Gắn kết sản phẩm OCOP với thị trường tiêu thụ sản phẩm của thành phố Hải Phòng

TS. PHÙNG THỊ THỦY (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Chương trình OCOP (One Commune One Product - mỗi xã (phường) một sản phẩm) thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh thành trong cả nước đã tạo ra cơ hội để người dân trên mọi miền Tổ quốc phát triển sản phẩm có chất lượng tốt, mang đặc trưng vùng miền, góp phần vào phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và có định hướng thị trường tiêu thụ. Chương trình OCOP đã được thành phố Hải Phòng hưởng ứng và triển khai với quyết tâm cao từ Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan ban ngành và sự đồng thuận từ người dân của 217 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, 7 quận của thành phố Hải Phòng. Với sự quyết tâm đó, Hải Phòng đã có sản phẩm OCOP đạt mức tiêu chí 4 sao, nhiều sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 3 sao và đặt mục tiêu năm 2021 Hải Phòng có sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 5 sao. Bài viết tập trung vào phân tích đánh giá thực trạng thực hiện chương trình OCOP tại thành phố Hải Phòng trong 3 năm gần đây và đưa các khuyến nghị nhằm gắn kết sản phẩm OCOP với thị trường tiêu thụ, góp phần vào phát triển chương trình OCOP của Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025.

Từ khóa: OCOP, làng nghề, chương trình OCOP, thị trường tiêu thụ, thành phố Hải Phòng.

1. Giới thiệu khái quát về chương trình OCOP

1.1. Khái niệm OCOP và chương trình OCOP

Khái niệm OCOP (One commune one product) là mỗi xã (phường) một sản phẩm. Cụ thể hơn đó là phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây là một trong các giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình OCOP có khởi nguồn tại Nhật Bản từ 40 năm trước với tên gọi “One village one product” viết tắt OCOP. Đến nay, chương trình OCOP đã được hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới triển khai áp dụng. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương trên các địa bàn tỉnh, thành phố theo định hướng thị trường và chủ thể tham gia chương trình là các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp hoặc hộ sản xuất) và kinh tế tập thể. Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, Nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng là kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện. Các tỉnh, thành có vai trò định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các chủ thể tham gia vào chương trình như tập huấn phổ biến chương trình, đặc biệt là bộ tiêu chí xếp hạng sản phẩm OCOP, tư vấn về kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu,…

1.2. Đặc điểm của chương trình OCOP

         Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP tập trung chủ yếu vào 6 ngành hàng gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, thủ công mỹ nghệ trang trí, dịch vụ du lịch và điểm du lịch cộng đồng.

         Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP sẽ được đánh giá phân hạng theo bộ tiêu chí có thang điểm 100 gồm 3 nhóm tiêu chí, như sau: Nhóm tiêu chí 1 là các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng chiếm 35/100 điểm; Nhóm tiêu chí 2 là các tiêu chí về khả năng tiếp thị chiếm 25/100 điểm; Nhóm tiêu chí 3 là các tiêu chí về chất lượng sản phẩm chiếm 40/100 điểm.

           Phân hạng sản phẩm được dựa trên kết quả đánh giá theo bộ tiêu chí và phân thành 5 cấp: Cấp 5 sao là sản phẩm có điểm trung bình trong khoảng từ 90 đến 100 điểm và xếp vào sản phẩm cấp quốc gia. Cấp 4 sao là sản phẩm có điểm trung bình trong khoảng từ 70 đến 89 điểm là xếp vào sản phẩm cấp tỉnh có khả năng xuất khẩu. Cấp 3 sao là sản phẩm có điểm trung bình trong khoảng từ 50 đến 69 điểm xếp vào sản phẩm cấp tỉnh. Cấp 2 sao là sản phẩm có điểm trung bình từ 30 đến 49 điểm xếp vào sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn. Cấp 1 sao có điểm trung bình dưới 30 điểm là sản phẩm khởi điểm tham gia. Việc thực hiện đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

