Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Phan Thiết

Đề tài Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Phan Thiết do ThS. Võ Thị Kim Liên - Trần Thị Thu Hòa (Khoa Du lịch - Trường Đại học Phan Thiết) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Phan Thiết. Kết quả cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng đến động lực tham gia nghiên cứu khoa học, lần lượt theo các mức độ như sau: (1) Nhận thức của sinh viên về NCKH; (2) Năng lực của sinh viên về NCKH; (3) Sự quan tâm của khoa về NCKH; (4) Giảng viên hướng dẫn; (5) Chính sách của nhà trường.

Từ khóa: nghiên cứu khoa học, sinh viên, các nhân tố ảnh hưởng, Trường Đại học Phan Thiết.

1. Đặt vấn đề

“Nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn” [1]. Mục đích của NCKH là hình thành cho người nghiên cứu phương pháp tiếp cận và làm quen với môi trường khoa học, phương pháp làm việc khoa học đặc biệt đối với môi trường giáo dục hoạt động NCKH càng quan trọng hơn bao giờ hết. Căn cứ theo Khoản 2 điều 28 Luật Giáo dục Đại học năm 2012 [2] cũng đã nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng, đại học, học viện là “triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học”.

Những năm gần đây, Trường Đại học Phan Thiết luôn chú trọng khuyến khích sinh viên khả năng tự NCKH. Nhà trường đã đưa hoạt động NCKH vào kế hoạch năm học, là nhiệm vụ của từng khoa. Các khoa cũng đã có nhiều hoạt động để thu hút sinh viên tham gia NCKH. Kết quả đã minh chứng trong những năm gần đây, số lượng sinh viên tham gia NCKH cấp trường ngày một tăng. Không những thế, có nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên đã đạt được giải thưởng Eureka,… Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được nêu trên nhóm tác giả nhận thấy hoạt động này còn nhiều hạn chế về số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu, cũng như số lượng đề tài vẫn còn ít. Một hoạt động học thuật rất bổ ích nhưng sinh viên lại không mấy quan tâm, vậy nguyên nhân nào đã làm cho sinh viên thờ ơ với NCKH? Theo đó, bài viết sẽ tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến động lực tham gia NCKH của sinh viên Trường Đại học Phan Thiết để lý giải rõ.

2. Mô hình nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết Hành vi hoạch định (TPB - Theory of Planned Behavior) của Azjen (1991) [3]. Đây là lý thuyết có thể giải thích các động cơ thúc đẩy sinh viên tham gia NCKH. Thuyết TPB cho thấy ý định dẫn đến hành vi của con người được dự báo bởi các yếu tố: nhận thức đối với hành vi, chuẩn chủ quan và cảm nhận về kiểm soát hành vi. Các yếu tố này được tập hợp bởi nhiều yếu tố nhỏ như nhân khẩu học, xã hội, văn hóa, cá tính và các tác nhân ngoại cảnh (Ajzen & Fishbein, 2005) [4].

Nhận thức đối với hành vi NCKH là các quan điểm, góc nhìn của sinh viên đối với hoạt động NCKH (Chen, Gupta & Hoshower, 2006) [5]. Nghiên cứu này xem xét đến yếu tố nhận thức của sinh viên về NCKH.

Chuẩn chủ quan đối với hành vi thực hiện NCKH bao gồm các yếu tố bên ngoài đối với sinh viên NCKH như chế độ chính sách, kinh phí thực hiện đề tài (Jacob & Lefgren, 2011) [6]. Như vậy, bài nghiên cứu này xem xét đến yếu tố chính sách của nhà trường về NCKH.

Cảm nhận về kiểm soát hành vi trong NCKH bao gồm các yếu tố cá nhân dùng để đánh giá khả năng thành công của mình khi tham gia NCKH (Azad & Seyyed, 2007) [7]. Như vậy, bài nghiên cứu này xem xét đến các yếu tố năng lực SV; giảng viên hướng dẫn; sự quan tâm của khoa.

Như vậy, động cơ tham gia NCKH của sinh viên chịu ảnh hưởng của các nhân tố: nhận thức của sinh viên về NCKH; Chính sách của nhà trường; Năng lực sinh viên; Giảng viên hướng dẫn; Sự quan tâm của khoa.

