TÓM TẮT:

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế song phương và đa phương là nhu cầu cấp thiết giữa các quốc gia. Chính vì vậy, hiện tượng xung đột khi thực hiện các điều ước quốc tế của một quốc gia là điều không tránh khỏi. Bài viết này phân tích về hiện tượng xung đột điều ước quốc tế, trong đó tập trung vào 4 nội dung: khái quát về xung đột điều ước quốc tế; nguyên nhân dẫn tới hiện tượng xung đột điều ước quốc tế; phân loại điều ước quốc tế; cách giải quyết xung đột điều ước quốc tế theo quy định của Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969.

Từ khóa: điều ước quốc tế, giải quyết xung đột, công ước Viên, Luật Điều ước quốc tế.

1. Khái quát về xung đột điều ước quốc tế

“Điều ước quốc tế là một thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa các quốc gia và chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế bất kể được chứa đựng trong một hay nhiều văn kiện có liên quan và tên gọi của chúng” (điểm a khoản 1 Điều 2 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969) [1]. Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, các quốc gia ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế để thể chế các quyền và nghĩa vụ của mình với các chủ thể quốc tế khác. Các điều ước quốc tế được ghi nhận ở nhiều cấp độ, như: song phương (giữa 2 quốc gia với nhau); khu vực (một nhóm quốc gia có đặc điểm chung về vị trí địa lý hoặc lĩnh vực ký kết); đa phương (điều ước quốc tế mang tính toàn cầu) và ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: kinh doanh thương mại, dân sự chính trị, hành chính, chủ quyền lãnh thổ,… Vì số lượng lớn các điều ước quốc tế như vậy, nên thực tiễn tồn tại xảy ra hiện tượng có sự không thống nhất giữa một số các quy phạm trong các điều ước quốc tế khác nhau khi tham gia điều chỉnh những quan hệ pháp luật quốc tế nhất định. Ví dụ, Việt Nam và Chile đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. Tuy nhiên, Việt Nam và Chile cũng ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương (VCFTA) năm 2014. Theo CPTPP, Chile sẽ xóa bỏ thuế nhập 828/952 dòng thuế dệt may của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, lộ trình 4 năm xóa bỏ 36/952 dòng thuế dệt may và cắt giảm hoặc xóa bỏ 88/952 dòng thuế dệt may trong 4 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, theo VCFTA, Chile cam kết xóa bỏ thuế quan đối với phân nửa các dòng thuế dệt may ngay khi VCFTA có hiệu lực (năm 2014), các dòng thuế còn lại được cắt giảm và xóa bỏ theo lộ trình 5 - 10 năm [2]. Do đó, CPTPP có thể đem lại lợi thế cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam hơn so với VCFTA ở các dòng thuế được xóa bỏ sớm hơn; đồng thời, tạo thêm cơ hội ưu đãi thuế quan, đặc biệt khi khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ trong CPTPP có thể linh hoạt hơn VCFTA. Điều đó cho thấy, có sự quy định khác nhau về các cam kết của Việt Nam với Chile trong 2 Hiệp định CPTPP và VCFTA. Đây được xem là hiện tượng xung đột giữa các điều ước quốc tế.

Vậy có thể hiểu, xung đột điều ước quốc tế là hiện tượng xảy ra khi có 2 hay nhiều điều ước quốc tế cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến 2 hay nhiều quốc gia là thành viên và các điều ước quốc tế này lại có những quy định không giống nhau về vấn đề cần giải quyết.

2. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng xung đột điều ước quốc tế

Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc mọi quốc gia đều có chủ quyền và chủ quyền đó là bình đẳng với nhau. Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế trong Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc: “Tất cả các quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền. Các quốc gia bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế, bất kể khác biệt về kinh tế, xã hội, chính trị hay các khác biệt khác”. Do đó, mỗi quốc gia đều có quyền tự do tham gia ký kết các điều ước với các quốc gia và các chủ thể khác của Luật Quốc tế. Do nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia đã dẫn tới hệ quả có thể xuất hiện một số điều ước quốc tế xung đột nhau [6]. Cũng vì vậy khiến cho việc giải quyết các xung đột này trở nên khó khăn và phức tạp hơn so với việc giải quyết các xung đột pháp luật trong nội bộ 1 quốc gia.

Thứ hai, hiện nay các mối quan hệ giữa các chủ thể luật quốc tế và sự đa dạng về mục đích khi kí kết điều ước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,… khác nhau của các chủ thể luật quốc tế trong từng giai đoạn lịch sử khá phức tạp. Cấp độ lợi ích, phạm vi hợp tác của mỗi quốc gia cũng rất đa dạng. Mặt khác, chính sách duy trì và củng cố các mối quan hệ truyền thống, hình thành các mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định lâu dài của mỗi quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong mỗi giai đoạn của quá trình phát triển cũng được xây dựng rất linh hoạt và mềm dẻo. Vì vậy, tất cả những điều này sẽ trực tiếp tác động tới nội dung của từng quy phạm trong các điều ước.

3. Phân loại điều ước quốc tế

Tùy vào các căn cứ được sử dụng để phân loại xung đột điều ước quốc tế mà khả năng xung đột điều ước quốc tế có các dạng khác nhau. C. Brière chia xung đột điều ước quốc tế làm 2 loại là xung đột điều ước quốc tế có cùng chủ thể ký kết và xung đột điều ước quốc tế có các chủ thể ký kết khác nhau. Có thể minh họa như sau: Loại xung đột điều ước quốc tế thứ nhất xảy ra khi 1 quốc gia A ký kết 2 điều ước A-B-1 và A-B-2 với quốc gia B; và có sự mâu thuẫn trong quy định của điều ước A-B-1 với điều ước A-B-2. Loại xung đột điều ước quốc tế thứ hai xảy ra khi quốc gia A ký kết điều ước A-B với quốc gia B và điều ước A-C với quốc gia C; và có sự khác nhau về quyền và nghĩa vụ của A, B hay C giữa 2 điều ước A-B và A-C [5].

Ngoài ra, tùy theo loại điều ước quốc tế có thể có xung đột giữa điều ước quốc tế về nội dung và điều ước quốc tế về xung đột luật; giữa điều ước quốc tế thuộc công pháp quốc tế và điều ước quốc tế thuộc tư pháp quốc tế; giữa điều ước quốc tế đa phương và điều ước quốc tế song phương; giữa điều ước quốc tế ra đời trước và điều ước quốc tế ra đời sau; giữa điều ước quốc tế chung và điều ước quốc tế làm rõ việc thi hành.

Việc rà soát, nhận diện và phân tích khả năng xung đột giữa tất cả các loại điều ước quốc tế là một công việc phức tạp. Vì vậy, tác giả trong bài viết này chỉ tập trung các xung đột điều ước quốc tế theo quy định của Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 (Công ước được đông đảo các quốc gia trên thế giới tham gia, trong đó có Việt Nam).

4. Giải quyết xung đột điều ước quốc tế theo quy định của Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969

Theo pháp luật Việt Nam, liên quan đến việc giải quyết xung đột điều ước quốc tế, Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 đặt ra nguyên tắc cơ bản là: Việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, phải “tuân thủ điều ước quốc tế, mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (khoản 4). Điều đó cũng có nghĩa, khi có xung đột giữa các điều ước quốc tế thì Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 được áp dụng để giải quyết.

Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 là nỗ lực có quy mô lớn nhất trong việc pháp điển hóa các điều ước quốc tế và giải quyết vấn đề xung đột điều ước quốc tế. Tính đến nay đã có 114 quốc gia là thành viên của Công ước này (Việt Nam gia nhập Công ước này từ tháng 10 năm 2001) [3]. Một trong những cách thức giải quyết xung đột điều ước quốc tế được Công ước quy định tại Điều 30 về việc “Áp dụng các điều ước nối tiếp nhau liên quan đến cùng một vấn đề”.

