Bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật Việt Nam" do Vũ Thị Thanh Huyền - Nguyễn Ngọc Phước - Ngô Hoàng Gia Kiệt (Khoa Quản trị - Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng) thực hiện.

TÓM TẮT:

Dựa trên tình hình bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ta hiện nay, bài viết nhằm mục đích luận giải những vấn đề lý luận cơ bản về chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu và đánh giá thực trạng hiện nay liên quan đến việc xác lập quyền và thi hành pháp luật về việc bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý để làm cơ sở đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cũng như các biện pháp tăng cường hiệu quả trong hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam.

Từ khóa: chỉ dẫn địa lý, địa lý, bảo hộ, quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Giai đoạn trước năm 2000, trong các văn bản pháp luật quy định các vấn đề pháp lý về quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) nói riêng như Pháp lệnh bảo hộ SHCN năm 1989, Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị định số 63/CP quy định chi tiết về SHCN (NĐ 63/CP), thuật ngữ CDĐL vẫn chưa được sử dụng và xem như từ ngữ pháp lý để chỉ một đối tượng được bảo hộ mà thay vào đó, bản chất pháp lý của chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được xác định với thuật ngữ “Tên gọi xuất xứ hàng hóa”. Theo đó, Tên gọi xuất xứ hàng hóa là tên địa lý của một nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng sở hữu tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp với hai yếu tố đó quyết định. Chỉ đến khi, Nghị định số 54/2000/NĐ-CP về bảo hộ quyền SHCN được ban hành, tên gọi CDĐL được đề cập chính thức cùng với các đối tượng khác như bí mật kinh doanh, tên thương mại và đã có sự tách bạch giữa các vấn đề pháp lý về CDĐL với Tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Đến khi ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, qua các lần sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022 (Luật SHTT), thuật ngữ CDĐL vẫn được duy trì và hoàn thiện hơn về bản chất pháp lý: CDĐL là dấu hiệu chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Bên cạnh đó, Luật SHTT mở rộng thêm nội hàm CDĐL không chỉ dừng ở CDĐL thông thường mà còn quy định thêm về CDĐL đồng âm - các CDĐL có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau. Để được bảo hộ CDĐL phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 79 Luật SHTT. Cụ thể: (1) Sản phẩm mang CDĐL có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL; (2) Sản phẩm mang CDĐL có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn đó quyết định; (3) Ngoài ra, điều kiện CDĐL đồng âm được bảo hộ cần đáp ứng các quy định trên tại điểm (1), (2) và không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang CDĐL. Khi sử dụng, cần bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL. Ngoài các điều kiện bảo hộ trên, CDĐL sẽ không được bảo hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 Luật SHTT, chẳng hạn như tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung cho một loại hàng hóa ở Việt Nam.

Việc bảo hộ CDĐL được hiểu là Nhà nước thông qua các quy định pháp luật quy định việc xác lập, công nhận và thực hiện quyền đối với CDĐL, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể chống lại hành vi xâm phạm CDĐL. Bảo hộ CDĐL là một nhu cầu tất yếu bởi khi pháp luật quy định quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL, đồng thời, quyền đó cũng phải được pháp luật bảo vệ, những hành vi mang tính xâm phạm quyền từ các chủ thể khác phải được ngăn chặn một cách kịp thời, chính xác, đồng thời phải có chế tài để xử lý các hành vi này, vừa mang tính chất trừng phạt chủ thể vi phạm, vừa mang tính chất răn đe.

2. Thực trạng và thực tiễn pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam

2.1. Thực trạng pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký CDĐL, thời hạn thẩm định nội dung đơn là 6 tháng và thẩm định lại không quá 4 tháng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thẩm định đơn diễn ra rất chậm, thường gấp 3 - 4 lần thời gian quy định và hồ sơ đăng ký CDĐL thường phức tạp hơn so với nhãn hiệu hay sáng chế. Sự chậm trễ này chủ yếu do thiếu kinh nghiệm trong xác định sản phẩm có nguồn gốc địa lý và các xác định khu vực địa lý, cùng với việc thiếu nguồn nhân lực chuyên môn và thiết bị thí nghiệm hiện đại. Từ đó, dẫn đến chất lượng hồ sơ chưa cao, như trường hợp đăng ký CDĐL cho vải thiều Thanh Hà đã phải mất gần 2 năm để hoàn tất việc được bảo hộ.

