TÓM TẮT:
Trên cơ sở phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP), cũng như thực tiễn áp dụng các quy định đó, bài viết kiến nghị một số biện pháp hoàn thiện quy định của pháp luật (PL) hiện hành nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm ATTP ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Mức xử phạt, phụ gia thực phẩm, bồi thường thiệt hại, an toàn thực phẩm.
1. Hoàn thiện quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về ATTP
Trong lĩnh vực ATTP, mức xử phạt tiền và hình thức xử phạt được điều chỉnh bởi Nghị định số 115/2018/NĐ-CP (trước 20/10/2018 là Nghị định 176/2013/NĐ-CP). Tuy nhiên, về thời hiệu và thời hạn xử lý vi phạm (VP) hành chính được áp dụng chung theo quy định của Luật Xử lý VP hành chính năm 2012. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật xử lý VP hành chính năm 2012 thì: Thời hiệu xử phạt VP hành chính là 01 năm (…)[1]:
- Trường hợp 1: Đối với VP hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi VP.
- Trường hợp 2: Đối với VP hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi VP[2].
Cách tính thời hiệu xử phạt VP như trên bộc lộ những vướng mắc nhất định trong thực tiễn áp dụng. Bởi lẽ có rất nhiều hành vi VP trong lĩnh vực ATTP xảy ra trong một quá trình rất dài chứ không phải xảy ra trong chốc lát, để có thể xác định được hành vi đó chấm dứt hay đang thực hiện. Chẳng hạn, hành vi “bán lẻ rượu mà không có giấy phép kinh doanh doanh rượu” theo quy định của PL hiện hành là hành vi VP hành chính. Tuy nhiên, đặc trưng của hành vi này là tồn tại trong khoảng thời gian rất lâu, khác hẳn với những hành vi VP có tính chất tức thời khác. Do vậy, quy định về cách tính thời hạn như trên gây ra nhiều lúng túng cho cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện các nhiệm vụ xử lý VP trong lĩnh vực ATTP.
Chẳng hạn, ngày 15/10/2018, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra các cơ sở buôn bán hàng tạp hóa đã phát hiện chủ cơ sở N bán rất nhiều rượu các loại cho người tiêu dùng, nhưng không có giấy phép kinh doanh rượu theo quy định. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền đã lập biên bản VP của chủ cơ sở N để về tiến hành cũng cố hồ sơ, ra quyết định xử phạt. Đến ngày 21/10/2018, cơ quan có thẩm quyền đến cơ sở N làm việc lần cuối để có cơ sở ra quyết định xử phạt thì mới biết cơ sở N vừa mới bán toàn bộ rượu đó cho một chủ thể khác. Trong trường hợp đó, thời hiệu xử phạt đối với cơ sở bán lẻ rượu này sẽ được tính từ thời điểm nào?
Như vậy, hành vi bán lẻ rượu không có giấy phép đã được phát hiện vào ngày 15/10/2018 nhưng đã kết thúc vào ngày 21/10/2018 thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý VP hành chính năm 2012 thì thời hiệu phải được tính từ thời điểm “chấm dứt VP” tức là từ ngày 21/10/2018. Tuy nhiên, không thể vận dụng được trường hợp này, bởi lẽ thực ra biên bản đã được lập vào 6 ngày trước đó, tức là ngày VP (21/10/2018) vậy nên thời hiệu xử phạt buộc phải lệ thuộc vào biên bản VP. Trong trường hợp này, thời hiệu có thể được áp dụng trong thực tế sẽ ít hơn thời hiệu luật định là 6 ngày, nghĩa là thời hiệu thực tế bị ít đi một phần so với thời hiệu luật định.
Theo chúng tôi, quy định về cách tính thời hiệu khi hành vi VP đã kết thúc trong Luật xử lý VP hành chính năm 2012 có vẻ đang đề cập đến những VP trong quá khứ, tức những VP đã kết thúc rồi, một thời gian sau mới phát hiện ra hành vi VP đó. Có nghĩa là nhà làm luật chưa quan tâm đến những trường hợp, hành vi VP bị phát hiện trước, nhưng sau một thời gian mới kết thúc. Điều này khiến cho việc xác định thời hiệu xử phạt rất lúng túng và không thống nhất với quy định của luật.