Thứ nhất, khoản 1 Điều 30 xác lập một nguyên tắc rằng, các quy định được ghi nhận ở Điều 30 sẽ áp dụng vào trường hợp điều ước quốc tế cùng điều chỉnh một vấn đề, trừ trường hợp được trù định ở Điều 103 Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 103 quy định Hiến chương có vị trí đặc biệt “cao” hơn, “ưu tiên” hơn hẳn so với tất cả các điều ước quốc tế khác: “Trong trường hợp có sự xung đột giữa nghĩa vụ của các thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương này và nghĩa vụ theo bất cứ một thỏa thuận quốc tế nào khác thì nghĩa vụ theo Hiến chương này sẽ được ưu tiên hơn”. Như vậy, trong quan hệ điều ước giữa 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc, trong mọi trường hợp xung đột giữa Hiến chương và các điều ước quốc tế khác, các quốc gia sẽ phải thực thi Hiến chương. Việc không thực thi nghĩa vụ trong các điều ước khác không được xem là vi phạm và không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia liên quan.

Thứ hai, khoản 3 Điều 30 Công ước Viên ghi nhận một quy định có nguồn gốc từ pháp luật quốc gia - nguyên tắc lex posterior derogate legi priori: luật ra đời sau được ưu tiên so với luật ra đời trước. Khi các quốc gia là thành viên của một điều ước quốc tế ra đời trước đồng thời cũng là thành viên của một điều ước ra đời sau đó, mà điều ước ra đời trước không bị hủy bỏ hay đình chỉ thi hành, thì điều ước ra đời trước đó chỉ có thể áp dụng trong chừng mực phù hợp với điều ước ra đời sau. Ví dụ, Canada và Đan Mạch là thành viên của Công ước Geneva về Thềm lục địa năm 1958 và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cả hai Công ước này đều đang có hiệu lực, nhưng Công ước Geneva chỉ được áp dụng trong quan hệ 2 nước nếu các quy định trong đó không trái với UNCLOS. Định nghĩa về thềm lục địa trong 2 Công ước khác nhau, do đó, định nghĩa trong UNCLOS sẽ được áp dụng.

Thứ ba, khoản 4 Điều 30 quy định trường hợp đặc biệt khi 1 quốc gia đồng thời là thành viên của 2 điều ước, nhưng 1 quốc gia khác chỉ là thành viên của 1 trong 2 điều ước. Khi đó, đối với quốc gia đồng thời là thành viên của 2 điều ước, điều ước nào mà cả 2 nước cùng là thành viên sẽ được áp dụng, bất kể điều ước đó ra đời trước hay sau [1]. Ví dụ, Canada và Mỹ đều là thành viên của Công ước Geneva về Thềm lục địa năm 1958. Canada là thành viên của UNCLOS, nhưng Mỹ thì không. Như vậy, trừ khi có quy định tập quán khác, trong quan hệ giữa Canada và Mỹ, Canada phải áp dụng Công ước Geneva năm 1958.

Thứ tư, khoản 5 Điều 30 ghi nhận các quy định xác định ưu tiên ở khoản 4 không ảnh hưởng đến vấn đề trách nhiệm pháp lý. Nếu việc áp dụng 1 điều ước dẫn đến vi phạm quyền của 1 quốc gia khác, quốc gia bị vi phạm có quyền yêu cầu quốc gia vi phạm chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế [4].

