Nghiên cứu nguyên nhân và kết quả mối quan hệ giữa cựu sinh viên và trường đại học: Trường hợp Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (IUH)

TRẦN THỊ TÌNH - TS. BÙI THÀNH KHOA - TS. NGUYỄN VĂN THANH TRƯỜNG (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về các yếu tố là nguyên nhân và kết quả của mối quan hệ giữa cựu sinh viên và trường đại học, trong bối cảnh nghiên cứu là Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng được sử dụng. Nghiên cứu chỉ ra rằng kết quả của mối quan hệ giữa cựu sinh viên và trường đại học chính là động lực tài trợ, và các nguyên nhân của động lực tài trợ bao gồm cảm nhận về nhu cầu và hiệu quả, sự tham gia của cựu sinh viên, sự hài lòng của cựu sinh viên, và giá trị vị tha - sở thích.

Từ khóa: cảm nhận về nhu cầu và hiệu quả, sự tham gia, sự hài lòng, giá trị vị tha - sở thích, động lực tài trợ, cựu sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Hiện tại, một lực lượng cựu sinh viên đông đảo và được bổ sung qua các năm, ngày càng có tác động lớn đến các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Nhận thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa nhà trường với các cựu sinh viên, các trường đại học tại Việt Nam đang dần tăng cường củng cố mối quan hệ quý báu này. Tại các nước phát triển, duy trì mối quan hệ dài hạn với các cựu sinh viên là điều hết sức quan trọng, nhằm khẳng định lịch sử và truyền thống lâu đời của các trường đại học (Lorange, 2008). Không chỉ nhà trường quan tâm tới mối quan hệ với các cựu sinh viên, mà chính các cựu sinh viên cũng quan tâm tới mối quan hệ này; bởi vì nhà trường là đơn vị trung gian để có thể giúp phát triển, tìm kiếm đối tác sau này. Bên cạnh đó, các cựu sinh viên sẽ đóng góp những phản hồi, ý kiến quý báu và nhận xét chân thành nhất về chất lượng của chương trình đào tạo mà họ đã trải qua.

Tại Việt Nam, các trường đại học đang hướng đến mô hình tự chủ tài chính, trong đó có Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (IUH); do đó, hoạt động hỗ trợ của cựu sinh viên đối với trường càng trở nên quan trọng. Năm 2020, IUH đã kiểm định thành công 8 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA, trong đó sự thành công này có sự hỗ trợ tích cực của cựu sinh viên các khóa trong quá trình kiểm định. Theo kế hoạch đến năm 2021, IUH sẽ tiếp tục việc kiểm định chất lượng AUN-QA của các chương trình đào tạo còn lại và kiểm định cấp trường; nên cựu sinh viên là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp không nhỏ vào sự thành công của việc kiểm định. Ngoài ra, tạo ra động lực hỗ trợ của cựu sinh viên cho các hoạt động của trường vẫn chưa nhận được sự quan tâm về cả thực tiễn lẫn lý thuyết. Do đó, nghiên cứu nguyên nhân và kết quả mối quan hệ giữa cựu sinh viên và trường đại học, trong bối cảnh IUH là rất cần thiết.

2. Cơ sở lý thuyết

Theo nghĩa hẹp, có thể hiểu “alumnus”, là “cựu sinh viên”, là một nhóm các sinh viên đã tốt nghiệp tại trường đại học (cao đẳng). Theo định nghĩa của trường đại học Stuttgar, thuật ngữ “alumnus” được sử dụng trong một ý nghĩa rộng hơn; thuật ngữ được mở rộng để chỉ cho tất cả các thành viên của trường đại học Stuttgart cũng như tất cả các nhà tài trợ và các đối tác.

