TÓM TẮT:
Nghiên cứu khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình trích ly đồng thời polyphenol, chlorophyll và phân tích hàm lượng polyphenol tổng, chlorophyll a,b, chlorophyll tổng, hoạt tính sinh học của dịch chiết từ lá hẹ xanh ở Long An. Kết quả nghiên cứu đã xác định được một số điều kiện thích hợp như sau: phương pháp ngâm dầm, dung môi ethanol, nhiệt độ 65oC, thời gian 100 phút, tỉ lệ dung môi/nguyên liệu (v/w):(30:1). Kết quả thu được hàm lượng chlorophyll, polyphenol của lá hẹ lần lượt 6,07±0,25 mg/g, 15,64±0,63 mgGAE/g, tương ứng trong dịch chiết polyphenol, chlorophyll a, b và chlorophyll tổng lần lượt 27,49±0,77ìgGAE/mL; 12,74±0,39 ìg/mL; 5,82±0,74 ìg/mL và 18,56±0,70 ìg/mL. Khả năng kháng oxy hóa của dịch chiết lá hẹ xanh là IC50 = 4,17 mg/mL, và dịch chiết lá hẹ có khả năng kháng mạnh khuẩn Staphylococcus aureus ATCC 25923 và kháng vừa nấm Candida albicans ATCC 10231.
Từ khóa: chlorophyll, ethanol, hoạt tính kháng oxy hóa, polyphenol, lá hẹ.
1. Đặt vấn đề
Cây hẹ có tên khoa học là Allium ramosum L. hoặc Allium tuberosum Roxb., Allium odorum L. thuộc họ hành tỏi Alliaceae. Theo tài liệu nghiên cứu của Đỗ Tất Lợi, cây hẹ (Allium ramosum L.) là loại cỏ nhỏ, có nguồn gốc hoang dại ở vùng Trung và Bắc Á. Trong lá và rễ hẹ, nhiều nghiên cứu đã tìm thấy các hợp chất sunfua, saponin và chất đắng. Đặc biệt từ dò cây hẹ (củ hẹ), có một hợp chất được đặt tên là odorin ít độc với động vật cao cấp, nhưng lại có tác dụng kháng vi khuẩn Staphylococus aureus và Bacillus coli. Theo Trung dược chí, năm 1993, thân hẹ chứa allicin, methylallicin, lá chứa hợp chất sunfua, linalol [1]. Ở Việt Nam, hẹ được trồng phổ biến ở nhiều nơi, ngoài công dụng dùng trong ẩm thực, chế biến món ăn như một loại gia vị, còn có ý nghĩa trong y học cổ truyền, hẹ được dùng phổ biến để điều trị các bệnh đau dạ dày, tiêu chảy, cảm lạnh, hen suyễn [2].
Theo các nghiên cứu đã công bố, lá hẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm: polysaccharide, protein, chlorophyll-a, chlorophyll-b, chất xơ, các chất này có tiềm năng trong việc điều trị nhiều loại bệnh và rối loạn, bao gồm giảm cholesterol và điều chỉnh đường huyết [3]. Nhiều hợp chất có hoạt tính cũng đã tìm thấy trong cao chiết methanol từ lá hẹ tươi như polyphenol, flavonoid và đặc biệt là americine trong cao chiết methanol của lá hẹ tươi, có tiềm năng trong việc kiểm soát ung thư phổi [4]. Hợp chất 2-amino-5-metylbenzoic acid trong chiết xuất từ rễ, lá và thân của hẹ ở Trung Quốc, có khả năng ức chế vi khuẩn P. carotovorum và P. syringae [5]. Các hoạt chất saponin, phenol, tannin và flavonoid cũng tìm thấy trong các dịch chiết từ cây hẹ ở Ấn Độ, các dịch chiết này đều có hoạt tính kháng khuẩn và kháng oxi hóa [6].
