Tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong phát triển kinh tế

TS. TRẦN VĂN THIỆN (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Bài viết làm rõ tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong nền kinh tế Việt Nam, chỉ ra những thực trạng, cơ hội cũng như giải pháp phát triển bền vững hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế. Đồng thời, nêu rõ vai trò định hướng của Nhà nước trong quy hoạch, đầu tư; cần có chính sách khuyến khích đa dạng các nguồn vốn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và người dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ phát triến kinh tế đất nước.

Từ khóa: Kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, công nghệ thông tin và truyền thông.

1. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm cơ sở hạ tầng. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu khái niệm kết cấu hạ tầng là tổng hợp các công trình vật chất kỹ thuật có chức năng phục vụ trực tiếp cho nền kinh tế và đời sống, được bố trí trên một phạm vi nhất định.
Như vậy, các công trình, kết cấu kỹ thuật ở đây rất đa dạng, đó là: Các công trình giao thông vận tải, công trình của ngành Bưu chính - Viễn thông, công trình điện, công trình thủy lợi, công trình bệnh viện, trường học và các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Những công trình này có vị trí hết sức quan trọng, phục vụ trực tiếp và gián tiếp các hoạt động của xã hội.

Cơ sở hạ tầng luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế càng phát triển thì yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng lại càng cao. Đó chính là sản phẩm của quá trình đầu tư tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của một xã hội.

2. Hạ tầng giao thông

Nhận thức: Tầm quan trọng của hạ tầng giao thông (HTGT) trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong chỉ đạo và đầu tư đối với các lĩnh vực giao thông theo hướng tạo đồng bộ, kết nối và bảo đảm hài hòa giữa các phương thức vận tải khu vực; tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư phát triển HTGT từ ngân sách, kêu gọi các nguồn vốn của các tổ chức và cá nhân.

Thực trạng: Thực tế cho thấy, còn nhiều hạn chế trong đầu tư phát triển HTGT, hỗ trợ phát triển liên kết vùng cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhất là HTGT trục chưa có tính kết nối và liên thông thuận lợi giữa các địa phương trong nội vùng và liên vùng. Đầu tư kết nối giữa các phương thức vận tải chưa phát huy hiệu quả của toàn hệ thống, thiếu đồng bộ. Trong thời gian qua phát triển vận tải bằng đường bộ và hàng không là chủ yếu, các phương thức vận tải khác như đường sắt và đường thủy còn nhiều hạn chế chưa phát huy được hiệu quả khai thác.

Việc khai thác, sử dụng chưa hiệu quả công trình sau khi đầu tư gây lãng phí nguồn lực. Các trung tâm logistics quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hay một địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng trải rộng chủ yếu và bám theo trục đường giao thông, không gian phân tán manh mún, mang nặng tính chất “kinh tế mặt đường”, rất khó cho việc mở rộng, nâng cấp hay hiện đại hóa, ngược với xu thế phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới.

Giải pháp: Để đẩy mạnh phát triển HTGT, tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp chính như sau:

Rà soát lại quy hoạch HTGT của vùng và của các địa phương, kể cả quy hoạch của ngành Giao thông và các lĩnh vực kinh tế xã hội khác, xác định rõ chiến lược phát triển kinh tế vùng và liên vùng.

Phải xác định vai trò thật sự của công tác quy hoạch để qua đó loại bỏ các quy hoạch không phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hay những quy hoạch không bám sát tốc độ phát triển của ngành, địa phương và của vùng.

Quy hoạch phải mang tính đồng bộ cao, tránh manh mún, chồng chéo trong các lĩnh vực, các ngành; đồng thời phải gắn chặt với đà phát triển kinh tế - xã hội để giao thông thật sự đi trước, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng.

Trong chiến lược phát triển, cần cân đối lại các tỷ lệ và phương thức đầu tư, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phải đồng bộ giữa các loại hình giao thông. Công tác quy hoạch phải dự báo được tốc độ tăng trưởng, dự báo ở tầm chiến lược, chỉ ra được những lợi ích thiết thực của việc đầu tư, những lợi ích mà người dân và địa phương, vùng được hưởng khi triển khai các dự án HTGT. Chỉ ra được nguồn lực, nguồn vốn để huy động thực hiện dự án, cũng như thời gian dự án phải hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Không phát triển HTGT dàn trải theo hướng mỗi địa phương một cảng biển hay một sân bay mà tất cả phải dựa trên chiến lược phát triển của ngành trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực. Phải cân nhắc dự án nào xây dựng bằng ngân sách nhà nước, dự án nào bằng hình thức xã hội hóa theo các dạng thức của hình thức đối tác công - tư, bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Đồng thời, chú trọng thu hút các nguồn vốn, ưu tiên xã hội hóa, bảo đảm cân đối với cơ cấu của nền kinh tế; xây dựng lại các tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách, vừa bảo đảm thu hút các nguồn vốn đầu tư, vừa bảo đảm chất lượng công trình, không để người dân gánh phí đường bộ quá cao gây bất bình ở các trạm thu phí như trong thời gian qua.