Cựu sinh viên rất quan trọng đối với uy tín của một tổ chức. Họ đóng vai trò là chìa khóa cho tổ chức cộng đồng tiếp tục tăng trưởng và thành công. Việc tạo ra động lực để dẫn đến việc tài trợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng (Hoa & Khoa, 2021). Các cựu sinh viên hỗ trợ chính nơi mà họ đã nhận được bằng cấp đầu tiên của mình hay bằng cấp sau đại học. Sự hỗ trợ có thể thông qua nhiều hình thức như: tư vấn cho sinh viên hiện tại, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giới thiệu sinh viên tương lai và cả cung cấp hỗ trợ tài chính. Các cựu sinh viên đại học được chứng minh là có động lực bằng việc có đi có lại hoặc nhận được thứ gì đó để đền đáp lại sự đóng góp của họ; cũng như cảm thấy có mối quan hệ với tổ chức, quan tâm đến sinh viên hiện tại (Harvard, 2019).

Dựa theo Lý thuyết về hành vi hợp tác tùy ý (Heckman & Guskey, 1998), và lý thuyết trao đổi xã hội (Weerts & Ronca, 2008), cũng như nghiên cứu của Hoyt (2004) và các nghiên cứu trước đây. Nghiên cứu này kiểm định một mô hình lý thuyết của các cựu sinh viên được phát triển theo quy nạp từ nghiên cứu trước. Mô hình đề xuất xác định các yếu tố ảnh hưởng đến động lực tài trợ đưa ra: (1) giá trị vị tha và sở thích, (2) sự hài lòng với tổ chức giáo dục, (3) sự tham gia của cựu sinh viên và (4) cảm nhận nhu cầu và hiệu quả.

Có thể có các hình thức thể hiện sự vị tha của một cá nhân khác nhau như: tham gia cộng đồng sau đại học, dịch vụ công dân, quyên góp cho các hoạt động từ thiện khác, hoặc tín ngưỡng. Các cựu sinh viên, những người cống hiến cho trường cũ của họ, thường tin rằng sự đóng góp của họ sẽ tạo ra sự khác biệt được xem như thể hiện sự vị tha cũng như sở thích của cựu sinh viên đó, đáp ứng nhu cầu của cơ sở đào tạo và được sử dụng một cách hiệu quả (Klostermann, 1997). Do đó, nghiên cứu đề xuất giả thuyết H1:

H1: Giá trị vị tha và sở thích có tác động thuận chiều đến động lực tài trợ của cựu sinh viên

Cựu sinh viên, những người hài lòng với trải nghiệm giáo dục hoặc cảm thấy gắn bó tình cảm tích cực với tổ chức đào tạo, sẽ có nhiều khả năng hỗ trợ (Patouillet, 2001). Sự hài lòng đã được tìm thấy có liên quan tích cực với sự tham gia của sinh viên đại học (Outcalt & Skewes-Cox, 2002). Do đó, nghiên cứu đề xuất giả thuyết H2:

H2: Sự hài lòng với tổ chức giáo dục có tác động thuận chiều đến động lực tài trợ của cựu sinh viên.

Theo Pearson (1999), việc tài trợ bị ảnh hưởng bởi chất lượng của các mối quan hệ và truyền thông đến cựu sinh viên. Một số nghiên cứu ủng hộ hiệu quả sự tham gia của cựu sinh viên vào việc tăng động lực hỗ trợ cho tổ chức đào tạo. Các nhà nghiên cứu đã xác định sự cống hiến gia tăng trong những dịp họp mặt khi các cựu sinh viên thường được mời để được hỗ trợ (Wunnava & Lauze, 2001). Do đó, nghiên cứu đề xuất giả thuyết H3:

H3: Sự tham gia của cựu sinh viên có tác động thuận chiều đến động lực tài trợ của cựu sinh viên.

