Tác động của cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đến doanh nghiệp Việt Nam

ThS. MAI THỊ CHÚC HẠNH (Khoa Luật - Trường Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Trên cơ sở nghiên cứu khái quát tác động của cam kết môi trường trong FTA thế hệ mới đối với sự hoàn thiện pháp luật môi trường Việt Nam, bài viết chỉ ra các cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp (DN) phải đối mặt. Từ đó, nhận định tác động của các cam kết môi trường đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp phải quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững, DN sẽ phải cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nói chung và pháp luật môi trường nói riêng. Bên cạnh đó, DN sẽ xác định được tầm quan trọng của việc am hiểu pháp luật nói chung và các cam kết môi trường trong FTA nói riêng, cũng như tăng cường thực hiện các trách nhiệm xã hội của DN nhất là trong lĩnh vực môi trường.

Từ khóa: Cam kết môi trường, FTA thế hệ mới, doanh nghiệp, pháp luật môi trường.

1. Đặt vấn đề

Khác với những hiệp định thương mại tự do thế hệ cũ mà Việt Nam đã tham gia, những hiệp định mới như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có phạm vi rộng hơn, nội dung vượt ra ngoài cam kết về đầu tư, thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Ngoài các cam kết liên quan đến thương mại, nội dung của những hiệp định thương mại tự do này bao gồm cả các nghĩa vụ mang tính pháp lý cho các lĩnh vực phi thương mại liên quan như môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ và mua sắm Chính phủ,…

Nhìn chung, bên cạnh những nội dung mới như lao động, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ,… thì môi trường hay phát triển bền vững là những nội dung không thể thiếu trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gần đây. Nội dung về môi trường hay phát triển bền vững được đưa vào các FTA thế hệ mới với các mức độ cam kết hay ràng buộc khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung đó là những nội dung hay lĩnh vực liên quan này tương đối giống nhau. Các cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã, đang và sẽ có những tác động mạnh mẽ tới hệ thống pháp luật môi trường của Việt Nam, tác động đến thể chế, nền kinh tế và nhiều chủ thể có liên quan1.  Một trong số những chủ thể chịu tác động nhiều nhất là doanh nghiệp, do đó bài viết sẽ đi nghiên cứu và xác định một số cơ hội và thách thức mà DN gặp phải khi các cam kết môi trường trong FTA thế hệ mới có hiệu lực tại nước ta.

2. Khái quát tác động của cam kết môi trường trong FTA thế hệ mới đối với sự hoàn thiện pháp luật môi trường Việt Nam

2.1. Các thách thức đối với Việt Nam liên quan đến cam kết môi trường trong FTA thế hệ mới

Những năm gần đây, Việt Nam đã có một số thành tựu nhất định về phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn nhất là về các nguồn lực dành cho bảo vệ môi trường. Trước khi là thành viên của các FTA thế hệ mới, việc thực thi pháp luật môi trường tại nước ta đã có những hạn chế nhất định. Nguyên nhân chính là do nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn chưa cao. Hiện nay, khi đã là thành viên của các FTA thế hệ mới, việc thực thi một cách đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến môi trường sẽ tiếp tục đặt ra những áp lực và thậm chí tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ đối với Việt Nam, cụ thể:

Các chính sách và khung pháp luật về môi trường chưa ổn định, vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Tuy đã có nhiều quy định về môi trường được ban hành, nhưng hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực này còn chưa đầy đủ và thậm chí chồng chéo lên nhau, gây khó khăn cho việc thực thi các cam kết quốc tế.

Mục tiêu của quá trình thực thi pháp luật về môi trường sẽ được nâng cao hơn để phù hợp với các cam kết trong FTA thế hệ mới. Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải đầu tư rất nhiều nguồn lực. Mặc dù đã có các luật và quy định về bảo vệ môi trường cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật về môi trường gây thiệt hại nghiêm trọng.

Nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn chưa cao. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường kéo theo hệ quả là môi trường bị ô nhiễm và suy thoái. Thời gian qua, mặc dù đã có chuyển biến về nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường, tuy nhiên xuất phát từ lý do phát triển kinh tế hoặc khó khăn về kinh tế mà ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, thậm chí ở cả một số cán bộ làm công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, yêu cầu về giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường cho mọi đối tượng càng trở nên cấp thiết.

Nguồn nhân lực thực thi, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ trong việc xử lý các vấn đề thương mại quốc tế có liên quan đến môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Các quy định về môi trường hay phát triển bền vững trong các FTA nói chung là nội dung mới. Hiện, nhiều cán bộ quản lý nhà nước có liên quan chưa từng giải quyết hoặc được tiếp cận rất ít vấn đề này, do vậy họ không có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề thương mại quốc tế liên quan đến môi trường.

Nguồn lực về tài chính dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Khó khăn về tài chính sẽ dẫn đến việc không có sự đầu tư thỏa đáng cho các công nghệ hiện đại và các đầu tư khác cho hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng và tuân thủ các nghĩa vụ và tiêu chuẩn cao đã cam kết trong các FTA, đặc biệt là trong Hiệp định CPTPP.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường chưa hoàn thiện. Cùng với việc xóa bỏ dần các rào cản thương mại, việc nhập khẩu hàng hóa, vật tư, công nghệ trong điều kiện quy định tiêu chuẩn về môi trường còn thấp và năng lực kiểm soát tuân thủ còn chưa chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành bãi chứa các thiết bị, dây chuyền lạc hậu, là nơi tiêu thụ các loại hàng hóa kém chất lượng. Các hiệp định FTA nói chung và CPTPP nói riêng sẽ thúc đẩy tăng trưởng đối với một số ngành công nghiệp như dệt nhuộm, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, sản xuất linh kiện điện tử,… những lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao2.

2.2. Các tác động liên quan đến pháp luật môi trường

Từ yêu cầu phải giải quyết những vấn đề trên, ta có thể suy ra những tác động về pháp luật như sau:

Một là, các cam kết về môi trường trong FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn3.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã tạo thành khung pháp lý quan trọng để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, bộ luật này có một điều khoản riêng nhấn mạnh về việc bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, Điều 157 quy định: “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân chủ động đáp ứng yêu cầu về môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường khu vực và quốc tế” và “Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có trách nhiệm phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường trong nước”. Từ quy định này, có thể thấy, để có thể giúp hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các yêu cầu về môi trường, các DN cần tìm hiểu những quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường được quy định không chỉ trong pháp luật quốc gia mà còn cả trong các điều ước quốc tế.

Sau gần 6 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhận thức về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung của phát triển bền vững, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân.

Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với những thách thức mới đặt ra, nhiều vụ việc môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế, trước thách thức ngày càng lớn về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, những cơ chế và biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, phù hợp hơn với thế và lực mới; đồng thời cũng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu4

Trong chương trình Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, tại phiên họp ngày 26/5/2020, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi tường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để nước ta tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP,... góp phần phòng vệ, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu5. Theo đó, có thể kể đến Điều 172 của Dự thảo quy định về thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-zôn.

Hai là, các cam kết về môi trường trong FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy các cơ quan nhà nước có liên quan tiến hành các biện pháp nhằm nâng cao ý thức thực thi pháp luật môi trường của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan mình6

Các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, đòi hỏi phải có kế hoạch hành động cụ thể. Ví dụ như: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói chung và các cam kết về môi trường trong FTA nói riêng cho đội ngũ cán bộ phụ tránh các vấn đề thương mại quốc tế có liên quan đến môi trường nhằm đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công việc. Từ đó, thực hiện hiệu quả việc phổ biến chính sách thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai các FTA nhằm tận dụng đầy đủ các cơ hội và đối phó với các thách thức của việc gia nhập. Ngoài ra, có thể tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn liên quan đến FTA để các nhà khoa học và doanh nghiệp có thể kết nối cùng đề xuất các giải pháp phù hợp.