Vấn đề pháp luật thiếu sót quy định đối với hiện tượng CDĐL đồng âm cần làm rõ yêu cầu đối với các công đoạn sản xuất trên lãnh thổ tương ứng với CDĐL và khả năng phân biệt giữa các sản phẩm được bảo hộ. Điều kiện bảo hộ cho sản phẩm mang CDĐL đồng âm, theo khoản 2 Điều 79 Luật SHTT, chưa thật sự đầy đủ, dẫn đến bất cập trong thực tiễn bảo hộ.

Hiện nay, các quy định pháp luật trong việc bảo hộ CDĐL và nhãn hiệu về khả năng phân biệt giữa hai đối tượng này còn nhiều sự bất cập. Cụ thể, nhãn hiệu không được bảo hộ nếu không có khả năng phân biệt và chứa dấu hiệu trùng với CDĐL. Nhiều tổ chức và cá nhân đã được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận có chứa dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý, dẫn đến xung đột pháp lý khi CDĐL trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu. Nếu vấn đề này không được giải quyết, quyền sử dụng CDĐL có thể rơi vào tay một cá nhân thay vì thuộc về cộng đồng nhà sản xuất, gây thiệt hại cho lợi ích chung.

Các hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL rất khó kiểm soát và phát hiện do quản lý lỏng lẻo. Nhiều tổ chức và cá nhân lợi dụng CDĐL được bảo hộ cho sản phẩm mà họ không có quyền, nhằm bán hàng hóa với giá cao. Việc xử lý các vi phạm này gặp nhiều khó khăn và chưa phù hợp với thực tiễn. Thường áp dụng biện pháp hành chính, được các chủ thể quyền yêu cầu nhiều nhất do quy trình nhanh chóng và thủ tục không rườm rà, nhưng theo Nghị định số 97/2010/NĐ-CP, mức phạt dựa trên giá trị hàng hóa vi phạm, điều này thiếu linh hoạt và gây khó khăn khi không thể xác định chính xác giá trị hàng hóa vi phạm.

Nhìn chung, hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả và vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sót và chồng chéo trong các quy định pháp luật về CDĐL.

2.2. Thực tiễn về việc xác lập, thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý

*Về xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý

Việc xác lập quyền đối với CDĐL là cơ sở trong việc bảo hộ và phát triển những sản phẩm đặc trưng cho địa phương vươn ra tầm quốc tế, đồng thời khẳng định thương hiệu, chất lượng hàng hóa trên thị trường. Theo Báo cáo của Cục SHTT, tính đến tháng 2/2024, có 137 CDĐL được bảo hộ tại Việt Nam (trong đó có 13 CDĐL của nước ngoài).

Trong việc xác lập quyền bảo hộ với CDĐL, vẫn còn tồn tại một số vấn đề hạn chế trong công tác này. Cụ thể:

Tỷ lệ hồ sơ đăng ký CDĐL bị từ chối vẫn còn cao, cùng với đó do bản chất trình tự thủ tục xử lý đơn đăng ký CDĐL phức tạp hơn so với đăng ký nhãn hiệu (NH) hoặc kiểu dáng công nghiệp,… Dẫn chiếu cụ thể số lượng đơn chưa được xử lý trong năm 2020 của Cục SHTT là 36 đơn. Sang năm 2021, số lượng đơn bị từ chối là 16 đơn và số lượng đơn chưa được xử lý trong năm này là 33 đơn. Đến năm 2022, số lượng đơn đăng ký bị từ chối theo ghi nhận được là 10 đơn, trong đó đơn chưa được xử lý là 45 đơn. Tới năm 2023, chỉ có 1 đơn bị rút do chưa đáp ứng điều kiện được bảo hộ và đơn chưa được xử lý tăng lên 52 đơn. Qua đó, cho thấy tình hình xử lý đơn đăng ký bảo hộ CDĐL còn nhiều khó khăn và sự chậm trễ xử lý các đơn. 

