Một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

BÙI TRỌNG THANH (Học viên Khoa Luật, Học viện Khoa học Xã hội)

TÓM TẮT:

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn là vấn đề mang tính thời sự quốc gia, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với sự gia tăng mạnh mẽ của hàng hóa nhập khẩu thì vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đối với hàng hóa nhập khẩu được đặt ra cấp thiết hơn. Từ nhu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hàng hóa nhập khẩu, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Từ khóa: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu, trách nhiệm của doanh nghiệp.

1. Nhu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hàng hóa nhập khẩu

Bất kì quốc gia nào cũng không thể tự sản xuất để đáp ứng một cách đầy đủ mọi nhu cầu trong nước, đặc biệt trong xu thế ngày nay, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thoát khỏi nền kinh tế tự cung tự cấp, lạc hậu. Mục tiêu phát triển nền kinh tế quốc dân dựa rất nhiều về lợi thế so sánh, ở đó mỗi quốc gia sẽ đẩy mạnh sản xuất có lợi thế để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi các quốc gia khác. Trong thực tế, không có quốc gia nào có lợi thế về tất cả các mặt hàng, các lĩnh vực, sự bổ sung hàng hóa giữa các quốc gia đã đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Xu thế quốc tế hóa ngày nay đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Xuất khẩu và nhập khẩu là hai hoạt động quan trọng của thương mại quốc tế. Nếu xuất khẩu là một hình thức tất yếu của các công ty kinh doanh quốc tế khi xâm nhập thị trường quốc tế thì nhập khẩu cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng, bởi vì xuất khẩu của nước này sẽ là nhập khẩu của nước kia và ngược lại, nó là một mặt không thể tách rời của nghiệp vụ ngoại thương. Bởi vậy, người tiêu dùng sử dụng hàng hóa nhập khẩu là tính tất yếu của nền kinh tế đối với quan hệ tiêu dùng. Điều đó cũng làm phát sinh vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với những hàng hóa nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu về chất lượng tiêu dùng.

Nhập khẩu nói chung, hàng hóa nhập khẩu nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mỗi người dân, tránh tình trạng khan hiếm, bất ổn. Một quốc gia tự xuất tự tiêu sẽ không bao giờ phát triển được. Bởi vậy, hàng hóa nhập khẩu kết hợp với hàng hóa có sẵn trong nước giúp thị trường tiêu dùng trở nên đa dạng, và nhộn nhịp. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn từ chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, giá cả, chất lượng,… quyền lợi người tiêu dùng vì thế cũng được nâng cao. Đồng thời, sự đa dạng nguồn hàng giúp xóa bỏ tình trạng độc quyền, tăng cơ hội cạnh tranh và phát triển của các doanh nghiệp. Hàng hóa nhập khẩu cũng giúp các doanh nghiệp trong nước không ngừng vươn lên, cải tiến chất lượng, phát huy lợi thế so sánh,… Như vậy, lợi ích đến từ hàng hóa nhập khẩu không chỉ có người tiêu dùng, mà cả các doanh nghiệp trong nước cũng phát triển. Với vai trò quan trọng của hàng hóa nhập khẩu thì việc bảo vệ người tiêu dùng đối với hàng hóa nhập khẩu là xu hướng tất yếu của bất kỳ hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở các quốc gia.

Người tiêu dùng có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ở góc nhìn rộng, người tiêu dùng quyết định sự phát triển của cả nền kinh tế. Không thể có một nền kinh tế văn minh với sự yếu kém trong cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chưa thể gọi là kinh tế thị trường hiện đại khi chưa kiểm soát được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quảng cáo không trung thực, lừa dối khách hàng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hàng hóa nhập khẩu cũng không nằm ngoài yêu cầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. 

Ở Việt Nam, từ khi nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thay thế nền kinh tế tự cung, tự cấp đã có nhiều thay đổi tiến bộ theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Các chính sách mở rộng nhập khẩu đã bước đầu phát huy được vai trò to lớn của nó, tạo ra thị trường sôi động với khối lượng hàng hóa đa dạng, phong phú, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ về hàng hóa không ngừng tăng lên về giá trị và chất lượng, kích thích quan hệ tiêu dùng phát triển mạnh. Điều đó khẳng định vững chắc hơn tầm quan trọng của hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng vẫn xâm nhập sâu rộng vào thị trường tiêu dùng, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự phát triển của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Trong thời gian qua, đã có rất nhiều chiến dịch nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đặc biệt các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tất cả điều đó cho thấy, tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu có những ưu điểm và nhược điểm riêng, cũng như nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ người tiêu dùng đối với những hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng.

