Những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp siêu nhỏ tại tỉnh Hưng Yên hiện nay

ĐỖ THỊ HẠNH (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên)

TÓM TẮT:

Doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp tại Hưng Yên và đóng góp vai trò to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao và tồn tại nhiều hạn chế là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Bài viết nghiên cứu những hạn chế trong chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của các doanh nghiệp siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; và gợi ý một số đề xuất, hướng đi để giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao hơn chất lượng nguồn nhân lực hiện tại.

Từ khóa: Nguồn nhân lực, doanh nghiệp siêu nhỏ, tỉnh Hưng Yên.

1. Đặc điểm tình hình doanh nghiệp siêu nhỏ tại tỉnh Hưng Yên

1.1. Khái niệm doanh nghiệp siêu nhỏ

Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ, các doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam phải đáp ứng các chỉ tiêu về số lao động, nguồn vốn, tài sản, doanh thu như dưới Bảng sau: (Xem Bảng)

Bảng. Các chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam

cac_chi_tieu_danh_gia_doanh_nghiep_sieu_nho_tai_viet_nam Như vậy, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lao động không quá 10 người, nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng và doanh thu đạt ≤ 10 tỷ đồng (với doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ) hoặc ≤ 3 tỷ đồng (với các doanh nghiệp khác).

1.2. Vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên

Theo số liệu thống kê từ tổng điều tra kinh tế - xã hội năm 2017, số doanh nghiệp siêu nhỏ trong năm vừa qua của Việt Nam tăng 65,5% so với năm trước đó, chiếm 74% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Riêng quý I/2018, cả nước có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng [5]. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký mới.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hơn 9 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, trong đó có gần 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), trong đó số doanh nghiệp siêu nhỏ là khoảng 7 nghìn doanh nghiệp. Chia theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số 7 nghìn doanh nghiệp có  khoảng 25% công ty cổ phần, 65% công ty TNHH và 10% doanh nghiệp tư nhân. Qua phân loại ngành nghề kinh doanh của ngành chức năng, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, chế biến, chế tạo chiếm 30%; doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3%; doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ chiếm trên 50%; còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác. Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng là doanh nghiệp có tốc độ tăng số lượng nhiều nhất so với các doanh nghiệp khác (tăng trên 60%).

Các doanh nghiệp siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh đóng góp gần 20% tiền thuế và khoản nộp khác vào ngân sách nhà nước; đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động mỗi năm. Có thể thấy, doanh nghiệp siêu nhỏ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Trong xu thế những năm gần đây khi số lượng các cá nhân, những người trẻ muốn thành lập doanh nghiệp ngày càng tăng, thì số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, với đặc thù quy mô nhỏ, dễ thay đổi, dễ thích nghi và phát triển dựa trên nguồn lực tự có là chính nên phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ dễ dàng hơn trong việc tự tìm cách xoay xở “vượt bão” để tồn tại. Chính từ những quan điểm này nên một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, DN siêu nhỏ có thể được coi như “thanh giảm xóc” của nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn nhất.

1.3. Những khó khăn, yếu kém của các doanh nghiệp siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

          Đặc điểm thấy rõ nhất của các doanh nghiệp siêu nhỏ đó là số lượng lao động và nguồn vốn nhỏ, trình độ về khoa học công nghệ lạc hậu, chất lượng đội ngũ quản lý yếu, doanh nghiệp chưa chú ý đến công tác đào tạo phát triển nhân lực. Do vậy, các doanh nghiệp nhỏ sẽ là đối tượng chịu tác động rất lớn từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Các doanh nghiệp siêu nhỏ có điểm xuất phát thấp, làm ăn nhỏ lẻ manh mún; phải thừa nhận một thực tế là khối này chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô, tiềm lực tài chính, thị phần,… do vẫn đang phải tự vận động để tồn tại.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ phụ thuộc rất lớn vào thị trường nội địa, rất ít doanh nghiệp có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài. Do đó, doanh thu của doanh nghiệp siêu nhỏ rất thấp. Các doanh nghiệp siêu nhỏ khẳng định mở rộng thị trường quốc tế là một nguyên nhân quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của họ. Doanh nghiệp siêu nhỏ không những vẫn tiếp tục tụt hậu đằng sau các công ty lớn về mặt năng suất, mức độ cạnh tranh mà còn cả về khả năng quốc tế hóa, mặc dù sự tiến bộ trong truyền thông và giao thông đã giảm đáng kể các rào cản gia nhập thị trường. Các báo cáo cho thấy, doanh nghiệp siêu nhỏ mới thành lập có nhiều khả năng sống sót nếu họ tham gia hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ ra rằng sự cạnh tranh cao, công nghệ tụt hậu, hạ tầng yếu kém là rào cản hạn chế sự tham gia của họ trong quá trình toàn cầu hóa. Kết quả là, nhiều ​​doanh nghiệp mới phải đóng cửa hoặc phá sản sau 5 năm kể từ khi thành lập.

