Thực trạng quản lý chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt Nam

ThS. NCS. HOÀNG THỊ ĐOAN TRANG - TS. HOÀNG NGỌC THUẬN (Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. Do đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần nắm chắc các nhân tố quan trọng trong quản lý chất lượng dịch vụ logistics nhằm mang đến thành công. Nhận thấy vấn đề đó, bài nghiên cứu đi vào phân tích thực trạng quản lý chất lượng dịch vụ logistics hiện nay của các doanh nghiệp logistics Việt Nam và đánh giá thực trạng trên nhằm đưa ra một số giải pháp cho các doanh nghiệp này.

Từ khóa: Doanh nghiệp, quản lý, chất lượng, dịch vụ logistics.

1. Khái quát về chất lượng dịch vụ logistics của doanh nghiệp logistics

Trước khi tìm hiểu thế nào là chất lượng dịch vụ logistics, chúng ta phải tìm hiểu thế nào là dịch vụ logistics. Định nghĩa được coi là đầy đủ nhất và được sử dụng phổ biến nhất hiện này là định nghĩa của Hội đồng quản lý logistics của Hoa Kỳ (Council of Logistics Management - CLM): “Logistics là quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát quá trình lưu chuyển, dự trữ hàng hóa, dịch vụ và những thông tin liên quan từ điểm xuất phát đầu tiên đến nơi tiêu thụ cuối cùng sao cho hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của khách hàng”.

Theo Philip Kotler 2003, dịch vụ là một hoạt động hay lợi ích cung ứng để trao đổi, chủ yếu là vô hình và không dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu. Như vậy, cũng như các loại hình dịch vụ khác, chất lượng logistics được hiểu là mức độ thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng với các dịch vụ logistics mà doanh nghiệp cung ứng. Theo khái niệm này, chất lượng dịch vụ logistics là quá trình nâng cao dịch vụ logistics nhằm mục đích tối ưu hóa hiệu quả của vòng quay tăng trưởng, vòng quay thu mua hàng hóa, sản xuất, phân phối bán hàng, vận tải, tái chế và sử dụng lại các nguồn nguyên vật liệu từ các công ty đơn lẻ đến toàn bộ ngành công nghiệp thông qua hợp tác.

2. Thực trạng quản lý chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp logistics Việt Nam

2.1. Tổng quan về các doanh nghiệp logistics Việt Nam

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến hết tháng 3/2018, cả nước có 296.469 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực logistics, tập trung chủ yếu ở khu vực có hệ thống cảng, đường bộ thuận lợi: đồng bằng sông Hồng (38,8%), tiếp theo là Đông Nam Bộ (33,8%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14,2%), Trung du và miền núi phía Bắc (5,6%), đồng bằng sông Cửu Long (5,2%) và cuối cùng là Tây Nguyên (2,4%). Tuy số lượng doanh nghiệp đông đảo nhưng chủ yếu các doanh nghiệp hoạt động với phương thức nhỏ lẻ, chủ yếu là hoạt động kinh doanh theo phương thức logistics tự cấp - First Party Logistics (1PL) hoặc là bên cung cấp dịch vụ logistics thứ 2 - Second Party Logistics (2PL). Hiện nay, phương thức cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 - Third Party Logistics (3PL) là phương thức cung cấp phổ biến nhất và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, song số lượng doanh nghiệp cung cấp theo phương thức 3PL chỉ chiếm khoảng 16% và chủ yếu là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài [2].

Về thị trường, thống kê của Hiệp hội Các doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) năm 2018 cho thấy, các doanh nghiệp hội viên cung cấp dịch vụ logistics khá đa dạng, bao gồm nội địa (52%) và quốc tế chủ yếu tập trung ở khu vực ASEAN (67%), Trung Quốc (59%), Nhật Bản (50%), EU (45%), Hàn Quốc (43%) và Hoa Kỳ (38%) [2]. Các doanh nghiệp đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu. Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là đảm nhiệm hầu như toàn bộ vận tải nội địa, từ khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đến khai thác kho bãi, dịch vụ kho [7].

Khi đánh giá chất lượng dịch vụ logistics không thể không kể đến chỉ số Năng lực hoạt động logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới với 6 tiêu chí: (i) Hải quan; (ii) Hạ tầng; (iii) Vận tải quốc tế; (iv) Chất lượng và năng lực logistics; (v) Giám sát & truy tìm hàng hóa và (vi) Giao hàng đúng hạn. Chỉ số LPI 2018 của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố trong Báo cáo tháng 07/2018, điểm số là 3,27, xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016 (64/160), so với năm 2016 là 2,98 tăng 0,29 điểm. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ ba sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32) [4].

