Một số suy nghĩ về việc áp dụng các điều khoản hạn chế rủi ro trong thực hiện hợp đồng mùa dịch Covid - 19

ThS. TRẦN THỊ NHẬT ANH (Khoa Luật Kinh tế - Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Với tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, những điều khoản phân bổ rủi ro trong hợp đồng sẽ phát huy tác dụng và giúp cho bên có nghĩa vụ giảm thiểu được các thiệt hại một cách đáng kể nếu vận dụng chúng một cách hợp lý.

Bài viết đưa ra quan điểm về ba điều khoản thường xuyên được sử dụng với mục đích giảm thiểu rủi ro cho các bên khi thực hiện hợp đồng, đó là: Điều khoản bất khả kháng, điều khoản thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và điều khoản điều chỉnh giá.

Từ khóa: Bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản, điều chỉnh giá, hợp đồng, rủi ro.

1. Đặt vấn đề

Có thể dẫn chứng vào trường hợp cụ thể như sau: Tồn tại một hợp đồng thuê căn hộ chung cư kí kết ngày 30 tháng 6 năm 2019 giữa bên cho thuê (Bên A) và bên thuê (Bên B), giá thuê nhà: 40.000.000 VND/tháng, thanh toán tiền thuê nhà hàng tháng một lần bằng hình thức chuyển khoản vào ngày đầu tiên của mỗi tháng trong năm dương lịch. Thời gian thuê: 5 năm tính từ ngày kí kết hợp đồng. Nhằm giảm thiểu rủi ro cho các bên, hợp đồng dẫn chiếu các điều khoản bất khả kháng; điều khoản thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (với nội dung giống với nội dung của Bộ Luật Dân sự 2015) và điều khoản thay đổi bất lợi nghiêm trọng. Hợp đồng thực hiện và không có vấn đề gì, cho đến khi bên A không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo đúng cam kết vào tháng 3 (thanh toán ngày 05/3/2020) và tháng 4 vì lý do dịch bệnh Covid - 19 bị mất việc làm nên không đủ khả năng tài chính chi trả tiền thuê nhà. Bên A mong muốn bên B giảm 50% tiền thuê nhà từ tháng 4/2020 cho đến khi hết dịch bệnh theo thông báo của cơ quan nhà nước. Bên B đồng ý giảm giá thuê và cho rằng chính bản thân mình cũng gặp khó khăn trong mùa dịch do phải trả nợ ngân hàng tiền đầu tư mua căn hộ cho thuê, đồng thời yêu cầu bên A trả tiền phạt vi phạm hợp đồng nếu không thanh toán số tiền nhà trước ngày 01/5/2020.

Hợp đồng nêu trên phản ánh tình trạng phổ biến hiện nay khi các bên tham gia hợp đồng khó tìm được tiếng nói chung trong việc giảm trừ thiệt hại cho nhau trong bối cảnh mỗi bên đều phải chịu tổn thất nhất định do dịch bệnh gây ra. Một điều mà các bên trong giao kết hợp đồng không thể lường trước được đó là dịch bệnh lại diễn biến phức tạp kéo dài về mặt thời gian và lan rộng về mặt không gian như vậy.

Trong bối cảnh đó, vi phạm hợp đồng rất dễ xảy ra và bên có nghĩa vụ sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nếu như không sử dụng các điều khoản có chức năng phân bổ rủi ro được pháp luật quy định hoặc do các bên đưa vào hợp đồng. Vấn đề là, dịch bệnh Covid 19 trong trường hợp trên có đáp ứng được các điều kiện cần thiết để trở thành công cụ pháp lý giảm thiểu rủi ro cho bên thuê nhà không?

Qua bài viết, tác giả đưa ra quan điểm về việc áp dụng ba loại điều khoản thường được sử dụng chức năng trong vấn đề thiết lập cán cân rủi ro cho các bên trong thực hiện hợp đồng, đó là: Điều khoản bất khả kháng, điều khoản thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và điều khoản về thay đổi bất lợi nghiêm trọng.