2. Thực trạng triển khai chương trình OCOP tại Hải Phòng

Chương trình OCOP đã và đang được triển khai thực hiện tới các huyện, quận của thành phố Hải Phòng nhằm phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trọng điểm về nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao có yếu tố đặc trưng vùng miền để nâng cao năng lực cạnh cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng. Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, chính quyền thành phố Hải Phòng có vai trò quan trọng trong truyền thông chương trình OCOP, tiếp nhận đăng ký ý tưởng của các chủ thể, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm theo các bộ tiêu chí OCOP và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của Thành phố. Cụ thể là:           Thực hiện truyền thông và hướng dẫn về chương trình OCOP đến tất cả các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và các làng nghề ở 217 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, 7 quận của thành phố Hải Phòng để người dân hiểu rõ những lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP. Thực hiện phổ biến bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm giúp các chủ thể (làng nghề, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP) thấy cần thiết nâng cao những tiêu chí cho sản phẩm của mình. Từ đó, tạo động lực cho các chủ thể có giải pháp khắc phục được các hạn chế của sản phẩm để tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phổ biến đến các chủ thể về lợi ích khi sản phẩm được công nhận và sử dụng nhãn hiệu OCOP là mang lại sự tin tưởng cho khách hàng và thuận tiện cho việc đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trên toàn quốc, cũng như cơ hội cho việc xuất khẩu sản phẩm.

          Tổ chức tiếp nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm và phương án sản xuất kinh doanh của các chủ thể đăng ký là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp.

          Tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm theo các bộ tiêu chí OCOP. Thành phố Hải Phòng đã thực hiện đánh giá và phân hạng sản phẩm của các chủ thể đăng ký tham gia năm 2019 và năm 2020. Đã có sản phẩm đạt mức 4 sao và nhiều sản phẩm đạt mức 3 sao. Tổng kết sau 2 năm thực hiện chương trình OCOP (năm 2019 và 2020), đã có nhiều sản phẩm của Hải Phòng đạt mức 4 sao và mức 3 sao. 

Bảng. Kết quả thực hiện chương trình OCOP năm 2019, 2020

và kế hoạch năm 2021 của thành phố Hải Phòng

Tiêu chí

Kết quả thực hiện chương trình OCOP - năm 2019

Kết quả thực hiện chương trình OCOP - năm 2020

Kế hoạch năm 2021 (>=200 Đạt tiêu chuẩn SP OCOP)

Số lượng

Sản phẩm - Chủ thể - địa danh

Số lượng

Số lượng

5 sao (****)

0

 

0

05

4 sao (****)

01

1. Cá mòi kho Làng Chài - Cơ sở chế biến Làng Chài - huyện Kiến Thụy.

20

30

3 sao (****)

11

1. Gạo ruộng rươi -  Hợp tác xã -  huyện Kiến Thụy

2. Trứng Chấn Hưng - Hợp tác xã - huyện Tiên Lãng

3. Chuối quả - Hợp tác xã - huyện Tiên Lãng;

4. Nấm sò tươi -  Cơ sở sản xuất - huyện Vĩnh Bảo;

5. Rượu Nếp mân - Cơ sở sản xuất - huyện Vĩnh Bảo;

6. Táo Bàng La - Hợp tác xã quận Đồ Sơn;

7. Mật ong hoa rừng - Hợp tác xã - Cát Bà

8. Rượu vang Hibinatu - Công ty CP Thương mại -  huyện An Dương

9. Nước giải khát Hibigreen - Công ty CP Thương mại -  huyện An Dương

10. Trà Hibinatu - Công ty CP Thương mại -  huyện An Dương

11. Nước cốt Hibisy - Công ty CP Thương mại -  huyện An Dương

33

 

Năm 2019, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 144/QĐ-UBND về việc công nhận sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng gồm: 1 sản phẩm OCOP 4 sao và 11 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP của Hải Phòng thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống tại 6 huyện bao gồm: Cát Bà, An Dương, Đồ Sơn, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và Kiến Thụy. Các chủ thể tham gia có sản phẩm OCOP chủ yếu là các hợp tác xã (5 hợp tác xã), cơ sở sản xuất (3 cơ sở) và duy nhất 1 Công ty cổ phần có 4 sản phẩm OCOP.

Năm 2020, thành phố Hải Phòng có 33 sản phẩm được xếp hạng OCOP, cụ thể là: xếp hạng 4 sao, gồm 20 sản phẩm (về số lượng tăng lên 19 sản phẩm so với 2019), xếp hạng 3 sao gồm 13 sản phẩm (về số lượng tăng thêm 2 sản phẩm so với 2019).

Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2021 có ít nhất 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của Thành phố, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 5 sao; nâng cấp ít nhất 1 sản phẩm 4 sao lên 5 sao; 5 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao.