Hình 1: Chỉ số hoạt động logistics (LPI) Việt Nam giai đoạn 2007 – 2018

Chỉ số hoạt động logistics

Nguồn: Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam report)

2.2. Thực trạng quản lý chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp logistics Việt Nam

Những năng lực mà bộ máy quản lý chất lượng dịch vụ logistics cần có là khả năng làm việc của đội ngũ quản lý của công ty logistics, khả năng quản lý thời gian thực hiện dịch vụ logistics, khả năng kiểm soát chi phí logistics cho công ty, sự hợp tác giữa các bộ phận liên quan khi thực hiện dịch vụ, khả năng giải quyết tốt các sự cố bất ngờ/ngẫu nhiên (Đỗ Xuân Quang, 2015).

Bộ máy quản lý chất lượng dịch vụ logistics trong doanh nghiệp logistics Việt Nam thường gồm:

- Hội đồng quản trị: Là cơ quan quản lý Công ty, có toàn quyền nhân danh Công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của Công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

- Ban Tổng Giám đốc: Tổng Giám đốc là người điều hành và có quyền quyết định cao nhất về tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày của Công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Các Phó Tổng Giám đốc là người giúp việc cho Tổng Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về phần việc được phân công, chủ động giải quyết những công việc đã được Tổng Giám đốc ủy quyền và phân công theo đúng chế độ chính sách của Nhà nước và Điều lệ của Công ty.

- Trưởng phòng Quản trị chất lượng: Là người tham mưu và giúp việc cho Ban Tổng Giám đốc, trực tiếp điều hành theo chức năng chuyên môn quản trị chất lượng dịch vụ logistics trong công ty và theo chỉ đạo của Ban Tổng Giám đốc.

- Nhân viên phòng Quản trị chất lượng và các nhân viên thực hiện các khâu trong quá trình cung cấp dịch vụ logistics của công ty.

2.3. Đánh giá thực trạng quản lý chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp logistics Việt Nam

2.3.1. Thành công và nguyên nhân

Chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung đều có bước tiến triển rõ rệt. Các tiêu chí đánh giá LPI 2018 đều tăng ít nhất 30 bậc so với năm 2016 bao gồm: Hải quan; Hạ tầng; Vận tải quốc tế; Chất lượng và năng lực logistics; Giám sát và truy tìm hàng hóa và Giao hàng đúng hạn [4].

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá tốt về Chất lượng dịch vụ logistics và khả năng của các doanh nghiệp logistics, Khả năng truy xuất và theo dõi lô hàng và Xác suất hàng tới nơi đúng thời gian cao, thậm chí còn cao hơn đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018 [1].

Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân có đội ngũ cán bộ quản lý trẻ nhưng có trình độ cao và khả năng tiếp cận khoa học công nghệ một cách nhanh chóng, từ đó có thể học hỏi và áp dụng những công nghệ hiện đại để bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics đang ứng dụng một số nghiên cứu khoa học công nghệ cao vào hoạt động logistics như: Quản lý vận tải (TMS), hệ thống định vị GPS cung cấp định tuyến cho người quản lý xa cũng như cung cấp cập nhật thông tin lô hàng cho khách hàng; Tạo các Sàn giao dịch vận tải; Sàn giao dịch giúp kết nối xe tải với người gửi hàng, kết nối cung (xe tải nhàn rỗi) và cầu (chủ hàng có hàng cần gửi), giúp tận dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí; Hệ thống định tuyến; Những phần mềm lập kế hoạch cho đường xe chạy, theo dõi lượng hàng trên xe...; Quản lý kho hàng, tự động hóa đã được thiết lập ở nhiều kho, bãi tự động hóa quy trình công việc bằng hệ thống quản lý kho (WMS).

Ngoài ra, không thể không kể đến nỗ lực của Nhà nước trong công tác thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics phát triển được hệ thống công nghệ thông tin hoàn thiện, tiến bộ.

