Đánh giá chính sách thu hút đầu tư vào cơ sở giết mổ động vật tập trung

Bài báo nghiên cứu "Đánh giá chính sách thu hút đầu tư vào cơ sở giết mổ động vật tập trung" do ThS. Nguyễn Thị Nga (Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn) thực hiện. DOI: https://doi.org/10.62831/202501013.

Tóm tắt:

Việc xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật, kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường do hoạt động giết mổ phân tán. Tuy nhiên, thực trạng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, như thiếu ưu đãi hấp dẫn, thủ tục phức tạp và hạ tầng chưa đồng bộ, khiến các nhà đầu tư còn e ngại. Bài báo tập trung phân tích hệ thống các cơ sở lý thuyết liên quan đến chính sách thu hút đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung, thực trạng thực hiện các chính sách và các khuyến nghị tăng cường hiệu quả chính sách thu hút đầu tư.

Từ khóa: chính sách, cơ sở giết mổ động vật tập trung, thu hút đầu tư, an toàn thực phẩm.

1. Khái quát về chính sách thu hút đầu tư vào cơ sở giết mổ động vật tập trung

1.1. Chính sách thu hút đầu tư

Theo Luật Đầu tư năm 2020, “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”. Bên cạnh đó, theo cách hiểu thông thường, “thu hút” được hiểu là “Lôi cuốn, làm dồn mọi sự chú ý vào”, còn “đầu tư” là những hoạt động sử dụng các nguồn lực, vật chất hiện có nhằm đem lại lợi ích về mặt kinh tế. Về bản chất, hoạt động thu hút đầu tư có thể được hiểu khái quát như sau: “Thu hút đầu tư là thực hiện các hoạt động lôi cuốn, kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư cho các dự án hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể”.

Chính sách thu hút đầu tư là tập hợp các chủ trương, quy định, biện pháp và công cụ được nhà nước, địa phương hoặc tổ chức ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư (cả trong nước và nước ngoài) đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề hoặc khu vực nhất định. Nhà nước có nhiều chính sách để thu hút, cụ thể là các chính sách ưu đãi đầu tư và chính sách hỗ trợ đầu tư (khoản 1, 2 Điều 15 Luật Đầu tư năm 2020).

1.2. Chính sách thu hút đầu tư vào cơ sở giết mổ động vật tập trung

1.2.1. Cơ sở giết mổ động vật tập trung

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung QCVN 150:2017/BNNPTNT, cơ sở giết mổ động vật tập trung (CSGMĐVTT) là cơ sở giết mổ động vật nằm trong quy hoạch được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư. Để đáp ứng quy chuẩn, QCVN 150:2017/BNNPTNT đặt ra các yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, vệ sinh và an toàn thực phẩm, hoạt động giết mổ và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y đối với thân thịt động vật sau giết mổ và hệ thống quản lý chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.

CSGMĐVTT đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng CSGMĐVTT tại các tỉnh, thành phố đang gặp phải một số khó khăn đáng kể, như vốn đầu tư lớn, pháp lý và thủ tục hành chính, vị trí và quy hoạch, công nghệ và nhân lực, thói quen tiêu dùng, yếu tố cạnh tranh từ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

1.2.2. Chính sách thu hút đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung

Xuất phát từ những rào cản trong việc xây dựng các CSGMĐVTT tại các địa phương, để thực hiện được việc xây dựng mạng lưới CSGMĐVTT thì việc thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng CSGMĐVTT theo hướng hiện đại là một yêu cầu cấp bách, được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương xuống tới các địa phương. Hiện nay, các chính sách để thu hút đầu tư vào CSGMĐVTT có thể được hệ thống như sau:

a. Chính sách ưu đãi đầu tư

+ Chính sách về thuế, phí, lệ phí

Theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định số 1520/QĐ-TTg), tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học hoặc cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế theo quy định.

Theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi năm 2013, 2014), miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động giết mổ động vật tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều 14 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định miễn thuế nhập khẩu cho thiết bị, máy móc phục vụ tạo tài sản cố định trong các dự án ưu tiên đầu tư.

Theo khoản 2 Điều 7 Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y, đối với phí, lệ phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thì được giảm 50% phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đối với CSGMĐVTT; được giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 101/2020/TT-BTC).

+ Chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.

Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 quy định về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm CSGMĐVTT. Cụ thể, các dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. Trường hợp bị thiệt hại về vật chất do ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được xem xét giảm tiền thuê đất tương ứng với mức độ thiệt hại. Ngoài ra, Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, hướng dẫn cụ thể việc miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

b. Chính sách hỗ trợ đầu tư

+ Chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư.

Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở giết mổ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.

+ Chính sách hỗ trợ tín dụng

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tín dụng, trong đó bao gồm: (1) hỗ trợ tín dụng (được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng) (2) hỗ trợ lãi suất sau đầu tư (Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất sau đầu tư cho các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện dự án).

Nghị định quy định trách nhiệm của địa phương rà soát, ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, trong đó quy định chính sách tín dụng tại địa phương quy định tại Điều 8 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; vốn cấp bù lãi suất hỗ trợ cho các dự án và mức vốn sử dụng ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Chính sách đất đai

Theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các CSGMĐVTT. Điều 7 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động; giá thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Nghị định quy định trách nhiệm cho địa phương ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thẩm quyền và các quy định của pháp luật.

+ Chính sách hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ

Theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/2/2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, CSGMĐVTT có thể được hưởng các chính sách sau: hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực kỹ thuật; hỗ trợ tiếp cận trang thiết bị hiện đại; hỗ trợ ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và vận hành cơ sở giết mổ.

+ Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin, nghiên cứu và phát triển.

Điều 10 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh, 50% kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính sách cung cấp thông tin như hỗ trợ thông tin thị trường (cập nhật giá cả và xu hướng; thông tin về đối tác tiềm năng); hỗ trợ thông tin về tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin. Điều 9 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định việc hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các dự án nghiên cứu cải tiến quy trình giết mổ, chế biến nhằm đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường được hỗ trợ chi phí; khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải tự động, thân thiện với môi trường.

2. Thực trạng thực hiện chính sách thu hút đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung

2.1. Thành tựu đạt được

Tính đến năm 2023, cả nước có 463 CSGMĐVTT đang hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường [1]. Đây là một con số đáng chú ý, cho thấy sự phát triển của ngành Chăn nuôi và giết mổ theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Những cơ sở này không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng giết mổ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ động vật trước khi đưa ra thị trường.

Các CSGMĐVTT đã giúp kiểm soát tốt hơn dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Các CSGMĐVTT tuân thủ quy trình kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, bao gồm: kiểm tra nguồn gốc động vật trước khi đưa vào giết mổ; áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh thú y, kiểm tra sức khỏe động vật trước và sau giết mổ. Nhờ đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, hoặc lở mồm long móng đã được giảm đáng kể.

Các CSGMĐVTT được trang bị hệ thống xử lý chất thải hiện đại, giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, hạn chế sự phát sinh và lây lan mầm bệnh. Các sản phẩm từ CSGMĐVTT đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Thịt được sản xuất từ CSGMĐVTT đảm bảo không chứa tồn dư kháng sinh, hóa chất, hoặc các yếu tố gây hại khác. Điều này góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sống. Việc kiểm soát tốt an toàn thực phẩm từ CSGMĐVTT giúp các sản phẩm thịt Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ.

