Tóm tắt:
Hoa Kỳ hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, giày dép, điện tử và nông sản. Mối quan hệ kinh tế song phương này ngày càng phát triển giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng việc làm. Tình hình thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động, đặc biệt với những thay đổi từ chính sách của Hoa Kỳ. Các chính sách thuế quan, những căng thẳng thương mại quốc tế và việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu mở ra cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ. Bài viết này phân tích các chính sách ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh mới và đề xuất một số hàm ý chính sách tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Từ khóa: quan hệ thương mại, Việt Nam - Hoa Kỳ, thương mại hàng hóa, chuỗi cung ứng.
1. Đặt vấn đề
Những biến động trong bối cảnh toàn cầu đã và đang tác động sâu sắc đến thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy các doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện tử và dệt may.
Việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9 năm 2023 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy thương mại hàng hóa giữa hai nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa chững lại, xu hướng khu vực hóa đang gia tăng. Việt Nam, với vị trí địa lý và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực, đáp ứng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ.
Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang thay đổi cách thức sản xuất và thương mại. Việc áp dụng công nghệ mới giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường Hoa Kỳ.
Với xu thế hiện nay cho thấy người tiêu dùng Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội. Do đó đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải điều chỉnh quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Hoa Kỳ.
Những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu đang tạo ra cả cơ hội và thách thức cho thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Việc nắm bắt xu hướng và điều chỉnh chiến lược phù hợp sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế và thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển bền vững.
2. Chính sách thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, chính sách thương mại của Hoa Kỳ đang trải qua những điều chỉnh quan trọng nhằm thích ứng với các thách thức và cơ hội mới.
2.1. Chính sách thương mại với Trung Quốc
Một trong những trọng tâm của chính sách thương mại Hoa Kỳ trong giai đoạn gần đây là đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và viễn thông. Hoa Kỳ đã duy trì mức thuế quan từ thời chính quyền Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc. Một trong những trọng tâm của chính sách thương mại Hoa Kỳ trong giai đoạn này là đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và viễn thông. Hoa Kỳ đã duy trì mức thuế quan từ thời chính quyền Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc.
Hoa Kỳ đang thúc đẩy việc giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như dược phẩm, pin xe điện và đất hiếm. Chính quyền Biden đã ký kết các thỏa thuận và đầu tư vào các dự án trong nước và các nước đồng minh để xây dựng lại chuỗi cung ứng an toàn và bền vững. Hoa Kỳ đã tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để xây dựng chuỗi cung ứng thay thế cho Trung Quốc, bao gồm việc đầu tư vào các cơ sở sản xuất pin và công nghệ năng lượng sạch ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
2.2. Thúc đẩy công nghệ xanh và thương mại bền vững
Chính quyền Biden đã nhấn mạnh vào việc phát triển các ngành công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, pin xe điện và năng lượng hydrogen. Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) năm 2022 đã bao gồm các khoản đầu tư lớn vào năng lượng sạch và các khoản ưu đãi thuế cho các ngành công nghiệp sản xuất xanh. Điều này không chỉ giúp Hoa Kỳ thúc đẩy sản xuất nội địa mà còn tăng khả năng xuất khẩu công nghệ sạch ra thị trường quốc tế. Đạo luật Giảm lạm phát đã dành hơn 369 tỷ USD để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, sản xuất pin và các giải pháp năng lượng sạch khác, từ đó khuyến khích sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Hoa Kỳ đã đưa các yếu tố môi trường vào các thỏa thuận thương mại mới, yêu cầu các đối tác phải tuân thủ các tiêu chuẩn về phát thải carbon và bảo vệ môi trường. Chính quyền Biden đang tìm cách tích hợp các cam kết về biến đổi khí hậu vào các hiệp định thương mại mới nhằm xây dựng một hệ thống thương mại bền vững hơn. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (IPEF) giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy định bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng khu vực.
