Báo cáo tại Hội nghị, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thông tin, trong 6 tháng đầu năm, Cục đã tiếp tục triển khai 3 thủ tục hành chính cấp độ 4 theo Quyết định số 1573/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 của Bộ Công Thương bao gồm (i) thủ tục khai báo nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để phục vụ công tác điều tra; (ii) thủ tục miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; (iii) thủ tục bổ sung lượng hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã và đang triển khai tham mưu, phối hợp với đơn vị chủ trì xây dựng phương án đàm phán các FTA: Hiệp định VN - EFTA; ATIGA; ASEAN - Trung Quốc; ASEAN - Canada; Việt Nam - UAE. Theo dõi, nghiên cứu, cập nhật những diễn biến mới trong chính sách, pháp luật về phòng vệ thương mại của một số nước như Hoa Kỳ, Australia, Canada; theo dõi giải quyết tranh chấp tại WTO và tham gia thảo luận tại cuộc họp 3 Uỷ ban phòng vệ thương mại tại WTO.
Đối với công tác điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong 6 tháng đầu năm, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận và đang xử lý hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của một số ngành sản xuất trong nước.
Cục Phòng vệ thương mại cũng đã có hướng dẫn cụ thể cho các Hiệp hội như Hiệp hội gạch men, Hiệp hội hạt điều,… nhằm giải quyết nhưng khó khăn của đơn vị cũng như hỗ trợ tận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại.
Về hoạt động điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trong tháng 2/2023, Cục Phòng vệ thương mại đã trình Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức với sản phẩm bàn ghế từ Trung Quốc và Malaysia.
Đối với công tác rà soát nhà xuất khẩu mới, Cục Phòng vệ thương mại đã trình Bộ Công Thương ban hành các Quyết định về vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường từ Thái Lan; chống bán phá giá với màng BOPP từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc; và chống bán phá giá với thép phủ màu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
6 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không bị áp thuế hoặc áp thuế ở mức thấp
Về công tác ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt các hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại đã tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực kháng kiện phòng vệ thương mại.
“Các hoạt động đã đem lại kết quả tích cực như Việt Nam chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn, việc Úc chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat, các doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Hoa Kỳ được miễn thuế phòng vệ thương mại tạm thời, mức thuế chống bán phá giá chính thức do Mexico áp dụng với thép mạ giảm so với sơ bộ... Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.” - Ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại đã tổ chức 15 Hội thảo, hội nghị về phòng vệ thương mại tại các địa phương như Hải Dương, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang,… và 10 buổi toạ đàm trao đổi chuyên môn với các doanh nghiệp, Hiệp hội bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại đã tổ chức thành công phiên đối thoại thứ hai về phòng vệ thương mại giữa Việt Nam và Úc và đã đạt được những kết quả khả quan, có những định hướng mở rộng hợp tác trong thời gian tới. Công tác rà soát, cập nhật các chính sách thay đổi của Hoa Kỳ cũng như một số nước EU đã được Cục Phòng vệ thương mại đặc biệt quan tâm và kịp thời cập nhật thông tin.
Tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả công tác phòng vệ thương mại
6 tháng cuối năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại nỗ lực hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác phòng vệ thương mại đáp ứng thực tiễn phát triển đa dạng của nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước.
Đối với các nhiệm vụ chuyên môn khác, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục xây dựng phương án đàm phán, thực thi các FTA và tham gia trong khuôn khổ WTO. Đồng thời, tiếp tục theo dõi và xây dựng báo cáo giải trình về kinh tế thị trường của Việt Nam để gửi cho phía Hoa Kỳ.
Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành các vụ việc điều tra, rà soát việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đang tiến hành để kịp thời ban hành biện pháp chính thức theo đúng thời hạn quy định. Thẩm định hồ sơ của bên liên quan và báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương tiến hành khởi xướng rà soát 03 vụ việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu và nhôm thanh định hình. Đồng thời tiếp tục theo dõi, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước hoàn thiện hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Tiếp tục xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng trong thời gian qua và các vụ việc mới phát sinh (nếu có), đặc biệt, tập trung vào vụ việc chống lẩn tránh với các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, pin năng lượng mặt trời, thép... do tác động lớn và mức thuế chống lẩn tránh áp dụng thường ở mức cao.
Tiếp tục chủ động triển khai các Đề án, Nghị quyết đã được phê duyệt; cập nhật danh sách cảnh báo năm 2023; bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các bản tin/bài viết nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật chống lẩn tránh, chuyển tải bất hợp pháp.
Tổ chức các Hội thảo, Hội nghị, Tập huấn, lớp đào tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh/thành phố trên cả nước và tổ chức họp Tiểu ban Phòng vệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc và các hoạt động bên lề dự kiến vào tháng 10-11/2023.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao về công tác phòng vệ thương mại trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại đã có những thay đổi trong tổ chức khi có thêm nhiều vụ việc mới, phức tạp, các yêu cầu nhiệm vụ về thực hiện các cam kết quốc tế sâu và đòi hỏi phải xử lý nhanh hơn.
“Với nhiều khó khăn đặt ra, tuy nhiên hiệu quả công tác phòng vệ thương đạt được rất tích cực” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị, Cục Phòng vệ thương mại cần nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó, cần chủ động cải thiện, khắc phục các hạn chế trong triển khai nhiệm vụ phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, thực hiện hiệu quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại cần đẩy mạnh đánh giá các tác động, thiệt hại từ các vụ việc phòng vệ thương mại đối với từng ngành hàng.
Đặc biệt lưu ý, Cục Phòng vệ thương mại cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong Bộ, cũng như thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành khác như Tài chính, Nông nghiệp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, công tác về phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu, Cục Phòng vệ thương mại cũng cần rà soát về cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực, cán bộ quản lý để kịp thời đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được Bộ giao đối với lĩnh vực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cũng như thực hiện các cam kết FTA.