Hàm ý một số giải pháp phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai

NGUYỄN VĂN TIẾN (Khoa Đào tạo Kiến thức chung, Trường Đại học Thủ Dầu Một)

Tóm tắt:

Nhìn một cách tổng thể, quá trình đô thị hóa ở thành phố Hồ Chí Minh có những nét đặc trưng riêng gồm nhiều yếu tố phức hợp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Bài viết đề cập đến những thách thức và giải pháp phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.

Từ khóa: đô thị, phát triển, đô thị hóa, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Bối cảnh vấn đề

Thành phố Hồ Chí Minh với dân số gần 9 triệu (Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, 2020) là đô thị lớn nhất Việt Nam về quy mô cũng như tiềm lực kinh tế với vai trò trung tâm hạt nhân, động lực phát triển kinh tế - xã hội trong vùng kinh tế phía Nam và Nam bộ. Cùng với triển vọng của quá trình hội nhập và hiện đại hóa, đô thị hóa mang lại cho Thành phố nhiều cơ hội phát triển, tạo nên nền văn hóa đa dạng giàu bản sắc, có khả năng đối thoại, hội nhập liên văn hóa, từ đó khởi phát động lực nội sinh và ngoại sinh cho sự phát triển văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng và phát triển thành phố đang đối diện với không ít thách thức nảy sinh mang tính toàn cầu như: quản lý hành chính, không gian, kinh tế, dân số, phúc lợi, môi trường,... Tìm hiểu những khó khăn, thách thức, từ đó đưa ra giải pháp phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai là việc cần làm của chính quyền Thành phố và những nhà nghiên cứu.

2. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh với tên gọi quen thuộc từ xưa là Sài Gòn, là một vùng đất được hình thành trên lằn ranh giới giữa hai vùng phù sa cũ và mới, nối từ Tây Ninh xuống Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ cận kề mật thiết với ba vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 2.095 km2, chiếm 0,76% diện tích toàn quốc, nằm ở tọa độ địa lý 10010’ - 10038’ vĩ Bắc đến 106022’ - 106054’ kinh Đông. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 24 quận, huyện với 317 phường xã chia ra 19 quận đô thị nội thành với 254 phường rộng 494 km2 và 5 huyện nông thôn ngoại thành với 63 xã rộng 1.601 km2 (Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, 2020). Cư dân thành phố thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, ngoài người Việt còn có người Hoa, Khơ me, Ấn, Mạ, Stiêng và cả một số ngoại kiều, với mật độ trung bình 4.292 người/km2 (Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, 2020).

Vào những thế kỷ đầu công nguyên, vùng Sài Gòn thuộc lãnh thổ vương quốc cổ Phù Nam. Đến thế kỷ thứ VII, Phù Nam suy yếu và bị Chân Lạp thôn tính, Sài Gòn trở thành vùng đất phụ thuộc Chân Lạp. Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho lập hai đồn thu thuế ở Sài Gòn là Kas Brobei và Brai Nokor tạo ra điều kiện thuận lợi cho cư dân Việt và cả người Hoa vào lập nghiệp ở vùng đất Sài Gòn. Từ thế kỷ XVII trở đi, Sài Gòn dần dần trở thành trung tâm hành chính quan trọng và là đầu mối trung tâm, phố chợ của một vùng đất đai rộng lớn. Đầu thế kỷ XX, Chợ Lớn sáp nhập vào thành phố Sài Gòn và Sài Gòn trở thành đô thị lớn nhất xứ Đông Dương thuộc Pháp. Từ năm 1905 đến năm 1935, đô thị hải cảng Sài Gòn đã được xây dựng và hoàn chỉnh, phố xá và khu vực đô thị, các công thự, đường đi của đô thị Sài Gòn đã có phần bề thế, khang trang còn hơn cả một số đô thị khác ở Đông Nam Á như Singapore, Kualampur, Băng Cốc,… Đô thị trung tâm Sài Gòn được tập trung chỉnh trang, xây cất nhiều ở các khu vực quận 1 và một phần đất của quận 3 ngày nay (Mạc Đường, 2002). Vào năm 1929, Sài Gòn - Chợ Lớn có hơn 300.000 dân và dân số của nó đạt tới 498.000 người vào năm 1943 (Trịnh Duy Luân, 2004).

