Nguồn nhân lực cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững

Bài báo "Nguồn nhân lực cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững" do ThS. GVC. Trần Thị Bích Dung (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Văn Lang); ThS. GVC. Trần Bá Thọ (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Phát triển bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu thu hút sự quan tâm đối với chính phủ các quốc gia trên thế giới. Đạt được mục tiêu này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế và phúc lợi công cộng. Vì vậy, việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước rất quan trong. Nội dung bài viết này sẽ phân tích vai trò và thực trạng của nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất các giải pháp chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ ở Việt Nam trong tương lai.

Từ khóa: nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới hiện nay và trong tương lai. Đây là bộ mục tiêu được thiết kế nhằm hướng dẫn phát triển toàn diện và bền vững cho gần 200 quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc. Mục tiêu dự kiến ​​sẽ đạt được vào năm 2030 thông qua nỗ lực hợp tác và các giải pháp đổi mới nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất là Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

nguồn nhân lực
Hình minh họa

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới đòi hỏi phải sử dụng tổng hợp có hiệu quả của nhiều công cụ, trong đó công cụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) là công cụ then chốt bên cạnh các công cụ khác. Hiện nay, vai trò của KH, CN&ĐMST đối với mục tiêu phát triển bền vững gặp nhiều thuận lợi vì đã được khẳng định trong quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong một số chínhphát triển bền vững sách liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh việc trang bị máy móc thiết bị, nguồn nhân lực cho KH, CN&ĐMST là vấn đề cần phải quan tâm và có chiến lược phát triển dài hạn, vì đây là động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc phân tích vai trò và thực trạng của đội ngũ nghiên cứu KH, CN&ĐMST là vấn đề cấp thiết hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp chính sách phát triển nguồn nhân lực cho KH, CN&ĐMST là nội dung chính của đề tài này.

2. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu: Bài viết phân tích vai trò, thực trạng nguồn nhân lực cho KH, CN&ĐMST của Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất các giải pháp chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực KH, CN&ĐMST phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

Phương pháp phân tích: Bài viết dựa vào nguồn thông tin thứ cấp, các dữ liệu thu thập được, trên cơ sở đó sử dụng phương pháp thống kê phân tích từ giai đoạn 2015-2021 để thực hiện đề tài.

3. Nội dung nghiên cứu

3.1. Cơ sở lý luận

 - Nguồn nhân lực là một trong yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Nguồn nhân lực cho KH, CN&ĐMST ở đây chính là trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người lao động; là kiến thức, kỹ năng của người lao động. Muốn được như vậy, người lao động phải được đào tạo qua hệ thống giáo dục và những kinh nghiệm tích lũy từ trong thực tiễn. Vốn nhân lực bao gồm kỹ năng được tích lũy trong trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học, đại học và các chương trình huấn luyện nghề nghiệp của lực lượng lao động. Việc tăng cường giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm cho người công nhân cho phép họ sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn từ cùng một lượng vốn vật chất.[1]

-  Lĩnh vực khoa học và công nghệ bao gồm các hoạt động như: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nghiên cứu khoa học là quá trình tìm hiểu về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy, cũng như tìm ra giải pháp có thể áp dụng vào đời sống thực tế của con người. Phát triển công nghệ là nghiên cứu các hoạt động nhằm tạo ra và phát triển hoàn thiện những sản phẩm mới và công nghệ mới. Phát triển công nghệ trải qua 2 quá trình là triển khai thực nghiệm, sau đó là sản xuất thử nghiệm để kiểm tra những tính năng của công nghệ đó. Triển khai thực nghiệm là hoạt động sử dụng những nghiên cứu khoa học có khả năng để làm công tác thực nghiệm nhằm tạo ra được sản phẩm mới và công nghệ mới. Kế đến sản xuất thực nghiệm là hoạt động sử dụng kết quả từ khâu triển khai thực nghiệm để bắt đầu tiến hành sản xuất những mẫu sản phẩm đó với số lượng nhỏ để nắm bắt tình hình của sản phẩm đó và hoàn thiện nó trước khi đưa và đời sống và sản xuất.[2]

-  Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật và công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.[3]