2.3. Chiến lược “Friendshoring” và đa dạng hoá chuỗi cung ứng
Chính quyền Hoa Kỳ thúc đẩy chiến lược “friendshoring” - tức là xây dựng chuỗi cung ứng với các quốc gia đồng minh và đối tác đáng tin cậy, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc và Nga. Chiến lược này không chỉ tăng cường hợp tác thương mại với các đối tác truyền thống mà còn mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng ra ngoài các quốc gia có rủi ro về chính trị hoặc địa kinh tế. Hoa Kỳ đã tăng cường hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Asean để xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy cho các ngành công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn, dược phẩm và năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất do đại dịch và căng thẳng địa chính trị, Hoa Kỳ đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung thay thế cho các tài nguyên chiến lược như đất hiếm, lithium và các khoáng sản quan trọng khác. Các hiệp định thương mại mới và đầu tư vào các khu vực giàu tài nguyên như châu Phi và Nam Mỹ đã trở thành một phần quan trọng của chiến lược thương mại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã ký các thỏa thuận hợp tác với Canada, Úc và các quốc gia Nam Mỹ để đảm bảo nguồn cung các khoáng sản cần thiết cho sản xuất pin xe điện và công nghệ xanh.
2.4. Các chính sách thương mại khác
Chính sách đối ngoại thương mại của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây đã thể hiện rõ sự thay đổi đáng kể trong chiến lược toàn cầu của quốc gia này, đặc biệt khi đối diện với những thách thức từ môi trường địa chính trị phức tạp và sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Từ việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước đồng minh đến việc điều chỉnh chuỗi cung ứng và phát triển thương mại bền vững, chính sách đối ngoại thương mại của Hoa Kỳ ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp.
Tăng cường thương mại với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Hoa Kỳ đang mở rộng quan hệ thương mại với các nước trong khu vực này để tăng cường ảnh hưởng và đối trọng với sự gia tăng của Trung Quốc. Các thỏa thuận thương mại và đầu tư trong khu vực này đang được thúc đẩy với mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Sáng kiến Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework - IPEF), được khởi động vào năm 2022, là một phần quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực. IPEF tập trung vào các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, thương mại số, năng lượng sạch và tiêu chuẩn lao động, giúp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mở rộng hợp tác thương mại với các nước Đông Nam Á: Hoa Kỳ đang nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á - khu vực có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và có mức tăng trưởng kinh tế nhanh. Các nước như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Singapore đã trở thành đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ và năng lượng tái tạo. Hoa Kỳ đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại và đầu tư với các nước trong Asean nhằm thúc đẩy thương mại số, xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo vệ môi trường.
3. Các chính sách thương mại của Việt Nam trong bối cảnh mới
Chính sách thương mại của Việt Nam đã có nhiều sự điều chỉnh và thay đổi trong bối cảnh chính sách thương mại của Hoa Kỳ, cũng như những thay đổi của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn gần đây, Việt Nam đã phải đối mặt với những thách thức và cơ hội đến từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Những điều chỉnh này thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, cải thiện chuỗi cung ứng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
3.1. Thúc đẩy quan hệ thương mại song phương trong bối cảnh Hoa Kỳ gia tăng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc
Trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường thắt chặt thương mại với Trung Quốc, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước phát triển đáng kể, mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho cả hai bên. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc) và thị trường Hoa Kỳ là một trong những nguồn xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành như dệt may, điện tử, đồ gỗ và thủy sản. Với chính sách thương mại của Hoa Kỳ chú trọng vào việc thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững và tìm kiếm đối tác đáng tin cậy, Việt Nam được xem như một trong những đối tác chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2022 và 2023 đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu cao về các sản phẩm như điện thoại, máy tính, đồ nội thất và hàng dệt may. Việt Nam đã tận dụng các chính sách ưu đãi từ phía Hoa Kỳ, đồng thời điều chỉnh các quy định về xuất xứ và tiêu chuẩn chất lượng để phù hợp với thị trường Hoa Kỳ.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD; xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước (Bộ Ngoại giao)[1].
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. Chính phủ Việt Nam đã tăng cường chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ vào các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh. Các tập đoàn lớn như Apple, Intel và Google[2] đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam, nhờ vào môi trường kinh doanh thuận lợi và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Tháng 9 năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu trên (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)[3].
