Thấu hiểu người tiêu dùng là “chìa khóa” kích cầu bán lẻ, tăng trưởng bền vững

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy tiêu dùng và doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, cần thấu hiểu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nắm bắt yếu tố ảnh hưởng chi tiêu theo kênh mua sắm và tận dụng xu hướng đa kênh, phát triển chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh…

Ngày 19/6/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam.”

Diễn đàn nhằm đánh giá một cách tổng quan về thị trường hàng hóa của Việt Nam trong thời gian qua, cùng xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong giai đoạn hiện nay từ đó tìm kiếm giải pháp phát triển ngành tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và xác định xu hướng tiêu dùng. Qua đó, kết nối doanh nghiệp với các Bộ, ban ngành, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài tạo mạng lưới thúc đẩy phát triển trong giai đoạn tiếp theo. 

Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam 2024
Quang cảnh Diễn đàn.

Người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu thận trọng

Trong bối cảnh chung nhiều biến động, việc nắm bắt nhu cầu, thói quen mua sắm cũng như dự đoán và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng đối với mỗi doanh nghiệp càng trở nên khó khăn. Việc bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, với những phân tích cụ thể, sâu sát các biến động trong hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng cho bài toán trên, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, bứt phá thành công.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.

Trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. Những thay đổi này mang tới nhiều thách thức và biến động, buộc doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.

Theo ông Tạ Mạnh Cường - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhân tố tác động đến tiêu dùng bao gồm: độ tuổi, giới tính, ngành nghề, thu nhập, văn hóa - xã hội, công nghệ, xúc tiến thương mại, chính sách - pháp luật…

“Có những nhân tố mang tính thời điểm, có những nhân tố ổn định phải cần thời gian dài để đánh giá. Tùy mức độ quan tâm của nhà quản lý, doanh nghiệp mà chúng ta đánh giá các nhân tố tác động tiêu dùng để đáp ứng…” Đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết. 

Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam 2024
Ông Tạ Mạnh Cường - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Diễn đàn.

Còn theo bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ, chi phí sinh hoạt tăng là mối quan tâm của người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), đặc biệt là chi phí nhiên liệu, thực phẩm và dịch vụ y tế là những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và nguy cơ mất việc làm, họ cũng cảm nhận được tác động của lạm phát thông qua việc tăng giá bán hàng hóa. 

Vì hàng hóa tăng giá dẫn đến việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu trên toàn bộ khu vực APAC. 

“Do vậy duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng APAC là một thách thức vào năm 2024.” Đại diện NielsenIQ khu vực miền Bắc cho biết. 

Đáng chú ý, để ứng phó với tình trạng hàng hóa tăng giá, người trẻ cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, trong khi đó nhóm người lớn tuổi có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn và thắt chặt ngân sách cho các mặt hàng không cần thiết để tiết kiệm, họ ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm hàng tạp hóa. Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam chỉ ra rằng thời điểm đại dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm ít hơn do giãn cách xã hội. Và thói quen này đã hình thành ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc, cụ thể, người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mau tại nhiều kênh hơn, với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở nên khó khăn hơn. 

Trong những năm gần đây, kênh bán lẻ đã có ​sự thay đổi từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại và trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị. Các cửa hàng chuyên doanh hiện đại cũng ghi nhận tăng trưởng đáng kể. 

Với những nỗ lực trong truyền thông và mở cửa hàng, các nhà bán lẻ chủ chốt sẽ dễ dàng tiếp cận người mua hàng hơn, song, việc giữ chân người mua hàng vẫn là thử thách vô cùng lớn. Báo cáo của Kantar chỉ ra, thị phần của top 5 nhà bán lẻ hiện đại bao gồm Co.op Mart, Central Retail, Winmart, Bách Hóa Xanh, Winmart + đang giảm dần đi qua các năm. 

Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam 2024
Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar phát biểu tại Diễn đàn.

Gợi ý giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp

Theo ông Tạ Mạnh Cường - đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng đó là: cung cấp thông tin thị trường, các sự kiện xúc tiến thương mại truyền thống và trên nền tảng số, xây dựng phát triển thương hiệu. 

Để thúc đẩy tiêu dùng, ông Tạ Mạnh Cường khuyến nghị các doanh nghiệp nắm bắt các quy định, chính sách, pháp luật trong nước, quốc tế về tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải xác định xu hướng, hành vi tiêu dùng theo từng ngành hàng, thiết kế và phát triển sản phẩm, cùng với đó là xây dựng câu chuyện thương hiệu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Cuối cùng, cần phải quan tâm đến văn hóa, đạo đức, uy tín kinh doanh để thay đổi nhận thức nhằm đáp ứng người tiêu dùng trong nước lẫn quốc tế. 

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ đưa ra khuyến nghị để doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, theo đó, các doanh nghiệp cần linh hoạt, nhanh chóng thích nghi, đổi mới và đánh giá lại chiến lược kinh doanh để phù hợp với những nhu cầu và xu hướng nhu cầu tiêu dùng hiện nay. 

Bà Đặng Thúy Hà cũng dẫn báo cáo Giải mã hành vi mua sắm của khách hàng năm 2024 từ NIQ Việt Nam về xu hướng lựa chọn, trong đó, 89% người tiêu dùng trung thành với cửa hàng hiện tại, 57% người mua thực phẩm và đồ tạp hóa qua kênh trực tuyến, 92% người mua quan tâm đến chất lượng và sẵn sàng trả giá cao. 

“Vì vậy, doanh nghiệp cần gần gũi hơn với người tiêu dùng, và cần phải ưu tiên các sản phẩm thiết yếu để phù hợp với người tiêu dùng khi mà họ đang thận trọng trong việc mua sắm. Sản phẩm phải đi với sự thấu hiểu người tiêu dùng, “thực đơn” của chúng ta sẽ thiết kế cho phù hợp.” Đại diện NielsenIQ khu vực miền Bắc chia sẻ. 

Về phía Kantar đề xuất, nhà sản xuất cần nắm bắt yếu tố ảnh hưởng chi tiêu theo kênh mua sắm, với từng mục đích khác nhau, người mua lại có những tiêu chí lựa chọn kênh mua sắm khác nhau. Cụ thể, những vấn đề mà nhà sản xuất cần lưu tâm thứ nhất là tiêu chí thúc đẩy quyết định mua hàng và chi tiêu theo từng nhà bán lẻ, thứ hai là phân khúc sản phẩm đối với nhà sản xuất là quan trọng nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của người mua trong quá trình mua hàng. 

Song song với đó là tận dụng xu hướng đa kênh để tiếp cận nhiều người mua sắm hơn, bởi người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các loại hình bán lẻ hiện đại và tiện lợi. Vì vậy, nhà sản xuất cần một chiến lược bán hàng đa kênh và tạo ra một trải nghiệm mua sắm xuyên suốt để thu hút và giữ chân người mua. 

Ngày nay, với tốc độ hiện đại hóa nông thôn đang dần bắt kịp thành thị nhờ mức thu nhập và chất lượng sống nâng cao, do đó sự du nhập của kênh online mở ra nhiều cơ hội nhà sản xuất tiếp cận với người mua sắm tại nông thôn một cách nhanh chóng.

Theo ông Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, chuyển đổi số là chìa khóa tăng trưởng cho ngành bán lẻ. “Các doanh nghiệp nói chung và ngành bán lẻ nói riêng cần có kế hoạch cụ thể xác định lộ trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh nhằm bắt kịp làn sóng chuyển đổi kép, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ mới” Đại diện FPT Digital nhận định. 

Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam 2024
Ông Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital phát biểu tại Diễn đàn.
Thùy Dương