2. Điều khoản bất khả kháng

Bất khả kháng là điều khoản yêu thích của các bên trong hợp đồng, cũng có khi hợp đồng không quy định về trường hợp bất khả kháng nhưng điều này không ảnh hướng đến giá trị áp dụng của chúng. Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định về vấn đề này như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”[1]. Với quy định trên có thể thấy, một sự kiện chỉ được xem là bất khả kháng chỉ khi: (i) Sự kiện đó xảy ra một cách khách quan, (ii) không thể lường trước được và (iii) không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép.

Luật cũng chỉ ra hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng đó là: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”[2]. Như vậy, việc áp dụng điều khoản bất khả kháng sẽ giải phóng trách nhiệm cho bên vi phạm nếu bên vi phạm chứng minh được sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vi phạm hợp đồng. Nói cách khác, bất khả kháng chỉ được viện dẫn khi sự kiện đó có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm hợp đồng. Đây chính là điều kiện thứ tư để chứng minh một sự kiện được xem là bất khả kháng, mặc dù quy định hiện hành không thực sự chỉ rõ điều này. Vậy, dịch bệnh Covid - 19 có được xem là một sự kiện bất khả kháng không?

Xét các điều kiện vừa phân tích ở trên, có thể thấy, Covid - 19 dường như đã đáp ứng đủ ba tiêu chí đầu tiên theo luật định, đó là: (i) Diễn ra khách quan - dịch bệnh xảy ra hoàn toàn ngoài ý chí chủ quan của các bên; (ii) không thể lường trước được - thời điểm kí hợp đồng trước thời điểm dịch bệnh bùng phát và các bên được phép suy luận hợp lý là trong điều kiện của một người bình thường không thể dự đoán về khả năng xảy ra một hoàn cảnh khách quan như đại dịch Covid - 19 hoặc tương tự và (iii) không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép - rõ ràng việc khắc phục nằm ngoài khả năng của các bên. Tuy nhiên, điều kiện cuối cùng cần được phân tích một cách kĩ lưỡng hơn. Cụ thể, việc bên B vi phạm nghĩa vụ thanh toán xuất phát từ lý do bên B không đủ điều kiện tài chính để chi trả cũng như tình trạng mất khả năng thanh toán này phần lớn đến từ nguyên nhân bên B mất việc làm do dịch bệnh. Như vậy, đại dịch Covid chỉ nên được xem là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến hành vi vi phạm chứ không nên được xem là nguyên nhân trực tiếp. Do đó, Covid - 19 không thể được viện dẫn với tư cách là một sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng thuê nhà tại ví dụ trên nhằm miễn trách nhiệm cho bên vi phạm. Điểm mấu chốt trong việc chứng minh sự kiện bất khả kháng đối với tình huống này đó chính là vấn đề mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm.

Theo đó, sự kiện khách quan được cho là bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi vi phạm, còn nếu giữa hai đối tượng trên chỉ tồn tại mối quan hệ nguyên nhân - kết quả một gián tiếp thì vẫn chưa thể xem là một sự kiện bất khả kháng. Vì vậy, không thể áp dụng các quy định tại khoản 1, Điều 156 và khoản 2, Điều 351 BLDS 2015. Dịch bệnh Covid - 19 theo đó cũng không thể tùy tiện được xem là căn cứ miễn trách cho bên vi phạm hợp đồng với tư cách là một sự kiện bất khả kháng, trừ khi nó được xem xét một cách thấu đáo.

3. Điều khoản thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là một nội dung mới của BLDS 2015. Theo đó, một hoàn cảnh thay đổi cơ bản phải đáp ứng các tiêu chí gồm: (i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; (ii) tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; (iii) hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; (iv) việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên và (v) bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích[3].

