Chuyển đổi số với việc học ngoại ngữ của cán bộ quân đội

TRUNG TÁ TS. BÙI QUANG TUYẾN (Giám đốc Học viện Viettel, Giảng viên kiêm nhiệm Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chuyển đổi số trong học ngoại ngữ ngày càng trở thành xu thế tất yếu. Chuyển đổi số đảm bảo các cá nhân có thể phát triển việc học ngoại ngữ một cách bền vững, toàn diện và đáng tin cậy. Trên cơ sở lý thuyết chung về chuyển đổi số, bài viết tập trung phân tích thực trạng học tiếng Anh trong Quân đội. Từ đó, giới thiệu mô hình tổ chức học ngoại ngữ và các giải pháp liên quan, nhằm cải thiện kết quả học ngoại ngữ đối với cán bộ quân đội.

Từ khóa: chuyển đổi số, học tập, ngoại ngữ, quân đội.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, việc học và làm chủ ngoại ngữ càng trở nên quan trọng trong đời sống nói chung, trong mỗi lĩnh vực nói riêng và chắc chắn sẽ là cách nhanh nhất để tiếp cận tri thức, bởi lẽ trong xu thế toàn cầu hóa có vô số tri thức dễ dàng được chia sẻ, lan tỏa và con người đang bước sang một giai đoạn phát triển mới - cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi phải có năng lực tiếp cận tri thức một cách chủ động và xử lý thông tin nhanh chóng và linh hoạt. Công nghệ, trong đó có công nghệ chuyển đổi số (CĐS) thực sự đã và đang làm thay đổi lớn đời sống kinh tế - xã hội nói chung và cách thức học ngoại ngữ nói riêng.

Ngoại ngữ từ lâu đã là công cụ giúp bất cứ cá nhân hay tổ chức nào muốn vươn mình ra thế giới, bởi làm chủ được ngoại ngữ mới có cơ hội hiểu biết thêm nền văn hóa và tri thức trên toàn cầu. Hiện nay, có 2 hình thức học ngoại ngữ: hình thức học truyền thống và hình thức học dựa trên sự hỗ trợ, tham gia của công nghệ. Nếu như với hình thức học truyền thống, người học tiếp thu ngoại ngữ một cách thụ động từ giảng viên, thì với cách học dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ, người học chủ động học tập theo năng lực của mình, thiết bị kết nối (máy tính, điện thoại,…) sẽ hỗ trợ học tập, nhắc nhở học tập, hỗ trợ kết nối tới các nguồn học liệu và có thể học mọi lúc mọi nơi,...

Bộ Quốc phòng đã ban hành một số văn bản về nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội. Vấn đề là làm thế nào để các quân nhân có được nhận thức đầy đủ và cách thức đạt được kết quả trong học ngoại ngữ. Bài viết này đề xuất mô hình kết hợp giữa sự chủ động, cố gắng của người học với sự hỗ trợ của công nghệ và sự hiện diện, dẫn dắt của người quản lý. Bài viết cũng gợi mở một số giải pháp nhằm đưa ra cách thức học ngoại ngữ một cách chủ động, hiệu quả hơn đối với cán bộ quân đội.

2. Cơ sở lý thuyết

Chuyển đổi số là một thuật ngữ mới trong lĩnh vực công nghệ và hiện nay có rất nhiều khái niệm, định nghĩa, quan điểm về CĐS song song tồn tại. Phổ biến nhất là 3 quan điểm của 3 tổ chức danh tiếng toàn cầu (Nguyễn Thị Phương Dung, 2020). Thứ nhất, theo Gartner - Công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu, CĐS là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Thứ hai, với  Microsoft - Tập đoàn công nghệ máy tính, CĐS là việc tư duy lại cách thức mà các tổ chức sử dụng con người, quy trình và công nghệ để tạo ra những giá trị mới. Thứ ba, Mckinsey & Company (công ty tư vấn quản lý toàn cầu) cho rằng: CĐS gồm 2 yếu tố (1) chuyển đổi những hoạt động hiện tại bằng công nghệ khiến nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn; (2) tạo dựng lĩnh vực kinh doanh mới chưa từng có.

Như vậy, từ 3 quan điểm nêu trên, nhận thấy rằng CĐS là việc (1) thay đổi tư duy nhận thức; (2) thay đổi cách thức quản lý; (3) kiến tạo cách thức tiếp cận mới bằng việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết bài toán trong tổ chức, doanh nghiệp, xã hội và mang lại giá trị.

