Sự phát triển của khoa học công nghệ - cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học ở Việt Nam

Nghiên cứu "Sự phát triển của khoa học công nghệ - cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học ở Việt Nam" do tác giả TS. Nguyễn Thị Huyền (Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện.

Tóm tắt:

Sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn,... đã và đang làm thay đổi sâu sắc đến giáo dục đại học thế giới nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng. Bài viết này tập trung phân tích về sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học ở Việt Nam, do đó cần phải có những giải pháp để tháo gỡ giúp cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa, đáp ứng kịp thời yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế.

Từ khóa: phát triển, giáo dục đại học, khoa học công nghệ, cơ hội, thách thức, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, sự phát triển của khoa học và công nghệ, quá trình hội nhập quốc tế đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật, giáo dục... Đối với giáo dục đại học cũng chịu tác động không nhỏ bởi sự phát triển của khoa học công nghệ. Đa dạng hóa các hình thức giảng dạy, thuận lợi hơn trong việc trao đổi thông tin, hàng loạt các công việc offline được thay bằng hình thức online, dân chủ hơn... là những cơ hội cho giáo dục đại học Việt Nam khi khoa học và công nghệ phát triển, đồng thời giáo dục đại học cũng phải đối diện với những thách thức như: sự cạnh tranh quyết liệt hơn, các công trình công bố phải đáp ứng được yêu cầu điều kiện mới, phương pháp và hình thức giảng dạy phải thay đổi... Tác giả cũng đề xuất một số giải pháp nhằm vượt qua những thách thức đó để các trường đại học Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng hơn.

2. Một số cơ hội giúp giáo dục đại học phát triển

Thứ nhất, sự phát triển khoa học và công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin tạo ra kết cấu hạ tầng thông tin ngày một tốt hơn, như điện thoại, internet,... dẫn đến khả năng tiếp cận thông tin của giảng viên và sinh viên ngày càng tăng nhanh. Nhờ các nguồn thông tin không giới hạn giữa các vùng, miền, lãnh thổ quốc gia, với tính chất đa chiều, nhanh và quy mô không giới hạn, giúp cho sinh viên và giảng viên có nguồn tài liệu khoa học vô cùng to lớn rộng mở và cập nhật. Hơn nữa, việc học tập, trao đổi và nghiên cứu không nhất thiết phải lên thư viện hoặc lên giảng đường, bởi vì việc trao đổi, học tập giữa sinh viên với sinh viên, giữa sinh viên với giảng viên, trong một trường hoặc giữa các trường đại học cũng trở nên rất thuận tiện nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ đặc biệt là với hệ thống wifi và 5G đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Việc sử dụng mạng internet còn giúp giảng viên và sinh viên có được môi trường thực tế ảo để dễ dàng tham quan học tập trao đổi giữa các trường đại học của Việt Nam với một số trường đại học trên thế giới, tiết kiệm được chi phí so với việc tổ chức trực tiếp tham quan học tập tại các quốc gia, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 vẫn chưa được đẩy lùi.

Thứ hai, khoa học và công nghệ phát triển đã tạo cơ hội thuận lợi để đa dạng hóa các hình thức giảng dạy và học tập. Nếu trước đây giảng viên và sinh viên phải đến trường học tại giảng đường, việc học tập phụ thuộc vào cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, như giao thông, phòng học, phấn, bảng, điện nước,... thì nay, nhiều loại hình học tập và giảng dạy mới được áp dụng nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ. Các loại hình học tập mới như B-learning (Blended learning), E-learning (Electronic Learning) đang phát triển rất nhanh nhờ thông tin số hóa, truyền thông đại chúng. Nhiều môn học đã được áp dụng hình thức hoc tập linh hoạt hơn như sinh viên có thể học lý thuyết online tại nhà, giờ làm bài tập sinh viên đến giảng đường gặp giảng viên để nhằm giải đáp những thắc mắc cần giảng viên giải thích những nội dung sinh viên còn chưa hiểu. Việc học tập không còn bị giới hạn về thời gian, không gian như trước. Chính vì vậy, vấn đề phòng học, giảng đường, thư viện và các cơ sở vật chất khác cũng đỡ áp lực hơn, nhất là đối những trường đại học vẫn phải đi thuê cơ sở vật chất, phòng học và giảng đường.

