Những công cụ thành công trong sản xuất công nghiệp thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0

NGUYỄN VĂN NGHIẾN (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Robot, 3D, Big Data,… đang là chủ đề quan tâm của các nhà nghiên cứu, giảng dạy các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn trong các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp. Việc chủ động áp dụng vào thực tiễn của cuộc cách mạng này là cơ sở cho định hướng nghiên cứu, cải tiến chương trình đào tạo trong các viện nghiên cứu và trường đại học, cũng như quyết định hướng nghiên cứu phát triển (R&D), đầu tư đổi mới trong các doanh nghiệp.

Từ khóa: Công cụ thành công, sản xuất công nghiệp, cách mạng 4.0.

1. Giới thiệu

Lịch sử sản xuất công nghiệp đã trải qua 4 giai đoạn phát triển: Cách mạng công nghiệp lần thứ 1 được đánh dấu bằng sự ra đời của động cơ đốt trong; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 là sự ra đời của động cơ điện; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 là sự ra đời của máy tính và tự động hóa; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển trên 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, gồm có: Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet kết nối vạn vật (IoT); Robot, 3D, Big Data.

Công nghệ số là công nghệ về các tài nguyên số, khởi đầu từ giữa thế kỷ trước, đã và đang thay đổi nhiều lĩnh vực. Có hai khía cạnh của công nghệ số, một là việc số hóa và hai là việc quản trị và xử lý các dữ liệu được số hóa.

Công nghệ số có phần chung rất lớn với công nghệ thông tin, đó là phần quản trị và xử lý dữ liệu được số hoá. Trải qua các làn sóng của công nghệ số, những đột phá trong thời gian gần đây như điện toán đám mây, thiết bị di động thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật (IoT)… đang tạo điều kiện cho sản xuất thông minh được thực hiện rộng rãi, mở đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực làm cho máy tính không những biết tính toán mà còn có các khả năng của trí thông minh con người, các khả năng lập luận, hiểu ngôn ngữ và biết học tập. Lĩnh vực học máy (machine learning) hướng đến mục đích máy có thể tự học để nâng cao năng lực hành động, một lĩnh vực sôi động nhất của trí tuệ nhân tạo.

Rất nhiều đột phá trong công nghệ sinh học và công nghệ nano những năm qua, và các công nghệ này cũng liên quan rất nhiều đến công nghệ số. Gần đây, việc số hóa trong sinh học phân tử đã trở nên dễ dàng với giá rẻ hơn rất nhiều. Lĩnh vực tin - sinh học dựa vào các phương pháp của học máy để phân tích nguồn dữ liệu sinh học khổng lồ nhằm khám phá các hiểu biết về sự sống đang góp phần vào những tiến bộ của công nghệ sinh học, mở ra nhiều triển vọng cho y học, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Công nghệ nano cũng có những bước tiến hứa hẹn dựa vào công nghệ số.

2. Công cụ thành công trong quản trị sản xuất kỷ nguyên công nghệ 4.0 là gì?

Theo sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp, chúng ta đã chứng kiến những công cụ thành công trong quản trị sản xuất. Cụ thể:

  • Giai đoạn 1850 - 1900: Sáng kiến lắp lẫn các chi tiết máy móc được đưa ra bởi kỹ sư cơ khí người Mỹ Éli Whiney nhờ đó có thể tăng quy mô của loạt sản xuất, tiết kiệm chi phí.
  • Giai đoạn 1900 - 1950: Nghiên cứu thời gian làm việc của người công nhân; Tiêu chuẩn hóa công việc nhờ đó tăng năng suất lao động gắn liền với sáng kiến của Frederick Winslow Taylor. Nghiên cứu thao tác của công nhân, cải tiến quy trình sản xuất -- sáng kiến của Frank Bunker Gilbreth. Cải tiến dụng cụ đo và dung sai, giảm thao tác công nhân, tổ chức dây chuyền sản xuất của Henry Ford…
  • Giai đoạn 1950 - 2000: Kiểm soát chất lượng sản phẩm (SPC) và Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) của Edwards Deming. Quản lý hàng tồn kho, Sản xuất đúng lúc (JIT), Hệ thống sản xuất của TOYOTA -- Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) của Eiji Toyoda và Taichi Ono…

Ngày nay, cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với áp lực toàn cầu hóa các nền kinh tế, các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất sẽ trải qua giai đoạn có nhiều thử thách lớn.