- Phát triển bền vững (Sustainable Development) [4] được định nghĩa là quá trình phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội về mọi mặt ở hiện tại và vẫn đảm bảo sự tiếp tục phát triển của thế hệ tương lai. Nói cách khác, phát triển bền vững nhằm mục tiêu tạo ra một sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế bền vững nhằm mục tiêu tạo ra sự phồn thịnh và ổn định kinh tế mà không làm kiệt quệ các tài nguyên thiên nhiên và dẫn đến hậu quả tiêu cực về lâu dài. Thứ hai, công bằng xã hội và việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo mọi người có quyền tiếp cận với giáo dục, y tế và cơ hội làm việc trong một xã hội ổn định và công bằng. Thứ ba, bảo vệ và bảo tồn môi trường cho tương lai, bao gồm việc giảm thiểu ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Mục tiêu của phát triển bền vững là xây dựng một xã hội vững mạnh, lành mạnh và công bằng. Điều này có nghĩa là đáp ứng nhu cầu đa dạng của tất cả mọi người trong cộng đồng hiện tại và tương lai, thúc đẩy phúc lợi cá nhân, sự gắn kết và hòa nhập xã hội, đồng thời tạo ra cơ hội bình đẳng.

3.2. Nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

3.2.1. Vai trò nguồn nhân lực KH, CN&ĐMST đối với phát triển bền vững

Nguồn nhân lực cho KH, CN&ĐMST là yếu tố quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội và phát triển bền vững, nó cũng quyết định đến quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm nhanh chóng hòa nhập nền kinh tế nước ta với khu vực và quốc tế. Suy cho cùng, chính con người mới là yếu tố cơ bản nhất và quan trọng nhất của toàn bộ lực lượng sản xuất.

Nguồn nhân lực KH, CN&ĐMST [5] là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước, của thị trường lao động hiện nay. Phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng là vấn đề hết sức cấp bách, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định, hội nhập sâu rộng với quốc tế. Nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vai trò hết sức quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước bởi vì:  

- Thứ nhất, nền tảng cho sự phát triển KH, CN&ĐMST chính là lực lượng các nhà nghiên cứu KH, CN. Đây là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng hệ thống cơ sở khoa học và thực tiễn, từ đó giúp Đảng và Nhà nước xác định đường lối chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển đất nước; đồng thời là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện các đường lối, chính sách đó.

- Thứ hai, nguồn nhân lực KH, CN&ĐMST là lực lượng chính đảm nhiệm việc nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, tiến hành sản xuất thử nghiệm và ứng dụng các phương pháp mới, các thiết bị, công cụ mới vào sản xuất; cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Thứ ba, đây là đội ngũ tiên phong tiếp cận với những thành tựu, tiến bộ khoa học của thế giới. Lực lượng này có nhiệm vụ học hỏi, trao đổi với thế giới bên ngoài về những phát minh trong nghiên cứu khoa học, những sáng kiến kỹ thuật; lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới của thế giới sao cho phù hợp với sự phát triển các ngành trong nền kinh tế.

- Thứ tư, một vai trò không kém phần quan trọng của nguồn nhân lực KH, CN&ĐMST là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tri thức khoa học, tạo cảm hứng cho bộ phận các nhà nghiên cứu trẻ, hăng hái học tập nâng cao trình độ nghiên cứu. Ngoài ra, đây còn là lực lượng quan trọng trong việc phổ biến những cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất cho người lao động.

3.2.2. Thực trạng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN đã trải qua hơn 35 năm với nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước thì ngoài đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà Nước đó là sự phát triển không ngừng của lực lượng các nhà khoa học. Nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam đã và đang phát triển, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Về số lượng, kết quả tổng hợp điều tra của Bộ KH&CN năm 2021 cho biết, cả nước có 187.298 người tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT), tăng gần 2.000 người so với 2 năm trước đó. Tỷ trọng các nhà nghiên cứu ngày càng tăng, từ 78,12% năm 2015 lên 83,61% tổng số nhân lực NC&PT năm 2021. Trong khi đó, nhân viên kỹ thuật chỉ chiếm dưới 7% và nhân viên hỗ trợ chiếm dưới 10%. Trong giai đoạn 2015 - 2021, số lượng nhân lực NC&PT của Việt Nam đã tăng đáng kể từ 167.746 lên 187.298 người, tỷ lệ tăng 11,65%, cơ cấu nhân lực NC&PT của Việt Nam đã có sự gia tăng tương đối ổn định, số lượng cán bộ nghiên cứu (những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên tham gia vào hoạt động NC&PT) chiếm khoảng 80%, trong khi cán bộ kỹ thuật dao động từ 6 - 7%, còn lại là cán bộ hỗ trợ. (Bảng 1)

