PV: Thưa ông, xin ông cho biết đâu là điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019?
Cục trưởng Phan Văn Chinh: Năm 2019, theo ước tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1%, đây là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dẫn đầu trong khu vực. Các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia,… đều tăng trưởng âm, trong khi đó chúng ta tăng trưởng 8,1%, chúng tôi đánh giá đây là một trong những điểm tích cực, điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà cả trong khu vực và các nước cũng đánh giá cao bức tranh xuất khẩu của Việt Nam.
Một điểm đặc biệt nữa do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cao nên nhập siêu đã được kiểm soát. Năm nay xuất siêu đạt cỡ 10 tỷ USD, góp phần tích cực vào tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Điểm sáng thứ 2, theo tính toán sơ bộ đến 20/12/2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 500 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu theo ngày đạt 1,41 tỷ USD, đây cũng là thành tích, một mức tăng trưởng rất lớn mạnh so với các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia… và các nước khác.
Điểm sáng thứ 3 là các doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng cao hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể tăng trưởng trong nước đạt 17,7%, đầu tư nước ngoài chỉ đạt 4,2%.
Một điểm tích cực nữa, trong nhóm hàng xuất khẩu, nhóm công nghiệp chế biến tăng 10%, cao hơn mức bình quân chung là 8,1%, đây là điểm tích cực, bởi tỷ trọng nhóm công nghiệp chế biến chiếm 84%, còn 9,5% là nhóm nông sản - nông nghiệp. Riêng nhóm khoáng sản chiếm 1,4%, đạt 4,2 tỷ USD, phù hợp với chủ trương chung của nhà nước là giảm xuất khẩu khoáng sản.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến thể hiện phát triển công nghiệp và sản xuất trong nước. Đây là nguyên nhân các doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng cao hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
PV: Với kết quả xuất nhập khẩu năm 2019, ông nhìn nhận thế nào về bức tranh xuất nhập khẩu năm 2020?
Cục trưởng Phan Văn Chinh: Trước khi nói về bức tranh năm 2020, tôi nói thêm về những yếu tố dẫn đến thành công của năm 2019. Mà cụ thể là công tác phát triển thị trường và đàm phán mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của chúng ta. Và việc mở của thị trường mà Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, đến nay đã định hướng cho sản xuất trong nước. Đây là yếu tố bên ngoài, yếu tố tiêu thụ và trong những năm vừa qua đầu tư nâng cao năng lực sản xuất trong nước ở các lĩnh vực khác thì tăng trưởng mạnh. (Điều này) thể hiện ngay trong kết quả xuất nhập khẩu của chúng ta, mức độ tăng trưởng có quy mô, tốc độ rất cao.
Năm 2020 còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn mở của thị trưởng và bảo hộ mậu dịch của các nước. Xung đột thương mại giữa các nước lớn chưa có nhiều tín hiệu rõ rệt, mặc dù đã có những tín hiệu cho thấy có những thỏa thuận nhất định, nhưng còn rất nhiều khó khăn và do chúng ta đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới do vậy những xung đột thương mại và phòng vệ thương mại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta.
Bên cạnh đó, hàng rào bảo hộ thông qua biện pháp kỹ thuật hết sức tinh vi trong tất cả các lĩnh vực đối với hàng công nghiệp và hàng nông sản mà chúng ta vẫn tiếp tục phải giải quyết.
Thách thức tiếp theo là hoạt động hàng rào kỹ thuật trong phòng vệ thương mại, hiện nay các nước đang áp dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam, nhưng tôi cũng nhấn mạnh thêm về hoạt động phòng vệ thương mại của chúng ta. Bộ Công Thương năm vừa rồi đã chuyển từ trạng thái đi theo trả lời vụ kiện sang chủ động đưa các hàng rào về bảo hộ cho sản xuất trong nước như các biện pháp chống phá giá, trợ cấp, tự vệ đối với thép nhập khẩu, và một số mặt hàng khác. Đây chính là điểm tích cực, điểm sáng mà chúng ta phải tiếp tục áp dụng biện pháp này. Và đây là những biện pháp phù hợp mà Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước trong FTA cho phép.