Sức lan tỏa của mô hình Điểm bán hàng Việt Nam

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã triển khai Chương trình xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Điểm bán hàng Việt Nam - Nơi phát luồng hàng trong khu vực
Điểm bán hàng Việt Nam - Nơi phát luồng hàng trong khu vực

 

Trong giai đoạn 2014-2020, đã xây dựng trên 100 mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam, được các địa phương nhiệt tình ủng hộ.

Điểm bán hàng Việt Nam được đánh giá là một điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch.

Các điểm này gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động với Chương trình bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác tại địa phương.

Đồng thời, đây cũng là mô hình thương mại hai chiều: đưa hàng hóa Việt có chất lượng từ các địa phương khác đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.

Các Sở Công Thương khi thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên tại vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp, khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu ở đó vẫn còn mỏng, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng với giá thành cạnh tranh.

Hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... được thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương.

Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10-15% sau khi được hỗ trợ.

Điểm bán hàng Việt Nam tại Đăk Nông
Điểm bán hàng Việt Nam tại Đăk Nông

 

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định với nhiều sáng tạo tại các địa phương trên cả nước. Có thể kể một số nhóm điển hình sau:

- Nhóm điểm bán hàng Việt Nam tại vùng sâu, vùng xa: như doanh nghiệp Lưu Thủy (Võ Miếu, Thanh Sơn), cửa hàng Cô Ba (An Giang), cửa hàng tại huyện Nam Trà Mi (Quảng Nam)... Lựa chọn các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, tình hình thương mại còn nhiều khó khăn, phần lớn là người dân tộc, hàng hóa lưu thông còn nhiều hạn chế; các doanh nghiệp đã phải nỗ lực rất nhiều.

- Nhóm điểm bán hàng Việt Nam gắn với quảng bá đặc sản vùng, địa phương: Lào Cai, Hà Giang... Các doanh nghiệp đã chọn Điểm bán hàng Việt Nam như một điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch...

- Nhóm điểm bán hàng Việt Nam tại các siêu thị: doanh nghiệp Lan Chi tại Hà Nam, doanh nghiệp Intimex tại Hưng Yên, doanh nghiệp BK tại Bắc Kạn, doanh nghiệp Coopmart tại Kiên Giang ... Các doanh nghiệp đã đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị này (trên 80%).

Điểm bán hàng Việt tại BK Mart, Bắc Kạn
Điểm bán hàng Việt tại BK Mart, Bắc Kạn

 

Tính đến nay, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng mô hình này do những hiệu quả mà mô hình mang lại. Điển hình một số địa phương như sau:

a) Tỉnh Bắc Kạn: xây dựng mô hình thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam tại siêu thị BK Mart , hoạt động từ tháng 9/2015

Điểm bán hàng Việt Nam đặt tại một trong những siêu thị lớn nhất tỉnh Bắc Kạn đã thu hút sự quan tâm, chú ý lớn của người dân địa phương.

b) Tỉnh Hà Giang: xây dựng mô hình thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam tại cửa hàng bán buôn, bán lẻ Hồng Hải tại Trần Phú, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

Trước khi xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt, mỗi năm, cửa hàng tiêu thụ khoảng 12,8 tấn chè các loại (khoảng 35kg/ngày), gần 5,5 tấn dược liệu (trung bình 15kg/ngày), khoảng 3.650 lít rượu các loại (trung bình 10 lít/ngày) và khoảng 1.500 lít mật ong...

Sau khi được hỗ trợ xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 65 kg chè búp khô các loại; 20 kg dược liệu/ngày, cá biệt có ngày tiêu thụ gần 30 kg dược liệu; rượu 22lít/ngày, mật ong 12 lít/ngày...

Ngoài ra, các mặt hàng khác sản lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể. Cùng với các đặc sản của Hà Giang, cửa hàng còn là điểm tiêu thụ các sản phẩm đặc sản địa phương của các tỉnh lân cận, đặc biệt là Cao Bằng.

c) Tỉnh Tuyên Quang: xây dựng thí điểm 2 điểm bán hàng Việt Nam khu vực vùng nông thôn, sâu trong khu dân cư nhằm mang hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng (Cửa hàng thương mại Sơn Dương thuộc Siêu thị của Công ty CP Khoáng sản Tuyên Quang - thị trấn Sơn Dương – huyện Hàm Yên và Cửa hàng thương mại thôn Cây Chanh 2 – xã Đức Ninh – huyện Hàm Yên)

Trước đây, khi chưa xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam, do hàng hóa được bày lẫn vào nhau nên người dân khó khăn khi nhận biết đâu là hàng hóa Việt Nam.

Sau này, khi xây dựng điểm bán hàng, hàng hóa đã được chia thành từng quầy rõ ràng. Nhờ đó, người dân dễ nhận biết hơn, tốc độ tiêu thụ hàng Việt ngày càng khả quan hơn.

d) Tỉnh Lào Cai: tại Trạm dừng nghỉ số 5 - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Điểm bán hàng Việt Nam được đặt tại Trạm dừng nghỉ số 5 - Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có diện tích 200 m2, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất trong nước quảng bá sản phẩm, tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Lào Cai và tiến tới tìm kiếm đối tác, bạn hàng mở rộng thị trường xuất khẩu sang vùng Tây Nam - Trung Quốc.

đ) Tỉnh Phú Thọ: tại Cửa hàng Thương mại Võ Miếu - xã Võ Miếu - huyện Thanh Sơn

Cửa hàng Thương mại Võ Miếu là điểm cung cấp hàng hóa cho 7 xã lân cận, trong đó có 4 xã của huyện Thanh Sơn và 3 xã của huyện Tân Sơn. Không chỉ là điểm phân phối, bán lẻ hàng hóa, đây còn là điểm trung chuyển hàng hóa đến các xã trong huyện và các địa phương lân cận.

Đồng thời là điểm tập kết hàng hóa, nơi để bà con có thể nhận diện đâu là hàng hóa chính hãng, tránh việc mua phải hàng nhái, hàng giả. Hiện nay, cửa hàng có trên 1.200 sản phẩm của 100 doanh nghiệp và nhà phân phối trên cả nước, trong đó có nhiều nhà phân phối lớn như Vinamilk, Kinh Đô, Fami…

Điểm bán hàng Việt tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam
Điểm bán hàng Việt tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam

 

e) Tỉnh Hà Nam: tại siêu thị Lanchi Mart – huyện Duy Tiên – tỉnh Hà Nam

Điểm bán hàng này càng có ý nghĩa nhiều hơn khi đặt tại Khu công nghiệp Đồng Văn I, phục vụ cho đối tượng chính là công nhân, giảm gánh nặng cho các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp. Đây cũng là “điểm tập kết” của rất nhiều mặt hàng đặc sản địa phương.

Bên cạnh hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam được Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí triển khai, nhận thấy tầm quan trọng, hiệu quả và sức lan tỏa của các điểm bán này, các tỉnh, thành phố cũng đã bổ sung ngân sách địa phương để nhân rộng thêm hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam khác.

Điển hình như Thanh Hóa đã tự xây dựng thêm 15 điểm bán tại 11 huyện miền núi phía Tây; Tây Ninh đã cấp kinh phí xây dựng thêm 9 điểm bán; Lâm Đồng đã nhân rộng thêm 2 điểm để quảng bá các đặc sản địa phương như cà phê, mác ca, sa chi, trà sâm đương quy...

Hà Quảng