So với tiềm năng và lợi thế của Hải Phòng sau hơn 2 năm thực hiện chương trình OCOP, số lượng sản phẩm OCOP chưa nhiều và mới có tại một vài huyện cũng như mới tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống cùng các chủ thể tham gia vào chương trình OCOP chủ yếu là các hợp tác xã và một số sơ sở sản xuất mà chưa thu hút được chủ thể là các doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, Hải Phòng với nhiều lợi thế của thành phố biển nên vẫn còn dư địa tiềm năng trong việc tiếp tục gia tăng số sản phẩm OCOP ở nhiều lĩnh vực nhóm ngành khác.

 Về hoạt động hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP là 1 trong những nhiệm vụ đặt ra trong chương trình OCOP và thành phố Hải Phòng đã có những quan tâm chú trọng nhằm truyền thông rộng rãi góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Những chủ thể tham gia có sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP được sử dụng logo OCOP và hạng sao in trên bao bì sản phẩm. Các sở, ngành liên quan như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của thành phố Hải Phòng đã phối hợp triển khai quảng bá các sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, cụ thể là đã tổ chức thành công “Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Hồng năm 2020” tại thành phố Hải Phòng từ ngày 26/11 đến ngày 30/11/2020. Hội chợ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ, gia tăng các quan hệ thương mại và mang đến nhiều cơ hội cho các chủ thể có sản phẩm OCOP ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng các hội chợ được tổ chức tại Hải Phòng trong 3 năm gần đây còn ít và số sản phẩm OCOP của Hải Phòng tham dự các hội chợ của các tỉnh, thành khác chưa nhiều.

3. Một số đề xuất nhằm gắn kết sản phẩm OCOP với thị trường tiêu thụ sản phẩm

Một là, tiếp tục nâng cấp và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

Mục tiêu trong giai đoạn 2021- 2025, chương trình OCOP của Thành phố hoàn thiện đánh giá phân hạng cho 335 sản phẩm theo chương trình OCOP và nâng cấp phát triển cho ít nhất từ 150 - 200 sản phẩm có tiềm năng và tính thương mại cao theo chuỗi giá trị. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tiếp tục phổ biến sâu rộng chương trình OCOP đến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các hợp tác xã và cả các hộ sản xuất để nắm bắt chủ trương và đặc biệt là kiến thức về bộ tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng sản phẩm, cũng như các bước trong quy trình đăng ký tham gia. Mỗi địa phương cần tập trung đánh giá chính xác tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình, cụ thể là ngành nghề đặc trưng của địa phương có quan hệ với sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ kết hợp với du lịch cộng đồng, để có chính sách, giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển hệ thống sản phẩm OCOP có chất lượng và mang bản sắc riêng. Ví dụ như Cát Bà, Bạch Long Vĩ là 2 huyện có nhiều lợi thế về du lịch và  sản phẩm thủy hải sản nên rất nhiều tiềm năng phát triển thêm sản phẩm OCOP khác thuộc nhóm dịch vụ du lịch truyền thống - lễ hội địa phương, một số điểm du lịch cộng đồng đạt từ 3 đến 4 sao, đồng thời  tiếp tục gia tăng số lượng sản phẩm OCOP thuộc nhóm chế biến từ thủy hải sản nhằm khai thác tiềm năng của các địa phương.

Hai là, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng các điểm bán cho sản phẩm OCOP.

Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan của thành phố Hải Phòng cần hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP của địa phương gắn với các hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cung cầu cấp thành phố tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, và các thành phố khác. Cùng với đó, Thành phố cũng tiếp tục chú trọng đến các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP của Hải Phòng.

Hiện nay, sàn thương mại điện tử đầu tiên dành khu vực riêng cho sản phẩm OCOP được Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới Trung ương ký kết hợp tác với sàn thương mại điện tử Voso.vn của Viettel Post. Sàn thương mại điện tử Voso sẽ trực tiếp tham gia vào chương trình OCOP với vai trò cung cấp kiến thức bán hàng trực tuyến, quảng cáo trực tuyến cho các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các sở, ngành của thành phố Hải Phòng cần nghiên cứu xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử riêng của Thành phố để thuận tiện cho hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của địa phương. Lập bản đồ điện tử chỉ dẫn thương hiệu sản phẩm OCOP có gắn kết với bản đồ điểm đến du lịch của Thành phố để dễ dàng cho du khách trong nước cũng như quốc tế khi tìm hiểu và đến du lịch tại Hải Phòng góp phần gắn kết trường tiêu thụ với tour du lịch trên địa bàn Thành phố. Xây dựng bộ cẩm nang sản phẩm OCOP của Hải Phòng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP rộng khắp hơn, tạo thuận tiện cho việc triển khai đưa sản phẩm OCOP đến khách hàng trong và ngoài nước. Tổ chức thêm nhiều điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của Thành phố trên địa bàn các quận, huyện, các trung tâm thương mại và chợ đầu mối.