Chiến lược toàn cầu hóa của các doanh nghiệp: Có 7 nhân tố thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa của các doanh nghiệp, bao gồm: (i) Thu hẹp sự khác biệt trong nhu cầu tiêu dùng giữa các quốc gia và các vùng lãnh thổ; (ii) Giá các nguồn lực (nhân công, nguyên liệu, năng lượng...) thay đổi lớn từ khu vực này đến khu vực khác; (iii) Chi phí logistics và chi phí thông tin giảm rất nhanh làm cho chi phí kinh doanh tầm quốc tế rẻ hơn; (iv) Sức ép cạnh tranh về giá rẻ đòi hỏi các doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm; (v) Chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng theo cấp số nhân; (vi) Chính sách khuyến khích của các chính phủ đối với phát triển thị trường toàn cầu nhằm cân bằng ngân sách quốc gia; (vii) Sự xuất hiện của các kênh phân phối mới. Các nhân tố này đã thúc đẩy FDI, làm tăng nhanh các doanh nghiệp đa quốc gia và cạnh tranh, sản xuất, chuỗi cung ứng, khách hàng... tất cả đều là phạm vi toàn cầu ngay cả đối với doanh nghiệp mới khởi sự, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vòng đời sản phẩm ngắn, tính tùy biến tăng: Tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất diễn ra với tốc độ cao, tiến bộ trong các ngành sản xuất vật liệu, sản xuất máy công cụ và các ngành có liên quan dẫn đến vòng đời sản phẩm ngắn hơn. Chu kỳ sống của nhiều sản phẩm giảm từ vài năm xuống dưới 1 năm, thậm chí tính bằng tháng. Tăng trưởng GDP dẫn đến tăng thu nhập của nhân dân, gu tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi cao về chất lượng và đa dạng về chủng loại làm cho sản phẩm mang tính tùy biến cao và cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường khác nhau trên toàn thế giới. Sản xuất 4.0 sẽ hướng tới các công cụ thành công mới: Kết nối, tích hợp, tự động và quản lý theo thời gian thực; Tùy biến cao, linh hoạt và tối ưu hóa chi phí; Hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS), và công nghệ sản xuất mới.

2.1. Kết nối, tích hợp, tự động và quản lý theo thời gian thực

“Sản xuất 4.0” được đặc trưng bởi  kết nối, tích hợp và tự động, nhằm tạo ra năng suất cao và giá trị lớn trên toàn bộ chuỗi sản xuất - cung cấp sản phẩm. Internet và công nghệ kỹ thuật số ngày nay cho phép tạo ra một hệ thống toàn cầu và kết nối từ nhà cung cấp đầu tiên đến khách hàng cuối cùng chuỗi cung ứng.

Công nghệ 4.0 cho phép các doanh nghiệp liên kết lại với nhau ở cấp độ liên kết cao nhất -- cấp độ 4 về mức độ liên kết tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng [Harland, 2003], gồm:

(1) Nhà cung cấp: là những thành viên bên ngoài, có năng lực sản xuất không giới hạn, rất nhiều nguyên vật liệu, bán thành phẩm, phụ tùng, được chuyển tới doanh nghiệp từ nhiều đơn vị bên ngoài, tạo thành mạng lưới các nhà cung cấp của các nhà cung cấp được phân lớp ở Hình 1. Chiến lược toàn cầu hóa của các doanh nghiệp dẫn đến mạng lưới các nhà cung cấp rộng lớn hơn bao gồm cả nhà cung cấp nội địa và nước ngoài. Đối mặt với biến động từ các nhân tố không chắc chắn của môi trường kinh doanh, chuỗi cung ứng càng dài, tích lũy biến động càng lớn (hiệu ứng Bullwhip) thách thức cung cấp sản phẩm đúng thời gian (JIT) càng lớn.