Thực ra, bản chất pháp lý của thời hiệu xử phạt VP liên quan chặt chẽ tới hành vi VP nhiều hơn là hành vi xử phạt. Bởi lẽ, khi hành vi VP đã thực hiện trong quá khứ thì không bị xử phạt nhằm mục đích là ngăn ngừa việc đảo lộn những quan hệ xã hội đã ổn định. Đồng thời, ngăn ngừa việc xử phạt một hành vi đã quá lâu dẫn đến các chứng cứ không đủ sức thuyết phục, gây ra những hệ lụy không nên có. Do vậy, theo chúng tôi, quy định về cách tính thời điểm hành vi VP kết thúc là đang muốn nói đến những trường hợp VP kết thúc trước đây, hiện nay cơ quan có thẩm quyền mới phát hiện. Do vậy, chúng tôi kiến nghị, trước mắt, cần có hướng dẫn cụ thể quy định về thời hiệu xử phạt VP hành chính nói chung, trong đó có VP về ATTP. Lâu dài cần có những sửa đổi minh thị hơn đối với các quy định này. Cụ thể, theo chúng tôi hướng dẫn (hoặc sửa đổi) theo hướng: Đối với VP hành chính đã kết thúc trước thời điểm phát hiện VP thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi VP.
2. Hoàn thiện quy định chế tài hành chính trong xử lý VP trong sử dụng phụ gia TP
Thực trạng VP các quy định hiện hành về sử dụng phụ gia TP rất tràn lan. Có thể nói rằng, các dạng hành vi VP quy định về sử dụng phụ gia TP thường thấy đó là: Một là, sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng giả là phụ gia TP[3]; VP quy định hiện hành về trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp sản xuất kinh doanh; nhập lậu phụ gia TP[4]; kinh doanh phụ gia TP hết hạn, không có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn chứng từ để truy xuất nguồn gốc phụ gia TP[5]. Hai là, sử dụng các loại phụ gia TP không có trong danh mục được phép sử dụng hoặc có trong danh mục được sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng không đúng đối tượng; sử dụng phụ gia TP không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng; sử dụng quá nhiều loại phụ gia cho một loại TP,…
Thực trạng VP các quy định trong sử dụng phụ gia TP như nêu ở trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những quy định của PL về kiểm soát và xử lý VP về sử dụng phụ gia TP.
Các chế tài hành chính được quy định hiện nay là chưa đủ sức răn đe, quá thấp so với những lợi nhuận bất chính có được trong kinh doanh. Chẳng hạn, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt VP hành chính trong sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì đối với hành vi sản xuất phụ gia TP giả, tùy thuộc vào mức độ sẽ bị xử phạt bằng tiền với mức xử phạt cao nhất từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 160.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng đối với tổ chức[6]. Còn đối với hành vi buôn bán phụ gia TP không có giá trị sử dụng thì mức xử phạt bằng tiền cao nhất từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 120.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức[7].
Đối với hành vi buôn bán chất phụ gia TP giả mạo nhãn mác, bao bì, mức phạt cao nhất là từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với tổ chức[8]. Đối với hành vi sản xuất phụ gia TP giả mạo nhãn mác, bao bì mức phạt cao nhất từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 140.000.000 đến 180.000.000 đồng đối với tổ chức[9]. Tương tự, hành vi nhập lậu phụ gia TP, mức xử phạt cao nhất là từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức[10].
Việc áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ quy định tối đa là 24 tháng và chỉ tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi VP nhiều lần, hoặc tái phạm.
Bên cạnh đó, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt VP hành chính trong lĩnh vực ATTP cũng có những hạn chế tương tự. Chẳng hạn, hành vi sử dụng phụ gia TP, thuộc danh mục được phép sử dụng nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức[11], không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung[12] mà có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy phụ gia TP[13].