2. Các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, cung cấp hàng hóa nhập khẩu

2.1. Trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

Trong thực tế, trước khi giao kết hợp đồng mua bán hay hợp đồng dịch vụ, người tiêu dùng có nhu cầu được thông tin về hàng hóa, dịch vụ đó. Thông thường, người tiêu dùng mong muốn nắm được thông tin về chủng loại, đặc tính, chất lượng, khuyết tật, giá, xuất xứ của hàng hóa, các tiêu chuẩn của dịch vụ. Họ cũng muốn được biết các thông tin về năng lực, uy tín của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ. Nếu không được cung cấp các thông tin này, người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn, bị lừa dối khi giao kết hợp đồng tiêu dùng. Sau khi hợp đồng được giao kết, người tiêu dùng vẫn cần được thông tin về việc bảo hành hàng hóa, về khuyết tật hàng hóa mà sau khi bán nhà sản xuất mới phát hiện,…

Khi cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ phải tuân thủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa; Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ; Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và biện pháp phòng ngừa; cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa; Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành; Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch[1].

Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của bên thứ ba - bên được nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông qua để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, bao gồm: trách nhiệm bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo[2].

Hàng hóa nhập khẩu thường rất chú trọng đến việc ghi nhãn hàng hóa. Việc ghi nhãn hàng hóa được quy định chi tiết trong Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017. Theo Nghị định, nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Ý nghĩa của việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng. Để người tiêu dùng Việt Nam hiểu được nội dung nhãn thì phải sử dụng tiếng Việt (trừ một số ngoại lệ) để ghi nhãn hàng hóa. Nhãn phải chứa đựng các thông tin cơ bản về hàng hóa như số lượng, định lượng, thành phần, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng… Ngoài ra, trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thực hiện nghiêm túc quy định về ghi nhãn hàng hóa thì họ đã cung cấp được những thông tin cơ bản hàng hóa cho người tiêu dùng trước khi giao kết hợp đồng. Do đó, việc ghi nhãn hàng hóa có thể xem là một phần của nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi mua và sử dụng hàng hóa nhập khẩu[3].

Ngoài ra, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng là một nghĩa vụ thiết yếu để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng. Nghĩa vụ này phải được thực hiện cả trước, trong và sau khi giao kết hợp đồng (nhưng phần lớn phải được thực hiện trước khi giao kết hợp đồng). Mặc dù Điều 12 Luật BVQLNTD 2010 có tên gọi là Trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nhưng thực chất quy định này đề cập đến nghĩa vụ cung cấp thông tin chứ không phải về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Để tránh hiểu nhầm, tên của điều luật nên sửa đổi chính xác là Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Ngoài ra, nếu có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng liên quan đến nghĩa vụ thông tin, Luật cũng chưa quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh bản thân đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng. Việc đưa ra bằng chứng để chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng cùng giao kết hợp đồng phải được xem là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

2.2. Trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đối với hàng hóa nhập khẩu

Bảo hành là sự đảm bảo của người bán về chất lượng hàng hóa trong một thời gian nhất định. Ngày nay khi mua bán nhiều hàng hóa, đặc biệt là máy móc thiết bị  kỹ thuật người mua đặc biệt chú ý đến vấn đề bảo hành cho hàng hóa. Trong hợp đồng mua bán các bên thường thỏa thuận với nhau về phạm vi bảo hành, thời hạn bảo hành, trách nhiệm của các bên. Nghĩa vụ bảo hành này không là đương nhiên trong mọi trường hợp, mà nó chỉ phát sinh khi có thỏa thuận với người tiêu dùng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 21, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa như sau:

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp;

- Cung cấp cho người tiêu dùng giấy tiếp nhận bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện hoặc hàng hóa đó được tính từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới;

- Cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành;

- Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi;

- Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ ba lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi;

- Chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng;

- Chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.