Do tác động của thực dân mới là đế quốc Mỹ, tiến trình đô thị hóa ở Sài Gòn trong thời kỳ 1954 - 1975 tiếp nối có bước phát triển mau chóng, nhưng cũng tạo ra sự lộn xộn làm đảo lộn cấu trúc xã hội (Lê Quang Hậu, 2002), đặc biệt là gia tăng dòng người nhập cư. Ở miền Nam, từ năm 1955 cho đến năm 1960, Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức cưỡng bức dân nhập cư công giáo (khoảng 1 triệu đồng bào công giáo miền Bắc di cư vào Nam) lập ra những vành đai dân cư bảo vệ an ninh từ xa cho Sài Gòn và các căn cứ quân sự. Khoảng thời gian từ năm 1960 cho đến đầu năm 1965, chính quyền Sài Gòn xúc tiến thực hiện đô thị hóa cưỡng bức tạo ra một sự tăng vọt cư dân các đô thị miền Nam, nhất là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Tỷ lệ dân số đô thị miền Nam năm 1960 từ 10% so với tổng số dân tăng lên 30% năm 1965 (Trần Văn Giàu, 1998).

Đến năm 1971, số dân ở Sài Gòn chiếm 43% toàn bộ số dân đô thị miền Nam, nhưng nếu không tính vùng ngoại ô, thì tỷ lệ đó là 1/5. Nhìn chung, sự phát triển dân số đô thị Sài Gòn chủ yếu là nguyên nhân chiến tranh, còn lý do kinh tế thì rất phụ, vào năm 1971, 3/4 những người dân đô thị ở Sài Gòn không phải sinh ra ở đây (Gabrien Kolko, 1991). Do nhu cầu phục vụ chiến tranh xâm lược, Sài Gòn - Gia Định ngày càng được mở rộng. Mỹ tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xa lộ, những công trình kiến trúc và các khu căn cứ quân sự khổng lồ. Công việc chỉnh trang đô thị Sài Gòn được đẩy mạnh, sân bay được mở rộng và xây dựng mới, khách sạn tối tân, nhà cao tầng, vũ trường, casino, nhà hàng snack - bar, đại lộ mở rộng, các dịch vụ hiện đại, một số xí nghiệp tối tân ra đời, xe ô tô con thượng hạng cùng xe jeep quân sự,... đi lại ngày càng nhiều trên đường phố Sài Gòn.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, với sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất. Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa VI họp kỳ họp đầu tiên tại Hà Nội, quyết định đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Từ sau ngày đất nước thống nhất, quá trình đô thị hóa ở thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều thay đổi qua hai giai đoạn: 1976 - 1985 và từ 1986 đến nay (Lê Văn Năm, 2002). Giai đoạn 1976 - 1985, thành phố chú trọng phục hồi kinh tế sau chiến tranh, chưa có công trình xây cất gì lớn. Năm 1982 với sự giúp đỡ của Liên Xô, Viện Quy hoạch bước đầu triển khai phương hướng cải tạo và xây dựng thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1985, Trung ương xác định thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của cả nước,.. có vị trí quan trọng chỉ sau thủ đô Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh đến nay tiếp tục trở thành một cực thu hút mạnh luồng người từ các nơi đổ về tìm việc làm và cư ngụ, đồng thời là trung tâm có tốc độ đô thị hóa cao nhất Việt Nam.

3. Những thách thức phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế. Quá trình hiện thực hóa mục tiêu này thành phố Hồ Chí Minh khả dĩ đứng trước những thách thức sau:

3.1. Quy hoạch đô thị

Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang là một trong những thành phố hàng đầu trên thế giới với số dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Như vậy, những thách thức lớn đầu tiên có thể mường tượng về hạ tầng và dịch vụ đô thị ở đây là xây dựng nhà ở để xóa nhà tạm bợ, giảm tải cho hệ thống hạ tầng đường bộ và phát triển giao thông công cộng, đảm bảo cho người dân được sử dụng nước sạch, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải và tổ chức xử lý chất thải rắn. Thách thức chủ yếu đặt ra là phát triển một quy hoạch chiến lược, linh hoạt và hiệu quả bao hàm việc điều phối nhiều chính sách chuyên và mang tính liên khu vực.