Cảm nhận nhu cầu và hiệu quả đề cập đến lý tưởng giúp đỡ thế hệ tiếp theo, cải thiện cộng đồng, mong muốn tạo ra tác động tích cực, cảm thấy có nghĩa vụ giúp đỡ hoặc biết ơn tổ chức với mong muốn trả lại (Patouillet, 2001). Do đó, khi họ tốt nghiệp và đi làm, họ sẽ quay trở lại để cung cấp học bổng hay tài trợ cho các sinh viên thế hệ sau. Do đó, nghiên cứu đề xuất giả thuyết H4:

H4: Cảm nhận nhu cầu và hiệu quả có tác động thuận chiều đến động lực tài trợ của cựu sinh viên.

3. Phương pháp nghiên cứu

Thang đo của tất cả các khái niệm nghiên cứu trong bài được dựa trên các nghiên cứu trước đây, kết quả nghiên cứu định tính, được điều chỉnh qua nghiên cứu sơ bộ và thể hiện dưới dạng các phát biểu. Các thang đo sử dụng thang đo Likert với 5 mức độ từ: (1) Hoàn toàn không đồng ý đến (5) Hoàn toàn đồng ý. Sự cảm nhận nhu cầu và hiệu quả (3 chỉ mục, ký hiệu 5 CNNC), Sự tham gia của cựu sinh viên (6, STG), Sự hài lòng của cựu sinh viên (3, SHL) được sử dụng từ nghiên cứu của Hoyt (2004); Giá trị vị tha và sở thích (3, VTST) được sử dụng từ Taylor và Martin (1995); và động lực tài trợ của cựu sinh viên (3, DL) được điều chỉnh từ nghiên cứu của Ergn và Avci (2018).

Nghiên cứu đã gửi thư mời đến 9 cựu sinh viên kèm theo nội dung thảo luận nhóm. Cuộc thảo luận nhóm diễn ra tại IUH với sự chủ trì của tác giả. Nội dung thảo luận nhóm xoay quanh các yếu tố được đề xuất trong mô hình lý thuyết và các chỉ mục nghiên cứu đã được sử dụng trước đây. Người chủ trì sẽ gợi ý vấn đề và mời các đáp viên trả lời cũng như thảo luận. Cuộc thảo luận được ghi nhận bởi người chủ trì, và kết thúc sau 120 phút. Điều tra chính thức, quá trình khảo sát được thực hiện bằng phương pháp phát phiếu khảo sát trực tuyến được thực hiện thông qua gửi email cho cựu sinh viên IUH. Tác giả chọn phương pháp lấy mẫu xác suất ngẫu nhiên để có thể mang tính đại diện cho IUH. Thống kê mẫu nghiên cứu như sau:

- Trong 203 đáp viên, có 99 cựu sinh viên là nam, chiếm 48,8% số người tham gia trả lời; và có 104 cựu sinh viên là nữ, chiếm 51,2% số người tham gia trả lời.

- Các mức thu nhập chiếm tỉ lệ như sau: dưới 5 triệu VND chiếm 23,2% (47 đáp viên); từ 5-10 triệu VND chiếm 26,6% (54 đáp viên); từ 10-15 triệu VND chiếm 27,1% (55 đáp viên) và chiếm tỷ lệ 23,2% (47 đáp viên) là mức thu nhập từ 15 triệu VND trở lên.

- Số lượng đáp viên tham gia khảo sát thì có 25,6% là trình độ trung cấp, tốt nghiệp cao đẳng có 25,6% (52 đáp viên), tốt nghiệp đại học chiếm 28,6 %, cuối cùng chiếm tỉ lệ 20,2% là trình độ sau đại học.