Cuối cùng, một quy định khác cũng đôi khi được áp dụng, nhưng không được ghi nhận trong Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, để giải quyết xung đột giữa những điều ước quốc tế về cùng 1 vấn đề là nguyên tắc lex specialis derogate legi generali: luật cụ thể được ưu tiên so với luật chung. Nguyên tắc này có thể được hiểu theo 2 cách[2]: Một là, quy định cụ thể được xem là nội hàm được cụ thể hóa của quy định chung khi áp dụng vào 1 tình huống cụ thể. Hai là, quy định cụ thể được xem là 1 ngoại lệ của quy định chung. Khác với nguyên tắc lex posterior, việc xác định 1 điều ước là “chung” hay “cụ thể” không phải dễ dàng.

Như vậy, có nhiều cách thức để giải quyết các xung đột điều ước quốc tế trong thực tiễn. Tuy nhiên, theo tác giả, việc vận dụng các nguyên tắc giải quyết xung đột điều ước quốc tế cần linh hoạt, không nên áp dụng cứng nhắc 1 nguyên tắc nào đó, mà cần tính đến các hoàn cảnh cụ thể của từng xung đột; Đồng thời, kết hợp với biện pháp đàm phán chính trị, ngoại giao để giải quyết, bởi biện pháp đàm phán ngoại giao có ưu điểm nếu đạt được đồng thuận, sẽ không đặt ra vấn đề về trách nhiệm của Nhà nước khi không tuân thủ cam kết quốc tế.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Bài thực hiện trong khuôn khổ đề tài cấp cơ sở năm 2021, “Giải quyết xung đột nghĩa vụ trong thực hiện các cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại”, của Viện Nhà nước và Pháp luật, Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phạm Hồng Nhật.

[2] Report of the Study Group of the International Law Commission, Fragmentation of International Law: Difficulties arising from the diversification and expansion of international law, (2006) Doc. A/CN.4/L.682 35 [56] xem tại http://legal.un.org/ilc/documentation/english/a_cn4_l682.pdf.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Công ước Viên năm 1969, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Cong-uoc-Vien-Luat-Dieu-uoc-quoc-te-23-05-1969-27-01-1980-86933.aspx.
  2. CPTPP: Cam kết thuế quan của Chile đối với dệt may Việt Nam, http://hoinhap.org.vn/chuyen-de/hiep-dinh-da-ky-ket/51-cptpp/28407-cptpp-cam-ket-thue-quan-cua-chlie-doi-voi-det-may-viet-nam.html.
  3. Danh sách các quốc gia thành viên của Công ước Viên, xem tại: https://treaties.un.org/Pages/ViewDetailsIII.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXIII-1&chapter=23&Temp=mtdsg3&clang=_en.
  4. ILC, Draft Articles on the Law of Treaties (1966), in trong ILC, Yearbook of the International Law Commission 1966, vol. II (United Nations 1967) 217 [11].
  5. Ngô Quốc Chiến (2017), Xung đột điều ước quốc tế và hướng giải quyết, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 2/2017, tr. 75-76.
  6. Nguyễn Thị Thuận, Giải quyết xung đột về hiệu lực áp dụng giữa các điều ước quốc tế, Tạp chí Luật học, số 6, năm 2005, tr.52.
  7. Report of the Study Group of the International Law Commission, Fragmentation of International Law: Difficulties arising from the diversification and expansion of international law, (2006) Doc. A/CN.4/L.682 35 [56] xem tại http://legal.un.org/ilc/documentation/english/a_cn4_l682.pdf.

Resolving conflicts of treaties

Master. Pham Hong Nhat

Institute Of State And Law

ABSTRACT:

In the context of globalization and international integration, the participation into bilateral and multilateral international treaties is an urgent need of many countries. Therefore, some conflict situations could arise when a country implement different international treaties. This paper analyzes the conflicts between treaties with four following contents: An overview of conflicts of treaties, Causes of conflicts of treaties, Types of treaties, and Resolving conflicts of treaties under the 1969 Vienna Convention on the Law of Treaties.

Keywords: international treaties, conflict settlement, the Vienna conventions, the Law of Treaties.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]