Hoạt động cung cấp chứng cứ của đương sự trong tố tụng dân sự

ThS. NGUYỄN THỊ VINH HƯƠNG (Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Hoạt động cung cấp chứng cứ của đương sự có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra sự thật khách quan của vụ việc dân sự (VVDS), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về cung cấp chứng cứ của đương sự là nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về tố tụng dân sự (TTDS) nhằm hỗ trợ có hiệu quả quá trình xem xét, giải quyết các VVDS tại tòa án hiện nay. Bài viết tập trung phân tích thực trạng pháp luật về hoạt động cung cấp chứng cứ của đương sự, chỉ ra những kết quả đạt được cũng như một số điểm còn hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.

Từ khóa: tố tụng dân sự, đương sự, chứng cứ, cung cấp chứng cứ của đương sự.

1. Khái quát về hoạt động cung cấp chứng cứ của đương sự trong tố tụng dân sự

Đương sự là một khái niệm cơ bản khi tiếp cận ngành Luật TTDS. Không có đương sự thì cũng không thể có VVDS tại tòa án. Họ là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách do có quyền, nghĩa vụ liên quan đến VVDS. Hoạt động tố tụng của đương sự có ảnh hưởng lớn đến quá trình giải quyết VVDS, có thể dẫn đến việc phát sinh, thay đổi hoặc đình chỉ tố tụng.

Trong thực tiễn, một VVDS thường có rất nhiều tình tiết, sự kiện mà quan hệ pháp luật giữa các bên đương sự phụ thuộc vào nó. Khi giải quyết VVDS, tòa án phải xem xét, đánh giá tất cả các tình tiết, sự kiện của vụ việc thông qua các tài liệu, bằng chứng phản ánh sự thật khách quan do các bên đương sự cung cấp và tòa án thu thập được. Hiểu một cách đơn giản chúng được gọi là chứng cứ, tức là những gì có thật được thu thập theo trình tự do pháp luật TTDS quy định và được tòa án dùng làm cơ sở để giải quyết VVDS. Không có chứng cứ, các đương sự không thể chứng minh cho yêu cầu, quan điểm của mình là có căn cứ và hợp pháp, tòa án cũng không thể giải quyết vụ việc một cách chính xác và khách quan theo đúng bản chất sự việc.

Hiện nay, việc cung cấp chứng cứ và chứng minh được ghi nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTDS (Điều 6, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 - BLTTDS 2015). Theo đó, cung cấp chứng cứ trước hết là quyền và nghĩa vụ của đương sự, đương sự đưa ra yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải chủ động thu thập và giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án. Sở dĩ quy định như vậy bởi đương sự là người trong cuộc, người tham gia trực tiếp vào các quan hệ, giao dịch đang xảy ra tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu, khiếu nại có liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ, hơn ai hết họ hiểu rõ nguyên nhân, nội dung vụ việc và có điều kiện cung cấp các tài liệu, chứng cứ cần thiết. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì họ cũng có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh như đương sự. Như vậy, định nghĩa: “cung cấp chứng cứ của đương sự trong TTDS là hoạt động đương sự chuyển cho tòa án, viện kiểm sát các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.

2. Thực trạng quy định pháp luật về hoạt động cung cấp chứng cứ của đương sự trong tố tụng dân sự

Hoạt động cung cấp chứng cứ của đương sự trong TTDS đã được quy định trong BLTTDS 2004 và tiếp tục được kế thừa, phát triển trong BLTTDS 2015. Tuy đã có những sửa đổi, bổ sung khá mới mẻ so với các quy định trước đây, nhưng qua thực tiễn áp dụng, một số quy định của BLTTDS 2015 về cung cấp chứng cứ của đương sự vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Một là, chủ thể cung cấp chứng cứ

Điều 91 BLTTDS 2015 quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự, điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc“Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong TTDS” được ghi nhận tại Điều 6 BLTTDS 2015.

Theo đó, đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, kể cả trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án để chứng minh việc yêu cầu, khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài ra, đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó. Về nguyên tắc, bên nào đưa ra yêu cầu trước thì bên đó phải có nghĩa vụ chứng minh, như vậy nguyên đơn là người phải chứng minh trước, sau đó đến bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Tất nhiên kèm theo đó là những tài liệu, bằng chứng mà đương sự phải cung cấp, giao nộp cho tòa án. Điều này cho thấy sự bình đẳng về nghĩa vụ chứng minh.