Bảng 1. Nhân lực NC&PT theo chức năng

                                                                                                    Đơn vị tính: Người

Chức năng

2015

2017

2019

2021

 Nhà nghiên cứu

131.045

136.070

150.089

156.588

 Nhân viên kỹ thuật

11.522

11.066

12.970

12.424

 Nhân viên hỗ trợ

24.179

25.547

22.377

18.286

 Tổng cộng

167.746

172.683

185.436

187.298

     Nguồn: Điều tra NC&PT, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia 

Về chất lượng, cán bộ nghiên cứu là những người có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên tham gia vào hoạt động NC&PT. Trong những năm qua, số lượng và trình độ của đội ngũ này đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) trong tổng số cán bộ nghiên cứu đã tăng từ gần 50% (2015) lên gần 57,6% (2021). Trong đó, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao (tiến sĩ) tăng nhanh từ khoảng 11% lên 15,62%. Kết quả điều tra NC&PT cho thấy, số lượng nhà nghiên cứu trong các tổ chức giáo dục đại học trên 80.000 người chiếm hơn 50% tổng số nhà nghiên cứu trên cả nước. Từ năm 2015 - 2021, trình độ của các nhà nghiên cứu trong khu này được cải thiện đáng kể, số lượng nhà nghiên cứu có trình độ tiến sĩ tăng hơn 90% từ 9.624 lên 18.298 người. Trong khi đó, số nhà nghiên cứu trong các tổ chức NC&PT có xu hướng giảm dần trong những năm qua cả về số lượng và tỷ trọng so với cả nước từ 29.786 (22,73%) xuống còn 25.437 (16,24%) người năm 2021.

Về cán bộ nghiên cứu quy đổi tương đương toàn thời gian, theo số liệu từ điều tra của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (2021), tỷ lệ quy đổi cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (FTE) của Việt Nam năm 2021 là 75.665 người, tăng 2.674 người so với năm 2019. Bình quân Việt Nam có 7,68 cán bộ nghiên cứu FTE trên 1 vạn dân, hay 1,54 FTE trên 1 nghìn lao động. So sánh trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 (sau Thái Lan và Malaysia) về số lượng cán bộ nghiên cứu theo FTE. Nếu so sánh về số cán bộ nghiên cứu trên 1 vạn dân thì Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore (69,2), Malaysia (23,6) và Thái Lan (12,1) [6].

Tuy nhiên, sự phát triển nguồn nhân lực cho KH,CN & ĐMST trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế nhất định: nhân lực KH&CN mặc dù có tăng về số lượng và phát triển về chất lượng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhận thức của nhân lực KH&CN về vị trí, vai trò, trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước còn chưa cao; môi trường thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhân lực KH&CN chưa được hoàn thiện, chưa có cơ chế chính sách đột phá để nhân lực KH&CN trở thành nguồn lực cốt yếu của sự phát triển đất nước.

3.3. Đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

- Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đổi mới chưa từng có từ trước đến nay đối với hoạt động KH&CN. Trong đó, đặc biệt chú ý các chính sách: đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh cán bộ khoa học và công nghệ; tuyển dụng cán bộ nghiên cứu sinh, thực tập sinh, chuyên gia khoa học và công nghệ trong và ngoài nước nhất là các chuyên gia giỏi, đầu đàn trong các lĩnh vực; đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ dựa trên những đóng góp giá trị của họ; áp dụng chính sách lương hợp lý để thu hút cán bộ NC&KH [7].

- Thứ hai, tuyên truyền và phổ biến Luật Khoa học và Công nghệ. Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng các cơ quan và đội ngũ các nhà khoa học thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật KH&CN để phát huy năng lực nghiên cứu tiềm năng của các nhà khoa học. Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm về mục tiêu, ý nghĩa, quan điểm, yêu cầu và nội dung của hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.[7]

- Thứ ba, có chiến lược đào tạo và thu hút các nhà khoa học. Các cấp lãnh đạo ở các địa phương cần chú trọng và có chiến lược đào tạo dài hạn các nhà khoa học trẻ tiềm năng, tạo điều kiện để họ phấn đấu và cống hiến lâu dài cho sự nghiệp nghiên cứu KH&CN. Cần đẩy nhanh việc đào tạo các cán bộ nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhất là cho các ngành kinh tế trọng yếu và các ngành công nghệ cao, trẻ hóa đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu, các trường học và các doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ phát triển thị trường nhân lực khoa học, công nghệ. Bố trí và phân công các cán bộ nghiên cứu khoa học theo đúng chuyên môn, ngành nghề của họ. Thực hiện các chính sách ưu đãi như thuế thu nhập, miễn giảm thuế đối với các dự án nghiên cứu KH&CN, đồng thời và tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ phát huy năng lực nghiên cứu KH&CN.