Thứ ba, khoa học và công nghệ phát triển giúp cho hàng loạt các công việc được thực hiện online thay cho offline. Cụ thể như: thu học phí, thông báo lịch học, thời khóa biểu, đăng ký học phần, lịch thi, trả điểm, phúc tra, hội họp, hội thảo khoa học... hầu hết được thông báo và giải quyết bằng hình thức online. Sự phát triển của khoa học và công nghệ còn giúp giảng viên và sinh viên có nhiều kênh thông tin, trao đổi thông tin, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và giao nhiệm vụ học tập, việc này tiết kiệm được rất nhiều nhân lực, thời gian cho giảng viên, sinh viên và các cán bộ chuyên trách. Việc phản hồi thông tin của sinh viên với nhà trường, giữa giảng viên với sinh viên cũng diễn ra một cách nhanh chóng và thuận tiện. Qua phản hồi của sinh viên, cán bộ quản lý cũng dễ dàng nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của sinh viên và phát hiện ra những việc đã làm tốt và những việc còn hạn chế để tiếp thu chỉnh sửa một cách nhanh chóng và thuận lợi. Sự phát triển của khoa học - công nghệ tạo nhiều cơ hội để người học có thể đề đạt tâm tư nguyện vọng chính đáng, giúp cho giảng viên và các nhà quản lý luôn đổi mới phương pháp giảng dạy và cách thức tổ chức quản lý sao cho thuận lợi nhất đối với cả người học và người dạy. Các nhà quản lý, các giảng viên và sinh viên buộc phải làm chủ thông tin, tự xử lý thông tin một cách kịp thời.

Thứ tư, khoa học và công nghệ làm cho tính dân chủ trong các trường đại học được phát huy cao độ. Diễn đàn của các trường đại học, diễn đàn của giảng viên, sinh viên cũng phát triển nhanh và đa dạng cùng với sự phát triển của mạng xã hội làm cho những người làm công tác quản lý, các giảng viên và sinh viên buộc phải thay đổi tư duy và cách ứng xử cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Giáo dục đại học trước đây thiên về áp đặt một chiều thì nay đã dân chủ hơn rất nhiều. Việc bày tỏ quan điểm, giải pháp cách thức và mọi vấn đề trong giáo dục đại học được nhìn nhận ở nhiều góc độ, tạo ra góc nhìn đa chiều, phát huy được tính sáng tạo tập thể khi nhiều người đều có quyền nhận thông tin và phản hồi thông tin về các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Quyền lợi của cả người học và người dạy vì thế mà được quan tâm và đảm bảo hơn. Các trường đại học cũng nhanh chóng hơn trong việc đổi mới quá trình quản lý và hoạt động để tăng sức cạnh tranh quốc gia và quốc tế.

Thứ năm, sự phát triển của khoa học làm gia tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Các trường đại học muốn phát triển trong điều kiện mới thì phải tham gia xếp hạng đại học theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để khẳng định vị thế của trường qua từng năm. Việc đánh giá và xếp hạng theo những tiêu chuẩn chung của quốc gia và quốc tế giúp các trường thu hút được sinh viên tham gia học tập nghiên cứu, nâng cao chất lượng, số lượng, giúp cho danh tiếng của trường được lan tỏa, nhờ các công trình khoa học công bố cũng như các chuẩn đầu ra và điều kiện học tập... Tạo điều kiện để những trường có thứ hạng cao nhanh chóng mở rộng cả về quy mô, tốc độ phát triển, tạo sức mạnh nhân rộng ảnh hưởng đến nhu cầu của người học trong và ngoài nước, việc này giúp cho việc tuyển sinh đầu vào trở nên dễ dàng hơn và ngày càng nhiều người học giỏi muốn vào học tại các trường danh tiếng. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam có 3 trường đại học được xếp trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội); 8 trường đại học của Việt Nam đã được đưa vào danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á, gồm: Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân.

3. Một số thách thức đối với giáo dục đại học ở Việt Nam

Thứ nhất, với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, đòi hỏi giáo dục đại học phải nhanh chóng thay đổi phương pháp giảng dạy, giảng viên phải chuyển từ dạy tri thức sang dạy cách học, dạy cách tư duy, dạy năng lực phản biện. Ngoài ra, phải thay đổi một cách căn bản hệ thống đánh giá từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực. Các trường đại học phải cam kết “chuẩn đầu ra” phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của xã hội, chứ không phải “chuẩn đầu ra” do trường, cụ thể hơn nữa là do giáo viên tự xác định. Đi theo sự đổi mới này là hàng loạt các thay đổi căn bản, từ chương trình khung đến giáo trình và phương pháp giảng dạy, đây chính là một trong những thách thức mà các trường đại học cần phải giải quyết.

