Tóm tắt:
Nhân tố con người và phát huy nguồn lực con người ngày càng được khẳng định là vấn đề trung tâm trong phát triển của mỗi quốc gia. Bài viết nghiên cứu về nguồn nhân lực và thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, từ đó, đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ khóa: nhân lực, nguồn nhân lực, nhân tố con người, hội nhập kinh tế.
1. Đặt vấn đề
Cho đến nay, vẫn chưa có sự thống nhất trong cách định nghĩa về nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đến từ những cách tiếp cận khác nhau, song về cơ bản khái niệm này nhằm chỉ những người lao động có trình độ ứng với một ngành nghề cụ thể. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đó là: có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng, có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc.
Hiện nay, các quốc gia đều tập trung vào việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển để nhanh chóng rút khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới.
2. Thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức từ khá sớm, kể từ đại hội lần thứ VI năm 1986. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhận thức trên càng được đề ra một cách cụ thể. Tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”[1]. Quan điểm này đánh dấu bước phát triển trong nhận thức về vai trò của nhân tố con người trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững, coi phát triển nguồn nhân chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Đại hội XII (năm 2016) Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao với quan điểm:“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”[2]. Trên cơ sở đó, Đại hội XII đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất - kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”[3].
Kế thừa tinh thần các đại hội trước, Đại hội XIII (năm 2021) tiếp tục xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”[4]. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”[5]. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Từ những chủ trương trên, đến nay, nguồn nhân lực của Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ. So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào. Năm 2021, tổng dân số Việt Nam là 98,51 triệu người, trong số này, có 50,5 triệu người đang ở độ tuổi lao động, chiếm tới 67,7% dân số. Tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động ở nhóm tuổi từ 25-29 là cao nhất.
Chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam cũng đã có sự cải thiện đáng kể. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nam đã tăng từ 0,66 lên 0,69 trong 10 năm 2010 - 2020. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có điểm cao nhất về chỉ số vốn nhân lực[6].
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam từ 40% năm 2010 lên 65% năm 2020, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo liên tục tăng lên qua các năm, từ 15,4% vào năm 2011 đã tăng lên 24,1% vào năm 2021[7]. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng lên, làm cho chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam không ngừng được cải thiện. Thế nhưng, con số đạt chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp lớn vẫn còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang quốc tế, không đủ lao động có chuyên môn, tay nghề cao. Mặc dù tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng lên, nhưng tốc độ tăng rất chậm, từ năm 2011, tỷ lệ này là 15,4% thì đến năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo mới chỉ đạt 24,1%, với tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn chỉ tầm 5%/năm. Trong khi đó, nếu so sánh với các quốc gia ngay trong khu vực, thì tỷ lệ này ở Indonesia là 42%, ở Maylaisia con số này lên đến 66,8%[8].
2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở đánh giá thực trạng của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay và nhận thức đúng về xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới trong những năm tiếp theo, tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Nội hàm về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đã được xác định rõ hơn, đó là “nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt” và cần tiếp tục gắn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với “ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Chính vì vậy, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đại hội XIII đã đề ra định hướng tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Để thực hiện định hướng trên, trong thời gian tới, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam cần tập trung cho những nội dung sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Mặc dù nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng được xác định là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, nhưng lại chưa được các cấp, các ngành và các địa phương, đơn vị quan tâm đúng mức. Trong các chủ trương, quyết định đầu tư của các dự án, công trình, chủ đầu tư thường chỉ quan tâm đến đất đai, vốn, công nghệ, mà ít quan tâm đến nguồn nhân lực. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về nguồn nhân lực chất lượng cao, phải coi đây nguồn tài nguyên quý giá nhất đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Cần xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý, nhà trường, doanh nghiệp, gia đình cũng như mỗi cá nhân. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và sự vào cuộc của toàn xã hội, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, người sử dụng lao động cho đến cá nhân từng người lao động.
Thứ hai, đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng, cũng như về trí lực và thể lực.
Giáo dục và đào tạo chính là một trong những yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố cơ bản nhất đưa đến thành công của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, làm cho giáo dục và đào tạo thực sự là phương tiện đắc lực để phát triển trí tuệ, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Việt Nam cần thực sự coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển, vì vậy cần xây dựng một xã hội học tập theo phương châm học suốt đời, học mọi lúc mọi nơi. Thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trong các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Chú trọng trang bị các kỹ năng mềm cho người học; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp ngay từ bậc học phổ thông giúp người học có định hướng đúng đắn, từ đó xác định động cơ và học tập rõ ràng.
Thứ ba, có chính sách đãi ngộ để thu hút, sử dụng và phát huy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực.
