Tóm tắt:
Việt Nam là một quốc gia có ¾ diện tích là đồi, núi, với nhiều dạng địa hình khác nhau, có sức hấp dẫn du lịch địa chất rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh miền núi có tiềm năng du lịch địa chất lại là những tỉnh nghèo, nhiều huyện vùng lõi du lịch nằm trong danh sách các huyện nghèo của cả nước. Bài viết đưa ra một số giải pháp thúc đẩy hoạt động du lịch địa chất, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, qua đó góp phần giảm nghèo cho người dân các địa phương giàu tiềm năng du lịch địa chất tại Việt Nam.
Từ khóa: du lịch địa chất, công viên địa chất, hoạt động du lịch địa chất.
1. Tổng quan về tiềm năng du lịch địa chất tại Việt Nam
Du lịch địa chất là một loại hình du lịch mới được đề cập từ hơn 20 năm trở lại đây, là loại hình du lịch nhằm cung cấp cho du khách những thông tin, những kiến thức về cơ chế hình thành, lịch sử phát triển của các thắng cảnh, các cảnh quan kỳ thú, những sản phẩm của tự nhiên được hình thành bởi các quá trình nội sinh và ngoại sinh. Mục đích của loại hình du lịch này nhằm giúp khách du lịch cảm thấy hứng thú khi tham quan các thắng cảnh, mặt khác giúp họ thấy được mức độ kỳ vĩ về quy mô và thời gian mà thiên nhiên đã tạo dựng nên.
Việt Nam là một quốc gia có ¾ diện tích là đồi, núi với nhiều dạng địa hình khác nhau, đặc biệt khá phổ biến là dạng địa hình núi đá vôi chứa nhiều hang động lớn, trải dài từ miền Bắc đến hết Quảng Bình, có diện tích lên tới 50.000 - 60.000 km2, chiếm gần 15% diện tích đất liền tập trung chủ yếu ở 4 tiểu vùng Việt Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn), Đông Bắc bộ (Quảng Ninh), Tây Bắc bộ (Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình) và Bắc Trung bộ (Quảng Bình), có nhiều hang dài và rất sâu, như: Tà Chinh (dài 2.015m, sâu 402m), Dơi Nước (dài 1.035m, sâu 290m),... Chỉ riêng ở Quảng Bình đã thống kê được 300 hang động thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn Đoòng là hang động có quy mô lớn nhất thế giới, tỉnh Ninh Bình có 400 hang động, trong đó hơn 100 hang động tập trung nhiều ở quần thể di sản thế giới Tràng An - Tam Cốc - Bích Động. Nhiều hang động ở Việt Nam có vẻ đẹp lộng lẫy, tráng lệ và rất kỳ ảo, còn chứa đựng những di tích khảo cổ học, những di tích lịch sử - văn hóa dân tộc đặc sắc, có giá trị để phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã được UNESCO công nhận 3 công viên địa chất toàn cầu là Cao nguyên đá Hà Giang, Công viên địa chất Cao Bằng và Công viên địa chất Đăk Nông. Sức hấp dẫn của các khu vực này đối với du khách rất lớn, nhưng đây lại là những địa phương có mức phát triển kinh tế thấp.
Về cơ bản, các sản phẩm du lịch có thể chia theo các mức độ cụ thể như sau:
Ở mức độ thế giới: có quần thể vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, hệ thống hang động tại Quảng Bình, Công viên địa chất tại Hà Giang, Cao Bằng.
Theo mức độ khu vực: có các trầm tích vụn núi lửa ở đảo Cồn Cỏ, các miệng núi lửa Đệ tứ ở các đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý,…
Theo mức độ địa phương: có rất nhiều nơi, như: hòn Trống Mái ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), gành Đá Đĩa, núi Đá Bia (Vọng Phu) ở Phú Yên, Hòn Chồng (Nha Trang),…
Các tài nguyên đa dạng địa học nêu trên đều là nguồn tài nguyên quý giá, song không thể lấy, mang đi được như các loại tài nguyên địa chất khác, mà nó đặc biệt có giá trị cho phát triển du lịch địa chất tại địa phương.