Ở Việt Nam, đã có nhiều công trình liên quan đến cao chiết, tinh dầu từ lá hẹ đã được nghiên cứu và công bố như năm Huỳnh Thị Ngọc Ni (2019) đã nghiên cứu tinh dầu lá hẹ ở Phú Yên [7]. Một nghiên cứu với lá hẹ ở Huế cũng đã phân tích được 52 thành phần trong tinh dầu lá hẹ, trong đó thành phần chính là phytol (24,86%) và định tính được flavonoid, tanin, alcaloid, saponin, acid hữu cơ, đường khử trong dịch chiết phần trên mặt đất của hẹ. Ngoài ra, kết quả thử kháng khuẩn cũng cho thấy cao hexan có khả năng kháng vi khuẩn L.fermentum, cao dịch loromethan có khả năng kháng vi khuẩn B.subtilis, L fermentum, cao ethylacetat có khả năng kháng vi khuẩn B.subtilis, tinh dầu lá hẹ có khả năng kháng vi khuẩn B.subtilis, L.fermentum và nấm C.albican [8]. Kết quả phân tích hàm lượng polyphenol và flavonoid tổng trong các cao phân đoạn thu nhận từ bột lá hẹ khô cho thấy hàm lượng polyphenol tổng (TPC), flavonoid (TFC), hoạt tính kháng oxy hóa của cao chiết ethanol cao hơn trong cao chiết nước [2].
Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào về trích ly đồng thời polyphenol, chlorophyll từ lá hẹ, đặc biệt là lá hẹ xanh, được trồng phổ biến ở miền Nam - Việt Nam. Trong đó, chlorophyll từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và mỹ phẩm như là một chất tạo màu thiên nhiên an toàn. Ngoài ra, nhờ vào hoạt tính chống oxy hóa, chống xơ vữa động mạch, chống viêm, giải độc của chlorophyll và các dẫn xuất của chlorophyll, hợp chất này còn được sử dụng trong dược và thực phẩm chức năng [9]. Do đó, nội dung nghiên cứu này nhằm khảo sát quy trình trích ly polyphenol và chlorophyll từ lá hẹ xanh và hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết từ lá hẹ.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
-
- Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là lá hẹ xanh được thu hái ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Quy trình trích ly đồng thời polyphenol, chlorophyll với các thông số như dung môi, nhiệt độ, thời gian, tỉ lệ nguyên liệu:dung môi được đánh giá thông qua hàm lượng polyphenol và chlorophyll tổng. Đồng thời, hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết cũng được đánh giá.
- Vật liệu nghiên cứu và thiết bị chính
Lá hẹ xanh thu hái ở Cần Đước, Long An vào tháng 3 đến tháng 8/2023, lá hẹ được thu hái ở dạng lá tươi, đạt độ trưởng thành và không bị sâu bệnh. Lá hẹ sau đó được rửa sạch, loại bỏ tạp chất và bảo quản ở nhiệt độ 4÷8oC, dùng trong suốt quá trình thí nghiệm.
Máy quang phổ hai chùm tia Jasco-double beam spectrophotometer model V530 (Nhật Bản) với cell đo có chiều dài đường truyền 1 cm và các thiết bị thông dụng khác.
- Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp Folin-Ciocalteu định lượng polyphenol tổng
Hàm lượng polyphenol tổng được xác định bằng phương pháp quang phổ với thuốc thử Folin-Ciocalteu trong môi trường kiềm. Quy trình phân tích có điều chỉnh như sau: 1,0mL dịch chiết sau khi được pha loãng sẽ thêm vào 2,5mL thuốc thử Folin 10%, lắc nhẹ, thêm tiếp 1,5mL Na2CO3 1,2M, để yên ở nhiệt độ phòng trong 60 phút trước khi đo độ hấp thu quang A ở bước sóng 752nm. Chất chuẩn đối chứng sử dụng là acid gallic, hàm lượng polyphenol tổng có trong mẫu phân tích được quy về đơn vị tính là mgGAE/g chất khô [10].