2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân

So với các nước trên thế giới và trong khu vực, chất lượng cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao. Điển hình là tiêu chí về thời gian cung ứng, hệ thống thông tin và tính linh hoạt trong hoạt động khai thác và quản lý dịch vụ. Thị phần của các doanh nghiệp nước ngoài và FDI vẫn đang lớn và được tin dùng hơn các doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam đã và đang áp dụng hệ thống quản lý vận tải (TMS) cho dịch vụ logistics. Về lý thuyết, hệ thống này cần có khả năng quản lý cùng lúc các hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng nhiều phương thức khác nhau, qua nhiều biên giới khác nhau nhưng chỉ do một nhà điều hành thực hiện. Tuy nhiên, nhà cung cấp TMS chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn rất hạn chế, việc cài đặt hệ thống còn gặp rất nhiều khó khăn do khả năng liên kết đồng bộ dữ liệu với các hãng tàu, hãng hàng không, hải quan, cảng biển, cảng hàng không, và trong nội bộ các công ty logistics quá phức tạp.

Các công ty trong nước thường ứng dụng các hệ thống quản lý vận tải nội địa, quản lý đội xe, sử dụng các công cụ quản lý dịch vụ giao nhận truyền thống do các nhà cung cấp trong nước phát triển (như Fast, Vĩ Doanh FMS,…). Tỷ lệ ứng dụng cũng chỉ dưới 10% số doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp còn dùng Excel tự quản lý (Ngọc Mai, 2018). Các hệ thống quản lý giao nhận (FMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS), quản lý nguồn lực (ERP) mới chỉ được ứng dụng một cách manh mún chứ chưa đồng bộ, có hệ thống và việc ứng dụng điện toán đám mây trong quản lý thông tin và chất lượng vẫn còn hạn chế. Khó khăn đến từ nhiều yếu tố như:

- Môi trường công nghệ thông tin của toàn nền kinh tế còn chưa cao nên động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào vào công nghệ thông tin chưa lớn.

- Nguồn vốn đầu tư của các công ty chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

- Nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu về công nghệ thông tin còn thiếu hụt nghiêm trọng.

- Đội ngũ quản lý trẻ có trình độ chuyên sâu cao lại chưa có kinh nghiệm, kỹ năng về quản lý công việc

- Đội ngũ quản trị dày dạn kinh nghiệm lại chưa có kiến thức bài bản chuyên sâu, khó bắt kịp với công nghệ mới và đa dạng hóa dịch vụ, khả năng hoạch định kế hoạch bền vững.

3. Đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý chất lượng dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam

3.1. Xu hướng phát triển ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam trong những năm tới

Theo Vietnam Report, tính đến tháng 12/2019, Việt Nam có trên 4.000 công ty vận tải và logistics trong nước, cung cấp dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến đóng thuế hay thanh toán…; trong đó, 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài; địa bàn đặt trụ sở tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (www.vietnamreport.net.vn).

Ngành logistics của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới đến từ việc Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành phát triển, cùng với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, nhiều hiệp định thương mại được ký kết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.

Thứ nhất, ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành logistics. Với sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics. Hiện nay, các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-Logistics, green logistics, E-Documents,... và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo hay robot vào thực hiện một số dịch vụ, như dịch vụ đóng hàng vào container hay dỡ hàng khỏi container, xếp dỡ hàng hóa trong kho, bãi,...

Thứ hai, xu hướng mua sắm trực tuyến mở cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải và logistics. Với tỷ lệ 70% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, truy cập bình quân mỗi người khoảng 28 giờ/tuần đã tạo điều kiện cho ngành thương mại điện tử phát triển mạnh. Trong bối cảnh hiện này, khi thế giới chưa sản xuất được vắc-xin cho bệnh Covid-19 và các nước, trong đó có Việt Nam, vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội như một giải pháp chính. Thương mại điện tử phát triển kéo theo nhiều người tiêu dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến và sự phát triển của mô hình kinh doanh mới tạo cơ hội lớn cho các công ty dịch vụ chuyển phát với tần suất giao hàng nhỏ lẻ và độ phủ sóng rộng khắp các tỉnh thành. Nhiều trang thương mại điện tử cũng đầu tư vào xây dựng nền tảng công nghệ và hệ thống logistics, mở rộng quy mô kho bãi, tăng điểm phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Thứ ba, mua bán sáp nhập (M&A) tiếp tục sôi động với ngành logistics. Trong vòng 2-3 năm tới, làn sóng M&A vẫn tiếp tục sôi động trong lĩnh vực logistics do áp lực cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và tác động của cuộc cách mạng 4.0.