Công cụ để thực hiện các phân tích là phần mềm SPSS cho thống kê mô tả và phần mềm SmartPLS cho cả mô hình đo lường phương trình cấu trúc tuyến tính và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu

Bảng 1. Kết quả kiểm định tính tin cậy và giá trị của thang đo

Kết quả kiểm định tính tin cậy và giá trị của thang đo

Theo Bảng 1, các thang đo trong nghiên cứu đều có giá trị từ 0,789 trở lên. Do đó, các thang đo trong nghiên cứu đều thể hiện sự tin cậy cho các đánh giá tiếp theo. Độ tin cậy tổng hợp của cấu trúc nghiên cứu (CR) đều lớn hơn 0,7 (giá trị CR thấp nhất là 0,877); các giá trị phương sai trích trung bình (AVE) đều lớn hơn 0,5, giá trị AVE nhỏ nhất là 0,602. Ngoài ra, hệ số tải ngoài của các chỉ mục trong cùng một nhóm nhân tố có giá trị lớn hơn 0,708. Do đó, các thang đo trong nghiên cứu đạt được giá trị hội tụ. Giá trị HTMT giữa các nhân tố nghiên cứu đều nhỏ hơn 0,809. Do đó, các thang đo cũng đạt được giá trị phân biệt.

Bảng 2. Giá trị VIF, R2, f2 và Q2

Giá trị VIF, R2, f2 và Q2

Theo Bảng 2, tất cả hệ số VIF tổng hợp giữa các cấu trúc độc lập đều nhỏ hơn 3, do đó không có hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình. Trong mối quan hệ giữa động lực tài trợ (DL) và bốn biến độc lập, hệ số R2 = 0,659. Theo kết quả nghiên cứu, f2CNNC → DL = 0,085; f2SHL → DL = 0,210; f2STG → DL = 0,110; f2VTST → DL = 0,072. Ngoài ra, Q2DL = 0,454, đều lớn hơn 0. Do đó, kết quả nghiên cứu có giá trị dự báo. Kết quả nghiên cứu thể hiện ở Bảng 3 với phương trình bình phương tối thiểu từng phần PLSSEM ước lượng từ Boostaping 5000 mẫu đã chỉ ra giữa mối quan hệ giữa các yếu tố nghiên cứu có ý nghĩa với độ tin cậy 99%.

Bảng 3. Kết quả PLS-SEM

Kết quả PLS-SEM

5. Thảo luận và hàm ý quản trị

Hình 1: Mô hình kết quả nghiên cứu

Mô hình kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu này được trình bày tóm tắt theo Hình 1. Trong đó, thứ tự ảnh hưởng của các yếu tố nguyên nhân đến động cơ tài trợ giảm dần như sau: sự hài lòng của cựu sinh viên, sự tham gia của cựu sinh viên, giá trị vị tha và sở thích, cuối cùng là cảm nhận nhu cầu và hiệu quả.

Vị tha là động cơ cung cấp một thứ gì đó có giá trị cho một ai mà không phải là bản thân mình, trong khi đó nghĩa vụ tập trung vào bổn phận tinh thần đối với một cá nhân cụ thể nào đó hay với một tập thể. Lý thuyết đồng dư mục tiêu gợi ý rằng động lực nghề nghiệp một phần bắt nguồn từ sự phù hợp được nhận thứ giữa các mục tiêu nghề nghiệp được đánh giá cao nhất của mỗi cá nhân và mức độ mà một nghề nghiệp nhất định được coi là đủ khả năng (hoặc hoàn thành) các mục tiêu này (Diekman và cộng sự, 2010).

Cựu sinh viên là đối tượng trực tiếp trải nghiệm chất lượng dịch vụ giáo dục, do đó, sự hài lòng với chất lượng dịch vụ là yếu tố lớn nhất để họ quay trở lại tài trợ cho trường cũ. Sự hài lòng của cựu sinh viên trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy họ gắn kết với trường đại học sau khi tốt nghiệp (Nikita và cộng sự, 2015).

Các hoạt động như tham gia câu lạc bộ cựu sinh viên, tham gia ban liên lạc cựu sinh viên là quan trọng để gắn kết và thôi thúc cựu sinh viên tài trợ cho các hoạt động của IUH. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng động lực thực hiện một hành vi được hình thành thông qua quá trình tham gia vào các hoạt động của chủ thể (Rialp-Criado & Rialp-Criado, 2018). Cựu sinh viên tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức sẽ có sự gắn bó với tổ chức và các sinh viên khóa tiếp theo, qua đó sẽ hình thành được nhu cầu tiếp tục gắn kết.