(2) Nhà sản xuất: Gồm các doanh nghiệp gia công, chế biến nguyên liệu thành sản phẩm, có sử dụng nguyên liệu và bán thành phẩm của các nhà sản xuất khác.

(3) Nhà phân phối: Là các doanh nghiệp tiến hành mua lượng lớn sản phẩm từ các nhà sản xuất và phân phối sỉ các dòng sản phẩm đến khách hàng. Chức năng chính của nhà bán sỉ là điều hòa các biến động nhu cầu sản phẩm cho các nhà sản xuất bằng cách dự trữ hàng tồn kho và thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh để tìm kiếm và phục vụ khách hàng. Nhà phân phối thực hiện các chức năng quản lý tồn kho, vận hành kho, vận chuyển sản phẩm, hỗ trợ khách hàng và dịch vụ hậu mãi.

(4) Nhà bán lẻ: Là những người chuyên trữ hàng và bán với số lượng nhỏ cho khách hàng. Khách hàng của các nhà bán lẻ chủ yếu là người tiêu dùng cuối cùng. Nhà bán lẻ chính là đối tượng có được thông tin đầy đủ và tức thời nhất về nhu cầu và những thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng của khách hàng trong chuỗi cung ứng, bao gồm các cửa hàng bán lẻ, các hệ thống siêu thị, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

(5) Khách hàng/người tiêu dùng: Là đối tượng tiêu thụ và sử dụng sản phẩm cuối cùng ở vị trí cuối cùng trong chuỗi cung ứng (thị trường). Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, khách hàng là người mua/sử dụng sản phẩm để tạo thành một sản phẩm khác rồi bán cho khách hàng khác.

Tích hợp mạng phân phối (DRP) với kế hoạch sản xuất (MPS) và mạng cung cấp (MRP)

Hình 1: Mô hình tích hợp từ kế hoạch bán hàng đến kế hoạch sản xuất và kế hoạch cung cấp vật tư

Hình 1: Mô hình tích hợp từ kế hoạch bán hàng đến kế hoạch sản xuất và kế hoạch cung cấp vật tư

Tin học hóa mối quan hệ liên kết cho phép các doanh nghiệp lập kế hoạch và điều tiết hoạt động kinh doanh xuyên suốt bằng cách tích hợp các phần mềm MRP (Material Requirement Planning) -- Kế hoạch hóa nhu cầu vật tư trong mạng lưới các nhà cung cấp với MPS (Master Plan System) - Kế hoạch sản xuất sản phẩm và DRP (Ditribution Requirement Planning) - Kế hoạch hóa nhu cầu hàng hóa trong mạng phân phối. Thiết lập mối quan hệ trực tiếp với khách hàng nhờ áp dụng công cụ ERP (Enterprise Resource Planning) - Kế hoạch hóa tất cả các nguồn lực kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm nhiều mô đun: Quản lý bán hàng, Quản lý nhà máy, Quản lý tài chính, Quản lý nhân lực, Quản lý mua sắm... kết nối với bộ phận xử lý số liệu trung tâm (Hình 2).