Trên thực tế, nhiều tổ chức, doanh nghiệp còn hiểu biết chưa đầy đủ, hoặc chưa phân định rõ ranh giới của 3 cấp độ này, hay chưa xác định được cần phải làm những gì để hiện thực hóa tiến trình CĐS? hoặc phải chăng chỉ cần số hóa dữ liệu và đưa lên hệ thống phần mềm là đã cho rằng thực hiện CĐS? Hiện nay, tại một số tổ chức, CĐS chủ yếu dừng lại ở cấp độ 1 và 2 mà chưa tiến lên cấp độ 3, cũng bởi nhu cầu thực tiễn, hoặc chưa hiểu rõ về CĐS để có hướng đi phù hợp với xu thế.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong Quyết định, rất đáng chú ý là 2 quan điểm cơ bản. Thứ nhất, nhận thức  đóng vai trò quyết định trong CĐS. Thứ hai, người dân (cá nhân) là trung tâm của CĐS. Thứ ba, thể chế và công nghệ là động lực của CĐS.

Khái niệm CĐS ra đời đã khiến không ít người hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về nó. Một số nhận định chưa đúng về CĐS đó là: (1) CĐS là chuyển đổi về công nghệ, trong khi đó quá trình này còn đòi hỏi chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức của con người; (2) CĐS chỉ diễn ra ở những tổ chức, tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ, nhưng không chỉ vậy đây còn là “sân chơi” cho cả những tổ chức nhỏ, đơn vị nhỏ, nhà khởi nghiệp; (3) CĐS là sự chuyển đổi to lớn, mang tầm vĩ mô, nhưng thực chất CĐS còn diễn ra ngay trong các hoạt động nhỏ, công việc cụ thể hằng ngày; (4) Có quan điểm cho rằng CĐS còn làm thay đổi tư duy từ “Cá lớn nuốt cá bé” sang tư duy “Cá nhanh nuốt cá chậm” (Châu An, 2020), nghĩa là những tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm đột phá, đưa ra thị trường nhanh nhất, có khả năng thích ứng nhanh nhất với biến động của thị trường, có mô hình quản trị mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh mới là những tổ chức, doanh nghiệp dẫn đầu; (5) CĐS là trách nhiệm của đội ngũ công nghệ thông tin trong tổ chức, doanh nghiệp, nhưng muốn CĐS thành công thì mấu chốt phải là người đứng đầu.

Để tránh những lầm tưởng trên, cần hiểu rõ đặc trưng chung nhất của CĐS. CĐS là sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số làm thay đổi căn bản trong phương thức hoạt động, cách tiếp cận, do đó về cơ bản CĐS có những đặc trưng cốt yếu như sau: (1) CĐS là một quá trình đòi hỏi kết hợp linh hoạt giữa yếu tố Con người, Quy trình và Công nghệ; (2) Công nghệ số được tạo ra để hỗ trợ, thay thế con người; (3) Giải quyết những vấn đề giới hạn của con người, giúp con người tiếp cận tri thức, học tập mọi lúc mọi nơi; (4) Hoạt động CĐS chỉ có thể đi vào thực tiễn nếu người đứng đầu thể hiện rõ vai trò thông qua công việc (5) Hiểu thấu đáo về CĐS và sự vận hành của tổ chức, hành vi của những con người trong tổ chức đó.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu và nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn cá nhân. Phương pháp nghiên cứu định tính được xem là phù hợp cho nghiên cứu này vì chủ đề nghiên cứu tương đối mới và chưa được xác định rõ, đặc biệt là việc khám phá, tìm hiểu về nội dung của chuyển đổi số với việc học ngoại ngữ của cán bộ Quân đội. Đối tượng phỏng vấn là đại diện của một số đơn vị quân đội trực thuộc Viettel và/hoặc có quan trong hoạt động kinh doanh với Viettel. Để làm tăng mức độ khái quát cho nghiên cứu, kết quả nghiên cứu được chia sẻ với người được phỏng vấn và yêu cầu thông tin phản hồi từ họ, từ đó tiếp tục sàng lọc và cô đọng các thông tin này.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Nhiệm vụ học ngoại ngữ trong Quân đội

Trước đòi hỏi của thực tiễn về học tập và nâng cao trình độ ngoại ngữ nói chung, Tiếng Anh nói riêng đối với cán bộ Quân đội trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 09/11/2016 về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội; Chỉ thị số 105/CT-BQP ngày 26/5/2020 về việc tăng cường học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; và Kế hoạch số 1844/KH-BQP ngày 27/5/2020 về việc thực hiện Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” trong Quân đội. Trong đó, đã nêu rất rõ: (1) Chỉ huy, cấp ủy thực hiện tuyên truyền, giáo dục về học ngoại ngữ trước yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; (2) Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, trong đó xác định Tiếng Anh là ngoại ngữ chính; (3) Kiện toàn tổ chức biên chế, tiêu chuẩn chức danh đối với giáo viên ngoại ngữ. Khuyến khích giáo viên tự học nâng cao trình độ ngoại ngữ; (4) Nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức dạy và học ngoại ngữ cho các đơn vị; (5) Nghiên cứu, đề xuất bổ sung yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào tiêu chuẩn chức danh, là tiêu chí nhận xét, đánh giá, sử dụng đối với QNCN, CNQP, VCQP; (6) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho CBNV về việc học ngoại ngữ, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; (7) Bổ sung tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ thành một tiêu chí trong phong trào thi đua và nhận xét cán bộ,...