Như mục 1 đã lý giải, sở dĩ pháp luật TTDS quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự bởi họ là người trong cuộc - là chủ thể của quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc người đưa ra yêu cầu, khiếu nại, vì lẽ đó họ hiểu rõ vụ việc, có sẵn tài liệu, chứng cứ hoặc biết rõ cần có chứng cứ gì để thu thập và giao nộp, nhằm giúp tòa án có thể ra phán quyết đúng pháp luật và phù hợp thực tế khách quan. Mặt khác, việc xác định trách nhiệm cung cấp chứng cứ thuộc về các đương sự nhằm mục đích để các đương sự cân nhắc, tính toán kỹ bởi nếu đưa ra yêu cầu mà không đưa ra được chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó thì họ rất dễ gánh chịu “thiệt thòi”, thậm chí còn phải chịu án phí cho phần yêu cầu không được tòa án chấp nhận.

Tuy nhiên, để phù hợp luật khác và phù hợp thực tế, BLTTDS 2015 đã bổ sung một số trường hợp mà đương sự đưa ra yêu cầu nhưng không phải chứng minh, chẳng hạn như khi đưa ra yêu cầu khởi kiện người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; người lao động khởi kiện vụ án lao động không cung cấp được tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án,…

Hai là, trình tự, thủ tục, cách thức cung cấp, giao nộp chứng cứ

Điều 96 BLTTDS 2015 quy định về giao nộp tài liệu, chứng cứ. Trong đó, Khoản 2 Điều 96 hướng dẫn về cách thức giao nộp tài liệu, chứng cứ và điều kiện về tính hợp pháp của chứng cứ, đó là phải được thu thập, giao nộp theo trình tự và thủ tục do BLTTDS quy định nhằm đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan. Đây cũng là căn cứ pháp lý giúp xác định trách nhiệm của các bên trong việc giao nhận, bảo quản chứng cứ. Cụ thể, việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án phải được lập thành biên bản. Trong biên bản giao nhận chứng cứ phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của tòa án. Biên bản phải lập thành 2 bản, 1 bản lưu vào hồ sơ VVDS và 1 bản giao cho đương sự nộp chứng cứ. Thực chất quy định này không có gì khác so với BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011. Phần lớn các trường hợp đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ tại tòa án và việc giao nộp này được tiến hành theo cách thức nêu trên. Tuy nhiên, có những trường hợp họ không nộp trực tiếp tại tòa án mà gửi qua đường bưu điện hoặc gửi tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử đến tòa án qua Cổng thông tin điện tử của tòa án. Trong những trường hợp đó, tuy Điều 96 BLTTDS 2015 không quy định nhưng vẫn được cho là cách thức giao nộp chứng cứ hợp pháp.

Ngoài ra, nếu đương sự cung cấp, giao nộp cho tòa án chứng cứ, tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp. Trong một số trường hợp tài liệu, chứng cứ phải được công chứng của nước nơi đương sự cư trú hoặc pháp nhân có trụ sở và phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

Mặt khác, lần đầu tiên một thủ tục được đặt ra tại Khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 là: “Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Đối với những tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác”. Đây là quy định mới thể hiện sự tiến bộ trong tư tưởng lập pháp của Việt Nam bởi nó đảm bảo tính minh bạch, công khai trong TTDS, ngoài ra còn bảo đảm thực hiện tranh tụng trong xét xử, bởi để tranh tụng thì các bên đương sự cần phải biết được các yêu cầu và chứng cứ chống lại mình, họ có cơ hội tốt hơn để chuẩn bị cho việc cung cấp, giao nộp chứng cứ của mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đương sự có cơ hội ngang nhau khi tiếp cận tất cả các tài liệu, chứng cứ do các bên và những người tham gia tố tụng khác nhau cung cấp. Tuy nhiên, quy định này được cho là chưa thật sự kín kẽ do: (1) không quy định thời hạn phải sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác nên đương sự có thể thực hiện nghĩa vụ này ở bất kỳ thời điểm nào, điều này có thể gây bất lợi cho đương sự khác; (2) không quy định về việc các đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ thì liệu có phải sao gửi các tài liệu, chứng cứ bổ sung này cho các đương sự khác hay không?; (3) không quy định chế tài trong trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; (4) không quy định rõ phương thức sao gửi tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự. Tất cả những vấn đề vừa đặt ra ở trên đang dẫn tới các vướng mắc trong quá trình giải quyết VVDS.

Ba là, thời hạn cung cấp, giao nộp chứng cứ

Thời hạn cung cấp, giao nộp chứng cứ là một nội dung rất quan trọng của pháp luật TTDS, góp phần xác định việc giải quyết VVDS của tòa án có đúng thời hạn tố tụng hay không và việc bảo vệ quyền, lợi ích cho đương sự đã kịp thời hay chưa?

BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 không ghi nhận về thời hạn cung cấp, giao nộp chứng cứ. Điều đó vô tình tạo lỗ hổng pháp luật, bởi các đương sự thường trì hoãn việc giao nộp chứng cứ, thậm chí chọn thời điểm có lợi cho mình mới giao nộp chứng cứ, dẫn đến thời gian giải quyết vụ án dân sự bị kéo dài, tăng chi phí tố tụng, không bảo đảm điều kiện để các đương sự thực hiện tranh tụng công khai tại phiên tòa... Khắc phục hạn chế này, Khoản 4 Điều 96 BLTTDS 2015 quy định: “Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, việc cung cấp, giao nộp chứng cứ của đương sự có thể được thực hiện trong một thời hạn khá dài, suốt quá trình từ khi tòa án nhận đơn, thụ lý đến trước khi tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử, tối đa là 2 tháng hoặc 4 tháng tùy theo từng loại án được quy định tại Điều 203 BLTTDS 2015 về “Thời hạn chuẩn bị xét xử”, còn đối với việc dân sự, thời hạn là 1 tháng kể từ ngày tòa án thụ lý đơn yêu cầu.

Thậm chí, theo quy định tại đoạn 2, khoản 4, Điều 96 BLTTDS 2015 thì trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự đương sự mới cung cấp, giao nộp những tài liệu, chứng cứ mà trước đó tòa án yêu cầu cung cấp, giao nộp nhưng đương sự chưa cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc cung cấp, giao nộp chậm đó. Với chứng cứ, tài liệu mà trước đó tòa án không yêu cầu cung cấp, giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết VVDS.

Việc quy định thời hạn giao nộp chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định là điểm tiến bộ của pháp luật TTDS Việt Nam. Bởi việc giới hạn thời hạn cung cấp chứng cứ của đương sự sẽ buộc đương sự phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình; đồng thời, tránh trường hợp đương sự lợi dụng quy định có quyền cung cấp chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng để kéo dài vụ kiện, tòa cấp sơ thẩm phải hoãn phiên tòa để thu thập chứng cứ, tòa án cấp trên hủy án của tòa án cấp dưới do đương sự xuất trình chứng cứ mới.

Bốn là, hậu quả pháp lý của việc đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ

So với BLTTDS 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011, quy định về giao nộp tài liệu, chứng cứ tại khoản 1, Điều 96 BLTTDS 2015 đã có những thay đổi nhất định nhằm làm sáng tỏ quyền và nghĩa vụ cung cấp, giao nộp chứng cứ của đương sự, đồng thời mở rộng phạm vi nghĩa vụ cũng như hậu quả pháp lý của việc không thực hiện nghĩa vụ.

Việc cung cấp chứng cứ được tiến hành ngay từ khi khởi kiện. Theo quy định tại khoản 1, Điều 96 BLTTDS 2015 nếu “tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết VVDS thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ”. Quy định này giúp đương sự có cơ hội để giao nộp bổ sung chứng cứ sau khi tòa án đã kiểm tra nhưng phát hiện chứng cứ giao nộp chưa đầy đủ hoặc đã giao nộp nhưng chưa bảo đảm đủ cơ sở để đưa ra kết luận và giải quyết vụ việc. Trong thực tế, một số trường hợp đương sự “lúng túng” không biết nên giao nộp chứng cứ nào hoặc họ không muốn giao nộp chứng cứ, khi đó việc thực hiện quy định này giúp cho đương sự sau khi được yêu cầu sẽ chủ động bổ sung, hoàn thiện việc giao nộp chứng cứ, nhờ đó tòa án có cơ hội thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ của đương sự để xem xét và giải quyết đúng đắn VVDS.

Một điểm mới đáng lưu ý tại khoản 1, Điều 96 BLTTDS 2015 là: “Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết VVDS”. Quy định này không những thể hiện yêu cầu về mức độ tài liệu, chứng cứ mà đương sự phải cung cấp, giao nộp mà còn chỉ ra hậu quả pháp lý của việc đương sự không cung cấp đủ chứng cứ, tài liệu cho tòa án. Nghĩa vụ chứng minh của đương sự có ý nghĩa quyết định trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Trường hợp đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung, “hậu quả” ở đây được hiểu là kết quả giải quyết VVDS bất lợi cho đương sự không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Mặt khác như thế nào được coi là có lý do chính đáng? Hiện chưa có điều luật nào trong BLTTDS ghi nhận. Chính vì thế, trong thực tiễn giải quyết VVDS, việc không giao nộp, giao nộp không đầy đủ hoặc nộp chậm tài liệu, chứng cứ có được xác định là lý do chính đáng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của tòa án, điều này gây không ít khó khăn cho các tòa án trong quá trình giải quyết VVDS.