2.2. Phương pháp quang phổ xác định chlorophyll a và chlorophyll b
Theo Nayek Sumanta và các cộng sự [11], trong dung môi ethanol, chlorophyll a hấp thu cực đại ở 664 nm và chlorophyll b hấp thu cực đại ở 649nm, nồng độ chlorophyll a,b (ìg/mL) được xác định theo công thức (1):
Chlorophyll a = 13,36 A664 - 5,19 A649 (1a)
Chlorophyll b = 27,43A649 - 8,12 A664 (1b)
Chlorophyll = chlorophyll a + chlorophyll b (1c)
2.3.3. Phương pháp DPPH thử hoạt tính kháng oxy hóa
Hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết thể hiện qua việc làm giảm cường độ màu của DPPH (2,2-diphenyl-1-picryhydrazyl), quy trình có điều chỉnh gồm: 0,5 mL dịch chiết (đã pha loãng) thêm vào 5,50 mL dung dịch DPPH và để trong tối khoảng 30 phút, đọc giá trị độ hấp thu A tại 517 nm. Hoạt tính kháng oxy hóa được tính theo công thức (2):
Chỉ số IC50 thường dùng để đánh giá khả năng khử gốc tự do hoặc kháng oxy hóa của dịch chiết được định nghĩa là nồng độ của mẫu ở khả năng ức chế 50% gốc tự do. Mẫu có hoạt tính kháng oxy hóa cao sẽ có giá trị IC50 thấp [12].
2.4. Phương pháp xử lý số liệu
Kết quả thí nghiệm được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS 16 để đánh giá sự khác nhau của các giá trị với mức ý nghĩa p<0,05 sau khi thực hiện phân tích ANOVA.
- Bố trí thí nghiệm
Phương pháp trích ly được sử dụng trong nghiên cứu là phương pháp ngâm dầm có hỗ trợ nhiệt độ, dung môi khảo sát là methanol, ethanol và nước. Thí nghiệm được thực hiện như sau: mẫu lá hẹ tươi sau khi xử lý sơ bộ được cắt nhỏ, cân 5g mẫu cho vào chai thủy tinh chịu nhiệt có nắp, thêm dung môi khảo sát, trích ly, ly tâm thu dịch chiết. Các biến khảo sát bao gồm: dung môi, thời gian, nhiệt độ, tỉ lệ nguyên liệu/dung môi. Điều kiện tối ưu thu được là hàm lượng chlorophyll và polyphenol là cao nhất.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Kết quả khảo sát phổ hấp thu xác định cholrophyll
Kết quả khảo sát phổ hấp thu của dịch chiết ethanol từ lá hẹ sau khi pha loãng với ethanol ở Hình 1 cho thấy các dung dịch sau pha loãng đều hấp thu cực đại ở 664 nm. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu về phân tích chlorophyll [11]. Do đó, có thể sử dụng công thức (1) để xác định hàm lượng chlorophyll a, b và tổng chlorophyll trong dịch chiết.
Hình 1: Phổ hấp thu của dịch chiết ethanol từ lá hẹ
3.2. Khảo sát đường chuẩn acid gallic (xác định polyphenol)
Để định lượng polyphenol trong dịch chiết và cao chiết, đường chuẩn với chất chuẩn đối chứng là acid galic được thiết lập với nồng độ acid galic trong khoảng
0,1 - 10,0 (ìg acid gallic GAE/mL). Kết quả khảo sát thu được đường chuẩn acid gallic là: A = 0,111C (ìgGAE/mL) + 0,0102 với R2 = 0,999>0,995 [13], đạt yêu cầu sử dụng để xác định polyphenol tổng trong dịch chiết và cao chiết từ lá hẹ.
3.3. Khảo sát và lựa chọn dung môi
Kết khảo sát sơ bộ ảnh hưởng của hệ dung môi đến hàm lượng chlorophyll và polyphenol thể hiện ở Bảng 1. Kết quả đánh giá ANOVA cho thấy ảnh hưởng của dung môi đến hàm lượng chlorophyll và polyphenol là có nghĩa với lần lượt F = 363,97> Fcrit = 5,14, pvalue < 0,05 cho trường hợp chlorophyll và F = 5671,36 > Fcrit = 5,14, pvalue < 0,05 cho trường hợp polyphenol. Ngoài ra, hàm lượng polyphenol khi trích ly bằng dung môi ethanol 95o cho kết quả cao và khác biệt có ý nghĩa thống kê (ở mức độ tin cậy 95%) so với các trường hợp còn lại. Đối với hợp chất chlorophyll, dung môi ethanol 95o và methanol 95o không khác nhau có ý nghĩa thống kê với p>0,95. Từ kết quả thực nghiệm, dung môi ethanol 95o ưu tiên lựa chọn mặc dù ethanol và methanol hòa tan tốt các hợp chất có hoạt tính sinh học như chlorophyll trong lá hẹ, nhưng xét cả 2 hợp chất và mức độ an toàn cho sử dụng trong dược và thực phẩm chức năng, dung môi ethanol được chọn để tiến hành các khảo sát tiếp theo.
Bảng 1. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của dung môi
a, b, c trong cùng cột thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức độ tin cậy 95%
3.4. Ảnh hưởng của nhiệt độ, thời gian và tỉ lệ dung môi/nguyên liệu
Kết quả khảo sát và đánh giá ANOVA cho thấy các yếu tố nhiệt độ, thời gian và tỉ lệ dung môi/nguyên liệu đều ảnh hưởng của đến hàm lượng chlorophyll và polyphenol
(F > Fcrit = 5,14, pvalue < 0,05). Theo kết quả thực nghiệm, hàm lượng polyphenol tăng mạnh hơn chlorophyll khi tăng thời gian, nhiệt độ và tỉ lệ dung môi/nguyên liệu. Trong điều kiện cố định nhiệt độ 45oC, thay đổi thời gian, hàm lượng polyphenol và chlorophyll đều tăng khi tăng thời gian. Ở cùng thời gian 60 phút, hàm lượng polyphenol, chlorophyll tăng khi tăng từ 25oC lên 65oC. Tuy nhiên từ 65oC đến 85oC, hàm lượng polyphenol gần như không đổi; nhưng hàm lượng chlorophyll có xu hướng giảm. Kết quả nghiên cứu tương thích với kết quả nghiên cứu chiết xuất chlorophyll từ bèo tấm (Lemnoideae) [14], polyphenol trong lá móng tay [15]. Với dung môi ethanol và phương pháp ngâm chiết, thời gian ngâm chiết càng dài, khả năng hòa tan các hoạt chất vào dung môi càng tăng, tuy nhiên thời gian quá dài, không có hiệu quả về mặt kinh tế. Kết quả nghiên cứu khác biệt với kết quả trích ly polyphenol trong lá móng tay [15], trong nghiên cứu này, ở nhiệt độ <60oC, việc tăng nhiệt độ sẽ tăng khả năng khuếch tán của hoạt chất, tuy nhiên trong khoảng nhiệt độ 60-80oC, TPC không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tăng nhiệt độ.
Xét ảnh hưởng của tỉ lệ dung môi/nguyên liệu (thay đổi thể tích dung môi ethanol), kết quả hàm lượng chlorophyll không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tỉ lệ 25:1 và 50:1. Ngược với chlorophyll, hàm lượng polyphenol tăng, sau đó giảm khi tăng thể tích dung môi ethanol từ 25:1 lên 50:1. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng dung môi ethanol có ảnh hưởng đến kết quả trích ly, lượng dung môi ethanol thấp, lượng hoạt chất thu được thấp, điều này có thể đo lượng dung môi không đủ để trích ly hết các chất từ lá hẹ, khi tăng lượng dung môi, hàm lượng hoạt chất tăng, nếu tiếp tục tăng, lượng hoạt chất polyphenol có xu hướng giảm nhẹ, điều này có thể được giải thích là do dung dịch đạt đến bão hòa.