Mặc dù vậy, trên thực tế, số vụ việc vi phạm trách nhiệm bảo hành còn diễn ra khá phổ biến, việc xử lý các vi phạm này còn chưa triệt để và gặp nhiều khó khăn. Một phần, do nguồn lực của các cơ quan có thẩm quyền còn khá hạn chế, phần nữa do tính chất phức tạp và nhỏ lẻ của các vụ việc, đặc biệt là bảo hành đối với hàng hóa nhập khẩu. Cần lưu ý rằng, trách nhiệm này của nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu cũng tương ứng với quyền yêu cầu được bảo hành của người tiêu dùng. Qua các vụ việc thực tế mà người tiêu dùng bị vi phạm trách nhiệm bảo hành có thể rút một số kinh nghiệm cho người tiêu dùng trong quá trình mua và sử dụng hàng hóa nhập khẩu để có thể tự bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình: (1) Xác nhận với nhà cung cấp sản phẩm xem hàng hóa có được bảo hành hay không ngay trước khi tiến hành giao dịch; (2) Đề nghị nhà cung cấp hàng hóa cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch mua bán. Đề nghị nhà cung cấp hàng hóa cung cấp giấy chứng nhận bảo hành, sổ bảo hành hoặc hợp đồng bảo hành... các nội dung cần thông báo rõ ràng về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành; (3) Đề nghị nhà cung cấp hàng hóa cung cấp, giải thích hướng dẫn sử dụng sản phẩm, cảnh báo tính an toàn của sản phẩm, các biện pháp phòng ngừa, giải thích những lưu ý trong quá trình sử dụng sản phẩm để người tiêu dùng được hưởng dịch vụ bảo hành đầy đủ (đặc biệt giải thích về các mục không bao gồm trong bảo hành, các điều khoản để bảo hành có hiệu lực...); (4) Đề nghị nhà cung cấp sản phẩm thông tin về khả năng cung ứng linh kiện thay thế trong tương lai. Hành động này nhằm tránh việc nhà cung cấp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ bảo hành, lạm dụng lý do thiếu linh kiện thay thế để trì hoãn, kéo dài thời gian bảo hành hoặc ép buộc người tiêu dùng phải mua, lựa chọn linh kiện khác[4].

Việc hiểu rõ và biết cách vận dụng kịp thời các quy định này không những giúp người tiêu dùng có thể nâng cao được khả năng tự bảo vệ mình trong các tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ bảo hành của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu mà còn giúp các tổ chức, cá nhân kinh doanh luôn nỗ lực để hoàn thiện chất lượng sản phẩm, các dịch vụ sau bán hàng, giảm thiểu các chi phí phát sinh do phải tiến hành bảo hành, sửa chữa nhiều lần.

2.3. Trách nhiệm thu hồi và bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra

Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm: Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.

Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm: (1) Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; (2) Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó; (3) Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi; (4) Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi. Trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.

Nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu trong việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đòi hỏi các giải pháp toàn diện từ việc hoàn thiện các quy định pháp luật đến nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật. Đặc biệt, pháp luật về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu trong việc thu hồi hàng hóa nhập khẩu có khuyết tật cần bổ sung các quy định về cơ chế phối hợp về cảnh báo và thu hồi sản phẩm, hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tham gia vào nhóm trao đổi và cảnh báo thông tin giữa các nước ASEAN với website chung là http://www.aseanconsumer.erg. Tuy nhiên, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để Việt Nam có thể tăng cường phối hợp song phương với một số quốc gia có nguồn hàng xuất khẩu lớn sang Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu,… Đồng thời, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần tích cực xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí cụ thể để xác định hàng hóa có khuyết tật. Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần hoàn thiện các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra theo hướng loại bỏ nghĩa vụ chứng minh thiệt hại cho người tiêu dùng, quy định phân hóa trách nhiệm cụ thể cho từng chủ thể trong chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa[5].

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Quốc hội (2010). Điều 12, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[2] Quốc hội (2010). Điều 13, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[3] Tăng Thanh Hương, Nghĩa vụ thông tin cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Tạp chí Công Thương số 2/2019.

[4] Bộ Công Thương Việt Nam (2021), Trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Một số lưu ý cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, link: http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/trach-nhiem-bao-hanh-cua-to-chuc-ca-nhan-kinh-doanh-trong-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-mot-so-luu-y-cho-ntd-va-dn-104848-16.html

[5] Phạm Thị Hạnh (2020), Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của doanh nghiệp theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay”, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội, tr. 150.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
  2. Chính phủ (2017). Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/04/2017 về nhãn hàng hóa.
  3. Phạm Thị Hạnh (2020), Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của doanh nghiệp theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay”, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, tr. 150.
  4. Bộ Công Thương Việt Nam (2021), Trách nhiệm bảo hành của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Một số lưu ý cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

 

SOME SOLUTIONS TO PERFECT LEGAL PROVISIONS

ON RESPONSIBILITIES OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS

WHO PRODUCE AND DISTRIBUTE IMPORTED GOODS IN ORDER TO

BETTER PROTECT CONSUMER RIGHTS

BUI TRONG THANH

Student, Faculty of Law, Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Consumer protection is always a hot topic that attracts attention from society. In the context of Vietnam’s rapid international economic integration with a strong rising level of imports, ensuring consumer protection with imported goods becomes an urgent task. This paper proposes some solutions to perfect legal provisions on responsibilities of organizations and individuals who produce and distribute imported goods in order to better protect consumer rights.

Keywords: consumer protection, imported goods, company responsibility.