Từ đầu năm 2020 đến nay, bức tranh kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục chưa có khởi sắc rõ rệt. Hàng tháng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tăng bình quân 1- 2% so với tháng trước. Tình trạng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động hoặc đình đốn sản xuất vẫn hiện hữu. Đến quý I năm 2020, chỉ có 62,66% doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp còn lại trong tình trạng ngừng hoạt động hoặc đang làm thủ tục thu hồi giấy phép hoặc có đăng ký sản xuất, kinh doanh nhưng chưa hoạt động, không có trụ sở. [6]

2. Những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp siêu nhỏ của tỉnh Hưng Yên

            Với những khó khăn và hạn chế của các doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay, vấn đề nâng cao trình độ, năng lực của nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng; đó chính là cơ sở nền tảng để doanh nghiệp đổi mới công nghệ kỹ thuật, nâng cao trình độ quản lý. Đặc biệt, nếu các doanh nghiệp siêu nhỏ muốn thâm nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hoạt động xuất khẩu, nhất thiết phải có đội ngũ người lao động có trình độ chuyên môn cao.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp siêu nhỏ của Hưng Yên hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được với nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cũng như yêu cầu về vấn đề sử dụng nguồn nhân lực hiện nay.

Theo đó, tỉnh Hưng Yên cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Kỹ năng quản lý yếu: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đòi hỏi giám đốc các DN không chỉ có trình độ chuyên môn, có khả năng quản trị DN tốt, mà phải có khả năng nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường, có đủ các kỹ năng về quản lý, ngoại ngữ, tin học, sự hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán của các nước trên thế giới,… Tuy nhiên, trình độ quản lý của các lãnh đạo doanh nghiệp còn rất yếu, thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết. Thực tế cho thấy có những công ty siêu nhỏ chỉ vài người, trong đó chồng làm giám đốc, vợ là kế toán kiêm mọi việc khác. Kiểu quản lý gia đình trị nếu không đặt ra những quy ước ngay từ đầu sẽ dễ xảy ra tình trạng làm việc vô tổ chức, không theo quy củ, ỷ lại và thiếu tinh thần trách nhiệm.
  • Năng lực đội ngũ nhân viên hạn chế, chưa được đào tạo bài bản: Với điểm yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp và uy tín trên thị trường chưa cao nên các doanh nghiệp siêu nhỏ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có chất lượng cao. Thực tế thường thấy là các nhà quản lý doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển dụng người quen, người thân, mặc dù họ không có đủ bằng cấp yêu cầu, hoặc làm việc trái ngành được đào tạo. Chính vì vậy, sau một thời gian doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động hay “nâng tầm” doanh nghiệp lên một vị thế mới thì gặp nhiều cản trở về năng lực của nhân viên; họ không đáp ứng được nhu cầu công việc, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
  • Chính sách quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế dẫn đến sự yếu kém về chất lượng người lao động trong cả ngắn hạn và dài hạn. Sự hạn chế về năng lực tài chính, tầm nhìn và năng lực của nhà quản lý doanh nghiệp dẫn đến các doanh nghiệp siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chưa thực hiện tốt các chính sách về quản trị nhân lực; cụ thể:

+ Chưa thực hiện tốt việc lập kế hoạch nhân lực trong dài hạn: Phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện dự báo nhu cầu dựa trên số lượng lao động cần thay thế và rất hiếm có doanh nghiệp dự báo nhân lực là dựa vào sự thay đổi về khoa học, công nghệ, nhu cầu sản phẩm và dịch vụ, quy mô vốn,… Thậm chí, nhiều chủ doanh nghiệp siêu nhỏ còn không xác định được nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngắn hạn.

