Kiện phòng vệ thương mại mỗi tháng 1 vụ, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp

Mỗi tháng đều đặn 1 vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp đặc biệt thận trọng khi đầu tư sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng đang có nguy cơ bị áp thuế.

Gồng mình giữa bão phòng vệ

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), 07 tháng đầu năm 2019 đã chứng kiến tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 01 vụ/01 tháng).

Hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 07 vụ việc phòng vệ thương mại (05 vụ việc chống bán phá giá, 02 vụ việc chống trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiếp tục xử lý 07 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, 04 vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm.

Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 04 vụ việc, Hoa Kỳ 02 vụ việc, Malaysia 01 vụ việc.

Đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO, trong 07 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đang xử lý 03 vụ việc, trong đó 01 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực (Indonesia hủy bỏ biện pháp áp dụng với tôn lạnh), 02 vụ việc đang trong quá trình tham vấn (chương trình Hoa Kỳ thanh tra cá da trơn và phương pháp tính biên độ trong vụ việc Hoa Kỳ rà soát chống bán phá giá đối với cá tra).

“2018 và 2019 có thể nói là năm của các nhiệm vụ về phòng vệ thương mại, với hàng loạt đề án, chiến lược, kế hoạch lớn được xây dựng và ban hành, triển khai thực hiện liên tục.

Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824) là một trong những phản ứng kịp thời với diễn biễn thị trường và quá trình hội nhập”,

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

 

Trào lưu phòng vệ chưa hề có dấu hiệu nguội đi

Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại thẳng thắn nhận định, cơn bão phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục mạnh lên và “càn quét” mạnh hơn trong thời gian tới. Nhất là khi sức ép cạnh tranh đang gia tăng đối với sản xuất trong nước, do xu hướng chuyển dịch xuất khẩu từ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Không thể phủ nhận các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đưa ra mức cắt giảm thuế quan rất sâu và hứa hẹn là những thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với đó, các thành viên FTA cũng đề ra yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, sẵn sàng điều tra các hiện tượng gian lận xuất xứ, lẩn tránh trái phép để khai thác ưu đãi thuế FTA. 

Mặt khác, trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản, v.v... một số nước mở rộng biến thể của yêu cầu “từ sợi trở đi” hoặc “từ vải trở đi” đối với dệt may sang các sản phẩm khác như sắt thép, nhôm, v.v. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì hàng hóa của ta rất dễ bị kết luận là đang “lẩn tránh” thuế, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

"Ngay cả khi ta phát triển được chuỗi sản xuất tại Việt Nam, (ví dụ như đối với thép, nhôm) nếu xuất khẩu của ta sang các thị trường khác tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của ta như đã làm trước đó với một số nước khác.

Do đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), ta cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như xuất khẩu của ta sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến”.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

 

Doanh nghiệp cần “thức tỉnh” 

Một trong những vấn đề làm giảm hiệu quả của việc ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài, có trường hợp vì thiếu sự hợp tác của một doanh nghiệp, mà toàn bộ các doanh nghiệp khác trong vụ kiện đó bị áp mức thuế cao.

Qua thực tiễn ứng phó với các vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại thẳng thắn cho rằng, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường có chiến lược ứng phó bài bản và sự hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài hơn.

Thủy sản Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở nhiều quốc gia
Doanh nghiệp Việt có đang quá "mơ màng" khi đứng trước cơn bão phòng vệ thương mại ồ ạt?

 

Trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, các nước áp dụng các yêu cầu chặt chẽ, mang tính bảo hộ cao hơn, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện, thường xuyên trao đổi với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời nắm được thông tin cảnh báo sớm, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp, đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định nâng cao công suất và mở rộng thị trường.

Trong quá trình đã bị khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan điều tra của nước nhập khẩu trong suốt quá trình điều tra để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình (như vụ việc điều tra chống lẩn tránh với thép, hiện nay Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét khả năng chỉ cho phép các doanh nghiệp tham gia trả lời câu hỏi từ đầu được áp dụng cơ chế khai báo để miễn trừ).

Đặc biệt, doanh nghiệp được cảnh báo nên thận trọng khi xem xét mở rộng đầu tư, đặc biệt để sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ 3.

Khi phát hiện xuất khẩu các mặt hàng liên quan từ Việt Nam tăng nhanh, nước nhập khẩu có thể tiếp cận theo hướng điều tra chống lẩn tránh, độc lập với điều tra về xuất xứ. Hàng hóa có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nhưng vẫn bị kết luận là lẩn tránh và bị áp thuế cao.

Về phía mình, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các bên để có cảnh báo sớm, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Thy Thảo