Vai trò của trung tâm hành chính công trong cải cách thủ tục hành chính từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh

Đề tài Vai trò của trung tâm hành chính công trong cải cách thủ tục hành chính từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh do Nguyễn Đức Tưởng (Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trung tâm hành chính công (TTHCC) được thành lập có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, mô hình TTHCC vẫn còn một số vướng mắc và hạn chế, như: triết lý, mô hình và cơ sở pháp lý chưa được làm sáng tỏ; thực tiễn hoạt động chưa được tổng kết, đánh giá. Bài viết nghiên cứu vai trò của TTHCC trong cải cách TTHC từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh, nhằm tìm ra một số giải pháp giải quyết những khó khăn, tồn tại.

Từ khóa: trung tâm hành chính công, cải cách hành chính, thủ tục hành chính

1. Đặt vấn đề

Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 đến nay đã tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đúng quy định của pháp luật, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá là khâu đột phá trong cải cách TTHC, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn góp phần xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với những đóng góp tích cực đó, TTHCC đã khẳng định được một số vai trò then chốt: (i) Tuân thủ pháp luật về thủ tục hành chính công; (ii) đơn giản hóa thủ tục hành chính; (iii) công khai, minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính; (iiii) nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; (iiiii) xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

2. Thực trạng hoạt động của Trung tâm hành chính công trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Bắc Ninh

2.1. Tuân thủ pháp luật về thủ tục hành chính công

TTHCC đã phối hợp với các Sở ngành tổ chức in ấn các tờ rơi ghi trình tự, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính được áp dụng theo cơ chế một cửa.

Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đăng tải công khai trên trang điện tử của tỉnh bộ thủ tục hành chính chung cấp huyện, cấp xã và bộ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành trong tỉnh để mọi tổ chức, công dân tìm hiểu thực hiện các thủ tục hành chính khi cần thiết và giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính của cán bộ công chức trong thực hiện công vụ.

2.2. Về đơn giản hóa thủ tục hành chính

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính và chỉ đạo của tỉnh, 100% thủ tục hành chính đã được niêm yết và thực hiện tại Trung tâm (trừ một số thủ tục hành chính đặc thù phải thực hiện ngoài thực địa và cần cơ sở vật chất đặc biệt đã được UBND tỉnh cho phép). Các hình thức niêm yết thủ tục hành chính được thông qua nhiều kênh, như: niêm yết bản cứng, bản mềm trên trang điện tử dịch vụ công của tỉnh, trang web của các sở, ngành, của Trung tâm Hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận và tra cứu khi thực hiện TTHC.

Hiện nay, có 1.841 thủ tục của các cơ quan đang áp dụng thực hiện tại Trung tâm, trong đó: Thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc UBND tỉnh là 1.814; Thủ tục của các cơ quan ngành dọc ở trung ương là: 27 (gồm: Công an: 05 thủ tục, Thuế: 01 thủ tục, Điện lực: 12 thủ tục, Bảo hiểm xã hội tỉnh: 9 thủ tục).

Số cơ quan, đơn vị có TTHC thực hiện tại Trung tâm tỉnh là: 22 cơ quan, trong đó: 17 sở, ngành (cơ quan chuyên môn) thuộc UBND tỉnh; 3 cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn, gồm: Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và 1 doanh nghiệp Điện lực tỉnh.

2.3. Về tính công khai, minh bạch trong cải cách TTHC

Trung tâm thực hiện thông báo kết quả giải quyết TTHC bằng tin nhắn đến công dân. Trung bình mỗi năm, Trung tâm đã gửi hơn 30.000 tin nhắn, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Thực hiện thông báo công khai kết quả giải quyết TTHC trên mạng. Hàng ngày, Trung tâm tổng hợp, thông báo công khai hồ sơ sắp đến hạn của từng cơ quan, đơn vị (sớm hơn so với thời gian hẹn trả ít nhất là 01 ngày) trên Trang thông tin điện tử của Trung tâm và gửi đến các cơ quan, đơn vị. Do vậy, 100% hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm được giải quyết sớm và trước hạn.

2.4. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính

Từ khi mô hình Trung tâm Hành chính công và Bộ phận một cửa được thực hiện đã góp phần giúp tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; công khai, minh bạch hoạt động của CQHCNN; đơn giản hóa thủ tục hành chính; từng bước thay đổi tư duy của người cán bộ theo hướng phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, giúp người dân, tổ chức thuận lợi, dễ dàng hơn khi tiếp cận các thông tin TTHC; giảm phiền hà; góp phần phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền của một bộ phận cán bộ, công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

(i) Tại Trung tâm tỉnh:

Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 99.186 hồ sơ và tiếp tục tăng so với các năm trước đó[1]. (Hình 1)

hành chính công

(ii) Tại Trung tâm cấp huyện:

Năm 2018, Trung tâm cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết 139.471 hồ sơ qua phần mềm; năm 2019, tiếp nhận và giải quyết 259.339 hồ sơ; năm 2020, tiếp nhận và giải quyết 300.483 hồ sơ; năm 2021, tiếp nhận 233.210 hồ sơ; 10 tháng đầu năm 2022 Trung tâm tiếp nhận và giải quyết 202.508 hồ sơ.

(iii) Tại Bộ phận một cửa cấp xã:

Năm 2018, có 153.401 hồ sơ; năm 2019, tiếp nhận và giải quyết 221.458 hồ sơ; năm 2020, tiếp nhận 463.591 hồ sơ; năm 2021 tiếp nhận 461.868 hồ sơ; 10 tháng đầu năm 2022, Bộ phận một cửa cấp xã tiếp nhận và giải quyết 447.114 hồ sơ.