2.2. Mô hình nghiên cứu đề xuất (Hình 1)

Nhận thức của sinh viên về NCKH: Nhận thức là các quan điểm, góc nhìn của sinh viên về hoạt động NCKH. Khi sinh viên càng có nhận thức đúng đắn về hoạt động NCKH thì càng thúc đẩy sinh viên tham gia NCKH và ngược lại khi không nhận thức đầy đủ về hoạt động NCKH sẽ làm giảm sự thu hút của sinh viên tham gia NCKH. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H1: Có mối quan hệ thuận chiều giữa nhận thức và sự tham gia NCKH của SV.

Chính sách của Nhà trường về NCKH: Là cơ chế đãi ngộ của Nhà trường nhằm khuyến khích khả năng NCKH trong sinh viên, thu hút nhiều sinh viên tham gia NCKH. Khi chính sách càng hấp dẫn sẽ càng thu hút sự quan tâm tham gia của sinh viên vào hoạt động NCKH. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H2: Có mối quan hệ thuận chiều giữa chính sách của nhà trường và sự tham gia NCKH của SV.

Năng lực sinh viên về NCKH bao gồm 3 yếu tố chủ yếu: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Khi năng lực càng cao khả năng tham gia NCKH càng lớn. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H3: Có mối quan hệ thuận chiều giữa năng lực sinh viên và sự tham gia NCKH của SV.

Giảng viên hướng dẫn là người hướng dẫn sinh viên từ những giá trị đơn giản đến các yếu tố phức tạp. Khi giảng viên hướng dẫn càng nhiệt tình, kiến thức NCKH sâu rộng thì khả năng tham gia NCKH của sinh viên càng lớn và ngược lại. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H4: Có quan hệ thuận chiều giữa giảng viên hướng dẫn và sự tham gia NCKH của SV.

Sự quan tâm của khoa thể hiện ở các hoạt động hội thảo, tham luận, tham gia viết nội san khoa, các cuộc thi mang tính học thuật. Khoa càng quan tâm sâu sắc đến hoạt động NCKH sẽ tạo ra nhiều cơ hội để sinh viên tham gia NCKH và ngược lại. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H5: Có mối quan hệ thuận chiều giữa sự quan tâm của khoa và sự tham gia NCKH của SV.

nghiên cứu

3. Phương pháp nghiên cứu và kết quả

3.1. Thu thập và xử lý dữ liệu

Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát sinh viên với 380 bảng câu hỏi với thang đo Likert 5 khoảng cách bắt đầu từ “hoàn toàn không đồng ý” đến “hoàn toàn đồng ý” được sử dụng để đo lường tất cả các biến quan sát. Để đo lường các thang đo “nhận thức”; “chính sách”, “năng lực”, “giảng viên”, “sự quan tâm”, “sự tham gia”, 22 biến quan sát được đưa vào bảng câu hỏi khảo sát 380 sinh viên năm 2, năm 3, năm 4 tại Trường Đại học Phan Thiết. Sau khi thực hiện xử lý dữ liệu, đã có 365 quan sát đảm bảo phù hợp và sử dụng để phân tích dữ liệu.

Theo Anderson và Gerbing (1988) [8], phân tích nhân tố được thực hiện theo quy trình bao gồm 3 bước: (1) Kiểm định độ tin cậy của thang đo; (2) Phân tích nhân tố khám phá; (3) Phân tích hồi quy. Phân tích dữ liệu vào phần mềm SPSS phiên bản 22.0.

3.2. Phân tích độ tin cậy của thang đo

Bảng 1. Độ tin cậy của thang đo và biến quan sát bị loại

TT

Thang đo

Biến quan sát bị loại

Hệ số Alpha

Kết quả

1

NT

Không

.797

Chất lượng tốt

2

CS

Không

.799

Chất lượng tốt

3

NL

Không

.617

Chất lượng

4

GV

Không

.648

Chất lượng

5

SQT

Không

.801

Chất lượng tốt

6

NCKH

Không

.815

Chất lượng tốt

                                                                                           Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

Kết quả trong Bảng 1 cho thấy các biến quan sát đều thỏa mãn các điều kiện trong phân tích độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Alpha > 0.6 và tương quan biến tổng > 0.3 Nunnally, J.C. and Bernstein, I.H. (1994)  [9].