Hình: Thống kê xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với CDĐL giai đoạn từ năm 2020 - 2023

Sở hữu trí tuệ

Nguồn: Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ - Cục Sở hữu trí tuệ

Thực tế hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã được cấp VBBH đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý. Tuy nhiên, chủ sở hữu đã không sử dụng đúng chức năng của các loại nhãn hiệu này mà đã lạm dụng yếu tố nguồn gốc địa lý có trong thành phần của nhãn hiệu gây ra tình trạng "Nhãn hiệu hóa CDĐL". Ví dụ, Bia Sài Gòn, hay Kẹo dừa Bến Tre. Việc này gây bất lợi cho các nhà sản xuất khác trong khu vực, vì chỉ một người được cấp tên CDĐL như nhãn hiệu, mặc dù nhiều người cùng sản xuất sản phẩm đó. Một sản phẩm mang CDĐL cần đáp ứng các tiêu chí về danh tiếng, chất lượng và tất cả nhà sản xuất đều có quyền sử dụng CDĐL nếu đáp ứng yêu cầu. Nếu không được giải quyết vấn đề này, sẽ xảy ra xung đột giữa CDĐL và nhãn hiệu, khiến quyền lợi của cộng đồng nhà sản xuất bị xâm phạm.

Vấn đề nguy cơ xung đột giữa các CDĐL đồng âm xuất hiện khi các sản phẩm mang CDĐL giống nhau được lưu thông trên cùng một thị trường, chỉ dẫn đến nguồn gốc từ các khu vực địa lý trong cùng một lãnh thổ. Việc này dẫn đến tình trạng sử dụng đồng thời các CDĐL đồng âm, gây khó khăn khi sản phẩm có những đặc trưng và tính chất riêng biệt mà không có sản phẩm nào khác chia sẻ. Điều này tạo ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất.

*Về công tác thực thi pháp luật quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý

Công tác quản lý nhà nước về bảo hộ CDĐL ngày càng được nâng cao, nhưng hành vi xâm phạm quyền ngày càng tinh vi, khiến việc phát hiện hàng nhái và hàng giả trở nên khó khăn. Nhiều sản phẩm giả có độ giống lên tới 90-95% so với sản phẩm bảo hộ. Một phần do cơ quan thực thi thiếu chủ động và năng lực, dẫn đến việc xử lý vi phạm không hiệu quả. Thêm vào đó, sự thiếu thông tin và nhận thức về sản phẩm CDĐL trên thị trường, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, đã tạo điều kiện cho hàng giả dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Chẳng hạn, sản phẩm chè Tân Cương, được cấp VBBH từ năm 2007, đã bị nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng để sử dụng CDĐL này mà không có quyền hợp pháp, gây thiệt hại cho thương hiệu. Do đó, cần đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan quản lý có biện pháp bảo vệ Hội chè Thái Nguyên, xử lý các hành vi xâm phạm và giả mạo CDĐL để bảo vệ uy tín, chất lượng sản phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng. Theo thống kê xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với CDĐL từ năm 2011 đến 2015 tổng là 68 vụ với tổng tiền phạt là 88.908.000 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2023 - 2024, nhờ nỗ lực của địa phương và sự nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân, số vụ vi phạm đã có xu hướng giảm, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc tôn trọng quyền SHCN đối với CDĐL. Song song với đó, hiện nay có nhiều cơ quan nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: Tòa án, Quản lý thị trường, Thanh tra Bộ KHCN, Công an, Hải quan,... Tuy nhiên, mỗi cơ quan thực thi hoạt động độc lập và đưa ra những con số khác nhau về hành vi xâm phạm quyền SHCN nói chung, cũng như đối với CDĐL nói riêng.