Hành vi sử dụng phụ gia TP không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định ATTP tương ứng, hoặc vượt quá mức cho phép, hoặc không đúng đối tượng TP, bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đối với cá nhân và 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đối với tổ chức và cũng chỉ áp dụng biện pháp khắc phục mà không có hình thức xử lý bổ sung[14].
Đối với hành vi sử dụng phụ gia TP không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức; Hành vi sử dụng phụ gia TP hoặc chất hỗ trợ chế biến TP cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến TP mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng thì bị xử phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức và hành vi này có thể bị xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy rõ có một hạn chế trong quy định về mức xử phạt hành chính khi xử lý VP về sử dụng phụ gia thực phẩm. Đó là mức xử phạt đối với các VP trong sử dụng phụ gia TP còn thấp, chưa tương xứng với những khoản lợi thu được trong quá trình sản xuất, buôn bán và sử dụng (trong kinh doanh TP) phụ gia TP, hình thức xử phạt bổ sung cũng tương tự như vậy. Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần rà soát và sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng mức xử phạt cao hơn (hình thức xử phạt chính) và tăng thời hạn đình, quy mô chỉ hoạt động (hình thức xử phạt bổ sung) đối với những VP trong sử dụng phụ gia TP.
3. Hoàn thiện quy định về quảng cáo TP chức năng
Về phương diện lý luận lẫn thực tiễn đều cho thấy, quảng cáo haàg hóa nói chung, trong đó có quảng cáo TP chức năng, có tác động mạnh mẽ tới việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, cũng như bảo đảm sự lành mạnh của thị trường. Hiện nay, PL hiện hành của Việt Nam cũng đã có nhiều quy định điều chỉnh về quảng cáo TP chức năng, đó là PL về quảng cáo và PL về ATTP. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, hạn chế đầu tiên của PL hiện hành về quảng cáo TP chức năng chính là các quy định điều chỉnh về hoạt động này còn bảo đảm tính minh bạch trong việc xác định sự bắt buộc của việc thẩm định quảng cáo TP chức năng.
Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Quảng Cáo (đã được sửa đổi bởi các Nghị định số: 54/2017/NĐ-CP, 123/2018/NĐ-CP, 11/2019/NĐ-CP), Luật ATTP năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật ATTP, Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTVDL của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch. Không những vậy, các Nghị định về xử phạt VP hành chính trong lĩnh vực quảng cáo (Nghị định số 158/2013/NĐ-CP) cũng như xử phạt VP hành chính trong lĩnh vực ATTP (Nghị định số 115/2018/NĐ-CP) đều không xác định hành vi không thẩm định quảng cáo chức năng là một trong những hành vi trái PL.
Tuy vậy, sự ra đời của Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, trong đó có TP chức năng[15]. Văn bản này quy định nhiều khía cạnh pháp lý khác nhau trong việc xác nhận nội dung quảng cáo TP chức năng như phí thẩm định, lệ phí cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo (Điều 3); Điều kiện chung để xác nhận nội dung quảng cáo TP chức năng (Điều 5 và Điều 7); Hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung (Điều 16),…
Như vậy có thể thấy, theo Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế thì việc thẩm định và được xác nhận nội dung quảng cáo là một trong những điều kiện bắt buộc để người kinh doanh TP chức năng được tiến hành quảng cáo TP chức năng. Tuy nhiên, các điều chỉnh như vậy là chưa thực sự phù hợp với các văn đã nói ở trên. Hơn nữa, quy định như Thông tư này rất dễ dẫn đến những tâm lý hoang mang, lúng túng và khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu không thẩm định và có xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền đối với nội dung quảng cáo TP chức năng thì doanh nghiệp có thể bị gây khó dễ một cách thiếu minh bạch, mặc dù không thể có căn cứ xử phạt như đã nêu.