3.2. Phân tích nhân tố khám phá

Hệ số KMO của các biến độc lập và biến phụ thuộc lần lượt là 0.827 và 0.804 > 0.5, sig Barlett’s Test = 0.000 < 0.05, như vậy phân tích nhân tố là phù hợp. Qua kết quả EFA cho thấy sự tham gia NCKH của sinh viên có 4 nhân tố tương ứng với các biến đo lường của mô hình lý thuyết với tổng phương sai là 67.17% > 50% tại Eigenvalue là 1.239 >1; EFA của sự tham gia NCKH được trích thành 4 biến quan sát với phương sai trích là 64.41% tại Eigenvalue là 2.576. Kết quả EFA được sử dụng bằng phương pháp xoay Varimax. Hair J.F, Anderson, R.E., Tatham, R.L., and Black, W.C. (2006) [10]

3.3. Phân tích hồi quy đa biến

Bảng 2. Bảng hệ số hồi quy

Mô hình

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

t

Sig.

B

Độ lệch chuẩn

Beta

Hằng số

0.177

0.135

 

1.148

0.010

SQT 3

0.273

0.231

0.221

3.675

0.015

NL 2

0.342

0.398

0.356

5.785

0.000

CS 5

0.198

0.070

0.147

2.107

0.000

GV 4

0.235

0.125

0.223

3.143

0.017

NT 1

0.348

0.432

0.412

8.854

0.014

                                                                                           Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

Kết quả phân tích hồi quy tại Bảng 2 cho thấy các biến tác động đến sự tham gia NCKH của sinh viên Trường Đại học Phan Thiết (Sig. < 0.05). Hệ số hồi quy các biến độc lập này đều mang dấu dương, như vậy các biến độc lập có tác động thuận chiều lên biến phụ thuộc theo thứ tự từ mạnh nhất đến thấp nhất là: NT; NL; SQT; GV; CS.

4. Kết luận

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở phân tích số liệu khảo sát từ sinh viên về các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia NCKH của sinh viên Trường Đại học Phan Thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia NCKH của sinh viên theo thứ tự: (1) Nhận thức của sinh viên về NCKH; (2) Năng lực của sinh viên về NCKH; (3) Sự quan tâm của khoa về NCKH; (4) Giảng viên hướng dẫn; (5) Chính sách của nhà trường. Kết quả này nhằm giúp Nhà trường tìm ra hướng giải quyết phù hợp để gia tăng số lượng và chất lượng bài NCKH của SV qua mỗi năm học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13.
  2. Quốc hội (2012). Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13.
  3. Ajzen, I. (1991). Theory of Planned Behaviour. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211.
  4. Ajzen, I., & Fishbein, M., 2005. The influence of attitudes on behavior. In D. Albarracín, B. T. Johnson, & M. P. Zanna (Eds.). The handbook of attitudes. Mahwah, NJ: Erlbaum, 173-221.
  5. Chen, Gupta & Hoshower (2006). Factors that motivate Business Faculty to conduct research: An expectancy Theory Analysis. Journal of Education for Business, 81(4), 179-189.
  6. Jacob, B. A., & Lefgren, L. (2011). The impact of research grant funding on scientific productivity. Journal of Public Economics, 95(9), 168-1177.
  7. Azad, A.N. and Seyyed, F.J. (2007). Factor influence faculty research productivity: Evidence from AACSB accredited schools in the GCC countries. Journal of International Business Research, 6(1), 91-102.
  8. Anderson, J.C., and Gerbing, D.w. (1988). Structural Equation Modeling in Practice: A Review and Recommended Two-Step Approach. Journal ofPsychologicalBulletin, 103 (3), 411-423.
  9. Nunnally, J.C. and Bernstein, I.H. (1994) The Assessment of Reliability. Psychometric Theory, 3, 248-292.
  10. Hair J.F, Anderson, R.E., Tatham, R.L., and Black, W.C. (2006). Multivariate data analysis. Prentice-Hall, International, Inc.

Factors affecting the ability to participate in scientific research of students at Phan Thiet University

 Master. Vo Thi Kim Lien

Tran Thi Thu Hoa

Faculty of Tourism, Phan Thiet University

Abstract:

This study explores the factors affecting the ability to participate in scientific research of students at Phan Thiet University. The study finds that there are five factors affecting the student’s motivation to participate in scientific research, including: (1) Students' awareness of scientific research; (2) Student's research competencies; (3) The faculty's interest in doing scientific research; (4) Instructos; and (5) University policy.

Keywords: scientific research, students, influencing factors, Phan Thiet University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương