Ngày 28/3/2019, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với đoàn Nghị sỹ của Ủy ban Ngân sách Quốc hội CHLB Đức, do ông Andreas Mattfeldt, Nghị sỹ Đảng CDU/CSU làm trưởng đoàn.
Cùng tham dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Christian Berger và một số doanh nghiệp Đức.
Tại buổi làm việc, ông Andreas Mattfeldt cho biết phía Đức rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Việc các đoàn cấp cao của Đức liên tục sang Việt Nam gần đây là minh chứng rất rõ cho điều này.
Thông qua các chuyến thăm và làm việc của đoàn cấp cao, Phía Đức mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp Đức đang quan tâm tìm hiểu để đặt nền móng cho việc hợp tác đầu tư cũng như các hoạt động kinh doanh lâu dài, bền vững tại Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ, Ủy ban ngân sách Quốc hội và doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức đối với Việt Nam.
Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng khi mối quan hệ giữa hai nước đang có những tiến triển rất tích cực. Theo đó, Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 của hai nước đạt hơn 10,7 tỷ USD, tăng 12%, trong đó riêng xuất khẩu đạt 6,9 tỷ tăng 8% so với năm 2017. Tính đến tháng 2 năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu sang Đức 994,2 triệu USD, nhập khẩu từ Đức 655,8 triệu USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,65 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Đức ủng hộ Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU sớm có hiệu lực, đề xuất Đức hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như năng lượng, phát triển hạ tầng thông minh... Đối với một số quan ngại của doanh nghiệp Đức, Bộ trưởng đã có những giải đáp rất cụ thể, chi tiết.
Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khung pháp lý, tạo môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Đức.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp hai Bên để cùng hợp tác, phát triển, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành có liên quan để xây dựng những định hướng hợp tác giữa hai Nước trên các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nghề... nhằm triển khai những bước cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, công nghiệp song phương.