2. Một số thành tựu của Việt Nam trong công tác xóa đói, giảm nghèo
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách, trong đó cứu đói là 1 trong 6 nhiệm vụ hàng đầu. Sau khi đất nước thống nhất, giai đoạn từ 1975 - 1991, Việt Nam bước vào giai đoạn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung không giải quyết được các vấn đề của đất nước, đồng hành với đó là sự giúp đỡ của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ngày càng giảm đi, nên tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam luôn ở mức trên 30%.
Trong 3 thập kỷ vừa qua, công tác xóa đói, giảm nghèo là lĩnh vực đạt được nhiều thành công ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Tỷ lệ nghèo trên đầu người (tính theo chỉ tiêu thu nhập) đã giảm mạnh từ 57% vào năm 1990 xuống còn 13,5% năm 2014. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, kết quả đạt được này đã về đích trước 10 năm so với thời hạn đặt ra vào năm 2015.
Tuy nhiên, nếu xét theo các chuẩn nghèo khác nhau, công tác giảm nghèo của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, cụ thể: (Bảng 1)
Bảng 1. Tỷ lệ nghèo đói ở các chuẩn nghèo tại Việt Nam giai đoạn 2008 - 2020
Nguồn: Nguyễn Đức Trung và Dư Thị Lan Quỳnh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Ngân hàng, ngày 26/4/2022.
Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2% là theo mức chuẩn nghèo thấp, ở ngưỡng 1,9 USD/ngày. Nếu theo mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày (khoảng trên 2.000 USD/năm), thì tỷ lệ này tại Việt Nam còn khá cao (17,5%). Thời gian tới, mục tiêu của Việt Nam là thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình sẽ còn nhiều thách thức nếu không giảm được tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 5,5 USD/ngày.
3. Thực trạng phát triển kinh tế, giảm nghèo của một số địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch địa chất tại Việt Nam
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 125/QĐ-LĐTBXH ngày 22/2/2022, hầu hết các tỉnh có tiềm năng du lịch địa chất tại Việt Nam như Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Đăk Nông, Lai Châu, Sơn La,… đều có số hộ nghèo, cận nghèo vào tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Cụ thể, Hà Giang và Cao Bằng là 2 địa phương có 2 công viên địa chất đầu tiên tại Việt Nam với sức hấp dẫn địa chất rất lớn đối với không chỉ khách du lịch trong nước, mà với cả khách quốc tế lại là 2 địa phương có số hộ nghèo, cận nghèo đứng thứ 2 và thứ 3 với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của 2 tỉnh lần lượt là (18,54%, 13,04%) và (18,36, 16,34%).
Xem xét trường hợp tỉnh Ninh Bình, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đạt 30% vào năm 1995 đã giảm xuống còn 2,91% vào năm 2015 theo tiêu chí nghèo đơn chiều và từ 7,46% vào năm 2015 xuống còn 1,87% năm 2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều. Theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Ninh Bình có 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%. Một trong những nguyên nhân là do Ninh Bình tạo ra số việc làm với thu nhập ổn định gắn với hoạt động du lịch tại khu du lịch Tràng An và Tam Cốc - Bích Động lên đến hàng ngàn người.
Theo thống kê, 2/6 địa phương (Hà Giang, Cao Bằng) trong nhóm các tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch địa chất quy mô lớn (Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh, Đăk Nông) có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất Việt Nam, 3 tỉnh nằm trong nhóm trung bình thấp (vị trí từ 20 - 40 trong toàn quốc) ngoại trừ Quảng Ninh là tỉnh nằm trong nhóm đầu… xếp hạng thu nhập bình quân và vị trí ngược lại đối với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các tỉnh giàu tiềm năng du lịch địa chất, cụ thể qua Bảng 2.
