TÓM TẮT:
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, với nội lực hiện tại, cải cách thể chế kinh tế sẽ giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng. Việt Nam cần phải quyết liệt hơn trong hành động, với tư duy mới, tầm nhìn mới tốt hơn để tranh thủ được các cơ hội mới, với mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết phân tích những thành tựu và khó khăn trong quá trình cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam.
Từ khóa: thể chế kinh tế, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh.
1. Điểm sáng trong cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam
1.1. Cải cách hành chính
Sau khi Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm, Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã đề ra các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch cải cách hành chính một cách thiết thực, cụ thể, phù hợp với Chương trình tổng thể và thực tiễn của các bộ, tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các bộ, ngành, địa phương xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến cải cách hành chính; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến cải cách hành chính, trung bình mỗi năm, mỗi tỉnh có hơn 16 mô hình, sáng kiến. Nhìn chung, đa số các mô hình, sáng kiến cải cách hành chính đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh, ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình.
Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Từ năm 2016 đến nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã kiểm tra hoặc kết hợp nội dung cải cách hành chính tại 3 bộ, 18 tỉnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ tại 11 bộ, 22 tỉnh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng ban Chỉ đạo kiểm tra cải cách hành chính tại 7 bộ, 12 tỉnh. Bộ Nội vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo tại một số bộ, ngành cũng tổ chức các đoàn kiểm tra cải cách hành chính theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Từ năm 2011 đến tháng 3/2020, các bộ, ngành đã kiểm tra khoảng 3.484 cơ quan, đơn vị, trung bình 348 cơ quan, đơn vị một năm. Trong đó, năm 2014, các bộ, ngành đã kiểm tra với số lượng các cơ quan, đơn vị lớn nhất là 466 cơ quan, đơn vị. Tại các địa phương, đã có hơn 19.800 cơ quan, đơn vị được kiểm tra trong cả giai đoạn 2011-2020. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, số lượng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra cũng tăng lên qua từng năm, trong đó, năm 2019 có số lượng đơn vị được kiểm tra nhiều nhất với số lượng 2.950 (xem Biểu đồ). Công tác kiểm tra đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu, đội ngũ công chức, viên chức trong triển khai cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong cải cách hành chính đã được xử lý kịp thời sau kiểm tra.
1.2. Cải cách môi trường kinh doanh
Từ năm 2014, Chính phủ đã thực hiện cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy tới hành động cải cách, bảo đảm quyền tự do và an toàn kinh doanh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã từng bước thấm nhuần và nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động cải cách này. Nhờ đó, hàng nghìn quy định không còn phù hợp đã bị bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa; số rào cản tương ứng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được bãi bỏ; môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm. Với kết quả nỗ lực đó năm 2019, Việt Nam ở vị trí thứ 70/190 trên bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới; và thứ 67/141 trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tăng 10 bậc so với năm 2018). Năm 2020, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới duy trì công bố chỉ số Đổi mới sáng tạo, theo đó, chỉ số này của Việt Nam giữ ở thứ hạng tốt, vị trí 42/131 nền kinh tế (đây cũng là thứ hạng của năm 2019)... Những kết quả này phản ánh sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế đối với những tiến bộ của Việt Nam, ghi nhận những kết quả đạt được từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
2. Thách thức cải cách thể chế của Việt Nam
Quá trình xây dựng, cải cách thế chế thúc đẩy cạnh tranh ở Việt Nam sẽ gặp không ít những rào cản, thách thức với những nguyên do chính sau:
Một là, thể chế, chính sách khuyến khích cạnh tranh sẽ thu hẹp phạm vi quyền hạn và sự ảnh hưởng của các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, cải cách thể chế, chính sách cạnh tranh, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam sẽ gặp những rào cản từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan, địa phương nhận được lợi ích từ việc duy trì độc quyền trong kinh doanh của một hay một nhóm doanh nghiệp trên thị trường.
Hai là, quan điểm phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước được xác định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Quan điểm này đặt ra yêu cầu tiếp tục duy trì quy mô ảnh hưởng của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế thông qua hệ thống DNNN. Vì vậy, Nhà nước sẽ phải duy trì tình trạng độc quyền nhà nước trong những ngành quan trọng của nền kinh tế và hỗ trợ các nguồn lực, cơ chế cho DNNN trong kinh doanh. Điều này tạo ra rào cản rất lớn đối với việc cải cách thể chế tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Ba là, mức độ quan tâm, sự hiểu biết của các chủ thể trong nền kinh tế về quyền tự do lựa chọn, quyền tự do kinh doanh và lợi ích của cạnh tranh, tổn thất phúc lợi do độc quyền ở Việt Nam chưa đúng mức. Vì vậy, sự tham gia của các chủ thể, đặc biệt là người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vào việc thực thi pháp luật cạnh tranh và tạo ra những áp lực đối với Nhà nước đòi hỏi phải cải cách thể chế thúc đẩy cạnh tranh vẫn còn rất hạn chế.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị cần phải triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải đi tiên phong, nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính nhà nước. Trong điều kiện kinh tế mở, có tính toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp với thông lệ chung của thế giới, phải đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức để có thể hội nhập với các nền hành chính hiện đại trong khu vực và quốc tế.
Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế. Từ những thể chế này, tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Cải cách, đơn giản hóa các TTHC, nhất là TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bãi bỏ các TTHC đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại. Tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ sáu, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. Nghiên cứu, tham khảo các kết quả đánh giá được công bố của các tổ chức quốc tế và trong nước về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn tới.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ cải cách hành chính, lập pháp và tư pháp; hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế về sở hữu, doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện thể chế về tổ chức và kinh doanh vốn nhà nước; đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Juzhong Zhuang, Emmanuel de Dios, Anneli Lagman-Martin, (2010), Mối liên hệ giữa Quản trị nhà nước và chất lượng thể chế đối với tăng trưởng kinh tế và sự bất bình đẳng thu nhập: Tình huống của các quốc gia châu Á đang phát triển,Tài liệu của Ngân hàng phát triển châu Á, tháng 2 năm 2010.
- Daron Acemoglu, Simon Johnson and James A. Robinson. (2001).The Colonial Origins of Comparative Development: An Empirical Investigation.The American Economic Review, 91(5), 1369-1401.
Achievements and difficulties in the economic institutional reform
of Vietnam
Master. Pham Thi Phuong Thao
Faculty of Finance and Banking
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
In the context of global competition, the economic institutional reform can help Vietnam with current internal strengths achieve the goal of becoming a prosperous country. It is important for Vietnam to conduct more drastic measures with new thinking and better visions to take advantage of new development opportunities and realize the sustainable development goal. This paper analyzes the achievements and difficulties in the economic institutional reform of Vietnam.
Keywords: economic institutions, administrative reform, business environment.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]