Như vậy, các văn bản chỉ đạo nêu trên của Bộ Quốc phòng đã khẳng định rằng: (1) Học ngoại ngữ là một nhiệm vụ không chỉ của cơ quan, đơn vị, mà còn của cán bộ trong Quân đội. Việc xác định học ngoại ngữ là nhiệm vụ làm mỗi cán bộ (người học) có thái độ nghiêm túc, tích cực, quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ; (2) Học ngoại ngữ đóng vai trò là một trong những giải pháp để Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại; (3) Nhiệm vụ học ngoại ngữ là nội dung mang tính dài hạn, cần được đầu tư, quan tâm đúng mức; bởi lẽ ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là một công cụ quan trọng và rất cần thiết cho cán bộ Quân đội chủ động cập nhật xu hướng, nghiên cứu, phân tích, dự báo diễn biến tình hình thế giới, thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng an ninh và làm chủ trang thiết bị khí tài hiện đại.

4.2. Thực trạng tình hình học tiếng Anh ở Viettel

Trong quá trình phát triển, lãnh đạo Viettel xác định mục tiêu, tầm nhìn trở thành một tập đoàn toàn cầu. Viettel vốn dĩ xuất phát từ lĩnh vực kỹ thuật thông tin, viễn thông - một lĩnh vực có tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng. Do vậy, việc làm chủ ngoại ngữ là một trong những cách tốt nhất để chủ động tiếp cận kiến thức, cập nhật công nghệ mới và để hiểu tận gốc của vấn đề. Với góc nhìn đó, lãnh đạo Viettel luôn quan tâm tới việc nâng cao trình độ, năng lực nói chung và trình độ ngoại ngữ - Tiếng Anh nói riêng cho cán bộ, nhân viên (CBNV), đặc biệt khi Viettel đã và đang đầu tư tại 10 thị trường nước ngoài.

Học viện Viettel với vai trò là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn, đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với quan điểm xuyên suốt là: Mỗi CBNV tự học tiếng Anh để đảm bảo yêu cầu công việc, Tập đoàn chỉ đóng vai trò ban hành cơ chế, chính sách, giám sát, hỗ trợ, tạo môi trường và tổ chức hướng dẫn thực hiện. Học viện Viettel sẽ là đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ học tập, quản trị hệ thống học tập trực tuyến Elearning, kiểm tra, giám sát và đôn đốc thường xuyên đến từng cá nhân, đơn vị.

Việc xác định quan điểm, chỉ ra đúng nhóm đối tượng và thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để các quy định đã và đang truyền tải thông điệp đến toàn bộ CBNV về sự cam kết, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn đối với mục tiêu nâng cao trình độ tiếng Anh nhằm đáp ứng việc thực thi các chuyển dịch chiến lược của Viettel.

Bám sát chủ trương nêu trên, Viettel liên tục đưa ra và điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho CBNV, như việc năm 2015, Viettel lần đầu tiên ban hành Quy định tiêu chuẩn tiếng Anh đối với CBNV. Sau 5 năm triển khai áp dụng, Viettel đã linh hoạt điều chỉnh quy định cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể:

* Quy định lần đầu tiên vào năm 2015 yêu cầu tất cả các các vị trí chức danh (trừ hành chính) đều phải đạt chuẩn Tiếng Anh, trong đó lựa chọn TOEIC làm tiêu chuẩn chung và yêu cầu hoàn thành theo lộ trình, tối đa là 18 tháng. Đây là lần đầu tiên ban hành quy định, nên đã có những ý kiến trái chiều trong nội bộ, bởi khi đó nhiều CBNV có xuất phát điểm tiếng Anh thấp và chịu áp lực công việc cao, tuy nhiên quy định này lại làm cho họ “thức tỉnh” nếu muốn tiếp tục cống hiến lâu dài cho Viettel.

* Quy định sửa đổi lần thứ hai vào năm 2016 chỉ quy định tỷ lệ nhân sự cần đạt chuẩn, các đơn vị được chủ động lựa chọn đối tượng ứng với các mức điểm tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thực tế một số đơn vị chưa chỉ ra chính xác những vị trí chức danh cần sử dụng tiếng Anh mà lựa chọn những nhân sự đã có sẵn trình độ tiếng Anh để dễ dàng đạt yêu cầu về quân số đạt chỉ tiêu tiếng Anh của đơn vị.

* Quy định sửa đổi lần thứ ba vào năm 2019 nêu cụ thể tiêu chuẩn đối với các vị trí chức danh cần sử dụng tiếng Anh thường xuyên và cá thể hóa lộ trình đạt chuẩn đối với từng nhóm chức danh, định kỳ hằng năm tổ chức thi xác nhận trình độ với mục tiêu đến hết năm 2021 có 20% cán bộ phải đạt chuẩn tiếng Anh.