Bảng 2. Xếp hạng thu nhập bình quân và tỷ lệ nghèo, cận nghèo của một số tỉnh có tiềm năng du lịch địa chất
Nguồn: Nhóm tác giả tự tổng hợp từ các báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các địa phương
Như vậy, hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch địa chất ở Việt Nam hiện nay đều là những tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, số hộ nghèo, cận nghèo và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Tuy nhiên, đây cũng là những địa phương có tiềm năng thoát nghèo nhanh chóng nếu biết tận dụng, khai thác thế mạnh của mình trong hoạt động du lịch như bài học của tỉnh Ninh Bình đã thực hiện trong thời gian hơn 10 năm qua.
4. Một số hạn chế cản trở công tác giảm nghèo cho người bản địa từ hoạt động du lịch địa chất địa phương
4.1. Hạn chế về vốn nên không thể tham gia vào các dự án du lịch
Hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch địa chất tại Việt Nam là khu vực miền núi, dân cư thưa thớt, người dân chủ yếu là nông dân với hạn chế về mặt kinh tế, kỹ thuật. Bản thân họ từng phải “chạy ăn từng bữa”, nên việc có tiền để đầu tư phát triển du lịch một cách quy mô, bài bản là hết sức khó khăn. Hầu hết các dự án du lịch đều do các doanh nhân đến từ thành phố (thuộc tỉnh) hoặc từ nơi khác (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,…) thực hiện, mọi quyết định làm gì, xây gì, khai thác gì, vấn đề xử lý môi trường ra sao… lại được đưa ra bởi cơ quan quản lý nhà nước ở cách đó hàng chục, hàng trăm hoặc hàng ngàn cây số, nên lợi ích mang lại cho người dân bản địa là rất ít. Thậm chí, nhiều khu du lịch vốn là nơi kiếm sống (trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm,…) của người dân bản địa sau khi phát triển thành khu du lịch thì người dân không được vào khai thác, nếu làm sẽ bị kết tội xâm phạm, phá hoại di sản nên đẩy họ vào mất việc làm, tái đói nghèo.
4.2. Hạn chế về giáo dục và trình độ chuyên môn kỹ thuật nên không thể tham gia sâu vào các hoạt động du lịch
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở (Tổng điều tra) của Tổng cục Thống kê vào năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đi học chung của cấp tiểu học không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn (100,9% so với 101%), tuy nhiên càng lên cao, khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn càng lớn, đặc biệt là nông thôn miền núi. Chênh lệch cao nhất giữa các vùng kinh tế - xã hội là 10,6 điểm phần trăm ở cấp THCS và 27,4% ở cấp THPT. Như tại Hà Giang, tỷ lệ trẻ đến trường cấp THCS và THPT chỉ đạt trên 75% giai đoạn 2015 - 2020 trong khi khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt tới 97% và 87% đối với hai cấp học này.
Mặc dù tỷ lệ trẻ em không đến trường trên phạm vi cả nước chỉ còn 8,3% nhưng sự khác biệt vẫn còn khá lớn giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị. Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở khu vực nông thôn cao hơn gần 2 lần so với khu vực thành thị (9,5% so với 5,7%). Cấp học càng cao, tỷ lệ này càng gia tăng, cụ thể, khoảng cách thành thị - nông thôn tăng từ 0,4% tại cấp tiểu học lên 2,9% tại cấp THCS và 12,4% tại cấp THPT.
Toàn quốc có 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đào tạo trình độ cao đẳng và dưới cao đẳng ở khu vực thành thị cao hơn gần 2 lần khu vực nông thôn; đào tạo trình độ đại học và trên đại học ở thành thị cao hơn gần 4 lần so với khu vực nông thôn. Mặc dù Nhà nước có cơ chế khuyến khích cộng điểm đầu vào khi tuyển sinh cho học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nhưng số lượng học sinh đi học của các khu vực miền núi vẫn còn hạn chế.