Cuối cùng, cựu sinh viên sẽ có động lực tài trợ khi họ nhận thức được nhu cầu của nhà trường đối với sự hỗ trợ về chuyên môn của cựu sinh viên. Những thông báo hay kêu gọi hỗ trợ là một phần quan trọng trong việc gia tăng động lực hỗ trợ của cựu sinh viên. Thông qua các thông báo, cựu sinh viên sẽ biết được những nhu cầu hiện tại từ phía nhà trường, họ sẽ góp phần để hỗ trợ và giúp nhà trường đạt được mục tiêu trong công tác đào tạo và giáo dục (Pfeifer, 2017)

6. Kết luận

Sự phát triển của một cơ sở giáo dục bậc cao ngoài các yếu tố như cơ sở vật chất, giảng viên, nghiên cứu khoa học thì còn ghi nhận sự đóng góp của lực lượng cựu sinh viên. Có một mạng lưới cựu sinh viên tích cực cũng mang lại lợi ích to lớn cho các sinh viên hiện đang học tại trường cũng như sự phát triển của trường đại học. Kết quả của nghiên cứu đã xác định 4 yếu tố sự vị tha và sở thích, sự tham gia của cựu sinh viên, sự hài lòng, cảm nhận nhu cầu tác động đồng biến đến động lực tài trợ của cựu sinh viên. Đồng thời, động lực tài trợ có ảnh hưởng tích cực đến ý định tài trợ cho IUH. Nghiên cứu cũng kiểm định mô hình mối quan hệ giữa sáu yếu tố là sự vị tha và sở thích, sự tham gia của cựu sinh viên, sự hài lòng, cảm nhận nhu cầu, động lực tài trợ và ý định tài trợ. Kết quả kiểm định cho thấy tất cả các giả thuyết từ H1 đến H4 điều được chấp nhận với độ tin cậy 99%. Sự hài lòng là yếu tố tác động mạnh nhất đến động lực tài trợ (β = 0,343), tiếp theo là sự tham gia của cựu sinh viên (β = 0,248), sự vị tha và sở thích (β = 0,216), và cuối cùng là cảm nhận nhu cầu của trường đại học (β = 0,212).