Bảng 2. Ảnh hưởng của tỉ lệ dung môi/nguyên liệu, nhiệt độ đến hàm lượng các
hoạt chất polyphenol và chlorophyll
a, b, c trong cùng cột thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức độ tin cậy 95%
Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện
Kết quả so sánh giá trị trung bình bằng phần mềm thống kê SPSS 16 ở trường hợp khảo sát sơ bộ, đơn biến, cũng ghi nhận hàm lượng polyphenol cao và khác biệt có giá trị thống kê ở điều kiện tỉ lệ DM/NL (30:1); thời gian 60 phút, nhiệt độ 65oC-85oC với hàm lượng polyphenol dao động: 14,78÷14,84 (tính theo mg acid galic/1g mẫu đã trừ ẩm). Đối với chlorophyll, cùng tỉ lệ (30:1); nhưng nhiệt độ thấp hơn (45oC) và thời gian dài hơn (100 phút), với hàm lượng chlorophyll cao nhất là 6,16 (mg/g).
3.5. Đề xuất quy trình tối ưu và phân tích lượng các hoạt chất trong dịch chiết từ lá hẹ
Dựa vào kết quả khảo sát, thí nghiệm kiểm chứng chọn quy trình tối ưu trích ly dịch chiết từ lá hẹ ta là nhiệt độ 65oC, thời gian 100 phút, tỉ lệ dung môi/nguyên liệu (v/w):(30:1). Quy trình tối ưu thu được có các thông số nhiệt độ và tỉ lệ dung môi/nguyên liệu (v/w) cao hơn qui trình trích ly chlorophyll trong bèo tấm, nhưng thời gian thấp hơn nhiều, trong khi đối với bèo tấm, thời gian trích ly là 6 giờ [14]. Kết quả thu được hàm lượng chlorophyll và polyphenol của lá hẹ xanh lần lượt 6,07±0,25 (mg/g), 15,64±0,63 (mgGAE/g). Hàm lượng chlorophyll trong lá hẹ xanh cao hơn lá hẹ ở Ấn Độ (5,8mg/g) [16], lá mướp (4,31mg/g)) [17] nhưng thấp hơn trong lá dứa (11,82(mg/g)) [18], bèo tấm (19,14(mg/g) [14]. Hàm lượng polyphenol trong lá hẹ thấp hơn trong lá dứa (28,42 (mgGAE/g) [18]), lá vối 49,493 (mgGAE/g) [19], lá chùm ngây (23,2983 (mgGAE/g) [20]. Kết quả phân tích hàm lượng các hoạt chất của dịch chiết lá hẹ xanh thu được theo quy trình tối ưu lần lượt như sau: polyphenol 27,49±0,77(ìg/mL); chlorophyll a 12,74±0,39(ìg/mL); chlorophyll b 5,82±0,74(ìg/mL) và chlorophyll 18,56±0,70(ìg/mL).
3.7. Hoạt tính sinh học của dịch chiết từ lá hẹ
Kết quả khảo sát hoạt tính kháng oxy của chất chuẩn đối chứng acid ascorbic thu được IC50 của chất chuẩn acid ascorbic là 5,22 (ìg/mL), kết quả nghiên cứu tương thích với các nghiên cứu đã được công bố [21]. Kết quả đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết lá hẹ với IC50= 4,17 mg chất chiết được/mL, kết quả này cho thấy hoạt tính kháng oxy hóa của dịch chiết lá hẹ thấp hơn chất đối chứng acid ascorbic.
Mẫu dịch chiết lá hẹ được gửi đến Trung tâm Phân tích quốc tế (Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh). Kết quả khảo sát cho thấy dịch chiết lá hẹ không kháng chủng Escherichia coli ATCC 25922, nhưng kháng mạnh Staphylococcus aureus ATCC 25923 (vòng kháng khuẩn 19,61± 0,60 mm) và kháng vừa nấm Candida albicans ATCC 10231 (vòng kháng khuẩn 7,50±0,62 mm). Kết quả nghiên cứu tương đồng với kết quả của các nghiên cứu đã công bố [6,8].