Bên cạnh đó, Nhà nước giao quyền quản lý CDĐL cho UBND cấp tỉnh, nhưng trách nhiệm tổ chức mô hình quản lý chủ yếu thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ, thiếu sự tham gia của các ban, ngành khác. Việc thiếu chính sách quản lý chung đã dẫn đến các nội dung cơ bản về quản lý CDĐL chưa được xác định rõ, đặc biệt trong quy hoạch, tài chính, hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật, đào tạo và phối hợp giữa các cơ quan. Do đó, quá trình thực thi quyền đối với CDĐL gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, việc quản lý và khai thác sản phẩm mang CDĐL ở Việt Nam chưa đạt hiệu quả do các tổ chức tập thể như hiệp hội không phát huy được vai trò của mình và còn nhiều thiếu sót. Những tổ chức này rất quan trọng trong việc xây dựng thể chế quản lý, kiểm soát, marketing và điều phối sản xuất CDĐL. Tuy nhiên, vai trò của các tổ chức tập thể trong việc quản lý các CDĐL ở Việt Nam còn mờ nhạt, các hội và hiệp hội chỉ mang tính phối hợp trong các hoạt động thẩm định hồ sơ, đánh giá về điều kiện sản xuất để các tổ chức, cá nhân xin cấp quyền sử dụng. Ở địa phương, các cơ quan quản lý chưa phối hợp chặt chẽ trong quá trình phát triển CDĐL, từ xây dựng hồ sơ đến triển khai hoạt động khai thác. Việc không huy động đầy đủ các tổ chức và cá nhân liên quan dẫn đến mâu thuẫn quyền lợi, làm cho việc quản lý và kiểm soát chất lượng CDĐL trở nên kém hiệu quả và tốn thời gian.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Thứ nhất, pháp luật cần quy định rõ ràng về sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý và cách xác định khu vực này. Việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi sản phẩm có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau. Do đó, quy định tại Điều 83 Luật SHTT về khu vực địa lý mang CDĐL cần được bổ sung và làm rõ. Đồng thời, cơ quan nhà nước cần yêu cầu thêm tài liệu trong đơn đăng ký CDĐL, bao gồm “Quy chế sử dụng CDĐL” và các văn bản hướng dẫn nghiên cứu, đánh giá đặc tính và chất lượng sản phẩm.

Thứ hai, Luật SHTT cần bổ sung quy định chi tiết hơn về điều kiện riêng đối với CDĐL đồng âm bên cạnh các điều kiện chung của CDĐL thông thường; bổ sung quy định về khả năng phân biệt trong việc bảo hộ đối với sản phẩm mang CDĐL đồng âm; yêu cầu đối với các công đoạn sản xuất trên lãnh thổ tương ứng với CDĐL và cuối cùng là quy định cụ thể hơn về các loại sản phẩm được bảo hộ dưới danh nghĩa CDĐL đồng âm tại Việt Nam.

Thứ ba, để tránh nhầm lẫn về bảo hộ giữa CDĐL và nhãn hiệu, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, phân biệt rõ ràng hai khái niệm này. Đồng thời, năng lực quản lý, bảo vệ được tăng cường thông qua nâng cao trình độ của cơ quan quản lý và xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và các bên liên quan cần được đẩy mạnh.

Thứ tư, xử lý hành vi xâm phạm quyền CDĐL hiện chưa đủ sức răn đe, chủ yếu chỉ dừng lại ở xử lý hành chính. Cần điều chỉnh quy định mức phạt tiền theo giá trị hàng hóa bị xâm phạm, với mức phạt tối thiểu bằng giá trị hàng hóa và tối đa là năm lần giá trị đó. Quy định này sẽ giúp các cơ quan thực thi áp dụng mức phạt hợp lý hơn và có tính răn đe cao, vì người vi phạm có thể bị phạt nhiều hơn giá trị hàng hóa.

4. Biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam

Thứ nhất, cần có sự liên kết chặt chẽ và phối hợp tích cực giữa các Bộ quản lý các ngành sản xuất như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ với UBND các tỉnh, thành phố ncó CDĐL, cũng như các Sở có chức năng quản lý ngành sản xuất để rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lập kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến các công việc bảo hộ;

Thứ hai, cần tăng cường nguồn nhân lực cho công tác xác lập quyền CDĐL, đặc biệt là đội ngũ thẩm định viên. Việc bổ sung cả về số lượng và chất lượng nhân lực là cần thiết. Đồng thời, cần có chương trình đào tạo và cơ chế cập nhật thông tin để đảm bảo việc xác định đối tượng bảo hộ và các nghiệp vụ liên quan phù hợp, đúng bản chất của đối tượng đăng ký bảo hộ.