3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động cung cấp chứng cứ của đương sự trong tố tụng dân sự

Xuất phát từ những bất cập của quy định pháp luật ở mục 2, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động cung cấp chứng cứ của đương sự trong TTDS như sau:

Một là, bổ sung thêm cách thức giao nộp tài liệu, chứng cứ trong trường hợp đương sự không nộp trực tiếp tại tòa án.

Có những trường hợp họ không nộp trực tiếp tại tòa án mà gửi qua đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi tài liệu, chứng cứ bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của tòa án, tuy nhiên khoản 2, Điều 96 BLTTDS 2015 chưa ghi nhận cụ thể về cách thức giao nộp tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp này. Nên chăng đặt ra những quy định về trình tự, thủ tục giao nộp tài liệu, chứng cứ qua đường bưu điện hoặc bằng phương tiện điện tử, từ đó có căn cứ pháp lý rõ ràng, đầy đủ hơn khi xác định trách nhiệm của các bên trong việc giao nhận chứng cứ, tránh những tranh cãi không đáng có.

Hai là, về nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.

- Cần quy định cụ thể thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu chứng cứ cho đương sự khác nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các đương sự có liên quan, giúp họ có đủ thời gian thu thập chứng cứ tự bảo vệ mình.

- Cần bổ sung thêm quy định sao gửi tất cả tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác bao gồm cả những tài liệu, chứng cứ gửi ban đầu và gửi bổ sung, điều mà hiện tại pháp luật chưa ghi nhận.

- Cần quy định chế tài trong trường hợp đương sự thực sự không thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác và trường hợp không gửi được tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác nhưng cũng không yêu cầu tòa án hỗ trợ.

- Cần quy định rõ phương thức gửi tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự. Chẳng hạn như: Việc sao gửi thông qua các bản sao photo hay phải là các tài liệu, chứng cứ có công chứng, chứng thực? Việc gửi tài liệu chứng cứ phải được tiến hành trực tiếp hay thông qua đường bưu chính? Đương sự có thể gửi thông qua các dữ liệu thông điệp điện tử có được không? Trong trường hợp phía bên từ chối nhận thì sẽ xử lý như thế nào?

Ba là, cần làm rõ như thế nào được coi là có “lý do chính đáng” theo quy định tại Điều 96 BLTTDS 2015.

Trong đời sống hàng ngày, lý do chính đáng thường được hiểu là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được, thường bao gồm sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan. Cần quy định cụ thể về các trường hợp được coi là có lý do chính đáng, chẳng hạn như thiên tai, hỏa hoạn, hoạt động khám, chữa bệnh có xác nhận của cơ sở y tế và các trường hợp khác. Đương sự được giao nộp muộn tài liệu, chứng cứ, có như vậy tòa án mới có đầy đủ căn cứ giải quyết VVDS, tránh tình trạng để đương sự lợi dụng kẽ hở từ quy định này trục lợi cho bản thân, bên cạnh đó còn giảm được sự lúng túng cho tòa án khi phải xác định việc có lý do chính đáng hay không.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Minh Hằng, Bùi Xuân Trường (2016), Thời điểm cung cấp chứng cứ trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Nghề luật, số 2, tr.9- 14,29.
  2. Hoàng Thị Thào (2020), Thu thập chứng cứ của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện tại các tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  3. Quàng Hồng Nết (2015), “Cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện tại tòa án nhân dân tỉnh Sơn La”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

The handover of evidence of involved parties in the litigation process

 Master. Nguyen Thi Vinh Huong

Faculty of Economics - Law

Thuongmai University

ABSTRACT:

The handover of evidence by involved parties in the litigation process plays a key role in finding out the objective truth of the civil cases, protecting the legitimate rights and interests of involved parties. It is essential to improve the effectiveness of provisions on the handover of evidence of involved parties to complete the legal corridor on civil procedure in order to effectively support the process of considering and settling civil cases. This paper analyzes the current provisions on the handover of evidence of involved parties, and points out achieved results as well as some shortcomings. Based on the paper’s finding, some solutions are proposed to improve provisions on the handover of evidence of involved parties in the coming time.

Keywords: civil proceeding, involved party, evidence, involved party provides evidence.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]