Tuy đã nỗ lực để có được kết quả nghiên cứu tốt nhất, tuy nhiên luận văn cũng còn một số hạn chế xuất phát từ các nguyên nhân khách quan. Thứ nhất, nghiên cứu được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn, dẫn đến các hạn chế về lược khảo tài liệu, hoặc nghiên cứu định tính. Thứ hai, do các nghiên cứu về đề tài động lực tài trợ và ý định tài trợ của cựu sinh viên vẫn còn hạn chế tại Việt Nam, nên các tài liệu liên quan đến yếu tố được đề xuất trong mô hình nghiên cứu chỉ dựa trên các mô hình nước ngoài. Thứ ba, đề tài chỉ khảo sát cựu sinh viên IUH nên kết quả chưa có tính phổ quát cho nhiều trường hợp. Dựa trên những lý thuyết, các nghiên cứu tiếp theo có thể thực nghiệm lại nghiên cứu này, tuy nhiên, có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu ra một số trường đại học hoặc cơ sở đào tạo bậc cao; và điều cần thiết là phải mở rộng nghiên cứu ở các nước đang phát triển để hiểu rõ hơn về hành vi của cựu sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Diekman, A. B., Brown, E. R., Johnston, A. M., & Clark, E. K. (2010). Seeking congruity between goals and roles: A new look at why women opt out of science, technology, engineering, and mathematics careers. Psychological Science, 21(8), 1051-1057.
  2. Ergn, E., & Avci, . (2018). Knowledge sharing self-efficacy, motivation and sense of community as predictors of knowledge receiving and giving behaviors. Journal of Educational Technology & Society, 21(3), 60-73.
  3. Harvard, E. L. (2019). Motivations for Charitable Giving Among Generations X and Y: Applying an Extended Theory of Planned Behavior to Independent School Alumni. Luận văn thạc sĩ. The University of Richmond's Scholarship Repository, Richmond, Virginia, United States.
  4. Heckman, R., & Guskey, A. (1998). The relationship between alumni and university: Toward a theory of discretionary collaborative behavior. Journal of Marketing Theory and Practice, 6(2), 97-112.
  5. Hoa, L. T. K., & Khoa, B. T. (2021). Động lực nghiên cứu khoa học của giảng viên: Góc nhìn lý thuyết nhu cầu mở rộng của Maslow. Tạp chí Khoa học và Công nghệ - IUH, 46(04), 235-248.
  6. Hoyt, J. E. (2004). Understanding alumni giving: Theory and predictors of donor status. The Annual Forum of the Association for Institutional Research (AIR) (29/5/2004 - 2/6/2004), 1-24, Boston, MA.
  7. Klostermann, B. K. (1997). Development and concurrent validity of a" motivation to give" scale. Dissertation Abstracts International: Section B. Sciences and Engineering, 57(01), 686.
  8. Lorange, P. (2008). Thought leadership meets business: How business schools can become more successful: Cambridge University Press.
  9. Nikita, V. M., Elena, S. S., & Ulyana, M. S. (2015). Motivation system of students and teaching staff of higher educational institutions for research work accomplishment. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 166, 265-269.
  10. Outcalt, C. L., & Skewes-Cox, T. E. (2002). Involvement, interaction, and satisfaction: The human environment at HBCUs. The Review of Higher Education, 25(3), 331-347.
  11. Patouillet, L. (2001). Alumni association members: Attitudes toward university life and giving at a public AAU institution.
  12. Pearson, J. (1999). Comprehensive Research on Alumni Relationships: Four Years of Market Research at Stanford University. New directions for institutional research, 26(1), 5-21.
  13. Pfeifer, P. E. (2017). Alumni Giving. Darden Business Publishing Cases.
  14. Rialp-Criado, A., & Rialp-Criado, J. (2018). Examining the impact of managerial involvement with social media on exporting firm performance. International Business Review, 27(2), 355-366.
  15. Taylor, A. L., & Martin, J. C. (1995). Characteristics of alumni donors and nondonors at a research I, public university. Research in Higher Education, 36(3), 283-302.
  16. Weerts, D. J., & Ronca, J. M. (2008). Characteristics of alumni donors who volunteer at their alma mater. Research in higher education, 49(3), 274-292.
  17. Wunnava, P. V., & Lauze, M. A. (2001). Alumni giving at a small liberal arts college: Evidence from consistent and occasional donors. Economics of Education Review, 20(6), 533-543.

A STUDY ON THE ANTECEDENCES

AND CONSEQUENCE OF THE RELATIONSHIP

BETWEEN ALUMNI AND UNIVERSITY:

CASE STUDY OF INDUSTRIAL UNIVERSITY

OF HO CHI MINH CITY (IUH)

• TRAN THI TINH

Ph.D BUI THANH KHOA

• Ph.D NGUYEN VAN THANH TRUONG

Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study examines the antecedences and consequence of the relationship between alumni and the university in the case of the Industrial University of Ho Chi Minh City (IUH). Qualitative and quantitative research methods were used in this study. This study’s findings indicate that the consequence of the relationship between alumni and the university is the motivation. The antecedences of the relationship between alumni and the university include perceived need and efficiency, alumni involvement, alumni satisfaction, and altruistic values and preferences.

Keywords: perceived need and efficiency, involvement, satisfaction, altruistic values and preferences, giving motivation, alumni.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2021]