Thứ ba, để tổ chức, khai thác và quản lý các sản phẩm mang CDĐL theo chuỗi giá trị, cần thành lập các tổ chức sản xuất như hội sản xuất, hợp tác xã, hoặc nhóm sản xuất với quy mô và cách thức tổ chức rõ ràng. Cần xây dựng chính sách phát triển vùng nguyên liệu cho chuỗi sản xuất, bao gồm xử lý, đóng gói và phân phối sản phẩm, đặc biệt đối với những sản phẩm đặc thù. Ngoài ra, cần xây dựng mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh và kiểm soát chất lượng, liên kết giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp chế biến là cần thiết để đảm bảo lưu thông sản phẩm hiệu quả trên thị trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hội đồng Nhà nước (1989). Pháp lệnh bảo hộ sở hữu công nghiệp số 13-LCT/HĐNN ngày 28/01/1989.
  2. Chính phủ (1996). Nghị định số 63-CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp.
  3. Chính phủ (2000). Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp.
  4. Quốc hội (1995). Bộ luật Dân sự năm 1995 (Luật số 44-L/CTN) ngày 28/10/1995.
  5. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.
  6. Quốc hội (2005). Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
  7. Chính phủ (2023). Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/08/2023 quy định chi tiết một số điều của và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, Quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
  8. Chính phủ (2023). Nghị định số 99/2013 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp ngày 29/08/2013.
  9. Nguyễn Thị Nguyệt (2021). Bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, Dân chủ và Pháp luật. Bộ Tư pháp, Số 3, tr37-41.
  10.  Lê Thị Thu Hà (2010). Quản lý CDĐL ở Việt Nam nhìn từ góc độ kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp. Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 41/2010.
  11.  Minh Thùy (2015). Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam. Truy cập tại: http://vietq.vn/chi-dan-dia-ly-o-viet-nam-va-bai-toan-nang-cao-hieu-qua-bao-ho-d79010.html
  12. Nguyễn Tuấn Dũng (tháng 7/2024). Xuất khẩu chè Việt Nam 2024: Tăng trưởng ấn tượng và hướng đi bền vững. Truy cập tại: https://kinhtedouong.vn/xuat-khau-che-viet-nam-2024-tang-truong-an-tuong-va-huong-di-ben-vung-101121.html.
  13. Phan Thu (2016). Cấp bách xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt. Truy cập tại: https://haiquanonline.com.vn/cap-bach-xay-dung-chi-dan dia-ly-cho-nong-san-viet-50805.html.
  14. Thanh An (2019). Chỉ dẫn địa lý cho nông sản việt nam: Cần quan tâm bảo hộ ở nước ngoài. Truy cập tại: https://skhcn.hatinh.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/chi-dan-dia-ly-cho-nong-san-viet-nam-can-quan-tam-bao-ho-o-nuoc-ngoai.html
  15. Phương Hiền (2018). Chỉ dẫn địa lý: Đắt có 'xắt ra miếng'?. Truy cập tại: https://baochinhphu.vn/chi-dan-dia-ly-dat-co-xat-ra-mieng-102236979.htm.
  16. Cục Sở hữu trí tuệ (2020 - 2023). Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ từ năm 2020 – 2023. Truy cập tại: https://ipvietnam.gov.vn/bao-cao-hang-nam.
  17. Hà Chính (2020). EVFTA có hiệu lực từ 1/8: Cột mốc trọng đại. Truy cập tại: https://baochinhphu.vn/evfta-co-hieu-luc-tu-1-8-cot-moc-trong-dai-102276682.htm.

 

Protection of geographical indications according Vietnam’s laws

VU THI THANH HUYEN1

NGUYEN NGOC PHUOC1

 NGO HOANG GIA KIET1

1Faculty of Management - International Economics, Lac Hong University

ABSTRACT:

By analyzing the current geographical indication protection in Vietnam, this study clarified the basic theoretical issues of geographical indications according to current Vietnamese and international laws. The study explored and evaluated the situation related to the establishment of rights and enforcement of laws on geographical indication protection. Based on the study’s findings, a number of recommendations were made to strengthen regulations on geographical indication protection as well as measures to improve the effectiveness of geographical indication protection activities in Vietnam.

Keywords: geographical indications, protection, industrial property rights, Vietnamese law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]