* Quy định sửa đổi lần thứ tư được ban hành vào tháng 9/2020 nhằm tiếp tục chuẩn hóa trình độ theo từng nhóm đối tượng, vị trí chức danh nhằm đáp ứng yêu cầu quy hoạch và sử dụng nhân sự. Quy định này đã chỉ rõ 2 nhóm chức danh gồm có: (1) Kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất, (2) Kinh doanh, hỗ trợ, trong đó cũng loại bớt các đối tượng đặc thù (như hành chính văn phòng, CBNV trên 50 tuổi).

Mới đây, Viettel ban hành quy định về tăng cường tạo môi trường học tập tiếng Anh tại mỗi đơn vị, như tự học theo phong trào của các Tổ chức quần chúng (như Giờ học vàng, English Club), xây dựng góc học tập English Corner trên trang web nội bộ ViettelFamily, học nhanh thông qua màn hình chờ của máy tính làm việc, hay hỗ trợ học tiếng Anh giao tiếp tại các đơn vị thông qua tổ chức lớp học trực tiếp. Kết quả là: tính đến hết tháng 9/2020, có 70,5% CBNV (thuộc diện) đã đạt chuẩn tiếng Anh theo lộ trình (trong đó có 31,5% đạt theo tiêu chuẩn quốc tế).

Bên cạnh đó, Viettel đã chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ, công nghệ chuyển đổi số cho lĩnh vực đào tạo nói chung và học tiếng Anh nói riêng. Viettel đã xây dựng hệ thống phầm mềm Elearning Viettel (từ 2008) để cung cấp các bài học, bài thi tiếng Anh TOEIC và quản lý việc tự học, thi của CBNV. Ngoài ra, tìm kiếm, sử dụng thử và giới thiệu các ứng dụng phần mềm cung cấp bài học tiếng Anh có sẵn trên thị trường để CBNV có thể lựa chọn mua tài khoản học tập trực tuyến (một số ứng dụng phần mềm như: tiếng Anh mỗi ngày, Elsa Speak, English Discovery, Smartcom, Duolingo, v.v...).

Để CBNV có thể chủ động học mọi lúc mọi nơi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nói chung và tiếng Anh nói riêng, Viettel đã xây dựng và đưa lên hệ thống Elearning 11.500 câu hỏi TOEIC để CBNV tự ôn luyện và thi. Ngoài ra, Viettel đang hợp tác với một số đối tác để cung cấp các khóa học tiếng Anh trực tiếp kèm tài khoản học trực tuyến cho cán bộ quản lý. Hơn nữa, Viettel còn mua tài khoản học trực tuyến để cán bộ quản lý có thể học 47 bài giảng của Đại học Harvard và 15.000 bài giảng của LinkedIn bằng tiếng Anh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Và còn mua tài khoản truy cập các kho dữ liệu điện tử từ các tổ chức quốc tế (như Hiệp hội Kỹ sư Điện và Điện tử - IEEE, Liên minh Viễn thông Quốc tế - ITU,…) để giúp CBNV của Viettel nghiên cứu và phân tích, dự báo ngành; hay truyền thông, giới thiệu CBNV tự học các bài giảng điện tử bằng tiếng Anh trên các nguồn học liệu mở như Cousera, Udemy, KhanAcademy,...

4.3. Xu hướng chuyển dịch trong dạy và học ngoại ngữ

Theo Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, CĐS trong dạy và học là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Bên cạnh đó, chính nhờ sự tác động của công nghệ số đã cho thấy CĐS làm thay đổi tích cực tới quá trình dạy, học nói chung và việc học ngoại ngữ nói riêng, nên hiện nay có thể nhận thấy xu hướng chuyển dịch trong dạy và học ngoại ngữ như thể hiện trong Hình 1.

Từ kết quả nghiên cứu thực tế triển khai, phát hiện ra những bất cập, hạn chế trong việc học tiếng Anh ở Viettel, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

Một là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thể hiện vai trò, sự quan tâm dẫn dắt và là tấm gương về học tập tiếng Anh để cấp dưới noi theo. Thực tế cho thấy, rào cản lớn nhất đối với việc học ngoại ngữ cũng như CĐS chính là yếu tố văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa lại phụ thuộc phần lớn vào vai trò của người lãnh đạo trong tổ chức. Chính vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị là những người làm gương, thực hiện nghiêm túc quy định đề ra. Tại những cơ quan, đơn vị có lãnh đạo, chỉ huy quan tâm sâu sát tới năng lực tiếng Anh của cấp dưới, tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ cấp dưới trong quá trình làm việc và sử dụng tiếng Anh thì đơn vị đó có tỷ lệ CBNV đạt tiêu chuẩn tiếng Anh theo lộ trình cao hơn hơn.