Giáo dục chuyên môn kỹ thuật khu vực nông thôn (đặc biệt là miền núi) đều có sự thua kém rất lớn với mức chung toàn quốc, điều này cản trở sự tham gia của lao động nông thôn miền núi vào các hoạt động đòi hỏi phải có chuyên môn tối thiểu là trung cấp như hướng dẫn viên du lịch, quản lý khách sạn, lễ tân,…
4.3. Sự phát triển của sản xuất còn kém, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm có giá trị cao tham gia vào sản phẩm du lịch
Qua kiểm tra các làng nghề truyền thống, hoạt động hiệu quả trên địa bản một số tỉnh nêu trên, tại Hà Giang có 5 làng nghề (dệt lanh, chạm bạc, làm khèn, giấy bản, rèn), Cao Bằng có 6 làng nghề (rèn, đường phèn, miến rong, dệt thổ cẩm, giấy bản, hương), Ninh Bình có gần 10 làng nghề (thêu ren, mỹ nghệ cói, chạm khắ đá, mộc, đan cót, non bộ Bình Khang…), Quảng Bình có gần 10 làng nghề (cói, bánh tráng, nón, nước mắm, mây tre đan), Đăk Nông mới khôi phục lại một số làng nghề như nấu rượu, dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề này không nằm trong vùng lõi di sản (trừ làng nghề chạm khắc đá tại Ninh Bình, nhưng đây lại là làng nghề đe dọa sự bền vững của vùng lõi di sản nếu khai thác đá tại khu vực này), các sản phẩm phần lớn là thủ công mỹ nghệ, giá trị sản phẩm thấp, không có sản phẩm giá trị hàng ngàn đô la và sức hấp dẫn du khách quốc tế, không có thương hiệu quốc gia, quốc tế.
Mặc dù người dân trong các vùng lõi di sản là đối tượng sản xuất nông nghiệp, nhưng khi du lịch phát triển, du khách đến địa phương tiêu thụ nhiều thực phẩm nhưng hầu hết các nguồn thực phẩm lại được nhập từ nơi khác về, sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao chưa đưa vào thực đơn của du khách.
5. Một số giải pháp phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo cho người bản địa từ hoạt động du lịch địa chất
Có thể thấy, hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch địa chất tại Việt Nam như Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Ninh Bình, Lai Châu, Sơn La,... đều là những địa phương nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Số huyện là địa bàn có tiềm năng du lịch địa chất lớn thuộc danh sách các huyện nghèo trong toàn quốc cao.
Trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, một số địa phương có sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động du lịch, nhận dạng điểm đến có sự thay đổi đáng kể tại các địa phương như Hà Giang, Ninh Bình, Quảng Bình, nhưng thực sự tạo được dấu ấn đặc biệt trong việc tạo việc làm cho người dân bản địa (đặc biệt là lao động nữ, cao tuổi) mới chỉ có Ninh Bình làm được thông qua làm nghề lái đò, làm công tác phục vụ tại các khu du lịch. Đây cũng do đặc thù của hoạt động du lịch tại Ninh Bình là cần lao động chân tay. Tuy nhiên, lực lượng lao động du lịch có chất lượng, được đào tạo chuyên sâu vẫn còn nhiều hạn chế. Để góp phần giải quyết xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương có sản phẩm du lịch địa chất cần chú ý một số giải pháp sau:
- Giải pháp thứ nhất: Người dân phải là người có tiếng nói trong hoạt động du lịch địa chất của địa phương, tốt nhất người dân địa phương là người xây dựng, quản lý các hoạt động du lịch.