Chúng tôi cho rằng, đối với hoạt động quảng cáo TP chức năng, có những thuận lợi nhất định đối khi muốn đánh giá tính hợp pháp của nội dung quảng cáo. Do vậy, không nhất thiết phải đặt ra một thủ tục pháp lý thẩm định bắt buộc như Thông tư vừa nêu, trong hoàn cảnh mà Luật Quảng cáo, Luật ATTP và các Nghị định đã thống nhất, coi việc thẩm định thực hiện trên nhu cầu của chủ thể quảng cáo mà không có tính chất bắt buộc. Như vậy, vừa không đúng với chính sách về quảng cáo TP chức năng đã được thể hiện trong các luật và Nghị định, đồng thời gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hoạt động quảng cáo TP chức năng.
Do vậy, chúng tôi kiến nghị nên thống nhất việc điều chỉnh về thẩm định quảng cáo theo hướng chỉ thẩm định sản phẩm quảng cáo theo yêu cầu của chủ thể quảng cáo, chứ không đặt ra thủ tục thẩm định sản phẩm quảng cáo bắt buộc như đã nêu ở trên.
4. Hoàn thiện quy định về nghĩa vụ chứng minh trong bồi thường thiệt hại do TP không an toàn gây ra
Thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ của thương nhân gây ra cho người sử dụng thì trách nhiệm bồi thường đã được PL quy định cho người bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cụ thể: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”[16]. TP là một trong những loại hàng hóa đặc biệt, vì nguy cơ mất an toàn rất cao và đồng thời, thiệt hại đối với người tiêu dùng thường là sức khỏe, rất khó xác định, chứng minh.
Bên cạnh đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định, chủ thể sản xuất[17], chủ thể nhập khẩu[18], chủ thể bán hàng hóa[19], có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của luật này đối với thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa của mình gây ra. Luật ATTP năm 2010 cũng đã quy định về quyền của người tiêu dùng TP là: “được bồi thường thiệt hại theo quy định của PL do sử dụng TP không an toàn gây ra”[20]. Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do TP không an toàn gây ra đã được xác lập khá đầy đủ trong PL hiện hành.
Tuy nhiên, để trách nhiệm này được thực thi trên thực tế, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng TP thì các quy định trên chỉ là điều kiện cần mà chưa phải là điều kiện đủ. Do vậy, khi yêu cầu chủ thể kinh doanh TP bồi thường thiệt hại do TP không an toàn gây ra, người tiêu dùng TP phải có căn cứ theo quy định của PL. Hiện nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định.[21]
Như vậy, có thể thấy rằng, người tiêu dùng TP trong quá trình yêu cầu bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại mà mình phải gánh chịu, hành vi kinh doanh TP không an toàn của người kinh doanh TP và mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng TP không an toàn và những thiệt hại đó. Có thể thấy, quy định gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực thi trên thực tế.
Bởi lẽ, thiệt hại do TP không an toàn gây ra cho người sử dụng không dễ đong đếm, xác định một cách cụ thể. Những tác hại của TP không an toàn gây ra thường có tính kéo dài, rất khó chứng minh. Chẳng hạn, TP được bảo quản bởi chất hóa học nguy hại cho sức khỏe, tác động dần đến người tiêu dùng TP và cả chục năm sau khiến cho người tiêu dùng mắc bệnh ung thư,… thì sao có thể chứng minh được mối quan hệ giữa nguyên nhân (sử dụng TP không an toàn) với hậu quả (mắc bệnh ung thư).
Rất khó để có thể yêu cầu người sử dụng TP lưu lại mẫu TP (có lưu trữ thì cũng không thể giữ nguyên vẹn được chất lượng TP) hoặc có thể chứng minh được lô hàng nào, sản phẩm nào của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không an toàn. Do vậy, thực tế cho thấy, các yêu cầu bồi thường thiệt hại của người sử dụng TP là không khả thi.
Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay, PL về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định cho hoạt động Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã cho phép Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đại diện người tiêu dùng để khởi kiện cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đây là một quy định rất tiến bộ, cho phép người tiêu dùng TP có thể liên kết lại cùng nhau khởi kiện cơ sở sản xuất kinh doanh TP để yêu cầu bồi thường thiệt hại và ủy quyền cho Hiệp hội thực hiện. Tuy nhiên, khi thực hiện các hoạt động khởi kiện tại tòa án, các quy định về tố tụng dân sự vẫn còn chung chung, chưa thực sự rõ để bảo đảm người tiêu dùng TP có thể khởi kiện tập thể. Đây cũng là một vướng mắc cần xem xét tháo gỡ.
Như vậy, theo chúng tôi, đối với hai điểm bất cập trong việc trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do TP không an toàn gây ra, trong thời gian tới cần thực hiện hai biện pháp sau. Thứ nhất, bãi bỏ quy định yêu cầu người tiêu dùng TP phải chứng minh thiệt hại do TP không an toàn gây ra. Ngược lại, PL nên thiết lập quy tắc bắt buộc các chủ thể sản xuất, kinh doanh TP phải có nghĩa vụ chứng minh TP của mình là an toàn cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, trong trường hợp không chứng minh được điều đó thì bị suy đoán là TP không an toàn.
Quy định này vừa thể hiện đúng được bản chất bất cân xứng thông tin giữa chủ thể sản xuất, kinh doanh TP, với người sử dụng TP. Bên sản xuất, kinh doanh TP là chủ thể chuyên nghiệp, có nhiều thông tin và buộc phải có kiến thức chuyên môn về sản xuất, kinh doanh TP, lại kiểm soát và biết rất rõ toàn bộ chu trình sản xuất, bảo quản, phân phối TP của mình. Ngược lại, người tiêu dùng TP không biết và không thể biết thông tin về quá trình sản xuất, kinh doanh TP.
Do vậy, người tiêu dùng sẽ yếu thế hơn trước tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TP khi xẩy ra các vụ liên quan đến ATTP. Thứ hai, nên hoàn thiện PL về tố tụng dân sự theo hướng minh thị hơn, có quy định khẳng định rõ người tiêu dùng nói riêng, người tiêu dùng TP nói chung, có quyền cùng nhau khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa nói chung và TP gây ra. Việc khởi kiện có thể ủy quyền cho Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc chủ thể khác thực hiện.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Đối với các trường hợp ngoại lệ, Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý VP hành chính năm 2012.
[2] Điểm b Khoản 1 Điều 6 Luật xử lý VP hành chính năm 2012.
[3] https://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/thua-thien-hue-tom-gon-co-so-san-xuat-bot-ngot-gia-a99219.html;
[4] https://baotainguyenmoitruong.vn/bat-giu-435-kg-phu-gia-thuc-pham-nhap-lau-266720.html
[5]https://thuathienhue.dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/kiem-tra-lien-nganh-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-trong-thang-hanh-%C4%91ong-vi-an-toan-thuc-pham-nam-2018--2805-909.html
[6] Điểm C khoản 2 Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính trong sản xuất buôn bán hang giả, hang cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
[7] Điểm c Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính trong sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
[8] Điểm c Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính trong sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[9] Điểm c Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính trong sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
[10] Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính trong sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 14 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP).
[11] Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
[12] Khoản 7 Điều 5 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
[13] Điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
[14] khoản 2, 7, 8 Điều 5 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
[15] Điều 1 Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế
[16] Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[17] Điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.
[18] Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.
[19] Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.
[20] Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[21] Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
COMPLETING A NUMBER OF PROVISIONS OF THE LAW TO IMPROVE EFFICIENCY TO ENSURE FOOD SAFETY IN VIETNAM
Master. THAN VAN TAI
University of Law, Hue University
ABSTRACT:
Based on the analysis, clarifying the limitations and shortcomings of the current regulations related to food safety, as well as the practical application of those regulations, the article recommends a number of measures. complete the current laws to improve the efficiency of food safety in Vietnam today
Keywords: Sanctioning level, food additives, damage compensation, unsafe food.