Nỗ lực chuyển đổi
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, trong xu thế mở cửa hội nhập nền kinh tế, các DN lương thực thực phẩm trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá cả, thương hiệu… với các DN nước ngoài tại chính thị trường trong nước.
Đơn cử như trong 9 tháng năm 2020, hàng Thái Lan vẫn duy trì doanh thu trên dưới 20% tại thị trường Việt Nam. Trong đó chủ yếu là rau củ quả, sữa, thực phẩm chế biến, da giày… Thêm vào đó, thị phần tiêu thụ của các DN trong nước ngày càng bị thu hẹp, do thị trường bán lẻ hiện đại bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại.
Trên thị trường quốc tế, hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đảm bảo thực hiện hàng loạt cam kết, quy định theo các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Các sản phẩm thực phẩm mang thương hiệu Việt cũng chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến. Bên cạnh đó, các DN cũng đang đứng trước áp lực ngày càng lớn về chuyển đổi số, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng…
Dù đối mặt với không ít thách thức, song ngành lương thực thực phẩm vẫn duy trì mức tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2020 đạt 3.263 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành hàng lương thực thực phẩm có mức tăng trưởng dẫn đầu khi tăng 9,4% và chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu bán lẻ.
Đáng chú ý, một số mặt hàng dù giảm về số lượng nhưng giá xuất khẩu lại ghi nhận mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Ví dụ như gạo xuất khẩu đạt 5 triệu tấn trong 9 tháng năm 2020, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị xuất khẩu tăng 12%; tôm xuất khẩu đạt 2,75 tỷ USD, giảm nhẹ so với 9 tháng năm 2019, nhưng giá trị xuất khẩu tăng 12,7%.
Qua đó cho thấy những nỗ lực rất lớn của các DN lương thực thực phẩm trong việc chuyển đổi để thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang thúc đẩy định hình lại ngành thực phẩm, đồ uống. Một khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 94,7% DN đã nhận ra những khó khăn mà ngành lương thực thực phẩm đang phải đối mặt và đang điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng và mạng lưới phân phối của mình để có thể thích nghi với khủng hoảng. Theo đó, các DN cho rằng Covid-19 đang tạo ra cú huých thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và cả chiến lược của ban lãnh đạo…
Nhiều doanh nghiệp lãi lớn
Sự chủ động chuyển đổi đã giúp nhiều DN lương thực thực phẩm đạt được kết quả kinh doanh khả quan, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Điển hình như tại Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 ghi nhận tăng trưởng 1%, đạt 1.470 tỷ đồng. Theo lý giải của ban lãnh đạp Sabeco, lợi nhuận tăng nhẹ trong quý 3/2020 là nhờ việc quản lý chi phí tốt hơn và thị trường đã khôi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, do sự sụt giảm mạnh trong 2 quý đầu năm dưới tác động của đại dịch và Nghị định 100, nên lãi ròng lũy kế 9 tháng của Sabeco vẫn giảm 20%, xuống mức 3.403 tỷ đồng.
Một thương hiệu bia khác là Habeco cũng đã cải thiện đáng kể lợi nhuận trong quý 3/2020 nhờ việc tiết giảm chi phí. Ban lãnh đạo Habeco cho hay, công ty đã giảm mạnh các chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ từ 421 tỷ đồng về 193 tỷ đồng, tức giảm được 228 tỷ đồng dẫn đến chi phí bán hàng giảm 40% xuống 346 tỷ đồng. Trong chi phí quản lý, chi phí mua ngoài và chi phí khác cũng giảm 38% xuống 36 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước thuế quý 3/2020 của Habeco tăng trưởng tới 95%, đạt 403 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty lãi trước thuế 578 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với 9 tháng năm 2019.
Công ty Dầu thực vật Tường An cũng ghi nhận lãi ròng tăng trưởng tới 140% trong quý 3/2020 và tăng 81% trong 9 tháng năm 2020, đạt lần lượt 79 tỷ đồng và 147 tỷ đồng. Công ty cho biết, trong quý 3/2020 đã tập trung phát triển sản phẩm cốt lõi, sản phẩm cao cấp và tái định vị thương hiệu Tường An để thúc đẩy doanh thu. Bên cạnh đó, Tường An cũng quản lý chặt chi phí bán hàng, chi phí quản lý để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Một số DN khác cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong quý 3/2020 như Masan MEATLife lãi ròng 208 tỷ đồng, tăng trưởng 131%; GTNFoods lãi ròng 87,2 tỷ đồng, tăng 289%; Vinamilk lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 3.138 tỷ đồng, tăng 17%...
Ngay cả một mặt hàng đang chịu đầy rẫy những khó khăn là ngành đường khi đường ngoại nhập giá rẻ bủa vây khắp thị trường sau khi Việt Nam thực thi ATIGA, Công ty Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC sugar) cũng vẫn ghi nhận những kết quả rất tích cực. Cụ thể, trong quý 1 niên độ tài chính 2020-2021, TTC sugar đã tiêu thụ gần 312 nghìn tấn đường, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019, ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.656 tỷ đồng, tăng hơn 15%, lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỷ đồng, tăng 192%.
Đáng chú ý, TTC sugar cho biết, doanh thu kênh xuất khẩu trong kỳ tăng mạnh nhờ gia tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng đường cao cấp, có giá trị gia tăng cao, đồng thời phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới, nâng tổng số thị trường lên 24 quốc gia. Đặc biệt, TTC sugar đang chú trọng phát triển dòng sản phẩm đường organic, đây là dòng sản phẩm xuất khẩu sẽ chiếm tỷ trọng cao trong tương lai, hiện đã được xuất khẩu đi 17 nước châu Âu và vươn ra các thị trường lớn khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Vừa qua, TTC sugar cũng đã chính thức xuất khẩu thành công 500 tấn mật rỉ organic đầu tiên sang thị trường Mỹ. EVFTA chính thức có hiệu lực được xem là đòn bẩy tích cực khi thuế suất áp dụng đối với mặt hàng đường nhập khẩu vào châu ÂU là 0%. Điều này sẽ mở ra thị trường mới đầy tiềm năng cho các mặt hàng có giá trị gia tăng cao của TTC sugar như đường organic, đường vàng, đường premix khoáng chất... Do đó, TTC sugar sẽ tiếp tục khai thác các quốc gia mới, gia tăng đơn hàng và đẩy mạnh thị phần ở thị trường quốc tế.