3.2. Thích ứng với những chính sách năng lượng sạch và biến đối khí hậu của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đang thúc đẩy các chính sách thương mại liên quan đến năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon, điều này có tác động lớn đến các nhà xuất khẩu như Việt Nam. Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường từ phía Hoa Kỳ, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết trong việc phát triển bền vững và thúc đẩy thương mại xanh. Trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải carbon, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng sạch và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường sang Hoa Kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngành như dệt may và nông sản, khi các quy định về môi trường của Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt đối với những mặt hàng xuất khẩu từ các ngành này.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch4, đặc biệt là phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và năng lượng tái tạo khác. Chính sách của Hoa Kỳ thúc đẩy việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế đã tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút đầu tư từ các công ty Hoa Kỳ vào lĩnh vực này. Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp Hoa Kỳ để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các hệ thống năng lượng tái tạo. Điều này giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
3.3. Thích ứng với chính sách “Friendshoring” của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đang thúc đẩy chiến lược "friendshoring"[4] - tức là ưu tiên thiết lập chuỗi cung ứng với các quốc gia đồng minh hoặc đối tác đáng tin cậy để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam đã tận dụng điều này để trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và đồ gỗ. Khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhiều nhà máy đã được thành lập hoặc mở rộng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam gia tăng đáng kể xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong các ngành công nghiệp chiến lược.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách nhằm cải thiện hạ tầng và năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này bao gồm việc tăng cường hệ thống logistics, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng lao động. Việt Nam đã đẩy mạnh việc xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp, cảng biển và hệ thống giao thông nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn từ Hoa Kỳ như Apple, Nike và các nhà sản xuất linh kiện điện tử.
3.4. Điều chỉnh các quy định về xuất xứ và bảo hộ thương mại
Với sự gia tăng kiểm tra về xuất xứ hàng hóa từ phía Hoa Kỳ, Việt Nam đã phải điều chỉnh các chính sách thương mại để đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu tuân thủ quy định về xuất xứ và tránh bị áp thuế phòng vệ thương mại. Chính phủ Việt Nam đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong nước để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại và xuất xứ. Các quy định về chứng nhận xuất xứ đã được thắt chặt đối với các ngành xuất khẩu chính như dệt may, giày dép, và điện tử, nhằm đảm bảo hàng hóa Việt Nam không bị xem là xuất khẩu gián tiếp từ Trung Quốc và bị áp thuế chống bán phá giá.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, Việt Nam đã có những động thái điều chỉnh chính sách thương mại nhằm bảo vệ các ngành xuất khẩu chủ chốt. Chính phủ đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong nước để đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá và thuế quan từ phía Hoa Kỳ. Trong năm 2022 và 2023, Việt Nam đã phải đối mặt với một số vụ kiện chống bán phá giá từ phía Hoa Kỳ trong các ngành như thép và đồ gỗ. Chính phủ đã hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác với luật sư quốc tế và cơ quan thương mại để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trong các tranh chấp thương mại này.
4. Thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ trong giai đoạn 2013 - 2023
Việt Nam phát triển quan hệ thương mại với Hoa Kỳ từ sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận năm 1994. Năm 2000, hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương, có hiệu lực tháng 12/2001. Từ đó, thương mại giữa hai bên tăng mạnh, với kim ngạch hai chiều tăng hơn 30 lần, từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên 111 tỷ USD năm 2023 (Tổng cục Hải quan, 2024[5]).
Số liệu ở Hình 1 cho thấy giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng tăng trong suốt thời kỳ từ năm 2013 đến 2023. Theo thống kê sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố, năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (Asean) về xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ.
Hình: Xuất nhập khẩu và thăng dư thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 2013 - 2023
Ngoài giá trị thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu cũng chuyển dịch, với việc tăng xuất khẩu hàng công nghệ cao và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp.
Theo Tổng cục Hải quan (2013), các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2013 là hàng dệt may (36%), giày dép (11,11%), gỗ và sản phẩm gỗ (8,4%), giày dép (9,1%), thủy sản (6,3%). Đến năm 2023, cơ cấu này đã thay đổi máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (18,8%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (17,5%), dệt may (14,9%), giày dép (7,4%),…
Hàng dệt may luôn được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2014, hơn 75% sản phẩm xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam là gia công. Hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, có giá trị gia tăng thấp (Bộ Công Thương, 2014), song trong nhiều năm qua mặt hàng này vẫn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Gần đây, mặc dù xuất khẩu dệt may và da giày vẫn đóng vai trò chủ đạo, song cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển sang hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng sơ chế, tăng dần, xuất khẩu hàng gia công và nhóm hàng thiết bị điện tử có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn hơn.
Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ của Việt Nam
Năm 2013, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (15,5%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (11,3%), bông (8,6%), hóa chất và sản phẩm hóa chất (5,3%)… (Tổng cục Hải quan, 2013). Đến năm 2023, cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hoa Kỳ như sau: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (20,8%), máy tính, các sản phẩm điện tử và linh kiện (18,8%); nguyên liệu sản phẩm gồm bông, đậu tương, và các nguyên liệu khác phục vụ cho ngành dệt may và chế biến thực phẩm (16,3%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (11,8%)… Phần lớn hàng hóa nhập khẩu chính của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ là hàng điện tử, máy móc thiết bị và những nguyên phụ liệu cần thiết phục vụ sản xuất công nghiệp. Như vậy, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ đang chuyển dịch theo hướng gia tăng hàng chế tạo và linh kiện nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất công nghiệp (Tổng cục Hải quan, 2023).
5. Ảnh hưởng của bối cảnh mới đến thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ
Chính sách thương mại của Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay đã và đang trải qua nhiều thay đổi quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ thương mại với Việt Nam. Mặc dù mối quan hệ thương mại giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn tồn tại một số rào cản đối với Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ. Dưới đây là phân tích chi tiết về chính sách thương mại của Hoa Kỳ và những rào cản Việt Nam phải đối mặt.
Bảo hộ thương mại
Hoa Kỳ đã và đang áp dụng chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump thực hiện phương châm "America First". Chính sách này bao gồm các biện pháp nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc áp dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.
Từ tháng 01/2017, sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã có những điều chỉnh đáng kể về cách tiếp cận và biện pháp thực hiện chính sách thương mại dựa trên các trụ cột: (i) Tái cân bằng quan hệ thương mại thông qua việc hỗ trợ bảo đảm an ninh quốc gia; (ii) Đàm phán lại các hiệp định thương mại “đã lỗi thời và không công bằng”; (iii) Thực thi mạnh mẽ Luật Thương mại của Hoa Kỳ; (iv) Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (Office of the United States Trade Representative, 2017)
Trên cơ sở đó, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại thỏa thuận thương mại Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico, đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc (KORUS), đàm phán về các vấn đề thương mại với Liên minh châu Âu (EU), chuyển sang đàm phán các FTA song phương nhằm tạo lợi thế hơn về thương mại. Đồng thời, với lý do nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và thực thi Luật Thương mại Hoa Kỳ, Chính phủ Hoa Kỳ tăng cường kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, tiến hành điều tra và đánh thuế theo Điều 232, Điều 301 Luật Thương mại, áp dụng nhiều biện pháp chống bán phá giá và tự vệ thương mại. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước (Mildner, 2020). Trong đó, Trung Quốc là đối tượng được chú trọng hàng đầu trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng leo thang.
Hoa Kỳ thường xuyên sử dụng các công cụ thuế quan và biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu. Các biện pháp này nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài. Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ phía Hoa Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực như thép, đồ gỗ, thủy sản và dệt may. Năm 2020, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm ống thép không gỉ từ Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong ngành này.
Chính sách hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chú trọng đến các chính sách thương mại hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Những sản phẩm có tác động tiêu cực đến môi trường hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường này. Điều này có nghĩa, các ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, thủy sản và dệt may, cần phải chú ý nhiều hơn đến các tiêu chuẩn về môi trường, khí thải carbon và tiêu chuẩn lao động quốc tế nếu muốn duy trì và phát triển quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
Những rào cản đối với Việt Nam trong thương mại với Hoa Kỳ
Rào cản thuế quan và phi thuế quan: Mặc dù Việt Nam không bị áp dụng các mức thuế cao như Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng vẫn có những rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam. Các rào cản phi thuế quan bao gồm quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và yêu cầu tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.
Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá và chống trợ cấp từ phía Hoa Kỳ. Điều này gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, làm tăng chi phí và gây ra sự bất ổn định trong hoạt động kinh doanh. Các vụ điều tra về chống bán phá giá đối với sản phẩm thép, tôm và cá tra của Việt Nam là những ví dụ điển hình về cách thức Hoa Kỳ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Hoa Kỳ là một trong những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đối với nông sản, thực phẩm và thủy sản. Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ. Các rào cản như quy định về hàm lượng thuốc trừ sâu, kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm đã gây trở ngại lớn cho xuất khẩu nông sản và thủy sản Việt Nam sang Mỹ.
Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng đến các quy định về lao động và môi trường trong thương mại quốc tế. Những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện lao động, quyền lợi người lao động và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Sự gia tăng kiểm tra và yêu cầu tuân thủ quy định liên quan đến môi trường có thể là một thách thức đối với nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là dệt may và thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào sản xuất xanh và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý lao động và bảo vệ môi trường.
Cạnh tranh với các quốc gia khác
Ngoài các rào cản đến từ Hoa Kỳ, Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu khác, đặc biệt từ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Bangladesh và Mexico. Những quốc gia này có thể cung cấp hàng hóa tương tự với giá thành thấp hơn hoặc có vị thế thương mại tốt hơn với Hoa Kỳ. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, và tăng cường các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm.
Những cơ hội và thách thức trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
Xu hướng phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục trong tương lai, mặc dù căng thẳng thương mại có thể vẫn chưa lắng dịu. Bối cảnh mới đem lại cho Việt Nam cả những cơ hội và thách thức trong việc phát triển quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
Xét về những cơ hội:
Do hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hoa Kỳ sang thị trường của nhau có tính chất bổ trợ nên thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn có thể tiếp tục tăng. Hoa Kỳ có nhu cầu lớn về nhập khẩu các mặt hàng nông sản hoặc những sản phẩm hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhân công và nguyên vật liệu như các sản phẩm dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử. Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông,... phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đáp ứng cho quá trình tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.
Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa nguồn cung, nâng cao chất lượng hàng hóa và cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường tìm kiếm nguồn cung từ Việt Nam để bù đắp cho sự thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc. Điều này có thể tạo cơ hội cho sự phát triển ở Việt Nam.
Cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Hoa Kỳ từ Trung Quốc tới Việt Nam do ảnh hưởng của căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Các quốc gia có công nghệ phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc mong muốn tìm một địa điểm để đầu tư dài hạn với các tiêu chí phù hợp về môi trường thể chế, thị trường lao động..., trong đó Việt Nam là một điểm đến đầu tư tiềm năng, đặc biệt khi căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc leo thang.
Xét về thách thức:
Sự gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và chất lượng hàng hóa từ Hoa Kỳ khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thâm nhập thị trường này. Nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguy cơ cao bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá, trong đó những mặt hàng có sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu lớn vào Hoa Kỳ như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, thép,… có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ đặt nhiều rào cản lên thương mại với Trung Quốc, hàng hóa của Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn vì các doanh nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế quan cao của Hoa Kỳ có thể tăng cường thâm nhập thị trường Việt Nam, bán nguyên liệu ồ ạt cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu tới thị trường của các quốc gia khác trên thế giới có khả năng phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, vì hàng hóa của Trung Quốc không thâm nhập được vào thị trường Hoa Kỳ sẽ chuyển sang các nước châu Á lân cận. Thêm vào đó, các mặt hàng nội địa Việt Nam vốn đã phải cạnh tranh với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc nay lại càng cạnh tranh gay gắt hơn.
6. Kết luận và một số hàm ý chính sách
6.1. Kết luận
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh mới đã có những bước tiến vượt bậc và ngày càng trở nên phức tạp, đa chiều hơn. Từ những kết quả tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch thương mại song phương, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng đối diện với nhiều thách thức và cơ hội mới, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh chóng và ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, kinh tế, công nghệ.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2013 - 2023, với các mặt hàng chủ lực như dệt may, điện tử và máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng từ Việt Nam sang Mỹ, cùng với các sản phẩm nông nghiệp và máy móc từ Mỹ sang Việt Nam. Tuy nhiên, sự mất cân bằng trong thặng dư thương mại vẫn là một vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng thương mại.
Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại và tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, lao động và chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ chú trọng phát triển bền vững, các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh và sản xuất sạch trở thành yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Điều này không chỉ là thách thức, mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch và sản xuất thân thiện với môi trường.
Tóm lại, trong bối cảnh mới, mối quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ là một câu chuyện về tăng trưởng, mà còn là sự thích ứng linh hoạt trước những thay đổi của kinh tế toàn cầu. Việt Nam cần tập trung vào việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, cải thiện chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ. Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia, dựa trên cơ sở đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, sẽ là chìa khóa để giải quyết các thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội trong tương lai.