+ Chưa quan tâm đến hoạt động đào tạo và phát triển cho người lao động do chưa nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo. Hơn nữa, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp do trình độ yếu kém nên không đánh giá được những hạn chế về năng lực của nhân viên. Nhiều doanh nghiệp không chịu đầu tư kinh phí vì cho rằng như vậy là tốn kém, không cần thiết. Hạn chế này là cản trở rất lớn nếu doanh nghiệp muốn phát triển và có sự bứt phá trong tương lai, vì những kiến thức, kỹ năng mới, công nghệ mới sẽ cần phải cập nhật thường xuyên thì doanh nghiệp mới cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.

+ Các hoạt động quản trị nhân lực khác như phân tích công việc, đánh giá thực hiện công việc, tuyển dụng,… cũng chưa bài bản, không phát huy được vai trò của chúng đối với sự phát triển năng lực người lao động trong doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều đã thực hiện công tác phân tích công việc, tuy nhiên, công tác này chỉ được tiến hành khi có chỗ trống trong DN. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng phương pháp đánh giá bằng thang điểm, tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá thường do chủ quan mà không dựa trên bản mô tả công việc,…

3. Các định hướng cho doanh nghiệp siêu nhỏ cần thực hiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Áp lực về nhân lực ngày càng tăng khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, ký kết hàng loạt hiệp định tự do thương mại. Hưng Yên là tỉnh có vị trí địa lý rất gần với trung tâm kinh tế của cả nước là Hà Nội, có rất nhiều cơ hội để đón “làn sóng” các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động phải có sự thích ứng với môi trường làm việc mở rộng ra tầm khu vực và toàn cầu, cải thiện cả về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Sự hội nhập kinh tế với các đối thủ mạnh sẽ là thách thức rất lớn cho cả nhà quản lý và người lao động trong doanh nghiệp về vấn đề nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng của mình để đáp ứng nhu cầu công việc; hơn thế nữa nếu muốn phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ của mình lên quy mô cao hơn thì bài toán về chất lượng nhân lực là vô cùng cấp thiết.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược nhân sự bài bản, hội tụ các điều kiện cần và đủ. Trong đó, yếu tố cần là tuyển dụng, đào tạo và phát triển tài năng. Còn yếu tố đủ là phát triển hệ thống quy trình giải pháp cho phép nhân lực dựa vào đó để phát huy tối đa năng lực, xây dựng môi trường làm việc gần gũi, gắn kết.

Thứ hai, bản thân các chủ DN cần tích cực, chủ động trong việc nâng cao trình độ. Mỗi chủ DN phải ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và những hạn chế của chính bản thân mình để có kế hoạch khắc phục, cố gắng vươn lên. Chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ có thể được thực hiện một cách đa dạng thông qua các khóa đào tạo hoặc tham gia các buổi hội thảo, các khóa tập huấn hoặc các buổi xúc tiến thương mại, các buổi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải đầu tư thỏa đáng cho hoạt động đào tạo nhân viên; phải nhận thức được đào tạo là sự đầu tư cho sự phát triển của doanh nghiệp và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Có chính sách khuyến khích, động viên nhân viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ. Nên có những hoạt động liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh và các địa bàn lân cận để hoạt động đào tạo được diễn ra thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đặng Thị Hương (2015), Đào tạo cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Luận án tiến sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Lê Thị Mỹ Linh (2009), Phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2009), Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  4. Tổng cục Thống kê (2017). Báo cáo Tổng điều tra Kinh tế năm 2017.
  5. Cục Thống kê Hưng Yên (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên quí I năm 2020.

 

LIMITATIONS ON THE QUALITY OF HUMAN RESOURCES

FOR MICRO ENTERPRISES OPERATING IN HUNG YEN PROVINCE

DO THI HANH

Faculty of Economics

Hung Yen University of Technology and Education

ABSTRACT:

Micro enterprises account for a large proportion of the total number of enterprises operating in Hung Yen Province and they plays a major role in the provincial socio-economic development. However, the low quality of human resources with many shortcomings is one of barriers for the breakthrough of micro enterprises. This paper studies limitations in the quality of human resources of micro enterprises operating in Hung Yen Province and gives some suggestions and directions to help businesses improve the quality of human resources.

Keywords: Human resources, micro enterprises, Hung Yen Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 16, tháng 7 năm 2020]