2.2. Thách thức

Việc xây dựng một CSGMĐVTT đòi hỏi nguồn vốn lớn để đảm bảo cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn về vệ sinh thú y, xử lý chất thải và an toàn thực phẩm. Chi phí mua sắm trang thiết bị hiện đại như dây chuyền giết mổ tự động, hệ thống xử lý nước thải và kho lạnh cũng rất cao. Với chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thu được từ hoạt động giết mổ thường không đủ hấp dẫn, do giá thành sản phẩm phải cạnh tranh với thị trường nhỏ lẻ. Số lượng các CSGMĐVTT còn hạn chế, nhiều nơi chưa có CSGMĐVTT. Trong khi đó, nhiều cơ sở hoạt động chưa hết công suất thiết kế, gây lãng phí đầu tư và kéo dài thời gian thu hồi vốn. Nhiều CSGMĐVTT chỉ hoạt động với 15 - 30% công suất thiết kế (Hà Nội), hoặc tốt nhất là bình quân đến 50% công suất thiết kế (TP. Hồ Chí Minh) [2], do khó khăn trong việc thu hút nguồn gia súc, gia cầm và cạnh tranh với cơ sở nhỏ lẻ.

Ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, thậm chí có những địa phương chưa có CSGMĐVTT, khiến việc kiểm soát vệ sinh bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa dịch bệnh vẫn đang là thách thức đối với các cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, cả nước còn khoảng 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Thực trạng trên cho thấy, việc kiểm soát giết mổ chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, đặc biệt nguy cơ giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm là rất lớn [3]. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên sử dụng thịt từ cơ sở nhỏ lẻ vì giá rẻ, gây khó khăn cho các cơ sở tập trung trong việc mở rộng thị trường.

Chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và tín dụng tại nhiều địa phương chưa hấp dẫn, triển khai chậm, gây mất cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giết mổ tập trung. Quy hoạch, bố trí quỹ đất và hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, đặc biệt tại khu đô thị hoặc gần khu dân cư, cản trở vận chuyển và phân phối sản phẩm.

Khó khăn trong đảm bảo nguồn cung đầu vào xuất phát từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng nhu cầu ổn định của các CSGMĐVTT. Sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa cơ sở tập trung và người chăn nuôi làm nguồn cung bấp bênh. Thói quen tiêu dùng cũng là rào cản, khi nhiều người ưa chuộng thịt từ cơ sở nhỏ lẻ vì tin là tươi ngon hơn. Giá thành sản phẩm từ cơ sở tập trung cao hơn khiến việc thay đổi thói quen tiêu dùng thêm khó khăn.

3. Một số khuyến nghị nhằm thu hút đầu tư vào cơ sở giết mổ động vật tập trung

Dựa trên các khó khăn và thách thức đã được nêu, dưới đây là các khuyến nghị cụ thể nhằm thu hút đầu tư vào CSGMĐVTT.

3.1. Cải thiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư

Để hoàn thiện khung pháp lý và đồng bộ hóa chính sách ưu đãi, cần ban hành quy định nhất quán trên cả nước, với hướng dẫn chung từ trung ương và tiêu chí rõ ràng về hỗ trợ, ưu đãi, điều kiện áp dụng. Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo thực thi hiệu quả. Ưu tiên đầu tư hạ tầng và quỹ đất đồng bộ, tập trung vào giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải tại các khu vực quy hoạch, tạo nền tảng thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, cần xây dựng hợp đồng tiêu thụ ổn định giữa cơ sở giết mổ và hộ chăn nuôi, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư toàn chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả và giảm rủi ro đứt gãy cung ứng. Khuyến khích đổi mới công nghệ thông qua hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, để áp dụng công nghệ hiện đại trong giết mổ, xử lý chất thải, bảo quản sản phẩm và xây dựng hệ thống quản lý thông minh, truy xuất nguồn gốc minh bạch, tối ưu vận hành bằng công nghệ số.