Hai là, quy định tiêu chuẩn tiếng Anh phải sát với yêu cầu công việc đối với từng nhóm vị trí chức danh. Khi ban hành cơ chế, chính sách về học tập tiếng Anh, cần xác định đúng đối tượng và đưa ra mức tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với lĩnh vực, vị trí công việc, mức độ yêu cầu sử dụng tiếng Anh. Viettel quy định 2 nhóm chức danh với 3 mức chuẩn tiếng Anh cho từng nhóm với lộ trình đến 3 năm, cụ thể: (1) Mức chuẩn TOEIC 800 áp dụng với đối tượng thường xuyên phải sử dụng tiếng Anh chuyên sâu, đòi hỏi tính chính xác cao như chiến lược, kiến trúc sư hoặc giao tiếp, đàm phán với đối tác nước ngoài; (2) Mức chuẩn TOEIC 650 áp dụng với đối tượng quản lý hoặc phân tích, đánh giá, xây dựng chính sách, nghiên cứu công nghệ, xu hướng, xây dựng chính sách và CBNV được quy hoạch đi làm việc ở nước ngoài; (3) Mức chuẩn TOEIC 550 áp dụng đối với nhân sự mới tuyển dụng ở trình độ đại học và các đối tượng khuyến khích giao tiếp bằng tiếng Anh cơ bản.

Định kỳ hằng quý hoặc hằng năm (theo đối tượng), Viettel tổ chức thi xác nhận trình độ dựa trên lộ trình mục tiêu đã xác định. Kết quả đánh giá đầu ra được Viettel sử dụng để xét khen thưởng, đánh giá cán bộ, ngoài ra còn sử dụng để xem xét như: xem xét bổ nhiệm, cân nhắc gia hạn hợp đồng,… nếu CBNV không/chưa đạt mục tiêu theo lộ trình trong năm.

Ba là, cá thể hóa lộ trình học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ phù hợp với năng lực hiện tại của từng CBNV, giúp họ vượt qua “trở ngại học tiếng Anh”. Viettel đã khảo sát, đánh giá trình độ tiếng Anh “đầu vào” tại thời điểm bắt đầu triển khai để làm cơ sở xác định các mốc điểm cần đạt hàng năm như một lộ trình. Tổ chức triển khai thí điểm tại một số đơn vị, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm và triển khai toàn Tập đoàn. Từ lộ trình đó, CBNV có thể chủ động sắp xếp thời gian tự học trong một khoảng thời gian đến 03 năm để đạt được mức chuẩn theo quy định cao nhất là TOEIC 800 nếu xuất phát học tiếng Anh từ đầu. Việc chia nhỏ điểm đạt mục tiêu theo từng thời gian đã giúp CBNV tự đánh giá được sự tiến bộ của bản thân, từ đó có động lực học tập thường xuyên và từng bước nâng cao trình độ để đạt được mục tiêu.

Bốn là, kết quả học tập phải được đưa vào sử dụng, đánh giá nhân sự. Tiêu chuẩn tiếng Anh được sử dụng một cách đồng bộ, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình quản lý nhân sự tại Viettel từ tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đánh giá, quyết định cán bộ, đặc biệt trình độ ngoại ngữ là tiêu chuẩn bắt buộc đối với tất cả cán bộ quản lý. Riêng đối tượng là quân nhân, việc đạt tiêu chuẩn tiếng Anh còn là một tiêu chí áp dụng khi xét nâng bậc, nâng lương, chuyển diện, đề bạt quân hàm. Tiêu chuẩn tiếng Anh cũng là căn cứ để Tập đoàn xem xét các quyết định liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng hằng năm.

5. Kết luận và giải pháp khuyến nghị

5.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu và phân tích ở trên cho thấy rõ CĐS đã tác động tích cực, làm thay đổi căn bản cách thức, hành vi của người học. Trong tiến trình này, xuất hiện các nhân tố tác động đến quá trình học tập, tiếp thu ngoại ngữ. Do đó, cần thiết đưa ra một mô hình tổ chức học ngoại ngữ để dẫn dắt, xuyên suốt trong dài hạn nhằm triển khai phương pháp học ngoại ngữ mới và là cơ sở để chỉ huy ra các quyết định về đầu tư, ban hành và điều chỉnh quy chế, chính sách cũng như khai thác ứng dụng công nghệ CĐS cho phù hợp với thực tiễn.