Hình 2: Hệ thống Kế hoạch hóa nguồn lực doanh nghiệp (ERP)

Hình 2: Hệ thống Kế hoạch hóa nguồn lực doanh nghiệp (ERP)

Nhờ vào khả năng thu thập và phân tích dữ liệu lớn, thông tin chính xác từ các máy "thông minh" được cung cấp bởi các khâu (mắt xích) của chuỗi cung cấp gồm có: Các nhà cung cấp vật tư; các nhà sản xuất linh kiện; lắp ráp sản phẩm, các dịch vụ công nghiệp khác nhau như vận tải, kho bãi, bảo trì và các đại lý, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và khách hàng cuối cùng liên quan đến thiết kế sản phẩm lưu thông trong thời gian thực. Các hệ thống kết nối không gian số - thực thể (Cyber-physical systems) được sinh ra, đảm bảo sự hội tụ giữa khoa học máy tính, cơ học và con người. Chuỗi sản xuất tích hợp và tự động hoàn toàn này, được thúc đẩy bởi dữ liệu lớn, dựa trên điện toán đám mây và Internet of Things.

2.2.Tùy biến cao, linh hoạt và tối ưu hóa chi phí

Trong kỷ nguyên này, khoa học kỹ thuật, công nghệ biến đổi nhanh, khách hàng, người tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp ngày càng “khó tính”, đòi hỏi nhiều hơn từ các nhà cung cấp sản phẩm và luôn thay đổi. Vì vậy, nhà máy 4.0 cần đáp ứng những thách thức về khả năng thích ứng, tính linh hoạt và tối ưu hóa chi phí. Theo đó, nhà máy mạng không chỉ thay đổi các quy trình, sản xuất theo mô đun ở quy mô sản xuất lớn để đạt được năng suất cao mà còn có khả năng cung cấp sản phẩm cuối cùng có mức tùy biến lớn theo yêu cầu đặc biệt của từng nhóm nhỏ khách hàng mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng (mass customization for best value) ở quy mô nhỏ. Sản xuất quy mô lớn theo yêu cầu của từng khách hàng, bản chất là sản xuất chuyên môn hóa sản phẩm nhưng đa dạng hóa mẫu mã và các thuộc tính chất lượng nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng ở mức cá biệt cao nhất và sử dụng ưu điểm của sản xuất quy mô lớn với chi phí sản xuất thấp. Kết hợp lợi ích của chiến lược cạnh tranh bằng chi phí thấp và tạo sự khác biệt bằng cách:

- Hướng tới mỗi khách hàng như một phân khúc thị trường mục tiêu, sản xuất phải thỏa mãn nhu cầu đặc biệt cho từng khách hàng.

- Mỗi khách hàng có những yêu cầu đặc biệt (đa dạng hóa), nhưng cũng có nhiều các yêu cầu chung, nhờ mô đun hóa kết cấu sản phẩm nên quá trình sản xuất vẫn đạt được quy mô lớn để tiết kiệm chi phí. Sản xuất 4.0 dựa trên khả năng công nghệ tiến bộ áp dụng trong sản xuất, phân phối và quảng bá sản phẩm với quy mô nhỏ (từng chiếc), nhưng chi phí thấp, bao gồm: Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến; Thiết kế sản phẩm theo mô đun; Hệ thống phân phối qua Internet và Áp dụng các kỹ thuật phân đoạn thị trường mới. Sản xuất có sự trợ giúp của máy tính (CAM) với các bộ vi xử lý liên quan đến phần mềm công nghiệp cho phép các máy giao tiếp với nhau.

Công cụ SMED (Single-Minute Exchange of Die) được đề xuất bởi Shigeo Shingo 

Vào thập niên 50, một trong những công cụ thành công trong sản xuất công nghiệp là sản xuất loạt lớn, sử dụng tính kinh tế nhờ quy mô. Ở thời kỳ này, máy móc thiết bị chủ yếu là thiết bị vạn năng, thời gian điều chỉnh máy móc và các trang bị công nghệ (đồ gá, dụng cụ) dây chuyền sản xuất lớn (hàng giờ, thậm chí hàng ngày). Để tiết kiệm chi phí, người ta thường sản xuất quy mô lởn, như trình bày trong Bảng 1. Hiệu ứng quy mô rất lớn, khi tăng quy mô sản xuất 10 lần, thời gian sản xuất giảm 64%.