2.5. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Hệ thống trang thiết bị, ứng dụng CNTT tại Trung tâm Hành chính công tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đủ điều kiện sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho tổ chức, cá nhân. Các phần mềm được ứng dụng tại Trung tâm gồm:

Phần mềm gọi công dân; phần mềm xử lý thủ tục hành chính; phần mềm lấy số thứ tự; phần mềm trả kết quả; phần mềm thu phí, lệ phí; phần mềm đánh giá cán bộ, công chức.

Ki-ốt tra cứu thông tin; Màn hình hiển thị thông tin; Hệ thống camera giám sát; Cổng thông tin điện tử; Hệ thống thông tin qua SMS thông báo tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; có tổng đài hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm các cấp.

Hệ thống cung cấp DVCTT tập trung của tỉnh được xây dựng và cung cấp cho người dân, doanh nghiệp tại địa chỉ http://dvc.bacninh.gov.vn.

Đến nay, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 617 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 385 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 812 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

3. Một số giải pháp phát huy vai trò của Trung tâm Hành chính công

3.1. Hoàn thiện thể chế pháp lý trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Cần bổ sung, hoàn thiện thể chế pháp lý như: Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; quy chế phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan liên quan, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ, tạo khuôn khổ pháp lý để Trung tâm có đầy đủ thẩm quyền tổ chức triển khai thực thi nhiệm vụ được giao.

3.2. Đơn giản hóa trong cải cách TTHC

- Cải cách sâu, đơn giản quy trình tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính; Ứng dụng Công nghệ thông tin đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, gắn với thực hiện cơ chế “4 tại chỗ” một cách thực chất:

- Thực hiện đồng bộ, liên kết tài khoản của cá nhân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công theo mã số định danh cá nhân, tổ chức.

- Hợp nhất Cổng dịch vụ công (phần mềm quản lý văn bản) với Hệ thống thông tin một cửa điện tử để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.

- Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.

3.3. Công khai, minh bạch trong cải cách TTHC

- Phân loại giấy tờ, hồ sơ thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ trong tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.

- Quy trình số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

- Lưu trữ điện tử đối với hồ sơ thủ tục hành chính.

3.4. Hiệu lực, hiệu quả trong cải cách TTHC

- Nghiên cứu, ứng dụng các chính sách tổ chức Bộ phận một cửa theo không gian, địa giới hành chính để giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất lao động; thực hiện tiếp nhận, hoặc hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính tại nhà hoặc hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.

3.5. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

- Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh để đáp ứng yêu cầu số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

- Nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công của tỉnh để đảm bảo thực hiện xác thực, định danh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

- Tổ chức thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Quốc gia với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, phục vụ cho việc liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

4. Kết luận

Duy trì Trung tâm hành chính công cấp tỉnh là cần thiết để giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở địa phương. Cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay của mô hình này là Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Số lượng thủ tục hành chính được đưa vào giải quyết tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh ngày càng tăng đã chứng minh vai trò của Trung tâm hành chính công. Đặc biệt, những thủ tục hành chính cần có sự phối hợp của nhiều sở, ban, ngành và các đơn vị ngành dọc trung ương đóng tại địa phương.

Để phát huy năng lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công trong thời gian tới, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc đưa các thủ tục hành chính vào giải quyết tại trung tâm, nhất là các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn, có thể được giải quyết từng bước, trước hết nên lựa chọn những thủ tục hành chính liên thông với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và những thủ tục hành chính mà người dân có nhu cầu giải quyết thường xuyên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Số liệu cập nhật kết quả đến thời điểm tháng 10/2022.

[2] Nguồn: Báo cáo Kết quả thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh, tháng 10/2022.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Nội vụ và SIDA (2008), Đánh giá áp dụng mô hình quản lý đất đai theo cơ chế một cửa ở 5 tỉnh/thành phố.
  2. Tạ Ngọc Hải (2013), Hoàn thiện khung pháp lý về chế độ công vụ, công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở Việt Nam, NXB Bộ Tư pháp, Hà Nội.
  3. Nguyễn Ngọc Hiến (Chủ biên) (2003), Những giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Thang Văn Phúc (2001), Đánh giá chương trình cải cách hành chính Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Thang Văn Phúc và các tác giả (2004), Hệ thống công vụ và xu hướng cải cách của một số nước trên thế giới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Nguyễn Hữu Hải (Chủ biên) (2007), Hành chính nhà nước trong xu thế toàn cầu hóa, NXB Tư pháp, Hà Nội.
  7. Nguyễn Ngọc Hiến (Chủ biên) (2003), Những giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  8. Trung tâm Hành chính công (UBND tỉnh Bắc Ninh) (2022), Báo cáo Kết quả thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh, tháng 10/2022.

The role of public administration center in the administrative procedure reform of Bac Ninh province

Nguyen Duc Tuong

University of Law, Vietnam National University - Hanoi

Abstract:

The establishment of public administration center plays an important role in improving the quality and efficiency of public administrative services. After many years of operation, the model of public administrative center still has some problems and limitations, such as: philosophy, operation model, and unclarified legal basis. In addition, the operational practices of the public administrative center have not been reviewed and evaluated. This paper explores the role of the public administration center in the administrative procedure reform of Bac Ninh province. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to resolve existing difficulties and problems.

Keywords: public administration center, administrative reform, administrative procedures.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2023]

Tạp chí Công Thương