Cùng với tiềm năng tăng trưởng cao của thị trường dịch vụ logistics Việt Nam và khả năng cạnh tranh kém của các doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường logistics Việt Nam thông qua hình thức M&A để tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Trong năm 2019, đã có nhiều thương vụ M&A trị giá hàng triệu đô, như Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) mua cổ phần của Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) từ Singapore Post với giá 42,6 triệu USD, SSJ Consulting đã chi gần 40 triệu USD để mua 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Germadept.

Thứ tư, đầu tư vào kho, trung tâm logistics và chuỗi cung ứng lạnh. Với sự gia tăng mạnh số lượng doanh nghiệp thương mại điện tử, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng,… nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối,… một cách chuyên nghiệp theo hướng hiện đại với chất lượng cao. Tính đến đầu năm 2019, toàn quốc có 6 trung tâm logistics lớn được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành. Mặc dù thị trường chuỗi cung ứng lạnh nói chung và kho lạnh nói riêng tại Việt Nam bị đánh giá là nhỏ lẻ và manh mún, tuy nhiên thị trường này đang mở rộng và được kỳ vọng có những bước phát triển mới trong năm 2020.

3.2. Một số giải pháp hoàn thiện quản lý chất lượng dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam

Một là, hoàn thiện hệ thống dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần củng cố, mở rộng đại lý, xây dựng các đại lý độc quyền tiến tới đặt văn phòng đại diện phủ khắp cả nước và mở chi nhánh ở nước ngoài là những bước đi hết sức quan trọng để triển khai dịch vụ một cách nhanh chóng và chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics cần tham gia vào Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam hay Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải để cùng nhau hoạt động và có thông tin cần thiết trong ngành, giúp doanh nghiệp có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khác có cơ sở hạ tầng và vốn đầu tư lớn đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể học tập liên minh Thai Logistics Alliance (TLA)-một tổ chức có hơn 30 công ty logistics tham gia. Đằng sau liên minh này tất nhiên có sự ủng hộ tích cực của chính phủ Thái Lan và thực sự đây là một giải pháp tốt cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Hai là, đầu tư cho cơ sở vật chất - kỹ thuật. Doanh nghiệp logistics cần tiếp tục đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị hiện có, mua sắm các trang thiết bị mới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao nhận. Ứng dụng công nghệ thông tin theo hai chiến lược cho phép các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics phát hiện ra các điểm yếu trong toàn bộ quá trình lưu chuyển của hàng hóa, loại bỏ được thời gian chết, thời gian lưu kho tại các điểm chuyển tải, nhờ vậy nâng cao được hiệu quả quản lý chất lượng dịch vụ logistics:

+ Chiến lược ngắn hạn: Doanh nghiệp logistics khai thác tối đa hệ thống quản lý vận tải và triển khai hệ thống quản lý WMC (Warehouse Management System).

+ Chiến lược dài hạn: Doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử EDI với 5 bước: (1) Chuẩn bị tài liệu bên gửi dữ liệu điện tử chuẩn bị tài liệu điện tử; (2) Dịch dữ liệu chuyển đi; (3) Truyền thông truyền EDI trong môi trường mạng; (4) Dịch dữ liệu đến; (5) Xử lý tài liệu điện tử.

Ba là, nhân viên cung ứng dịch vụ logistics. Để nhân viên trong các doanh nghiệp logistics nhanh nhạy trong việc xử lý tình huống bất ngờ cũng như hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của khách hàng, các doanh nghiệp logistics có thể áp dụng các giải pháp sau:

- Khâu tuyển dụng: Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, ngay từ khâu tuyển dụng các doanh nghiệp phải lựa chọn cho mình đội ngũ nhân lực có chất lượng. Tùy vào vị trí công tác, doanh nghiệp chọn lựa nhân viên có kinh nghiệm hoặc không.

- Công tác đào tạo: Doanh nghiệp logistics phải thiết kế chương trình đào tạo của riêng mình, tài liệu liên quan nên được thiết kế bài bản, chuyên nghiệp, người giảng dạy chuyên môn phải am hiểu về chiến lược, chính sách của công ty và có năng lực sư phạm để tăng hiệu quả truyền đạt.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân viên: Doanh nghiệp cần tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ nhân viên có trách nhiệm cao đối với hàng hóa, coi hàng hóa là chính bản thân mình. Xây dựng một chính sách thưởng phạt rõ ràng, công khai cho toàn bộ nhân viên cùng được biết và thiết kế chính sách sử dụng lao động hợp lý sau đào tạo phù hợp với cương vị trách nhiệm mới của họ, tránh tình trạng sử dụng người không phù hợp vị trí công tác gây tâm lý chán nản và thiếu trách nhiệm với công việc.