5.2. Giải pháp

5.2.1. Giải pháp về mô hình tổ chức học ngoại ngữ

“Mô hình tổ chức học ngoại ngữ” được đề xuất từ việc xác định học ngoại ngữ là một nhiệm vụ quan trọng của cán bộ Quân đội hiện nay cũng như trong thời gian tới, bên cạnh việc hiểu và ứng dụng linh hoạt công nghệ CĐS, cùng với việc nắm bắt sự thay đổi về xu hướng, cách học ngoại ngữ, nắm rõ đặc điểm của người lớn học ngoại ngữ. Mô hình này được đề xuất bên cạnh các giải pháp nhằm tổ chức triển khai học ngoại ngữ cho cán bộ Quân đội trong thời đại số, gồm 4 nhân tố như sau (Bùi Quang Tuyến, 2020): (Hình 2)

(1) Nhân tố “Vai trò người đứng đầu”

Trong một tổ chức, người đứng đầu có ảnh hưởng lớn tới các hoạt động học tập nói chung và học ngoại ngữ nói riêng của tổ chức. Trong quyền hạn của mình, người đứng đầu sẽ: (1) quyết định chiến lược, định hướng và tổ chức cách thức xác định nội dung và phương pháp dạy, học ngoại ngữ cho đội ngũ; (2) quyết định đầu tư về công nghệ dạy, học và về nội dung học tập; (3) quyết định các cơ chế chính sách, các chỉ số đánh giá nhằm vừa tạo động lực vừa ràng buộc để tạo thói quen học tập, hướng tới dần trở thành nét văn hóa học tập trong đội ngũ, quyết định cơ chế chính sách, cách thức để (4) xây dựng, duy trì và phát triển kho tri thức, học liệu. Bên cạnh đó, người đứng đầu cần (5) quán triệt, truyền thông về văn hóa, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu về học tập ngoại ngữ để xây dựng dựng đơn vị chính quy, hiện đại. Cùng với việc (6) tạo ra môi trường sử dụng ngoại ngữ để duy trì và phát triển các kỹ năng cho người học.

(2) Nhân tố “Xây dựng quy chế, chính sách điều hành”

Để thực hiện được mục tiêu nâng cao trình độ ngoại ngữ cần phải có chính sách thúc đẩy duy trì tới từng cá nhân trong tổ chức, để đưa việc học ngoại ngữ trở thành thói quen, thành một hoạt động diễn ra hằng ngày, liên tục đối với mỗi thành viên trong tổ chức. Một số quy định và chính sách về học ngoại ngữ góp phần xây dựng thành công một tổ chức học ngoại ngữ có thể áp dụng như chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động dạy, học; chính sách tạo môi trường thuận lợi cho việc học tập trong tổ chức, tạo cơ hội học tập và phát triển cho cá nhân; chính sách thúc đẩy việc chia sẻ học tập giữa các đội nhóm, học tập trong quá trình làm việc; quy trình học tập trong tổ chức;...

Bên cạnh đó, cần ban hành quy định khung về xây dựng tổ chức học tập ngoại ngữ trong đơn vị, có lộ trình triển khai cụ thể (từ triển khai thí điểm đến nhân rộng mô hình), trong đó xác định tiêu chuẩn ngoại ngữ, lộ trình đạt các mốc tiêu chuẩn cụ thể theo từng năm cho từng chức danh/nhóm chức danh. Ngoài việc đưa ra quy định khung, còn cần phải gợi mở cho cán bộ những phương pháp, cách thức học tập mới và định hướng những nội dung học tập thiết yếu, phù hợp với chiến lược phát triển của tổ chức, đồng thời tổ chức hướng dẫn, điều hành, giám sát quá trình học tập theo lộ trình đã xác định, và tổ chức định kỳ rà soát, cập nhật đối tượng cụ thể theo thực tiễn.

(3) Nhân tố “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số”

Con người luôn đóng vai trò quyết định trong mọi hoạt động của các tổ chức, tuy nhiên, ngày nay yếu tố công nghệ, công nghệ chuyển đổi số không những làm thay đổi đáng kể mà còn đóng vai trò quan trọng ở mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động học tập và đào tạo trong tổ chức, doanh nghiệp cũng không là ngoại lệ. Xu hướng ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi bởi công nghệ chuyển đổi số giúp bất cứ ai cũng có thể dễ dàng học tập mọi lúc mọi nơi. Do đó, có thể nhận thấy đây là một trong các nhân tố không thể thiếu để xây dựng tổ chức học ngoại ngữ thời kinh tế số.

Để ứng dụng công nghệ CĐS vào hỗ trợ quá trình học ngoại ngữ, tác giả nhận thấy một hệ thống phần mềm (Platform) cần đảm bảo có đầy đủ các yếu tố, như: 1) Có kho học liệu đủ lớn; 2) Có khả năng đánh giá năng lực đầu vào; 3) Có khả năng nhận diện, thiết lập mục tiêu và lộ trình học tập cho người học; 4) Cho phép học mọi lúc mọi nơi; 5) Có cơ chế nhắc nhở, cảnh báo người học; 6) Có khả năng đánh giá năng lực đầu ra; và 7) Có báo cáo quản trị cho người quản lý. (Hình 3)

Nhờ việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong dạy, học ngoại ngữ, người học cần phải tích cực, chủ động học tập, duy trì thường xuyên, tối thiểu từ 20 đến 30 phút một bài học mỗi ngày và dựa trên cam kết thực hiện lộ trình đạt mục tiêu trên Platform, người học sẽ được Platform lưu vết quá trình học theo từng ngày, nhắc nhở, cảnh báo người học; còn tổ chức có thể theo dõi được quá trình và kết quả hoàn thành lộ trình học tập của người học trên hệ thống phần mềm, từ đó có thể đưa ra các quyết định, chính sách và hành động phù hợp hơn để thúc đẩy hoạt động học ngoại ngữ trong tổ chức.

