Dừng hoạt động, Temu sẽ hoàn lại 2 khoản tiền cho khách hàng Việt Nam

Với những người đã đặt mua mà chưa nhận hàng, Temu phải hoàn lại 100% tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng và khoản bồi thường tùy giá trị đơn hàng qua tài khoản Temu.

Tạm dừng hoạt động, chờ đợi xin cấp phép

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, sàn thương mại điện tử Temu vẫn đang trong thời gian chờ đợi xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Đơn vị quản lý của nền tảng này đã cung cấp hồ sơ cho nhà chức trách nhưng phải chờ đợi cơ quan chức năng thẩm định các điều kiện trước lúc phê duyệt.

"Trên tinh thần hợp tác và cầu thị, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu Temu đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép. Kể từ khi Bộ Công Thương yêu cầu, sàn đã tạm dừng hoạt động tại Việt Nam để tiến hành hoàn thiện thủ tục theo quy định của Nghị định số 52, sửa đổi bổ sung Nghị định số 85 về thương mại điện tử. Đến khi nào đủ điều kiện, sàn sẽ được phép hoạt động trở lại", ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin.

Dừng hoạt động, Temu sẽ hoàn lại 2 khoản tiền cho khách hàng Việt Nam
Cuối năm 2024, trước yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam, Temu buộc phải khóa phiên bản tiếng Việt, tạm dừng hoạt động để chờ xin cấp phép

Temu hoàn tiền cho khách hàng như thế nào?

Liên quan đến những đơn hàng đã được người tiêu dùng Việt Nam đặt mua trước lúc Temu tạm dừng hoạt động, ông Hoàng Ninh cho biết những đơn hàng này sẽ không thể hoàn tất vì không thể vận chuyển vào Việt Nam. Ngay khi buộc Temu dừng hoạt động, Bộ Công Thương cũng yêu cầu cơ quan Hải quan không thông quan đối với tất cả hàng hóa có liên quan đến nền tảng này, cũng như những website hoặc ứng dụng chưa đăng ký hoạt động.

Theo ông Hoàng Ninh, cùng với việc buộc Temu dừng hoạt động, Bộ Công Thương cũng yêu cầu sàn thương mại điện tử này phải thông báo xin lỗi và thực hiện chính sách hoàn tiền cho khách hàng. Cho đến thời điểm này, nếu vẫn còn một số trường hợp khách hàng chưa nhận được tiền hoàn trả thì đó có thể do sai sót trong quá trình thao tác đặt và giao hàng trên sàn Temu.

Dừng hoạt động, Temu sẽ hoàn lại 2 khoản tiền cho khách hàng Việt Nam
Giữa năm 2024, Temu xuất hiện tại Việt Nam với những mặt hàng giá rẻ hơn nhiều lần so với thị trường

"Thực tế khách đặt nhưng nếu Temu chưa giao được hàng, sàn thương mại điện tử này sẽ hoàn lại 2 khoản tiền cho khách. Khoản tiền thứ nhất sẽ được hoàn trả đủ 100% cho khách thông qua tài khoản ngân hàng; khoản tiền thứ hai được coi là bồi thường vì đơn hàng không giao như kế hoạch, trả vào chính tài khoản Temu của khách hàng với tỷ lệ phần trăm quy định, tương ứng với giá trị đơn hàng. 

Tuy nhiên, khoản tiền hoàn về tài khoản Temu của khách hàng không thể rút ra được, nó tương đương với một mã giảm giá cho khách sử dụng mua hàng sau này khi sàn hoạt động trở lại", ông Hoàng Ninh cho biết.

Cũng theo ông Hoàng Ninh, hiện chưa rõ thời điểm nào sàn Temu sẽ hoạt động trở lại tại Việt Nam. Theo yêu cầu của Bộ Công Thương và quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ khi nào Temu hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép đầy đủ và hợp lệ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mới có thể xem xét, cấp phép hoạt động cho nền tảng này.

Dừng hoạt động, Temu sẽ hoàn lại 2 khoản tiền cho khách hàng Việt Nam
Hiện Temu đang tiến hành các thủ tục đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương để hoạt động tại Việt Nam

Trước đó vào cuối năm 2024, trước yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam, Temu buộc phải khóa phiên bản tiếng Việt, tạm dừng hoạt động để chờ xin cấp phép. 

Việc Temu xuất hiện rầm rộ rồi sau đó đột ngột tạm dừng khiến nhiều khách hàng lo lắng sau khi đã thanh toán tiền đặt mua các sản phẩm trên nền tảng này nhưng chưa nhận được hàng.

Sau khi khóa bản tiếng Việt, Temu phát đi thông báo bằng tiếng Anh về việc sàn thương mại điện tử này đang tiến hành các thủ tục đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương để hoạt động tại Việt Nam, mà không nêu thời điểm hoàn tất.

Tại dự thảo đề cương xây dựng Luật Thương mại điện tử đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuyên biên giới phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền là pháp nhân tại Việt Nam.

Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng, cung cấp dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý về thương mại điện tử.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử (dịch vụ trung gian, logistics, thanh toán) cũng bị cấm hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, luật mới sẽ quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Quy định mới cũng bổ sung trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.

Ngọc Châm