Bảng 1. Thời gian hao phí thay đổi theo quy mô lô sản xuất trước khi áp dụng SMED

Thời gian điều chỉnh

Cỡ lô sản xuất

Thời gian tác nghiệp 1 sản phẩm

Tổng hao phí thời gian cho 1 sản phẩm

Tỷ lệ %

4 giờ

100

1 phút

1+ [(4x60)/100] = 3,4 phút

100

4 giờ

1000

1 phút

1+ [(4x60)/1000] = 1,24 phút

36

Tăng quy mô lô sản xuất đến một mức nhất định, tiết kiệm thời gian, doanh nghiệp phải trả giá bằng lượng hàng tồn kho bán thành phẩm. Các nhà quản trị sản xuất sử dụng công cụ thành công mới đó là quy mô lô sản xuất kinh tế:  . Trong đó, D là nhu cầu sản phẩm trong 1 năm; S chi phí điều chỉnh máy móc thiết bị khi thay đổi sản phẩm; H là chi phí lưu trữ 1 sản phẩm trong năm; p là năng suất của dây chuyền sản xuất; d là nhu cầu sản phẩm trong một đơn vị thời gian.

Sản xuất 4.0 với công cụ SMED tập trung vào các giải pháp kỹ thuật, cải tiến máy công cụ cho phép đạt tới thời gian điều chỉnh từ vài giờ xuống vài phút nhờ đó quy mô lô sản xuất kinh tế giảm theo như nguyên lý chỉ ra chỉ ra ở hình 3.

Hình 3 : Hiệu quả của công cụ SMED

Hình 3 : Hiệu quả của công cụ SMED 
Với công cụ này, hiệu ứng quy mô giảm xuống như chỉ ra ở Bảng 2, tăng quy mô lô sản xuất 10 lần thời gian sản xuất chỉ giảm 3%. Nhờ vậy, sản xuất 4.0 tiến tới quy mô siêu nhỏ (đáp ứng nhu cầu cho từng khách hàng) mà chi phí vẫn thấp.

Bảng 2. Thời gian hao phí thay đổi theo quy mô lô sản xuất sau khi áp dụng SMED

Thời gian điều chỉnh

Cỡ lô sản xuất

Thời gian tác nghiệp 1 sản phẩm

Thời gian định mức cho 1 sản phẩm

Tỷ lệ %

3 phút 100 1 phút 1+ [3/100] = 1,03 phút 100
3 phút 1000 1 phút 1+ [3/10000] = 1,003 phút 97

Công nghệ 4.0 có khả năng tự động điều chỉnh các hoạt động của mình, dễ dàng thay đổi sản phẩm nhanh để đạt được hiệu quả. Một dây chuyền lắp ráp xe hơi có thể thay đổi mẫu xe trong vòng vài chục giây, sẵn sàng tiết kiệm năng lượng, phát hiện lỗi trong sản xuất và lắp ráp, thế hệ máy mới này cần có các chức năng mới. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép các "cỗ máy học tập" này khởi xướng các quy trình đổi mới và tự mình thực hiện các sửa đổi cần thiết. Tự động hóa và robot tạo ra khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp của hệ thống sản xuất.

Tối ưu hóa chi phí nhờ công cụ JIT (Just In Time) Chi phí sản xuất là không gian 2 chiều: Số lượng phương tiện sản xuất huy động trong sản xuất và thời gian sử dụng các phương tiện sản xuất đó. Sử dụng phương tiện (máy móc, vật tư, lao động) hay rút ngắn thời gian chu kỳ sản xuất là 2 hướng cơ bản để tiết kiệm chi phí trong sản xuất.  