(4) Nhân tố “Xây dựng kho học liệu”

Một nhân tố không thể thiếu để thúc đẩy hoạt động học ngoại ngữ trong tổ chức chính là việc xây dựng và phát triển kho học liệu gồm những bài học, bài giảng theo các cấp độ, nhóm ngành nghề dựa trên quan điểm tiếp cận “Mỗi ngày một bài học” nhỏ (micro-learning) để người học chủ động duy trì học tập liên tục từ 20 đến 30 phút mỗi ngày trong một khoảng thời gian nhất định và có thể chọn đúng nội dung cần học (point of need learning[1]). Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có nhiều chương trình tiếng Anh miễn phí/có tính phí có thể giới thiệu hoặc đầu tư mua ngoài tài khoản học online để cán bộ có thể học mọi lúc mọi nơi (như tiếng Anh mỗi ngày, Elsa Speak, English Discovery, Smartcom, v.v..). Bên cạnh các bài học, cần đầu tư ngân hàng câu hỏi kiểm tra theo từng trình độ để người học tự đánh giá đầu ra theo lộ trình mục tiêu.

Theo phân tích trên, để thực hiện thành công mô hình tổ chức học ngoại ngữ cần phải triển khai đồng bộ cả 4 nhân tố này. Do bởi, các nhân tố không tồn tại độc lập mà có quan hệ biện chứng lẫn nhau, như: (1) Từ sự quan tâm, hiện diện của người đứng đầu dẫn đến các chính sách, quy chế được ban hành, việc đầu tư được thực hiện; (2) Việc thực thi chính sách cũng là việc sử dụng, khai thác hạ tầng đã được đầu tư, là cơ sở để điều chỉnh chính sách; (3) Quá trình đưa vào khai thác công cụ phần mềm hỗ trợ cũng cần được bổ sung, tối ưu tính năng để khai thác hiệu quả hơn; (4) Việc học ngoại ngữ có đạt được mục tiêu và chất lượng học được nâng cao hay không cũng phụ thuộc vào kho học liệu có thường xuyên được rà soát, cập nhật, bổ sung học liệu mới hay không, có nguồn học liệu để CBNV tự học, tự thi mọi lúc mọi nơi hay không.

Ngoài 4 nhân tố nêu trên, việc xây dựng môi trường rèn luyện, sử dụng tiếng Anh để CBNV học và thực hành tiếng Anh thường xuyên trong quá trình làm việc là rất cần thiết, như: Sử dụng tài liệu tiếng Anh trong các buổi họp/giao ban (chiếu slide, phụ đề tiếng Anh cho các phim phóng sự); Sử dụng tiếng Anh trên các biển bảng, ấn phẩm truyền thông, phần mềm nội bộ); Xây dựng sổ tay thuật ngữ tiếng Anh theo chuyên ngành; Tổ chức sự kiện, cuộc thi nói bằng tiếng Anh;... để CBNV có cơ hội vận dụng và ngày một nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.

5.2.2. Giải pháp đối với người học

- Phải tự nâng cao ý thức về việc học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng;

- Phải tự xác định mục tiêu học tập, tự đưa ra lộ trình học cụ thể và cam kết thực hiện với chính mình và với người quản lý trực tiếp trước mục tiêu đó;

- Chủ động tìm kiếm và lựa chọn nguồn học liệu phù hợp với nhu cầu, năng lực hiện tại của bản thân (ví dụ cài đặt ứng dụng phần mềm và mua tài khoản học tiếng Anh trực tuyến có sẵn trên thị trường);

- Phải chủ động tự học và học mọi lúc mọi nơi, cân bằng giữa công việc và học tập để duy trì thường xuyên 20 phút đến 30 phút học mỗi ngày;

- Khi tự học thì rèn luyện kỹ năng nghe trước - nghe thật nhiều khi có thể và tập phát âm trước khi rèn luyện các kỹ năng còn lại.

5.2.3. Giải pháp đối với đơn vị

- Xác định đối tượng cần phải học tiếng Anh, xác định trình độ hiện tại của người học và cùng ký cam kết thực hiện theo mục tiêu với người học.

- Ban hành quy chế, chính sách về nâng cao trình độ tiếng Anh, ví dụ như: (1) Người đứng đầu đơn vị, trong đó có cán bộ quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả (sự tiến bộ) học tập tiếng Anh của các CBNV trong đơn vị mình quản lý; (2) Mỗi CBNV có trách nhiệm tự học, tự đảm bảo yêu cầu tiếng Anh trong công việc; (3) Công khai các hình thức khen thưởng, xử phạt theo cam kết thực hiện mục tiêu học tập.