- Thứ tư, trang bị cơ sở vật chất, các thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu KH&CN. Trong những năm qua, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu khoa có sự quan tâm và đổi mới nhiều nhưng so sánh với các nước tiên tiến thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Vì vậy, chúng ta cần phải nâng cấp các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa và phát triển công nghệ. Luật Khoa học - Công nghệ khẳng định rõ mức chi ngân sách hàng năm cho khoa học - công nghệ từ 2% trở lên và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học - công nghệ.[8] Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, tỷ trọng đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu các sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3-5% nguồn ngân sách [7]. Do đó, ngoài nguồn vốn từ ngân sách cần tranh thủ thu hút vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp cho việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu KH&CN

- Thứ năm, tận dụng xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước nhằm mở rộng quan hệ quốc tế về khoa học và công nghệ. Nếu không thực hiện có hiệu quả quan hệ hợp tác và trao đổi quốc tế về nghiên cứu và triển khai thì không thể tiếp nhận được khoa học và công nghệ tiên tiến của nhân loại, không thể tranh thủ nhân tố ngoại sinh hết sức cần thiết để làm biến đổi các nhân tố nội sinh, thúc đẩy năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quốc gia. Việt Nam cần coi trọng hợp tác quốc tế, trao đổi học tập các nhà nghiên cứu khoa học nhằm phát triển các ngành công nghệ cao, ưu tiên hợp tác đầu tư nước ngoài để đào tạo đội ngũ các nhà khoa học ở những vực phát triển trong tương lai như điện tử, trí tuệ thông minh…

4. Kết luận

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế bền vững nói riêng và phát triển bền vững nói chung, yếu tố KH, CN&ĐMST giữ vai trò vô cùng quan trọng. Trong đó, đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học, công nghệ là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển KH, CN&ĐMST ở Việt Nam. Thời gian qua, lực lượng các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật đã không ngừng gia tăng về số lượng lẫn chất lượng, đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ còn bộc lộ những mặt hạn chế về năng lực nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới vào thực tế sản xuất nên chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần mạnh dạn triển khai các giải pháp nhằm phát triển hơn nữa nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu KH, CN&ĐMST đáp ứng yêu cầu mục tiêu phát triển bền vững.

Song, việc nghiên cứu nguồn nhân lực cho KH, CN&ĐMST vì mục tiêu phát triển bền vững là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải có sự đầu tư nhiều hơn, nghiên cứu sâu hơn cho từng vấn đề cụ thể. Nghiên cứu này gợi mở cho các nghiên cứu sau nhằm đi sâu hơn từng giải pháp cụ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. N. Gregory Mankiw (2019). Kinh tế học vĩ mô. Nxb Cengage Learning.
  2. Phạm Hà (2024). Khái niệm khoa học công nghệ là gì và những vấn đề xoay quanh. Truy cập tại https://timviec365.vn/blog/khai-niem-khoa-niem-khoa-hoc-cong-nghe-la-gi-new4443.html
  3. Đặng Văn Cử (2022), Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó. Truy cập tại http://dost-bentre.gov.vn/tin-tuc/2748/doi-moi-sang-tao-va-cac-dac-tinh-cua-no
  4. Học viện quản lý PACE. Phát triển bền vững là gì? Tổng quan về phát triển bền vững. Truy cập tại https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/phat-trien-ben-vung-la-gi
  5. Trần Thị Minh Trâm, Lê Văn Phục (2023). Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện nay, Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/827162/phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc%2C-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-o-cac-tinh-mien-trung-va-tay-nguyen-hien-nay.aspx
  6. Bộ Khoa học & Công nghệ, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (2024). Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Nxb Khoa học và Kỹ thuật.
  7. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2020). Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở Việt Nam hiện nay. Truy cập tại https://vass.gov.vn/tap-chi-vien-han-lam/nguon-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-o-viet-nam-hien-nay-34
  8. Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13.

HUMAN RESOURCES FOR SCIENCE - TECHNOLOGY AND INNOVATION FOR THE GOAL OF SUSTAINABLE DEVELOPMENT

Senior lecturer, Master. Tran Thi Bich Dung1

Senior lecturer, Master. Tran Ba Tho2

1Faculty of Business Administraion, Van Lang University

2Faculty of Economics, School of Economics, Law and Public Administration, University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

Sustainable development is always the top goal of governments around the world. Sustainable development strongly promotes national development in all aspects, including economy, society, environment, culture, education, health, and public welfare. Therefore, it is essential to identify the factors affecting the sustainable development goals of a country. This study analyzed the role and current situation of human resources for scientific research, technology, and innovation in Vietnam in recent times. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to strongly develop the force of science and technology researchers in Vietnam in the future.

Keywords: human resources, science and technology, sustainable development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]