Thứ hai, các trường bước vào thời kỳ cạnh tranh quyết liệt để khẳng định đẳng cấp thông qua việc xếp hạng quốc gia và quốc tế hằng năm nhằm đảm bảo độ tin cậy cao đối với học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, sinh viên... Bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2023 đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin rất lớn, bao gồm các báo cáo ba công khai, các đề án tuyển sinh. Bên cạnh đó là các dữ liệu về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation), định hạng (rating) vào năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, QS, THE… QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn 5 năm (2018-2022), dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các trang web có liên quan. Tổng cộng có 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng. Việc xếp hạng được thực hiện thông qua chỉ số gồm 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí được lựa chọn, phản ánh khá toàn diện các chức năng hoạt động cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Thông qua việc xếp hạng đã có một số trường đại học của Việt Nam khẳng định được vị trí, thứ hạng trên phạm vi quốc gia và quốc tế, nhưng đại đa số các trường đại học ở Việt Nam còn ở thứ hạng rất thấp, đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với các trường đại học Việt Nam cần phải có giải pháp nỗ lực vươn lên.

 Thứ ba, công bố quốc tế cũng là một vấn đề mà các trường đại học hiện nay phải nỗ phấn đấu phát triển, bởi số lượng và chất lượng các công trình công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế đã trở thành thước đo quan trọng về chất lượng giáo dục đại học ở các quốc gia. Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ, nhưng số lượng công bố quốc tế còn khá hạn chế, chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp hơn so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Đây cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với các trường đại học ở Việt Nam.

Thứ tư, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, việc này đòi hỏi chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo phải đáp ứng được những yêu cầu mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, nhiều trường đại học vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của xã hội. Đó là một trong những lý do khiến năm 2020, Việt Nam có 225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc chấp nhận làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo, gây ra một sự lãng phí rất lớn. Theo kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp” (Bộ tiêu chí để đánh giá là kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và kỹ năng nghề nghiệp), chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15% ở mức khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở mức độ không đạt.

Thứ năm, hội nhập quốc tế đang là xu hướng tất yếu, giáo dục đại học cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chính vì vậy, cần phải tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các trường đại học được đặt dưới sự quản lý chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trên thực tế khả năng liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn hạn chế. Các trường đại học và các chuyên ngành ít thừa nhận kết quả đào tạo của nhau nên người học gặp nhiều khó khăn khi chuyển trường, chuyển ngành học. Việc liên thông kiến thức giữa cơ sở giáo dục đại học trong nước và nước ngoài lại càng khó khăn hơn, do có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo (trừ các chương trình liên kết quốc tế theo thỏa thuận). Một vấn đề lớn nữa là, hầu hết các nước trên thế giới chưa công nhận văn bằng, chứng chỉ đại học do Việt Nam đào tạo, do đó, người Việt Nam rất khó khăn khi muốn ra nước ngoài tiếp tục học tập hay định cư, công tác.

Để vượt qua được những thách thức nêu trên cần có một số giải pháp nhằm giúp các trường đại học Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tình hình mới.

4. Một số giải pháp

Tiếp tục đẩy nhanh quá trình “chuyển đổi số” trong giáo dục đại học. Triển khai xây dựng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, đẩy mạnh kỹ năng và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống trao đổi văn bản điện tử, chữ ký số liên thông giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với cơ sở giáo dục, cá nhân có liên quan... để giảm bớt các thủ tục phiền hà cho các đối tượng tham gia vào hoạt động giáo dục đại học.

Tăng cường quyền tự chủ, đồng thời, đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Hiện nay, vai trò của các cơ quan quản lý của Nhà nước vẫn còn rất lớn trong nhiều nội dung, hoạt động của nhà trường, như bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, biên chế, mức lương, định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học... Trước sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, nếu các trường đại học không được tự chủ thì rất dễ rơi vào nguy cơ tụt hậu cả về số lượng và chất lượng đào tạo, khó theo kịp được với tình hình mới, tính cạnh tranh không được phát huy do vướng mắc rất nhiều quy định chồng chéo. Để tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, các cơ quan nhà nước, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần đổi mới phương thức quản lý tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học hoạt động thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