Thực tế ở Việt Nam, nhân lực chất lượng cao chủ yếu làm việc cho khu vực công, có quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ mà chủ yếu là tiền lương vẫn nằm trong hệ thống thang, bảng lương chung đối với công chức, viên chức. Tiền lương và đãi ngộ cho công chức, viên chức tuy đã có cải thiện, song vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, tiền lương khu vực công so với khu vực tư còn thấp, hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc. Cũng chính do tiền lương không đủ chi trả cho các nhu cầu trong cuộc sống, dẫn đến “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc nhiều trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư nhân, trong đó, khối Giáo dục là 16.000 người, khối Y tế là hơn 12.000 người. Như vậy lương thấp, chế độ đãi ngộ không đảm bảo và không phản ánh đúng giá trị sức lao động, khiến cho nhiều nhân tài, đặc biệt là những người trẻ đang có xu hướng rời bỏ khu vực công ra ngoài làm việc[9].
Từ thực tế trên, cần nghiên cứu đổi mới chế độ tiền lương theo nguyên tắc thị trường; xây dựng và thực hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với kết quả công việc, trình độ và năng lực của người lao động. Với tư cách là chủ thể quản lý và sử dụng, Nhà nước cần xây dựng và thi hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và trọng dụng nhân lực chất lượng cao một cách hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước được quyết định bởi trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, hiệu quả công tác của nguồn nhân lực này. Do vậy, việc trọng dụng và sử dụng nhân tài phải đi đôi với chế độ đãi ngộ tương xứng, giúp những người tài thực sự yên tâm tập trung vào công việc, đồn hết tâm huyết, trí tuệ vào việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, các ngành công nghiệp nền tảng.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ làm tăng tiềm lực và sức mạnh của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, quyết định đến thành công của việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Công nghiệp nền tảng (như xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành ngày 17/11/2022), bao gồm các ngành: luyện kim (ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, nhất là cho quốc phòng, an ninh); cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế); hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón); công nghiệp năng lượng (ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới); vật liệu (ưu tiên phát triển vật liệu mới); công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn là những ngành tạo dựng cơ sở vật chất cho kinh tế - xã hội, đóng vai trò cung cấp đầu vào, công cụ máy móc, tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp khác[10].
Trong điều kiện nước ta chưa có đủ điều kiện, khả năng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tất cả các ngành, lĩnh vực, cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như yêu cầu của Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII, cần tập trung cho những ngành, lĩnh vực trọng tâm, then chốt của nền kinh tế để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực.
3. Kết luận
Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”[11]. Đồng thời, kiên định con đường, mục tiêu phát triển toàn diện - phát triển bền vững. Cụ thể, về phát triển kinh tế, đảm bảo đường lối, chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển xã hội là những chính sách an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, phát triển con người; đảm bảo duy trì chính sách thân thiện với môi trường, chú trọng quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý và có các chính sách về khai thác các nguồn năng lượng sạch gắn với tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái. “Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[12]. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và phát huy cao độ các nguồn lực để thực hiện được mục tiêu trên.
Trong những nguồn lực cần huy động, nguồn lực con người vẫn sẽ là yếu tố quyết định, bởi đây được coi là nguồn lực vô tận, phong phú, vô giá, quý báu nhất, duy nhất sáng tạo và có khả năng sinh ra giá trị lớn hơn nhiều lần bản thân nó, trong quá trình sản xuất xã hội. Khả năng sáng tạo, tích cực, chủ động của nhân tố con người cho phép khai thác tính vô tận của đối tượng sản xuất và quy trình công nghệ. Do đó, chú trọng phát triển nhân tố con người, nguồn lực con người chính là sự bảo đảm cho sự phát triển và phồn vinh của đất nước trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, tr.130.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, tr.90.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, tr 116.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, t.I, tr.203-204.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, t.I, tr 232-233.
[6] Ninh Thị Hoàn Lan (2022). Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế số ở Việt Nam. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-trong-boi-canh-nen-kinh-te-so-tai-viet-nam-89049.htm.
[7] Lê Nam Sơn (2022). Những thành tựu không thể phủ nhận trong phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2011-2021. Tạp chí Công Thương, số 2/2022, tr.21.
[8] Ninh Thị Hoàn Lan (2022). Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế số ở Việt Nam. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-trong-boi-canh-nen-kinh-te-so-tai-viet-nam-89049.htm.
[9] Nguyễn Thị Hương (2023). Thực trạng và giải pháp chính sách thu hút trọng dụng nhân tài trong khu vực công. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-va-giai-phap-chinh-sach-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-trong-khu-vuc-cong-105296.htm.
[10] Cổng thông tin điện tử Chính phủ (2022). Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đến năm 2030. Truy cập tại https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-29-nq-tw-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-den-nam-2030-119221129121112971.htm.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, t1, tr.214.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, t1, tr.206.
The current high-quality human resources in Vietnam and existing problems
Ph.D Le Tien Dung
Faculty of Political Theory, Hanoi University of Science and Technology
Abstract:
The human factor and promoting human resources are increasingly being affirmed as the decisive factor for the development of each country. This paper analyzed the human resources and the current high-quality human resources in Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions were proposed to develop high-quality human resources to meet the accelerated industrialization and modernization period of Vietnam.
Keywords: human resources, human resources, human factors, economic integration.