Việc người dân bản địa có tiếng nói trong các quyết định về hoạt động đầu tư du lịch là vô cùng quan trọng trong việc phát triển bền vững của hoạt động du lịch địa chất. Việc người của địa phương tham gia vào ban quản trị các dự án du lịch dưới góc độ đại diện vốn góp nhà nước, ưu tiên mua cổ phần,… tiếng nói của người dân có thể được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật hoặc các hương ước của địa phương. Cần có quy định về việc xin ý kiến đối của chính quyền địa phương và đại diện người dân về các vấn đề quan trọng có sự ảnh hưởng tới môi trường, chất lượng cuộc sống,…
Việc người dân có tiếng nói trong hoạt động du lịch không có nghĩa là bất kỳ người dân nào cũng có thể được làm, được phản đối cực đoan nếu dự án du lịch thật sự có lợi ích lớn cho cộng đồng và được phần lớn người dân trên địa bàn đồng thuận.
- Giải pháp thứ hai: Xây dựng, phát triển các làng nghề truyền thống nhằm cung cấp nhiều sản phẩm cho khách du lịch
Qua khảo sát thực tế cũng như rà soát trong danh sách các làng nghề truyền thống của Việt Nam, số lượng làng nghề truyền thống có những sản phẩm có sức hấp dẫn du lịch nằm trên địa bàn các khu di sản, công viên địa chất là hầu như không có… Làng nghề Linh Vân về truyền thống đá mỹ nghệ, Làng thêu ren Văn Lâm tại Hoa Lư, Ninh Bình là làng nghề sản xuất hiếm hoi nằm trên địa phương có khu di sản địa chất. Về số lượng làng nghề tạo ra sản phẩm du lịch cũng rất ít, các sản phẩm của các làng nghề truyền thống tại các khu vực này hầu hết là các làng nghề truyền thống của người dân tộc gắn với dệt thổ cẩm, rèn, chạm khắc… chưa thấy có sản phẩm gắn với thực phẩm như rau sạch, thực phẩm sạch hay đồ lưu niệm có giá trị, thời thượng. Lấy ví dụ, hiện nay, ở Hà Tĩnh có phong trào nuôi hươu lấy sừng rất phát triển, những sản phẩm thịt từ hươu cũng là đặc sản rất hấp dẫn. Với điều kiện tự nhiên giống nhau, việc phát triển nuôi hươu tại Quảng Bình để đưa vào thực đơn của du lịch Quảng Bình là hoàn toàn khả thi và hiệu quả cao.
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, rất cần các tập đoàn kinh tế lớn hỗ trợ, đầu tư, nhưng phải là phát triển sản phẩm nông nghiệp của địa phương, sử dụng lao động địa phương… và đưa vào hoạt động du lịch của địa phương để tạo ra một chuỗi gắn kết và bền vững.
- Giải pháp thứ ba: Giải pháp đào tạo người lao động để họ là người tham gia trực tiếp vào hoạt động quảng bá, bảo tồn, gìn giữ di sản
Mặc dù nhiều địa phương đã ý thức được việc giữ gìn uy tín sẽ góp phần tăng thêm du khách, tăng thêm thu nhập cho người dân bản địa, nhưng thực tế hoạt động đào tạo văn hóa du lịch tới người dân địa phương vẫn còn mờ nhạt. Nhiều người không biết sử dụng ngoại ngữ, không có kiến thức về du lịch, kinh tế du lịch, không có ý thức cộng đồng và đặc biệt là kiến thức về địa chất du lịch.
Đối với du lịch địa chất, người hướng dẫn hoạt động du lịch cần hiểu sâu kiến thức về cơ chế hình thành, lịch sử phát triển của các thắng cảnh, các cảnh quan kỳ thú, những sản phẩm của tự nhiên được hình thành bởi các quá trình nội sinh và ngoại sinh, đi kèm với đó là nắm rõ điều kiện tự nhiên của khu vực du lịch vì khu vực miền núi thường có những biến động bất thường của tự nhiên (sạt lở đất), thời tiết (mưa) gây ảnh hưởng tới du khách. Muốn vậy, chỉ có người dân bản địa mới là người phù hợp nhất tham gia vào các hoạt động này.
