tố trên nhưng theo mức độ ưu tiên, tập trung vào các yếu tố có mức độ tác động mạnh, cụ thể như sau:

Về yếu tố Chương trình đào tạo,cần duy trì sự hợp lý trong sắp xếp chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, vai trò của người học rất quan trọng nên lấy ý kiến của người học để xây dựng, cải tiến chương trình nhằm đa dạng hơn nội dung chương trình đào tạo.

Về yếu tố Chính sách đào tạo, cần có biện pháp cân nhắc điều chỉnh học phí ngành để cân bằng giữa thu hút người học và người dạy cũng như đủ nguồn lực để phát triển cơ sở đào tạo. Hiện nay, chính sách hỗ trợ người học đang được thực hiện rất tốt nên duy trì chính sách với quy mô ổn định. Trong việc thực hiện thủ tục, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tránh rườm rà, hình thức hóa thủ tục, tạo tâm lý thoải mái, thuận tiện cho người thực hiện.

Về yếu tố Chất lượng giảng viên, các trường cần đẩy mạnh, xây dựng kế hoạch thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực, trình độ và nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên. Tuyển chọn, xây dựng đội ngủ giảng viên thỉnh giảng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có nhiều kinh nghiệm công tác tham gia giảng dạy cập nhật kiến thức. Đối tượng giảng viên được cử đi học tập, cập nhật kiến thức xác định được mục đích và nhu cầu thực tế của việc cập nhật kiến thức và phương pháp mới. Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng cũng cần bổ sung với các tiêu chí phù hợp, phong phú về số lượng và đa dạng về lĩnh vực nghiên cứu. Quan tâm đào tạo lại, đào tạo nâng cao, tăng cường công tác thông tin, bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên, tạo điều kiện để giảng viên tự học tập, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm, đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Phân công bố trí giảng viên theo đúng năng lực chuyên môn, sở trường của từng người, có chính sách khen thưởng những giảng viên dạy giỏi.

Về yếu tố Hệ thống cơ sở đào tạo, đây là vấn đề được người học quan tâm phản ánh nhiều, các trường, cơ sở đào tạo cần tính toán đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng và điều kiện vật chất để hỗ trợ tốt nhất việc dạy và học. Xem xét, mở thêm một số cơ sở đào tạo ngành Văn hóa học và thực hiện liên thông chương trình đào tạo, các trường đào tạo, các cơ sở đào tạo chủ động liên thông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Baldwin, T.T., & Ford, J.K (1988). Transfer of training: A rewiew and directions for future research. Personnel Psychology, 41(1), 63-105.
  2. Trần Xuân Kiên (2006), “Đánh giá sự hài lòng của sinh viên về chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên”, Luận văn Thạc sĩ, Viện Đảm bảo Chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Minh Nhã, Nguyễn Thị Thanh Thủy (2018), Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đào tạo chuyên ngành kế toán - nghiên cứu tại Trường Đại học Tiền Giang, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 54, số 6C, 139-147.
  4. Nguyễn Thị Mỹ Lệ (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan hành chính, sự nghiệp tại Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Bình Dương.
  5. Lại Xuân Thủy và Phan Thị Minh Lý, 2011, Đánh giá chất lượng đào tạo của Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế dựa trên quan điểm người học. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 3, 230-237.
  6. Trần Thanh Sang (2018), Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sĩ Xây dựng đảng và Chính quyền Nhà Nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
  7. Trần Khánh Đức (2010), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Factors affecting the quality of training human resources in cultural studies in Ho Chi Minh City

Assoc.Prof. Ph.D Nguyen Quyet Thang

Dean, Faculty of Hospitality, Ho Chi Minh City University of Technology

Nguyen Thanh Dang Khoa

University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University – Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

By using the methods of descriptive statistics, comparative statistics, Cronbach’s alpha, Exploratary Factor Analysis (EFA), regression analysis, this research analyzes factors that influence the quality of training human resources in cultural studies in Ho Chi Minh City. This research finds out there are 4 factors affecting the training quality, namely (1) Training program; (2) Training policy; (3) Lecturer’s quality; and (4) Training facilities. Based on these findings, this research proposes some recommendations to improve the quality of training human resources in cultural studies in Ho Chi Minh City.

Key words: Affecting factors, quality of education, cultural studies major, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2020]