4. Kết luận
Nghiên cứu đã xác định được một số điều kiện thích hợp cho việc trích ly đồng thời polyphenol và chlorophyll từ lá hẹ như sau: phương pháp ngâm dầm, dung môi ethanol, nhiệt độ 65oC, thời gian 100 phút, tỉ lệ dung môi/nguyên liệu (v/w):(30:1). Kết quả thu được hàm lượng chlorophyll, polyphenol của lá hẹ lần lượt 6,07±0,25 (mg/g), 15,64±0,63 (mgGAE/g). Kết quả nghiên cứu còn ghi nhận dịch chiết từ lá hẹ có khả năng kháng oxy hóa và kháng mạnh Staphylococcus aureus ATCC 25923, kháng vừa Candida albicans ATCC 10231.
Lời cảm ơn:
Nghiên cứu này do Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh bảo trợ và cấp kinh phí theo Hợp đồng số 246/HĐ-DCT ngày 15/11/2022.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội, pp. 724-726.
- T. Nhut, T. N. T. An, L. V. Minh, T. T. Truc, N. H. T. Anh (2020). Phytochemical screening of Allium Tuberosum Rottler. ex Spreng as food spice. Materials Science and Engineering, 991, 012021.
- Farha Sultana, M. Mohsin (2014). Nutritional Screening of Allium tuberosum from Western Himalayan Region of India. International Journal of Science and Research (IJSR), tập 3, số 12, 727-731.
- Nath, S. Singha, D. Nath, G. Das, J. K. Patra, A. D. Talukdar (2022). Phytochemicals from Allium tuberosum Rottler ex Spreng show potent inhibitory activity against B-Raf, EGFR, K-Ras, and PI3K of non-small cell lung cancer targets. Applied Sciences, 12, 11749.
- Chen, J. Cai, Y.-h. Ren, Y. Xu, H. Liu, Y. Zhao, X. Chen, Z.Liu (2022). Antimicrobial activity, chemical composition and mechanism of action of Chinese chive (Allium tuberosum Rottler) extracts. Frontiers in Microbiology, 13.
- Talukdar, K. Das, S. Rabha, A. Sinha, M. P. Sarma, P. P. Kalita (2022). In vitro antioxidant and antimicrobial activity of Allium Odorum leaves extracted with different solvents and their phytochemical screening a comparative study. Indian Journal of Natural Sciences, 13(72), 43579-43584.
- T. N. Ni (2019). Nghiên cứu thành phần hóa học và khả năng kháng oxi hóa của tinh dầu lá hẹ (Allium Odorum L.) ở Phú Yên. Tạp chí Khoa học - Trường ĐH Phú Yên, 21, 24-29, 2019.
- K. T. Linh, P. T. H. Thu (2022). Chemical composition and antimicrobial activities of Allium Tuberosum. TNU Journal of Science and Technology, tập 227, số 10, 56-65.
- A. B. A. M. P. M.A.M. Jinasena (2016). Extraction and degradation of chlorophyll a and b from Alternanthera sessilis. Journal of the National Science Foundation of Sri Lanka, tập 44, số 1, 11-21.
- Martono, F. F. Yanuarsih, N. R. Aminu, J. Muninggar (2019). Fractionation and determination of phenolic and flavonoid compounds from Moringa oleifera leaves. International Conference on Science and Science Education, 1-8.
- Sumanta, C. I. Haque, J. Nishika, R. Suprakash (2014). Spectrophotometric analysis of chlorophylls and carotenoids from commonly grown fern species by Using Various Extracting Solvents. Research Journal of Chemical Sciences, 4(9), 63-69.
- Lim, T. Lim, J. Tee (2007). Antioxidant properties of several tropical fruits: A comparative study. Food Chemistry, 103, 1003-1008.
- V. Dự và N. Đ. Bình (2011). Quy hoạch thực nghiệm trong kỹ thuật. NXB Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội
- C. Hải, H. T. T. Nga, P. T. M. Tiên, P. V. Mẫn (2020). Nghiên cứu quá trình trích ly chlorophyll từ bèo tấm (Lemnoideae) bằng dung môi. Tạp chí Công Thương, 28, 75-80.