- Giải pháp thứ tư: Đầu tư hạ tầng giao thông
Đối với du lịch địa chất, việc đầu tư hạ tầng trong phạm vi vùng lõi không phải là vấn đề quan trọng vì cần được bảo tồn nguyên trạng mới giữ được sức hấp dẫn của tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm du lịch địa chất lại nằm ở vùng núi, đi lại khó khăn nên cần có sự đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối tới tận chân di sản, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, bệnh viện phải phù hợp, tạo thuận lợi cho du khách khi đến du lịch. Ví dụ Hà Giang và Cao Bằng, để tới được 2 công viên địa chất của tỉnh này, khách quốc tế phải tới sân bay tại Hà Nội hoặc Quảng Ninh, Hải Phòng và di chuyển bằng đường bộ từ 250-350 km, với nhiều địa hình hiểm trở, đường giao thông nhiều đoạn khó khăn. Do vậy, cần sớm hoàn thành đường cao tốc từ Bắc Kạn đi Cao Bằng và làm đường cao tốc kết nối từ Hà Giang về Hà Nội.
- Giải pháp thứ năm: Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đẩy mạnh hoạt động du lịch địa chất, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động
Hiện nay, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu kỹ hơn trước chuyến đi của du khách đã tăng lên đáng kể, không có du khách quốc tế nào trước khi xách ba lô đi du lịch mà không lướt qua YouTube, Facebook, Instagram,... để xem qua những nơi mình dự định tới. Đồng thời, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra một thị trường điện tử sôi động, khách du lịch thông qua các sản phẩm từ công nghệ tiên tiến thực hiện đặt dịch vụ cho kỳ nghỉ, cũng như thanh toán trực tuyến qua các phần mềm tài chính. Xu hướng này cũng đồng nghĩa là các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương làm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch cần ứng dụng nhiều hơn về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản trị, cũng như công tác liên kết tài chính qua phần mềm, công tác giới thiệu, quảng bá, marketing các sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu và thu hút sự chú ý, chăm sóc khách du lịch tốt hơn. Một số giải pháp cụ thể nhằm bắt kịp xu hướng này bao gồm:
+ Xây dựng tour du lịch và kết nối với hướng dẫn viên bản địa: Ngày nay, nhờ có công nghệ thông tin phát triển mà người dân trên khắp thế giới có thể tìm kiếm một sản phẩm du lịch ưng ý rất dễ dàng, đồng thời, việc tìm kiếm một cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên có chất lượng cũng thuận tiện. Ví dụ, khi tìm kiếm tour du lịch tại Ninh Bình trên Google, sau 0,67 giây có 11 triệu kết quả tìm được. Tuy nhiên, sau khi truy cập vào hơn 20 trang web đầu tiên đều cho kết quả là các công ty, văn phòng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương đã bị bỏ qua khi chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân bản địa phát huy được ưu thế sẵn có của mình khi tham gia vào công tác du lịch.
+ Sử dụng hiệu quả Youtube trong quảng bá du lịch: Trước đây, để đưa được hình ảnh du lịch Việt Nam tới Mỹ, châu Âu, Việt Nam phải tốn hàng triệu đô la chạy quảng cáo trên các kênh truyền hình của Mỹ, châu Âu, số lượng người xem còn nhiều hạn chế, thậm chí chưa kịp định hình, nắm bắt thông tin thì quảng cáo đã kết thúc. Ngày nay, nhờ có YouTube, rất nhiều cảnh đẹp, hoạt động văn hóa,… của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến. Tuy nhiên, khi thử tìm kiếm thông tin về các video du lịch tại Việt Nam ví dụ trường hợp tìm kiếm với “du lịch Hà Giang”, kết quả trên YouTube có 2 video bằng tiếng Anh, không có bản tiếng nước ngoài khác, còn lại là tiếng Việt; nếu tìm kiếm với “Cao nguyên đá Đồng Văn” hay “Dong Van plateau”, kết quả cũng tương tự khi không có một video có thuyết minh bằng tiếng nước ngoài, chỉ có phụ đề bằng tiếng Anh. Tương tự với tìm kiếm về Cao Bằng thì kết quả cũng không có sự khác biệt. Tuy nhiên, khi tìm kiếm “Halong bay” thì kết quả cho hàng ngàn video bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, kiểm tra số lượng người xem mỗi video lên tới hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem. Thực tế đã chứng minh hiệu quả hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh trong những năm vừa qua rất ấn tượng (loại trừ thời gian Covid-19) .