Công tác giải phóng mặt bằng cần được chú trọng tháo gỡ để tránh kéo dài thời gian gây đội vốn của dự án, làm mất cơ hội đầu tư và sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế khác. Cần từng bước số hóa trong công tác quản lý, vận hành và tổ chức, bảo đảm hiệu quả sử dụng cao nhất nhưng vẫn an toàn cho người tham gia giao thông. Làm được điều này, ngành Giao thông vận tải sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

3. Hạ tầng năng lượng

Hạ tầng năng lượng là một hệ thống phức tạp, bao gồm nhiều ngành, cần thiết cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống của xã hội. Ngành Năng lượng trong quá trình phát triển luôn chịu ảnh hưởng bởi trình độ khoa học - kỹ thuật và sự đầu tư của nền kinh tế.

Tài nguyên năng lượng rất phong phú và đa dạng. Ngoài năng lượng điện được sử dụng phổ biến và rất tiện lợi còn có các nguồn năng lượng khác như: Gỗ, than, dầu mỏ, khí đốt. Con người đã phát hiện và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới, có hiệu quả cao như năng lượng thủy triều, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, năng lượng hạt nhân và năng lượng sinh khối. Trong khuôn khổ của nghiên cứu, tác giả chủ yếu đề cập đến năng lượng điện và những đóng góp của nó cho nền kinh tế đất nước.

Nền kinh tế nước ta đang ngày càng phát triển, sự phát triển đó không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của ngành Điện lực. Đây chính là một trong những nhân tố thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn đầu tư. Trong nhiều năm qua, ngành Điện  đã và đang đạt được khá nhiều thành tựu nổi bật. Từ một hệ thống mạng lưới điện nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, hệ thống nguồn và mạng lưới điện quốc gia đã đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 31 trên thế giới. Ngành Điện lực cũng đã thực hiện thành công chương trình đưa điện về các vùng nông thôn, hải đảo, miền núi, góp phần hoàn thành tốt cam kết của Chính phủ với quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn Việt Nam. Ngoài ra, để có hạ tầng năng lượng vững mạnh, phải tạo điều kiện phát triển các ngành Năng lượng tái tạo, hạn chế xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện dùng than cũng như quy hoạch tốt các thủy điện nhằm tránh tác động tới môi trường, ảnh hưởng đến nông nghiệp; đồng thời nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người tiêu dùng.

Công nghệ đốt rác sinh hoạt để phát điện không còn là một vấn đề mới trên thế giới nhưng lại là một tiềm năng chưa được khai thác triệt để ở nước ta. Tại châu Âu, rác được xử lý bằng công nghệ đốt được thực hiện từ những năm 1930. Ở Đức, có trên 60% số lượng rác được đốt; ở Đan Mạch là 100% được đốt và thu hồi năng lượng. TP. HCM đã và đang có nhiều dự án xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện nằm trong lộ trình giảm tỉ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp tại TP. HCM xuống còn 50% vào năm 2020 và 20% vào năm 2025. Để cụ thể hóa mục tiêu này, TP. HCM sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi công nghệ của các đơn vị xử lý rác hiện hữu và kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các dự án đốt rác phát điện. Trong đó, TP. HCM sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực đốt rác phát điện. TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung rất cần nhiều nguồn lực đầu tư cho công nghệ này để không lãng phí tài nguyên rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với vấn đề tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các chuyên gia cho rằng,  để chương trình tiết kiệm điện đối với sản xuất công nghiệp hiệu quả cần phải xây dựng một hệ thống giám sát, tuân thủ luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Theo nghiên cứu của VEEP (Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Tính theo ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%; công nghiệp gốm là 35%; ngành dệt, may mặc là 30%; công nghiệp thép là 20%. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong sản xuất và kinh doanh dịch vụ, khuyến khích tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng tiên tiến trên một đơn vị sản phẩm đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng. Song song với đó, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập hệ thống quản lý năng lượng nhằm tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tiềm năng tiết kiệm đặc biệt rất lớn ở những thị trường mới nổi, vì ở đây có tỉ lệ tăng trưởng nhu cầu năng lượng được dự đoán là cao nhất. Ngoài ra, còn phát động phong trào tiết kiệm điện trong công sở cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và trong các hộ gia đình. Có cơ chế khuyến khích sử dụng điện áp mái cho tổ chức và hộ gia đình như trường hợp Đại học Cần Thơ.