6.2. Một số hàm ý chính sách
Để tăng cường thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh mới, Việt Nam có thể áp dụng một số hàm ý chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị thương mại.
Thứ nhất, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản, thủy sản và các mặt hàng xuất khẩu chính nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Hoa Kỳ. Chính phủ nên cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ tiêu chuẩn và quy định xuất khẩu vào Hoa Kỳ, bao gồm các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và an toàn sản phẩm.
Thứ hai, đa dạng hóa và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng. Chính phủ nên cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ tiêu chuẩn và quy định xuất khẩu vào Hoa Kỳ, bao gồm các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và an toàn sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, như các sản phẩm đồ gỗ, dệt may, và sản phẩm nông sản.
Thứ ba, chú trọng phát triển bền vững và giảm phát thải carbon. Thúc đẩy áp dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, giảm phát thải và đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững, vốn ngày càng quan trọng với thị trường Hoa Kỳ. Thúc đẩy áp dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, giảm phát thải và đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững, vốn ngày càng quan trọng với thị trường Hoa Kỳ.
Thứ tư, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào công nghệ và số hóa trong sản xuất để tăng hiệu quả, giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ. Ứng dụng blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng và theo dõi nguồn gốc sản phẩm cũng là một giải pháp quan trọng để đáp ứng yêu cầu khắt khe về xuất xứ từ Hoa Kỳ. Thương mại điện tử đang ngày càng trở thành một kênh quan trọng để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần tận dụng nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon để tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng Mỹ, từ đó tăng cường xuất khẩu hàng hóa.
Cuối cùng, tăng cường hợp tác đầu tư song phương. Việt Nam nên tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, sản xuất xanh, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng. Việc đón nhận đầu tư nước ngoài không chỉ giúp Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất, mà còn tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn để phục vụ thị trường Hoa Kỳ. Chính phủ và các tổ chức xúc tiến thương mại cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hoa Kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực như dịch vụ, công nghệ và chế biến thực phẩm. Điều này sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp Việt Nam.
*Bài viết này là sản phẩm của nhiệm vụ cấp cơ sở “Thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh mới”, do ThS. Bùi Thị Hồng Ngọc Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam làm chủ nhiệm.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
[1] Trúc Thanh Lê By, & Lê T. T. (2024). Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ hướng tới mốc 90 tỷ USD. https://ngkt.mofa.gov.vn/thuong-mai-hai-chieu-viet-nam-hoa-ky-huong-toi-moc-90-ty-usd/.
[2] Đức Dũng (2023). Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Truy cập tại: https://kinhtedothi.vn/hang-loat-tap-doan-cong-nghe-lon-chuyen-dich-san-xuat-sang-viet-nam.html
[3] Tùng Linh (2023). Việt Nam - Hoa Kỳ: Nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Truy cập tại: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-9-12/Viet-Nam--Hoa-Ky-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chierl02to.aspx
[4] Reinsch W. A. (2024). Friendshoring vs. Onshoring. Available at: https://www.csis.org/analysis/friendshoring-vs-onshoring.
[5] Thái Bình (2024). Năm thứ 3 liên tiếp thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt hơn 100 tỷ USD. Truy cập tại: https://haiquanonline.com.vn/nam-thu-3-lien-tiep-thuong-mai-viet-nam-hoa-ky-dat-hon-100-ty-usd-182456.html
Vietnam-U.S. merchandise trade in the new development context
Master. Bui Thi Hong Ngoc
Master. Tran Thi Lan Anh
Vietnam Institute of Economics
Abstract:
The United States is one of Vietnam's largest trading partners, particularly in key export sectors such as textiles, footwear, electronics, and agricultural products. The strengthening bilateral economic relationship has significantly contributed to Vietnam's export growth, economic development, and job creation. However, the evolving global trade landscape, driven by shifts in U.S. policies, trade tensions, and the restructuring of global supply chains, presents both challenges and opportunities for Vietnam's integration into U.S. supply chains. This study examined the policies influencing Vietnam-U.S. merchandise trade in this dynamic context and provided policy recommendations to further enhance and sustain the bilateral trade relationship.
Keywords: trade relations, Vietnam - United States, trade in goods, supply chain.