Bốn là, tổ chức bộ máy cung ứng dịch vụ logistics: Các doanh nghiệp logistics cần quy định quyền hạn, chức năng cho mỗi bộ phận trong doanh nghiệp để đảm bảo mức độ và quyền hạn trong xử lý và hỗ trợ phối hợp vận hành. Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp như mở rộng trên toàn quốc và sự phát triển vận tải nội địa trong tương lai, việc xây dựng bộ máy quản lý theo cụm/vùng tập trung sẽ giúp giảm tải cơ cấu bộ máy theo chiều dọc chưa chuyên sâu như hiện tại.

Năm là, xây dựng, hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đầu tư hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng dịch vụ logistics nhằm giúp các khâu trong quá trình thực hiện dịch vụ logistics diễn ra một cách đơn giản và đảm bảo hơn. Ngoài việc lựa chọn áp dụng mô hình quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như ISO, SERQUAL hay TQM, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần hoàn thiện chức năng tổ chức, kiểm tra, kiểm soát và điều chỉnh.

- Chức năng tổ chức thực hiện: Doanh nghiệp phải làm cho nhân viên thực hiện kế hoạch biết rõ mục tiêu, sự cần thiết và nội dung công việc mà mình phải làm.

- Chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện mô hình quản lý chất lượng và tiến hành điều chỉnh nếu cần thiết: Đây là quá trình đánh giá các hoạt động tác nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ logistics theo đúng yêu cầu đề ra. Nhiệm vụ của khâu này là xác định kế hoạch có được tuân theo một cách chặt chẽ hay không. Bất cứ phàn nàn nào của khách hàng về tiến độ giao hàng hay hàng hóa được giao không đảm bảo chất lượng như ban đầu hoặc tờ khai hải quan có sai sót,… đều có nghĩa là mục tiêu không đạt được.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương, 2019. Báo cáo Logistics Việt Nam 2019: Logistics-Nâng cao giá trị nông sản, NXB Công Thương, Hà Nội, tr 77-78.
  2. Bộ Công Thương, 2018. Báo cáo Logistics Việt Nam 2018, NXB Công Thương, Hà Nội.
  3. Đỗ Văn Quang, 2015, Thực trạng và định hướng phát triển ngành Logistics Việt Nam. Truy cập ngày 29/04/2020 tại https://www.saga.vn/thuc-trang-dinh-huong-phat-trien-nganh-logistics-tai-viet-nam~34525
  4. Ngân hàng Thế giới, 2018, Logistics Performance Index. Truy cập ngày 02/05/2020 tại https://lpi.worldbank. org/international/global.
  5. Ngọc Mai, 2018. Ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics tại Việt Nam còn khiêm tốn. Truy cập ngày 01/05/2020 tại: https://ictnews.vietnamnet.vn/chinh-phu-dien-tu/ung-dung-công nghệ thông tin-trong-logistics-tai-viet-nam-con-khiem-ton-167280.ict
  6. Vietnam Logististics Review (1970), Hạ tầng logistics Việt Nam cần được quan tâm đúng mức, truy cập ngày 10/5/2020, http://vlr.vn/giao-thong/-ha-tang-logistics-viet-nam-can-duoc-quan-tam-dung-muc-1632.vlr
  7. Vietnam Logistics Review (2016), Logistics Việt Nam & những lợi thế về vị trí địa lý, truy cập ngày 10/5/2020 tại http://vlr.vn/logistics/news-2754.vlr

THE CURRENT QUALITY MANAGEMENT

OF LOGISTICS ENTERPRISES IN VIETNAM

MA. HOANG THI DOAN TRANG

Ph.D HOANG NGOC THUAN

Institute of Economics & International Business,

Foreign Trade University

ABSTRACT:

Logistics is an important service sector in the overall structure of the national economy, playing a supporting, connecting and promoting socio-economic development of the whole country as well as each locality. Therefore, logistics service providers need to deeply understand the important factors in managing the quality of logistics services in order to achieve success. This study analyses and assesses in detail the current situation of quality management of logistics service providers in Vietnam, providing solutions to help these enterprises improve their performance.

Keywords: Enterprise, management, quality, logistics services.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]