Đối với các chủ thể tham gia vào chương trình và có sản phẩm OCOP tiếp tục chủ động trong các hoạt động xúc tiến cho sản phẩm. Các chủ thể chủ động trong đưa sản phẩm đến tham dự các hội chợ chuyên đề sản phẩm OCOP tại các khu vực tỉnh, thành khác trong cả nước. Có thể đăng ký tham gia hội chợ online đối với sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 4 sao. Hội chợ online sẽ là nơi chủ thể có thể thực hiện các hoạt động truyền thông như giới thiệu về quy trình sản xuất sản phẩm hay là chia sẻ những câu chuyện văn hóa gắn với sản phẩm OCOP tới khách hàng.

Ba là, Thành phố tiếp tục quan tâm đến hoạt động khuyến khích các chủ thể có sản phẩm OCOP đăng ký quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm, chú trọng đối với những sản phẩm chủ lực.

 Có những chủ thể quy mô sản xuất nhỏ lẻ chưa quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu và mã số vạch cho sản phẩm nên các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn các chủ thể thực hiện ghi nhãn hàng hóa, hoàn tất hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Để những sản phẩm OCOP của Hải Phòng có đủ sức cạnh tranh và vươn xa trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố cần tiếp tục triển khai hướng dẫn và tập huấn cho các cán bộ quản lý các cấp về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Sở cần kết hợp với chính quyền địa phương tại các quận, huyện tiếp tục triển khai rộng rãi các lớp tập huấn cho các chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất) về quy trình và quyền lợi khi đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Với thực tiễn nhiều sản phẩm OCOP của Hải Phòng thuộc chủ thể là hợp tác xã do đó cần nâng cao vai trò của các hội viên đoàn kết trong sản xuất, ý thức tuân thủ các tiêu chuẩn đăng ký chất lượng của sản phẩm, có như vậy mới phát triển được nhãn hiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP của Hải Phòng mới dễ được thị trường chấp nhận.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021), Hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia. Truy cập tại: https://ocopvietnam.gov.vn/
  2. Nhật Bắc (2020). OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-khac/2021/03/ocop-la-mot-chuong-trinh-phat-trien-kinh-te-nong-thon-trong-tam/
  3. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng (2020). Công nhận sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng năm 2019. Truy cập tại: https://haiphong.gov.vn/tin-tuc-su-kien/Cong-nhan-san-pham-OCOP-thanh-pho-Hai-Phong-nam-2019-36690.html
  4. Anh Tuấn (2020). Công nhận sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng năm 2019. Truy cập tại: http://www.baohaiphong.com.vn/baohp/vn/home/InfoDetail.jsp?ID=43510&cat=24

 

DEVELOPING LINKAGES FOR PRODUCTION AND CONSUMPTION

OF OCOP PRODCUTS IN HAI PHONG CITY

Ph.D PHUNG THI THUY

Thuongmai University

ABSTRACT:

The One Commune, One Product (OCOP) program which has been conducted in 63 provinces and municipalities has facilitated producers across the country to improve the quality of their local speciality products. This program has positively contributed to the economic development of rural areas, encouraged localities to use their internal resources effectively and better develop linkages for production and consumption. The OCOP program has been implemented in all localities of Hai Phong with a high determination of the city’s Party Committee, local authorities, agencies and people. Thanks to the city’s efforts, Hai Phong City has some 4-star OCOP products and many 3-star OCOP products. The city aims to have some 5-star OCOP products in 2021. This paper analyzes the implementation of OCOP program in Hai Phong City over the past 3 years and make some recommendations to help the city better conduct this program in the period from 2021 to 2025.

Keywords: One Commune One Product (OCOP), traditional craft village, the OCOP program, consumption market, Hai Phong City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 19, tháng 8 năm 2021]