3.2. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuyên truyền và minh bạch thông tin

Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cơ chế "một cửa" và áp dụng nền tảng số hóa giúp đăng ký, theo dõi hồ sơ trực tuyến, giảm thời gian và chi phí. Minh bạch hóa thông tin và tăng cường tuyên truyền sẽ nâng cao hiệu quả quản lý và hỗ trợ đầu tư. Doanh nghiệp cần được hướng dẫn tận dụng chính sách ưu đãi qua truyền thông, hội thảo, và phối hợp với hiệp hội ngành. Đồng thời, thông tin quy hoạch, quỹ đất, khu vực giết mổ và ưu đãi đầu tư cần công khai minh bạch để nhà đầu tư dễ tiếp cận và ra quyết định.

3.3. Tăng cường giám sát và đánh giá, kiểm soát cơ sở nhỏ lẻ

Để quản lý ngành giết mổ hiệu quả và bền vững, cần giám sát chặt chẽ các cơ sở nhỏ lẻ, ban hành quy định nghiêm ngặt về vệ sinh thực phẩm và xử lý chất thải, đồng thời hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình tập trung, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn ngành. Thành lập tổ kiểm tra độc lập để đánh giá chính sách, xử lý nghiêm lạm dụng hoặc vi phạm cam kết nhằm đảm bảo minh bạch và củng cố niềm tin doanh nghiệp. Triển khai dự án thí điểm tại địa phương trọng điểm để kiểm chứng hiệu quả chính sách, nhân rộng mô hình thành công và điều chỉnh phù hợp thực tế, thúc đẩy phát triển bền vững toàn ngành.

3.4. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng

Để nâng cao nhận thức người tiêu dùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền qua truyền thông đại chúng, làm rõ lợi ích sản phẩm từ CSGMĐVTT như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và giảm rủi ro dịch bệnh. Hỗ trợ giảm giá sản phẩm ban đầu sẽ khuyến khích thay đổi thói quen, xây dựng niềm tin và tiêu dùng bền vững. Kết hợp tuyên truyền hiệu quả và hỗ trợ tài chính giúp hình thành thị trường văn minh, nâng cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tóm lại, việc thu hút đầu tư vào các cơ sở giết mổ động vật tập trung không chỉ là nhiệm vụ cần thiết để nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, mà còn thúc đẩy phát triển bền vững ngành Chăn nuôi. Các giải pháp được đề xuất, bao gồm: cải thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường giám sát và nâng cao nhận thức người tiêu dùng, sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư hiệu quả và phát triển đồng bộ trên toàn quốc.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Cục Thú y (2023). Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật và triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

[2] Chi Linh (2023). Vì sao doanh nghiệp ngại đầu tư cơ sở giết mổ gia súc? Báo Công an nhân dân. Truy cập tại: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-doanh-nghiep-ngai-dau-tu-co-so-giet-mo-gia-suc--i696540/.

[3] Thủ tướng Chính phủ (2023). Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2008). Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, thông qua ngày 03/6/2008.

2. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2013). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, thông qua ngày 19/6/2013.

3. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, thông qua ngày 26/11/2014.

4. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2020). Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, thông qua ngày 17/6/2020.

5. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2024). Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, thông qua ngày 18/1/2024.

6. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2018). Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018, quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

7. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2019). Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019, quy định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

8. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020, phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

9. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.

10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2017). Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y.

 

Assessing investment attraction policies for centralized animal slaughter facilities

LLM. Nguyen Thi Nga

Institute for Public policy and Rural development 

ABSTRACT:

The establishment of centralized animal slaughter facilities plays a crucial role in mitigating disease transmission, ensuring product quality, and reducing the environmental impact associated with decentralized slaughtering practices. However, existing policies aimed at attracting investment in this sector face significant challenges, including insufficient incentives, complex administrative procedures, and inadequate infrastructure, which hinder investor participation. This study synthesizes theoretical foundations on investment attraction policies, evaluates the current policy landscape, and identifies key limitations. Based on this analysis, the study proposes strategic recommendations to enhance financial support—such as tax incentives and loan assistance, while also advocating for infrastructure development and streamlined administrative processes to facilitate effective investment promotion.

Keywords: policy, centralized animal slaughter facilities, investment attraction, food safety.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2025]

DOI: https://doi.org/10.62831/202501013