- UMA, C. HO, W. W. AIDA (2010). Optimization of extraction parameters of total phenolic compounds from Henna (Lawsonia inermis) leaves. Sains Malaysiana, 39(1), 119-128.
- Sultana và M. Mohsin (2014). Nutritional Screening of Allium tuberosum from Western Himalayan Region of India. International Journal of Science and Research (IJSR), vol. 3, no. 12, pp. 727-731.
- H. Cang, N. H. Nguyên, H. T. Giao, L. T. N. Ý (2019). Nghiên cứu tách chiết chlorophyll từ lá mướp (Egyptian Luffa). Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển (Trường ĐH Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh), 18(4), 99-107.
- N. M. Phương và N. H. Nhân (2022). Khảo sát các điều kiện thích hợp cho quá trình trích ly chlorophyll bằng ethanol từ cây lá dứa (Pandanus amaryllifolius Roxb.) và ổn định các hợp chất chống oxy hóa trong sản phẩm khô. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, tập 58, số 6B, 117-125.
- T. T. Quỳnh, N. T. M. Thôi, T. T. T. Hương (2017). Đánh giá khả năng trích ly polyphenol từ lá vối (Cleistocalyx Operculatus) bằng phương pháp siêu âm và xử lý bằng enzyme cellulase. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Văn Hiến, tập 5, số 4, 102-107.
- K. T. Linh, V. T. Q. Nhi, T. T. T. Nhiên, H. T. D. Hân, L. T. H. Hà, N. T. Y. Vi (2019). Xây dựng phương pháp định lượng polyphenol toàn phần trong lá chùm ngây (Moringa oleifera) bằng quang phổ UV. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, 207(14), 225-229.
- T. T. Đào, T. T. Thảo, P. K. Ngân, N. Ý. Nhi, N. H. Phú, T. N. L. Hương (2022). Khảo sát hoạt tính sinh học một hợp chất flavonoid glucoside phân lập từ cao ethyl acetate hoa mai vàng (Ochna integerrima (LOUR. MERR.). Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - Số chuyên đề: Khoa học tự nhiên, 58(2), 128-137.
Extracting and surveying the contents of polyphenol, chlorophyll, biological activity
of the extract from chives (Allium Ramosum L.) leaves
Vo Thi My Hanh1
Vo Thi Thuy Dung1
Pham Thi Linh1
Nguyen Thi Hoai Men1
Tran Nguyen An Sa1
1Faculty of Chemical Engineering, Ho Chi Minh City University of Industry and Trade
ABSTRACT:
This study explored the factors affecting the extraction process and analyzed the content of total polyphenol, chlorophyll a,b, total chlorophyll, and biological activity of the extract from chives (Allium Ramosum L.) leaves grown in Long An province. The study identified several optimal conditions for simultaneous extraction of polyphenols and chlorophyll from chives leaves, including the soaking method, ethanol solvent, a temperature of 65 °C, an extraction time of 100 minutes, and a solvent/substrate ratio (v/w) of (30:1). The obtained amounts of chlorophyll and polyphenol content in chives leaves were 6.07±0.25 mg/g and 15.64±0.63 mgGAE/g, respectively. In the extract, the contents of polyphenols, chlorophyll a, b, and total chlorophyll were 27.49±0.77 μgGAE/mL, 12.74±0.39 μg/mL, 5.82±0.74 μg/mL, and 18.56±0.70 μg/mL, respectively. The antioxidant capacity of the chives leaf extract was determined with an IC50 of 4.17 mg/mL, and the extract exhibited a strong antibacterial activity against Staphylococcus aureus ATCC 25923 and a moderate antifungal activity against Candida albicans ATCC 10231.
Keywords: chlorophyll, ethanol, antioxidant activity, polyphenol, Allium Ramosum L.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27 tháng 12 năm 2023]