Các trường đại học cần có những quy định cụ thể và phải có giải pháp nhằm khuyến khích các giảng viên thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, sáng tạo, hằng năm nhà trường phải giao định mức nghiên cứu khoa học theo vị trí việc làm cho các giảng viên đồng thời có cơ chế tăng lương hoặc thưởng cho các giảng viên có công bố quốc tế vượt định mức. Thêm vào đó, phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục đại học, cần có quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, có chính sách thu hút các sinh viên giỏi ở lại trường làm công tác giảng dạy. Tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế tham gia vào việc giảng dạy, nghiên cứu của các trường đại học trong nước. Cần có thêm chế độ, chính sách đãi ngộ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhằm thu hút được những người giỏi tham gia công tác tại các trường đại học.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về đào tạo đại học. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các quy định khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam; khuyến khích và tạo điều kiện để các trường đại học quốc tế hàng đầu mở cơ sở đào tạo ở Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Tiếp tục chú trọng phát triển và nâng cao năng lực xây dựng, thiết kế chương trình giảng dạy dựa trên chuẩn đầu ra nhằm có được những chương trình đào tạo mang tính bản sắc, hấp dẫn người học và nhà tuyển dụng, trang bị cho sinh viên các năng lực cần thiết đáp ứng môi trường làm việc tương lai. Chương trình giảng dạy của các trường đại học là yếu tố cốt lõi trong việc tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho xã hội và năng lực của sinh viên tốt nghiệp, là thước đo chất lượng học thuật, uy tín đào tạo của các trường đại học. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục chú trọng phát triển và nâng cao năng lực xây dựng, thiết kế chương trình giảng dạy dựa trên chuẩn đầu ra của đội ngũ giảng viên nhằm hấp dẫn người học và nhà tuyển dụng, trang bị cho sinh viên các năng lực cần thiết đáp ứng môi trường làm việc tương lai.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là hiện đại hóa việc học của thế hệ trẻ theo hướng cá thể hóa, nhằm khơi dậy tiềm năng trong mỗi sinh viên, học viên để các em say mê học tập và phát triển nghề nghiệp. Sự thích ứng và chấp nhận phương pháp học tập chủ động của người học đã trở thành xu thế tất yếu trong giáo dục đại học hiện nay. Các trường đại học cần đổi mới tư duy và nhận thức, đầu tư các công nghệ dạy học tiên tiến, hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế ảo trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của dạy học hiện đại và nhu cầu học tập của người học bởi không gian và thời gian học tập của người học đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, không còn bó hẹp trong giảng đường và sách vở.

5. Kết luận

Trong xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Việc này đặt ra cho các trường đại học những cơ hội và thách thức mới, việc tận dụng được những cơ hội do những tiến bộ khoa học công nghệ mang lại để đổi mới nội dung, chương trình, cách thức quản lý, cách thức đánh giá, mục tiêu và chuẩn đầu ra của các trường đại học giúp cho một số trường đại học ở Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và có thứ hạng trong bảng xếp hạng theo chuẩn chung quốc tế. Tuy nhiên, những thách thức không nhỏ đối với giáo dục đại học Việt Nam hiện nay phải vượt qua sẽ là điều rất quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam phát triển nhanh và có được những thành công rực rỡ hơn nữa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Minh Tuyết (2022). Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825408/doi-moi-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam--thuc-trang-va-giai-phap.aspx>.
  2. Thùy Linh (2023). Tìm hiểu tiêu chí của các bảng xếp hạng đại học thế giới. Truy cập tại: https://a2z.edu.vn/tim-hieu-tieu-chi-cua-cac-bang-xep-hang-dai-hoc-the-gioi/>.
  3. izone (2023). Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam - Danh sách 10 trường tốt nhất. Truy cập tại: https://www.izone.edu.vn/blog/bang-xep-hang-cac-truong-dai-hoc-viet-nam/>.
  4. Vinalab (2023). Bảng xếp hạng top 100 trường đại học hàng đầu tại Việt Nam do VNUR bình chọn. Truy cập tại: https://vinalab.org.vn/thoi-su/bang-xep-hang-top-100-truong-dai-hoc-hang-dau-tai-viet-nam-do-vnur-binh-chon.

 

The scientific and technological advancements -

Opportunities and challenges facing Vietnam’s higher education

Ph.D Nguyen Thi Huyen

Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

The development of science and technology, especially the Fourth Industrial Revolution with digital technology, artificial intelligence, the Internet of Things, Big Data, etc. has made profound changes in the global higher education in general and Vietnam’s higher education in particular. This paper analyzes the opportunities and challenges brought by the scientific and technological advancements to Vietnam’s higher education. It is necessary to have solutions to help Vietnam’s higher education overcome difficulties and facilitate the growth of Vietnamese universities to meet domestic and international requirements.

Keywords: development, higher education, science and technology, opportunities, challenges, Vietnam.

Tạp chí Công Thương