JIT

Triết lý của JIT là huy động (sử dụng) nguồn lực đúng thời điểm, đúng số lượng cần, không huy động sớm nhờ đó mà tiết kiệm chi phí. JIT được đề xuất bởi các nhà sản xuất công nghiệp Nhật Bản từ những năm 1950 nhưng đến nay vẫn là một công cụ được thảo luận và khai thác rất nhiều. Dựa trên khái niệm lãng phí là các hoạt động trong sản xuất không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, mô hình sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) phân biệt 9 nguyên nhân gây lãng phí: Sản xuất dư thừa (Over - production); Khuyết tật, phế phẩm (Defects); Tồn kho không cần thiết (Inventory); Di chuyển (Transportation); Chờ đợi (Waiting); Thao tác thừa (Motion); Sửa sai (Correction); Gia công thừa (Over-processing); Kiến thức không đủ (Knowledge Disconnection).Mô hình sản xuất và cung ứng JIT đòi hỏi thực hiện toàn diện gồm 7 nội dung: (1) Kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất với các nhà cung cấp, với khách hàng đặc biệt trong việc chia sẻ thông tin, xác định nhu cầu, cập nhật biến động. Cách mạng 4.0 cho phép họ chia sẻ thông tin đầy đủ, cập nhật trong thời gian thực. (2) Sản xuất không tồn kho theo nguyên tắc sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, thiết lập mối quan hệ “Nhà cung cấp - Khách hàng” giữa các khâu của quá trình sản xuất. (3) Cải tiến dòng lưu chuyển sản phẩm trong quá trình sản xuất, thẳng dòng, không vòng vèo, không lặp lại, không nút thắt cổ chai. (4) Thay đổi nhanh sản phẩm trên từng máy móc thiết bị và trên toàn bộ dây chuyền sản xuất (SMED) tiến tới sản xuất lô 1 chiếc (One piece follow). (5) Kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm nhờ các công cụ thống kê, 5S, 6 Sigma… chuyển trách nhiệm về chất lượng sản phẩm về nguồn (nhà cung cấp, người công nhân). (6) Bảo trì hệ thống sản suất toàn diện. (7) Động viên, đào tạo và khuyến khích năng suất đối với người lao động. Tóm lại tùy biến cao, linh hoạt và tối ưu hóa chi phí là nhằm hướng đến mục tiêu “5 không” của sản xuất 4.0 là: Không kỳ hạn; Không phế phẩm; Không hỏng hóc; Không tồn kho; và Không giấy tờ.

2.3. Hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS), các công nghệ sản xuất mới

Hệ thống sản xuất linh hoạt bao gồm nhóm những thiết bị sản xuất, được lắp đặt thành một chuỗi, được nối bởi những thiết bị vận chuyển và điều khiển nguyên vật liệu tự động hóa và được nối với nhau bởi một hệ thống máy tính.

Hình 4: Mô hình hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS)

Hình 4: Mô hình hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS)Công nghệ số các đối tượng trong chuỗi cho phép nối chúng với nhau trên các hệ thống máy tính và nối chúng vào internet, tạo ra không gian số tương ứng với thế giới thực thể. Những hệ thống kết nối thực thể số hóa hay hệ thống không gian số - thực thể là một khái niệm cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0, phản ánh các mối quan hệ của chuỗi sản xuất diễn ra trong thế giới các thực thể. Điều này làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất và quản trị. Nhà quản lý có thể giám sát đối tượng, đánh giá kết quả, can thiệp và hiệu chỉnh quá trình trong thời gian thực (tức thì) thay vì quản trị định kỳ (hàng tuần, hàng ngày). Robot trang bị camera và các cảm biến tự chủ thu nhận thông tin, tương tác với môi trường sản xuất, tham gia kiểm soát hoạt động của máy móc, kiểm soát chất lượng sản phẩm, liên tục báo cáo lỗi hoặc trục trặc kỹ thuật của máy và sản phẩm. Các đội đảm bảo chất lượng can thiệp theo thông tin được cung cấp trong thời gian thực từ các máy móc thiết bị, công nhân và không còn kiểm soát theo một lịch trình định trước. Tương tự, các kỹ thuật viên bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị cũng dễ dàng thực hiện bảo trì hệ thống sản xuất.