3.2. Đất đai đô thị

Thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm vị trí số 1 cả nước về cả số dân với 8.993.082 người và mật độ dân cư 4.363 người/km² (Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, 2019). Kể từ giữa những năm 1990, thành phố mở rộng đô thị kiểu dàn trải nhiều, lan ra cả các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,.. Như vậy phải đối mặt với áp lực lớn về đất đai và sự dàn trải đó đòi hỏi một phương thức quy hoạch và quản lý tối ưu hơn. Việc phải làm là thành phố Hồ Chí Minh cần cải thiện an toàn đất đai và tuân thủ quy hoạch, việc xác định rõ hơn các chức năng sử dụng của từng thửa đất, củng cố các quyền gắn liền với các hoạt động chuyển nhượng và lập một sổ ghi tập hợp toàn bộ các hoạt động pháp lý đối với mọi tài sản và chủ sở hữu để giúp đảm bảo an toàn về mặt đất đai.

3.3. Giao thông đô thị

Tình trạng dân số tăng nhanh chóng của các hộ gia đình ở thành Hồ Chí Minh dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Xu hướng từ bỏ xe máy chuyển sang sử dụng ô tô sẽ là một thách thức lớn trong tương lai khi các loại hình giao thông công cộng khác (xe buýt, tàu điện ngầm,..) của thành phố tăng trưởng chưa bao giờ tương xứng kịp với tốc độ tăng dân số. Tại thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua có rất nhiều nỗ lực cải thiện năng lực phục vụ (số tuyến, tần suất, khả năng tiếp cận), xe buýt được người dân sử dụng nhiều hơn. Sự tăng trưởng đó có thể lý giải bằng việc mở rộng mạng lưới phục vụ ra toàn địa bàn thành phố cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ. Mặc dù có những cố gắng như vậy, song việc tồn tại quá nhiều các đơn vị nhỏ lẻ khiến cho việc quản lý gặp khó khăn cả về chất lượng xe và đào tạo nhân sự. Mặt khác, việc thiếu quỹ đất cũng cản trở đáng kể việc xây dựng và hiện đại hóa các điểm trung chuyển và làn đường dành riêng cho xe buýt. Như vậy, cải thiện chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận là một thách thức lớn cần giải quyết.

3.4. Chỗ ở cho người thu nhập thấp trong đô thị

Trong suốt ba thập niên 1999-2009-2019, dân số thành phố Hồ Chí Minh tăng liên tục theo chiều hướng năm sau cao hơn năm trước, từ đó khiến cho các quận trung tâm và vùng ngoại vi tăng mật độ kèm theo sự phát triển đô thị chịu cảnh bị dàn trải. Do đó nhà ở trở thành một chủ đề quan tâm chính của người dân, các nhà đầu tư và cả chính quyền. Nhiều khu đô thị mới đã phát triển mô hình nhà chung cư cao tầng bên cạnh loại hình nhà liền kế và biệt thự. Chất lượng nhà ở thời gian gần đây nhìn chung đã cải thiện nhờ các chính sách xóa bỏ nhà tạm bợ, nhất là các khu dọc các sông, kênh mương. Mặc dù có một thị trường xây dựng bất động sản hùng hậu nhưng nguồn cung nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn thấp so với nhu cầu thực tế, nhất là đối với các tầng lớp bình dân và trung lưu. Nguồn cung bất động sản mới vẫn chủ yếu là nhà bán, ngay cả khi chính quyền luôn cố gắng phát triển quỹ nhà cho thuê với mức giá hợp lý. Các dự án nhà ở được hỗ trợ vẫn liên quan mật thiết với các chương trình tái định cư cho người dân trong diện giải tỏa để xây dựng các công trình hạ tầng hoặc các dự án bất động sản. Mặc dù đã cải thiện các thủ tục bồi thường và tái định cư nhưng những dự án này vẫn là nguyên nhân chính gây ra các căng thẳng giữa người dân, các nhà đầu tư và chính quyền trong thời gian qua.

4. Đề xuất quan điểm và những giải pháp

Để thực hiện được tham vọng trở thành một trong những vùng đô thị hóa lớn tại khu vực Đông Nam Á, thành phố Hồ Chí Minh phải giải quyết được những vấn đề cốt lõi sau:

Thứ nhất, phải nhận thức đầy đủ nhiệm vụ nâng cao hiệu quả phát triển đô thị và nâng tầm quản lý phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, đồng thời là trọng tâm trước mắt. Phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị có tầm quan trọng đặc biệt bảo đảm cho sự phát triển bền vững, đảm bảo và giải quyết hài hòa các lợi ích trước mắt và lâu dài, bộ phận và toàn cục, cá thể và cộng đồng.