- Tổ chức hướng dẫn cách học tiếng Anh thể CBNV có thể tự học với một số nguồn học liệu phổ biến hiện nay.

- Kiểm soát sự duy trì học và sự tiến bộ của mỗi cá nhân theo định kỳ tháng/quý/năm để có cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy, hoặc thay đổi quy chế, chính sách.

- Tổ chức thi tập trung (có giám sát) theo định kỳ tháng/quý/năm để đánh giá kết quả học tập theo lộ trình đã cam kết.

5.2.4. Giải pháp điều kiện

- Đầu tư một nền tảng phần mềm (Platform) dùng chung trong toàn quân gồm 7 yêu cầu như đã nêu trong mô hình đề xuất nhằm chủ động quản lý nguồn học liệu, kiểm soát quá trình tự học và đánh giá kết quả đầu ra.

- Xây dựng và thống nhất tiêu chuẩn tiếng Anh quốc tế với những bài học được số hóa theo 6 bậc ngoại ngữ của Việt Nam.

- Từng bước số hóa các bài giảng tiếng Anh chuyên ngành, chuyên môn quân sự dành cho từng nhóm đối tượng cán bộ.

Mặc dù yếu tố công nghệ có giúp ích tích cực trong việc học tập nói chung, học ngoại ngữ nói riêng, nhưng để làm chủ được ngoại ngữ cần giải quyết rất nhiều yếu tố khách quan khác, như: môi trường công tác, môi trường sử dụng ngoại ngữ, sự chỉ đạo, dẫn dắt của lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, sự cân bằng giữa công việc và học tập, và đặc biệt là ý thức duy trì thường xuyên, liên tục để đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, còn phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp.

Thông qua việc đề xuất “Mô hình tổ chức học ngoại ngữ” và các giải pháp nêu trên, hy vọng có thể gợi mở, tham vấn cho các thủ trưởng và các cơ quan, đơn vị chức năng đưa ra quyết định, nhằm bám sát và thực thi tốt các nhiệm vụ đã được chỉ đạo tại Chỉ thị số 89/CT-BQP và 105/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thành công cho Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” trong Quân đội./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Dani Johnson -Research manager; Deloitte Consulting LLP, 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Quốc phòng (2016), Chỉ thị số 89/CT-BQP về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội.
  2. Bộ Quốc phòng (2020), Chỉ thị số 105/CT-BQP về việc tăng cường học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
  3. Bộ Quốc phòng (2020), Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” trong Quân đội.
  4. Bùi Quang Tuyến (2020), Hành trình tri thức thời kinh tế số, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Châu An (2020), Chuyển đổi số - Thời của “cá nhanh nuốt cá chậm”, https://vnexpress.net/chuyen-doi-so-thoi-cua-ca-nhanh-nuot-ca-cham-4207165.html
  6. Hồ Tú Bảo (2020), Chuyển đổi số và các khái niệm liên quan, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Số 1 tháng 4, https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-va-cac-khai-niem-lien-quan-20200428154814954.htm0.
  7. Nguyễn Thị Phương Dung (2020), Chuyển đổi số và tác động của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, http://trungtamytequan11.medinet.gov.vn/thong-tin/chuyen-doi-so-va-tac-dong-cua-chuyen-doi-so-trong-giai-doan-hien-nay-cmobile16292-34707.aspx
  8. Armstrong, A. and Foley, P. (2003). Foundations for a learning organization: organization learning mechanisms. The Learning Organization, 10(2), pp. 74-82.
  9. Bratianu, C. (2015). Organizational Learning and the Learning Organization. In Organizational Knowledge Dynamics: Managing Knowledge Creation, Acquisition, Sharing, and Transformation (pp. 286-312). Hershey, PA: IGI Global.
  10. De Geus, A. (1999). The Living Company Growth, Learning and Longevity in Business. London, the UK: Nicholas Brealey Publishing.
  11. Garvin, D. (1993). Building a learning organization. Harvard Business Review, July/August, pp. 78-91.
  12. Garvin, D. A., Edmondson, A. C., & Gino, F. (2008). Is yours a learning organization? Harvard Business Review, 86(3), 109-119.

The role of digital transformation in promoting the foregin language learning of military officers

Lieutenant Colonel, Ph.D Bui Quang Tuyen

Director, Viettel Academy

Lecturer, University of Economics and Business, Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

Digital transformation in foreign language learning is becoming an inevitable trend. Digital transformation ensures individuals can learn languages sustainably, comprehensively and reliably. Based on the general theory of digital transformation, this paper analyzes the current situation of learning English in the People's Army of Vietnam. This paper introduces some foreign language learning models and proposes some solutions to improve the language learning of the People's Army of Vietnam’s officers.

Keywords: digital transformation, learning, foreign languages, military.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]