Cuối cùng, một công nghệ tiên tiến khác sẽ đóng vai trò trung tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này là công nghệ in 3D, giải pháp in tạo hình không giới hạn cho những chi tiết sản phẩm có hình dạng hình học không thể được sản xuất bằng các kỹ thuật sản xuất truyền thống, thay thế các phôi liệu đắt tiền và giải quyết phần lớn các vấn đề lưu trữ. Thiết kế kỹ thuật số có sự trợ giúp của máy tính (CAD) cho phép trao đổi với khách hàng, các nhà cung cấp, đặt câu hỏi về tính khả thi trong sản xuất, đánh giá các hạn chế của sản xuất, sử dụng mô phỏng để điều chỉnh, cải thiện hoặc thậm chí tùy chỉnh sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Tóm lại, công nghiệp 4.0 đặt nhà máy vào trung tâm của việc tạo ra giá trị, năng suất cao hơn, nhưng cũng có thể đáp ứng nhiều hơn với nhu cầu thị trường. Hiệu quả quản lý sản xuất 4.0 của các doanh nghiệp phụ thuộc vào việc nắm bắt, công nhận, khai thác và phân tích các thách thức, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao cơ sở dữ liệu chính được cung cấp dọc theo chuỗi sản xuất. Những công nghệ dữ liệu lớn này do đó phải đi kèm với an ninh mạng hoàn hảo. Các nhà máy thông minh được kết nối đang làm đảo lộn các mô hình và phương thức sản xuất. Cuộc cách mạng công nghệ vì thế mang lại những thay đổi quan trọng trong tổ chức và quản lý sản xuất, mà điều kiện thành công của việc sử dụng các công cụ này luôn là: Cam kết của lãnh đạo; Phát triển công nghệ 4.0; Cải tiến quy trình quản lý; Đào tạo nhân viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Kagermann, H., Lukas, W., Wahlster, W. (2011). Industry 4.0: Mit dem Internet der Dinge auf dem Weg zur 4.Industriellen Revolution, VDI-Nachrichten. 
    2. Geisberger, E., Broy, M. (2012). 
    Integrierte Forschungsagenda Cyber-Physical Systems, Acatech Studie, Berlin. 
    3. Zuehlke, D. (2010). 
    SmartFactory - Hướng tới nhà máy của mọi thứ, Trong: Đánh giá điều khiển hàng năm của IFAC, Tập 34, Số 1, ISSN 1367-5788.
  2. Douglas M. Lambert (1998). Supply Chain Management: Implemetation Issues and Research Opportunities. The Int. Journal of Logistics Management. Vol.9, No.2, 1998, 1-19
  3. Harland, C., Brenchley, R., Walker, H. (2003). Risk in Supply Networks. Journal of Purchasing and Supply Management, 9(2), 51-62.
  4. B. J. Pine, B. Victor, and A. C. Boynton, Making Mass Customization Work, Harvard Business Review, September-October 1993, pp. 108-21.

TOOLS FOR THE SUCCESS OF INDUSTRIAL MANUFACTURING IN THE CONTEXT OF INDUSTRY 4.0

Dr. NGUYEN VAN NGHIEN

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

The Industry 4.0, which is based on digital, biotechnological and physical advancements, such as the Artificial Intelligence, the Internet of things, robots, 3D and Big Data, is a top interesting topic of  researchers, lecturers, and managers. Understanding and actively implementing advancements of the Industry 4.0 is the orientation for research and training programs of research institutes, universities and the guideline for researching and investing of enterprises.

Keywords: Tools for success, industrial manufacturing, Industry 4.0.