Khi nền kinh tế phát triển và nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn, việc bổ sung nguồn năng lượng xanh, sạch, ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Năng lượng xanh là xu thế phát triển trên thế giới. Có nhiều trang trại điện gió và điện mặt trời đã được xây dựng tại các nước châu Âu. Năng lượng xanh ngày càng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sống. Những năm gần đây, Việt Nam cũng là quốc gia phát triển điện gió và năng lượng mặt trời cao ở các tỉnh Nam Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, năng lượng gió và năng lượng mặt trời là dạng năng lượng không liên tục. Những thách thức trong việc tăng cường mạng lưới truyền tải điện quốc gia, đối phó với sự gián đoạn của năng lượng gió và năng lượng mặt trời, có thể xử lý được bằng công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Muốn vậy, Việt Nam cũng cần chú trọng giải quyết các vấn đề quan trọng như tích hợp năng lượng tái tạo, phát triển mạng lưới, tự động hóa lưới điện,… Đồng thời, cung cấp đầy đủ công nghệ trong chuỗi giá trị điện năng, đảm bảo độ an toàn và tin cậy của dòng điện.

Để ngành Điện lực phát triển bền vững phục vụ đắc lực cho nền kinh tế thì Nhà nước cần xây dựng khung giá năng lượng hợp lý, có chính sách đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng điện, sớm đưa giá điện theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, phải khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ngành Năng lượng, từng bước tạo thị trường cạnh tranh công bằng cho các nhà đầu tư. Hỗ trợ các chủ đầu tư được vay vốn ODA; phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình; kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khác; đặc biệt là đối với các dự án lớn, cấp bách và có tính chất phức tạp. Mở rộng, bổ sung thêm đối tượng áp dụng vay vốn ưu đãi trong nước cho tất cả các dự án điện, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển năng lượng xanh (năng lượng gió, mặt trời và đốt rác).

4. Hạ tầng kỹ thuật số

Trong hai thập niên của thế kỷ XXI, kỹ thuật số đã và đang thâm nhập và có xu hướng phát triển khá nhanh, tiếp cận hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam như tài chính ngân hàng, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, thiết kế, sản xuất, cung ứng lao động, giao thông vận tải, quản lý,… Có thể thấy, tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số, giúp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước tiết kiệm được chi phí và nâng cao năng suất, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm hàng hóa mới dựa trên nền tảng sáng tạo sẵn có. Kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia.

Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT - Information & Communication Technologies) đóng vai trò hết sức quan trọng. ICT đã tạo nên một xã hội toàn cầu, nơi mà mọi người có thể tương tác và liên lạc với nhau một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, lĩnh vực ICT tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Môi trường; chính sách cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tương đối hoàn thiện. ICT dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có tỉ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP đất nước ngày càng cao. ICT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thế giới hiện đại. Ứng dụng và phát triển ICT nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành Kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc dân, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chính phủ cũng xem việc ứng dụng ICT là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy cải cách hành chính từ Trung ương đến các địa phương, vào từng công đoạn trong công việc hành chính hàng ngày của mỗi một cán bộ, công chức tại cơ quan hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và tác nghiệp của cơ quan; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân, tổ chức và là tiền đề quan trọng để tiến đến chính quyền điện tử. Với sự quyết tâm phát triển Chính phủ điện tử hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên, chủ động đẩy mạnh sự phát triển của ngành ICT tại Việt Nam.

5G có thể coi như hạ tầng của hạ tầng và sẽ là hạ tầng rất quan trọng của nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Ngoài ra, 5G còn có ý nghĩa chiến lược quốc gia trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế trong hiện tại và tương lai, cũng như quá trình phát triển kinh tế trong thời kỳ cách mạng 4.0. Các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, MobiFone và VinGroup cũng đang chủ động nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ quan trọng này.

