Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng năm 2020 với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động chính thống, có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp như hoạt động của hệ thống Gold Time Coffee, dự án “OWIFI”, My Aladin, các mô hình đầu tư tài chính, ngoại hối như Lion Group, Liber Forex...
Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh hợp pháp, có thể mang lại thu nhập và cơ hội thành công cho nhiều người, song người dân cần tỉnh táo phân biệt mô hình kinh doanh đa cấp chính thống và kinh doanh đa cấp bất chính để có nhận thức đúng đắn, tránh các rủi ro không đáng có cả về tài sản và pháp lý.
Thời gian qua các cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về các hành vi có dấu hiệu hoạt động bán hàng đa cấp trái phép để nâng cao nhận thức, đồng thời ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân. Song, các hoạt động này cần được tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng và đi vào chiều sâu hơn nữa để đưa thông tin được đến đông đảo người dân hơn.
Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, ngày 19/4/2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ phối hợp với Báo điện tử VTCNews và Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam”.
Tọa đàm sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam, đưa ra các nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và đúng đắn về ngành bán hàng đa cấp, phân biệt giữa bán hàng đa cấp chính thống và các hoạt động biến tướng dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp.
Với sự tham gia chia sẻ ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị chức năng, giới chuyên gia, các doanh nghiệp và người tiêu dùng về ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam, Tọa đàm cũng hướng tới việc chỉ ra những thách thức trong quá trình quản lý bán hàng đa cấp trong thời kỳ công nghệ số, nền tảng số, cùng nhìn nhận những thách thức, từ đó hiến kế các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính, lợi dụng đa cấp nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Tọa đàm sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước định hướng chính sách hoàn thiện hệ thống các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán hàng đa cấp phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, giúp người tiêu dùng nhận biết bán hàng đa cấp chỉ là một kênh bán hàng giống như bán hàng siêu thị, bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua Internet và cách thức nhận diện các hoạt động biến tướng theo mô hình kinh doanh đa cấp.