+ Cơ chế thanh toán cho khách du lịch: Hiện nay, việc một người đi khắp nơi trên thế giới không cần mang theo tiền mặt đang dần hiện hữu, với việc ứng dụng các công nghệ thanh toán hiện đại đã góp phần tạo được sự an tâm cho du khách khi đi du lịch một mình hoặc nhóm nhỏ tới một quốc gia lạ, đặc biệt lại là vùng núi hoang vu, hẻo lánh. Việc khách du lịch thanh toán dễ dàng khiến họ có xu hướng tiêu nhiều hơn cho những hoạt động du lịch và những sản phẩm yêu thích… Muốn vậy, cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ hệ thống ngân hàng cho các công ty, tổ chức hoạt động du lịch trong công tác này.
- Kết luận
Phát triển du lịch địa chất góp phần giảm nghèo là một xu hướng mới và phù hợp với các quốc gia nhiều tiềm năng địa chất hấp dẫn như Việt Nam. Việc triển khai đồng bộ, tạo sự kết nối giữa các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, môi trường… là giải pháp hiệu quả nhất nhằm phát triển kinh tế các khu vực miền núi. Muốn vậy, cần phải có sự quan tâm tối đa từ trung ương tới địa phương và có sự chung tay của các tập đoàn kinh tế, các nhà khoa học, các trường đào tạo và các công ty du lịch lớn. Giảm nghèo cho các địa phương vùng núi sẽ góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao sớm nhất.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2022). Quyết định số 125/QĐ-BLĐTBXH ngày 22/02/2022 công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
- Nguyễn Lan Hoàng Thảo, Nguyễn Thanh Thủy (2021). Một số giải pháp phát triển du lịch di sản địa chất gắn với phát triển bền vững tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tháng 3/2021.
- Nguyễn Lan Hoàng Thảo (2021). Một số giải pháp phát triển du lịch địa chất Việt Nam. Hội nghị quốc tế về quản lý kinh tế trong hoạt động khoáng sản lần thứ 5 năm 2021, Đại học Mỏ - Địa chất.
- Nguyễn Đức Trung, Dư Thị Lan Quỳnh (2022). Tài chính toàn diện và đói nghèo: Trường hợp ở Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng ngày 26/4/2022.
- Arthur Pedersen, (2002). Quản lý du lịch tại các di sản thế giới. Fontenoy 75352 Paris 07 SP (France): Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO.
REDUCING POVERTY IN VIETNAM BY PROMOTING GEOTOURISM ACTIVITIES
Dam Thanh Trung1
Nguyen Lan Hoang Thao
111A2 Biology Class
Hanoi University of Science (HUS) High School for Gifted students
Vietnam National University - Hanoi
2Faculty of Economics - Business Administration, Hanoi University of Mining and Geology
Abstract:
Three quarters of Viet Nam's territory are made up of low mountains and hilly regions with many different topographical forms, so the country has great geotourism potential. However, most of Vietnam’s mountainous provinces with geotourism potential are poor provinces, many districts in the core geotourism areas are listed as the poor districts in Vietnam. This paper proposes some solutions to promote geotourism activities in order to creat more jobs and increase incomes of workers, contributing to reducing poverty in Vietnamese regions which has geotourism potential.
Keywords: geotourism, geopark, geotourism activities.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18.1, tháng 7 năm 2022]