Cụ thể, sau khi thử nghiệm kết nối lần đầu tiên trên mạng 5G tại Hà Nội vào trung tuần tháng 5/2019, ngày 09/8/2019, Viettel phối hợp với đối tác Ericsson tiếp tục thử nghiệm mạng 5G ở Thành phố Hồ Chí Minh. Viettel phát sóng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT (công nghệ dành cho thiết bị kết nối internet vạn vật), phủ kín 100% địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đầu tiên được phủ sóng IoT. Theo công bố của Viettel, sau khi thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020, Viettel sẽ cung cấp 5G tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, phục vụ mạng băng rộng di động nâng cao (eMBB) tại các khu công nghiệp, khu đô thị; sau năm 2022 sẽ cung cấp dịch vụ tới khách hàng dùng di động. Đồng thời, Viettel cung cấp hệ sinh thái các ứng dụng về NB-IoT với các dịch vụ đỗ xe thông minh, giám sát chất lượng không khí, giám sát vị trí, thiết bị đo lường.

Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng có kế hoạch để thử nghiệm 5G ở 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, tại thị trường trọng điểm là TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn VinGroup đã công bố tự nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G- sản phẩm trí tuệ của Việt Nam. Đây là thành quả quan trọng, có ý nghĩa lớn khi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chủ động làm chủ công nghệ trong quá trình phát triển, đón đầu công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Gần đây, Sinshine Group đã có sàn giao dịch BĐS trực tuyến, tiếp đó là VinGroup (Vinhomes) cũng đã thành lập sàn giao dịch BĐS trực tuyến. Ngay trong ngày đầu, đã có 200 giao dịch thành công vượt ngoài sự mong đợi.

Trong đợt chống đại dịch Covid 19 vừa qua, kết quả thành công ngoài mong đợi khi không có ca tử vong nào cho đến thời điểm hiện tại chính là nhờ sử dụng khám và hội chẩn trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia y tế đầu ngành. Điều này đã giúp các ca bệnh nặng qua được tình trạng nguy kịch, đồng thời được thế giới công nhận.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá việc các nhà mạng thử nghiệm mạng 5G là một bước đi quan trọng nhằm kiểm tra các vấn đề về kỹ thuật như vùng phủ, thiết lập mạng lưới..., từ đó đưa ra sự tối ưu cho mạng lưới, chuẩn bị cho thương mại hóa sau này. Nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh cần tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, sớm triển khai thí điểm hệ thống mạng 5G. Như vậy để thấy rằng, việc các nhà mạng đầu tư 5G đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như mạnh dạn tiến sâu vào mảng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay nhằm rút ngắn khoảng cách công nghệ nước nhà với các nước tiên tiến trên thế giới.

5. Kết luận

Kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,02% thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới năm 2019. Trong đó, kinh tế số có tốc độ tăng trưởng tỷ lệ 38% tính từ năm 2015 và đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019. Việt Nam hiện là một trong những địa điểm đầu tư kinh tế số hàng đầu tại Đông Nam Á. Tổng giá trị giao dịch (GMV) trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước tính đạt 5 tỉ USD trong năm 2019, cao gấp 12,5 lần mức 0,4 tỉ USD của năm 2015. Dự đoán GMV ngành này sẽ tăng tới 23 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 49%.

Tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh ước tính tăng gấp đôi - đạt 33 triệu người ở thời điểm 2020 so với 16 triệu người của năm 2014. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt mức 35% vào năm 2016 và ước tính đạt 40% năm 2020. Sức tiêu thụ khổng lồ của đối tượng quan trọng này là yếu tố chính dẫn đến nhu cầu cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đầu tư và kết nối kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong đó có thương mại điện tử.

Phát triển nhanh cơ sở hạ tầng thiết yếu có thể giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi được xem là trung tâm sản xuất của thế giới. Điều này đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Eric Schmidt, Ponathan Rosenberg và Alan Eagle (2018). Cách quản trị một công ty sáng tạo. NXB Trẻ.
  2. Robert T.Kiyosaki (2019). Doanh nghiệp của thế kỷ 21. NXB Trẻ.
  3. Trần Văn Thiện (2020). Kinh tế số và cơ hội của nguồn nhận lực Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Công Thương, Số 1 tháng 1/2020.

 

THE IMPORTANT ROLE OF ESSENTIAL TECHNICAL INFRASTRUCTURE IN VIETNAM'S ECONOMIC DEVELOPMENT

Ph.D TRAN VAN THIEN

Van Lang University

ABSTRACT:

 This paper clarifies the important role of essential technical infrastructure in Vietnam's economy and presents the current state, opportunities and solutions for sustainably developing essential infrastructure for the country’s economy. This paper also highlights the Government of Vietnam’s guiding role in planning, investing and issuing policies to encourage the diversification of capital sources, creating conditions for economic sectors and people to participate in building essential infrastructure in order facilitating the national economic development.

Keywords: Economy, essential infrastructure, information and communications technology.