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được áp dụng khi một sự kiện khách quan xảy ra làm thay đổi một cách cơ bản về tính cân bằng của hợp đồng được các bên thiết lập trước đó[4]. Về nguyên tắc, hợp đồng đã được giao kết mặc nhiên ràng buộc các bên thực hiện các nghĩa vụ, bất kể việc thực hiện nghĩa vụ đó có thể khiến một bên hứng chịu các thiệt hại hoặc những ảnh hưởng bất lợi. Với mục đích hạn chế rủi ro, điều khoản về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản cho phép bên có lợi ích bị ảnh hưởng được quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng theo hướng thiết lập lại tình trạng cân bằng về lợi ích như ban đầu, như thời điểm giao kết hợp đồng.

Quay trở lại ví dụ 1, liệu đại dịch Covid - 19 có phải là một trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản và bên thuê nhà có thể vận dụng quy định này để đàm phán về việc sửa đổi hợp đồng theo hướng giảm thiểu thiệt hại cho mình hay không? Xét các tiêu chí được quy định tại Điều 420 có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, dường như việc vận dụng điều khoản về thực hiện hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản là điều không hề đơn giản. Bởi lẽ, theo quy định, sự thay đổi của hoàn cảnh thực hiện hợp đồng phải lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Nội dung này cần được làm rõ bởi lẽ nếu đặt ở góc độ của bên thuê nhà thì trong mọi trường hợp nếu được quay lại thời điểm giao kết hợp đồng và biết trước về diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19, bên B sẽ không giao kết hoặc giao kết với điều kiện có lợi hơn cho mình. Vì vậy, việc áp dụng quy định này sẽ biến bên thuê nhà trở thành bên bị ảnh hưởng về mặt lợi ích, vì chắc chắn phải đàm phán lại hợp đồng theo hướng có lợi cho bên còn lại, mặc dù ý chí của họ không hề muốn như vậy. Bên cạnh đó, quy định trên cũng không giải thích thế nào là nội dung hoàn toàn khác mặc dù đây chính là điểm mấu chốt để vận dụng Điều 420 nếu như điều kiện đầu tiên (các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết) không được đáp ứng. Và trong thời gian chờ đợi thực tiễn đưa ra câu trả lời (thông qua một án lệ), bên thuê nhà rất ít có khả năng vận dụng quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản để san sẻ một phần rủi ro cho bên cho thuê. Như vậy, mặc dù được pháp luật hiện hành quy định và các bên không cần phải quy định trong hợp đồng về vấn đề này, việc vận dụng điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản được xem là rất khó có thể xảy ra trên thực tế ở thời điểm hiện tại đối với trường hợp trên.

4. Điều khoản điều chỉnh giá

Như đã phân tích, các quy định phân bổ rủi ro nêu trên khó có thể “cứu” bên thuê nhà trong trường hợp thu nhập bị giảm sút đáng kể bởi dịch bệnh Covid - 19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thanh toán. Bên B chỉ có thể trông chờ vào những điều khoản khác nhằm đàm phán lại hợp đồng hoặc yêu cầu chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường hoặc chịu phạt vi phạm. Trong bối cảnh đó, điều khoản điều chỉnh giá có thể là một cứu cánh.