Thứ hai, việc quản lý quy hoạch, chọn mũi đột phá, kết hợp chỉnh trang khu nội thành hiện hữu với phát triển các đô thị mới theo các trung tâm cần phải chặt chẽ, hợp lý. Không nên dàn trải và kéo dài dễ gây nên sự vi phạm quy hoạch và ảnh hưởng đến đời sống, niềm tin của dân chúng, tác động xấu đến phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị.

Thứ ba, xã hội thành phố Hồ Chí Minh là xã hội đô thị, dân chúng sinh sống ở thành phố này là thị dân, do vậy tổ chức chính quyền ở đây phải là chính quyền đô thị, việc nghiên cứu để xây dựng chính quyền đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh phải được thực hiện theo hướng văn minh, hiện đại. Mục đích quan trọng của phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị là phục vụ nhân dân, làm cho nhân dân có cuộc sống ngày càng tốt.

Thứ tư, trong công tác lãnh đạo quản lý đô thị, thành phố Hồ Chí Minh rất cần đến khoa học dự báo, đặc biệt là những nghiên cứu dự báo trên tổng thể các mặt và nói chung của toàn thành phố,… Có được những nghiên cứu dự báo sẽ tránh được bất cập, bị động, hạn chế tầm nhìn và nhất là trong quy họach chiến lược phát triển.

Thứ năm, phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung xây dựng và thực hiện theo từng nhóm giải pháp phát triển (động lực và cơ chế, nhân lực và tài lực, nhà nước và xã hội, kinh tế và văn hóa, xã hội), khắc phục lạc hậu, xung đột và phát triển văn hóa xã hội phải hài hòa đồng bộ với phát triển kinh tế, cả phần mềm và phần cứng đô thị, trong đó quan trọng nhất là các chủ thể phát triển, quản lý phát triển thúc đẩy và định hướng văn hóa xã hội cho phát triển kinh tế, điều chỉnh, cho mục tiêu phát triển kinh tế và quá trình hiện đại hóa xã hội, hạn chế xung đột, tạo thế hài hòa tương đối với nhau.

5. Kết luận

Thành phố Hồ Chí Minh đến nay là đô thị lớn nhất nước ta về quy mô cũng như tiềm lực kinh tế với vai trò trung tâm hạt nhân, động lực phát triển kinh tế - xã hội trong vùng kinh tế phía Nam và Nam bộ. Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ là một đại đô thị đa trung tâm, đa cực, một thành phố xanh và sạch. Đó là một trung tâm kinh tế phát triển cao dựa trên nền tảng dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao, trung tâm khoa học - công nghệ lớn, trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng của cả nước và khu vực châu Á.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh (2020). Danh mục quận, huyện.
  2. Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh (2020). Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2018 của thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Gabrien Kolko (1991). Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 208 - 209.
  4. Lê Quang Hậu (2002). Vài nét về quá trình đô thị hóa cưỡng bức ở Sài Gòn thời kỳ 1954 -1975. Hội thảo: “Phát triển đô thị bền vững”, Nxb Khoa học Xã hội, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 584.
  5. Lê Văn Năm (2002). Di dân nông thôn - Đô thị và sự phát triển đô thị bền vững - nghiên cứu trường hợp thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo: “Phát triển đô thị bền vững”, Nxb Khoa học Xã hội, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 198.
  6. Mạc Đường (2002). Dân tộc học - Đô thị và vấn đề đô thị hóa. Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Trần Văn Giàu (1998). Sài Gòn dưới ách thực dân Pháp (1859 - 1945). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Trịnh Duy Luân (2004). Giáo trình Xã hội học đô thị, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

SOME SOLUTIONS TO HO CHI MINH CITY’S URBANIZATION

ISSUES IN THE FUTURE

NGUYEN VAN TIEN

Faculty of General Knowledge, Thu Dau Mot University

ABSTRACT:

Overall, Ho Chi Minh City’s urbanization process has its own characteristics including many complex economic, political, cultural and social issues. This paper presents challenges facing Ho Chi Minh City’s urbanization process and proposes some solutions to these isses.

Keywords: urban area, development, urbanization, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]