Đòn bẩy kích cầu từ hoạt động xúc tiến thương mại

Trong bối cảnh hoạt động ngoại thương của cả nước gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng điều đó không mấy ảnh hưởng đến Sóc Trăng khi hoạt động xuất khẩu trong năm 2020 của Tỉnh đã tăng đến 30%.

Song song với hoạt động xuất khẩu, thị trường trong nước cũng là mảnh đất đầy tiềm năng cho doanh nghiệp. Do đó, nhiều nội dung xúc tiến thương mại đã được Sở Công Thương Sóc Trăng triển khai thực hiện, nhằm ổn định, phát triển thị trường trong nước và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, sẵn sàng bứt phá trong giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.

Đa dạng giải pháp kích cầu nội địa

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Sóc Trăng đã xác định: thị trường trong nước là mảnh đất đầy tiềm năng cho đầu ra của sản phẩm hàng hóa và phát triển sản xuất phải gắn kết chặt chẽ với tiêu thụ, nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nông sản tiêu biểu của tỉnh ra thị trường trong và ngoài tỉnh đã được triển khai thực hiện.

Các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng góp để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các thị trường, kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu… Song song đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiêu thủ công nghiệp tiêu biểu, đặc biệt là sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của các các địa phương trên địa bàn tỉnh thông qua các kênh hội chợ, triển lãm, hội thảo, hội nghị, các sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Kết nối cung cầu
Sóc Trăng tổ chức nhiều Hội nghị kết nối cung cầu 

Cụ thể, Sở Công Thương Sóc Trăng định kỳ tổ chức 20 kỳ hội chợ triển lãm cấp tỉnh, 90 kỳ hội chợ triển lãm tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, 09 kỳ hội chợ triển lãm trong khuôn khổ tết Quân - Dân; với tổng doanh số bán đạt trên 200 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức cho trên 200 lượt doanh nghiệp tham gia 25 sự kiện giao thương kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; kết quả, có 26 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, 63 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng với các đơn vị, hệ thống phân phối lớn, như Big C, Co.opMart, Lotte, Mega Market, Tứ Sơn... Ngoài ra, Sở đã tổ chức cho 41 doanh nghiệp của tỉnh có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP kết nối với Siêu thị Tứ Sơn - An Giang; kết quả, có 15 doanh nghiệp đã cung cấp được sản phẩm vào Siêu thị Tứ Sơn.

Ký kết
Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết

Không bỏ quên thị trường nội tỉnh, hàng năm, Sở Công Thương Sóc Trăng đã tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp Công ty TNHH MTV Thương mại Sài Gòn - Sóc Trăng (Siêu thị Co.opMart Sóc Trăng) và Công ty TNHH Ánh Quang Plaza tổ chức 52 chuyến bán hàng lưu động về các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tổng doanh số bán trên 02 tỷ đồng; 07 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn với gần 100 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh số bán trên 03 tỷ đồng; tổ chức thực hiện Dự án Điểm bán hàng Việt Nam cố định, với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Châu Thành và Mỹ Xuyên...

XTTM
Tổ chức cho doanh nghiệp đi khảo sát thị trường 

Xác định thế mạnh của mình là cây lúa, con tôm, Sở Công Thương Sóc Trăng đã tổ chức cho 22 doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng đi khảo sát, tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương sản phẩm tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Trung - Tây Nguyên - khu vực có nhu cầu lớn về các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Kết quả, có 08 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết giữa doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng với 04 nhà phân phối tại tỉnh Đắk Lắk; 05 sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng được các hệ thống phân phối tại tỉnh Bình Dương quan tâm, kết nối. Trong tháng 11/2020, Sở Công Thương Sóc Trăng cũng đã tổ chức cho doanh nghiệp tỉnh đi khảo sát thị trường tại các tỉnh khu vực phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang).

XTTM
Đoàn doanh nghiệp Sóc Trăng đi khảo sát thị trường tại các tỉnh phía Bắc

Các hoạt động xúc tiến thương mại đã khơi thông dòng chảy của sản phẩm Sóc Trăng, góp phần tích cực thúc đẩy hoạt động sản xuất của tỉnh trong 5 năm qua giữ vững đà tăng trưởng, với tỷ lệ tăng bình quân trên 13%/năm.  

Các mục tiêu phấn đấu tăng trưởng giai đoạn 2020-2025

Trong giai đoạn 2020-2025, Sở Công Thương Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng 12% đối với phát triển thương mại và 6% đối với kim ngạch xuất khẩu. Để đạt được những mục tiêu trên, Sở Công Thương đã đề ra các giải pháp cụ thể như sau:

Kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự phát triển hạ tầng thương mại, theo đó đến năm 2025 phát triển 5 trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, 02 thị xã và thị trấn Trần Đề, phát triển chợ đầu mối nông sản, trái cây, thủy sản tại các huyện Kế Sách, Trần Đề và thị xã Ngã Năm, xây mới 30 chợ, nâng cấp 34 chợ theo quy hoạch, đặc biệt là Chợ đầu mối, Phường 8, thành phố Sóc Trăng; đây là những thành tố cơ bản để nâng cao giá trị thương mại nội tỉnh.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại; theo đó, hàng năm, tổ chức và vận động các doanh nghiệp tham gia từ 10 - 15 hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài tỉnh; tổ chức từ 05 - 10 chương trình hội nghị kết nối cung cầu tại các địa phương có nhu cầu thị trường phù hợp với các sản phẩm của tỉnh; tổ chức từ 01 - 02 đoàn công tác khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước; tổ chức 10 chuyến bán hàng Việt về nông thôn.

XTTM
Tham gia các Hội chợ, triển lãm để xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa của Tỉnh

Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các website sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng đang được xây dựng để thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tư thương trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt các kỹ năng hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử; qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, ký kết hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hoá trên môi trường điện tử; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP...;

Ocop
Kết nối các sản phẩm Ocop của tỉnh tới các thị trường trong và ngoài nước

Đối với hoạt động xuất khẩu, Sở Công Thương Sóc Trăng sẽ thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản; Cung cấp kịp thời thông tin thị trường các nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại đến các doanh nghiệp xuất khẩu; Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường ở nước ngoài; Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đa dạng hoá ngành hàng xuất khẩu theo hướng vừa duy trì thế mạnh xuất khẩu thủy sản, vừa chú trọng khai thác nguồn hàng nông sản có tiềm năng; Nâng cao tỷ trọng hàng tinh chế, hàng có giá trị gia tăng cao, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả xuất khẩu thương hiệu gạo ST25 để tăng mạnh giá trị xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản. Đồng thời, quan tâm phát triển dịch vụ Logistic nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư khai thác, chế biến, xuất khẩu nguồn nông sản dồi dào của tỉnh.

 

Nguyên Vỵ