Điều khoản về điều chỉnh giá[5] thường xuất hiện trong các hợp đồng có thời gian thực hiện dài, giá trị thanh toán lớn (ví dụ như hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán cổ phần trong các giao dịch M&A). Những diễn biến phức tạp sau khi hợp đồng được giao kết có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của bên thuê hoặc thậm chí ý định cho thuê nhà của bên sở hữu căn hộ. Không giống như điều khoản bất khả kháng và thực hiện hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, điều khoản về điều chỉnh giá không được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, để áp dụng quy định này các bên cần nêu rõ trong hợp đồng. Chính vì không được pháp luật quy định nên nội dung của điều khoản có thể thay đổi một cách linh hoạt, phụ thuộc vào thỏa thuận của hai bên. Với tư cách là một điều khoản phân bổ rủi ro, nó nên được đưa vào hợp đồng trước thời điểm giao kết để điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp xảy ra tình huống cần phải điều chỉnh giá trị hợp đồng. Trong hợp đồng thuê nhà, điều khoản này giúp bên B có thể giảm giá thuê mà không cần phải đàm phán khi đáp ứng điều kiện giảm giá. Ngược lại, điều khoản điều chỉnh giá cũng có thể giúp bên A tăng giá khi các điều kiện tăng giá được thỏa mãn. Cơ chế để vận dụng điều khoản này đó chính là các điều kiện để điều chỉnh giá trong hợp đồng thuê nhà. Căn cứ điều chỉnh giá có thể dựa vào sự phát sinh hay không phát sinh một sự kiện nhất định. Từ góc độ bên thuê, hợp đồng có thể quy định về việc điều chỉnh giá theo hướng giảm như sau: 

Bảng 1. Quy định về việc điều chỉnh giá cho thuê nhà

quy_dinh_ve_viec_dieu_chinh_gia_cho_thue_nha

Như vậy, điều khoản điều chỉnh giá có thể được bên thuê vận dụng để giảm giá thuê trong một thời hạn nhất định nhằm hạn chế các thiệt hại xảy ra do dịch Covid -19 tạo nên một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

5. Kết luận

Từ những phân tích nêu trên, rõ ràng các bên trong giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng thuê nhà nói riêng phải hình thành nhận thức một cách đầy đủ về những rủi ro có thể xảy ra. Qua đó, dự liệu về việc xử lý các rủi ro thông qua các điều khoản phân bố rủi ro trong hợp đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và các điều khoản bất khả kháng cũng như thực hiện hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản vẫn chưa thật sự phát huy được tác dụng thì việc vận dụng các điều khoản phân bổ trong hợp đồng như điều khoản điều chỉnh giá là một lựa chọn hợp lý. Nó cần được đưa vào hợp đồng trước khi các bên giao kết nhằm đảm bảo lợi ích cân bằng giữa đôi bên, bất chấp việc xảy ra các sự kiện làm ảnh hưởng đến lợi ích của thuê nhà. Tuy nhiên, điều cần lưu ý đó là các điều khoản về điều chỉnh giá chỉ có hiệu lực khi được quy định trong hợp đồng và cần thiết phải đưa vào hợp đồng trước khi hai bên giao kết, vì việc thỏa thuận điều chỉnh giảm giá thuê nhà sẽ rất khó đi đến sự nhất trí nếu như bên cho thuê cũng đang gặp phải khó khăn hoặc không có thiện chí giảm giá. Do đó, khâu đàm phán và thỏa thuận là vô cùng quan trọng đối với hiệu lực của một số quy định về phân bổ rủi ro, có như vậy thì bên thuê căn hộ trong trường hợp trên mới có thể hạn chế được thiệt hại xảy ra đối với mình trong quá trình thực hiện hợp đồng.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015.

[2] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015.

[3] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4] Nguyễn Ngọc Lâm (2010). Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế, nhận dạng tranh chấp, biện pháp ngăn ngừa và phương thức giải quyết. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trg.180.

[5] Trương Hữu Nghĩa (2018). Pháp lý M&A căn bản. Nxb Công Thương, tr.138.

 

SOME OPINIONS ON THE CONTRACTUAL PROVISIONS

ON RISK ALLOCATION AMID THE COVID-19 PANDEMIC

Master. TRAN THI NHAT ANH

Faculty of Economic Law, University of Law, Hue University

ABSTRACT:

Amid complicated developments of the  Covid-19 pandemic, the contractual provisions on risk allocation would prove useful in helping obligors significantly minimize their  losses. This article presents opinions on three terms that are commonly used in the contractual provisions on risk allocation, namely force majeure term, performing contract in case of occurring fundamental change in circumstances term and price adjustment term.

Keywords: Force majeure, the fundamental change in circumstances, price adjustment, contract, risk.