3. Các tác động riêng của cam kết môi trường trong FTA thế hệ mới đối với doanh nghiệp

3.1. Các cơ hội cho doanh nghiệp

Với việc đàm phán, ký kết tham gia nhiều FTA, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, được các đối tác đánh giá rất cao. Các FTA này hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội hợp tác về vốn, mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam,… Cụ thể:

- Các cam kết sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội để hoạt động trong môi trường kinh doanh hoàn thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và lâu dài hơn là được hưởng lợi từ sức ép cải cách thể chế, hệ thống thiết chế pháp luật theo các điều kiện và cam kết.

- Cơ hội đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại với doanh nghiệp các nước, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với những sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh.

- Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để được tiếp cận với nguồn công nghệ/kỹ thuật cao, với trình độ quản lý/sản xuất hiện đại từ các nước phát triển, để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm,... Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu7.

3.2. Các thách thức và tác động

Thách thức chung đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh quá phụ thuộc vào nền kinh tế nâu, tức là sử dụng phần lớn nguyên liệu từ thiên nhiên; chưa đầu tư nguồn lực xứng đáng và lúng túng trong bảo vệ môi trường; chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường chưa hoàn thiện dẫn đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp chưa hiệu quả, tính rủi ro cao; chưa chọn lựa mô hình tăng trưởng có tính bền vững và thân thiện môi trường. Do đó, vấn đề đặt ra cốt lõi là làm thế nào vừa quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững.

Khi là thành viên của các FTA thế hệ mới, Việt Nam phải tuân thủ các quy định đã cam kết. Đối với việc thực thi pháp luật môi trường của các DN, trên cơ sở các cam kết về môi trường trong FTA thế hệ mới, DN muốn phát triển thị trường, muốn xuất khẩu hàng hóa sẽ phải chấp nhận việc tuân thủ các quy định về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của DN Việt Nam khi vi phạm sẽ bị kiện ra các cơ quan tài phán quốc tế.

Một thách thức nữa là các FTA thế hệ mới cũng yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với các FTA truyền thống về sự minh bạch trong việc tuân thủ và thực hiện, như: Vấn đề công bố thông tin công khai minh bạch về chất thải; giải pháp bảo vệ môi trường; cơ quan đầu mối/cá nhân chuyên trách về môi trường tại các tổ chức, doanh nghiệp,…

Ngoài các thách thức chung nêu trên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức cụ thể như:

Thứ nhất, những thách thức về việc nắm bắt và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình Việt Nam hoàn thiện thể chế bảo đảm thực thi nghĩa vụ tại các cam kết FTA thế hệ mới:

- Khó khăn trong thiết lập và vận hành hiệu quả các quy định bắt buộc liên quan đến môi trường. Trong các FTA thế hệ mới, có một số thiết chế phải thiết lập trên thực tế đã được quy định cứng (về mô hình, chức năng, lộ trình,…) bắt buộc phải triển khai trong quá trình thực thi. Trong điều kiện cụ thể về nhân lực, vật lực của doanh nghiệp Việt Nam (đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa), những yêu cầu này lại không dễ dàng thực hiện.

- Khó khăn trong sửa đổi, điều chỉnh các thiết chế đang tồn tại theo những yêu cầu về thủ tục, trình tự trong các cam kết môi trường của các FTA thế hệ mới. Bên cạnh những cam kết thương mại truyền thống, những cam kết mang tính quy tắc, có ý nghĩa ràng buộc cách hành xử chính sách của các quốc gia thành viên là rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực không chỉ liên quan tới thương mại, kinh doanh mà còn trong các lĩnh vực phi thương mại khác. Thêm vào đó, hầu hết các cam kết này đều phải thực hiện ngay khi FTA có hiệu lực hoặc trong một thời hạn rất ngắn sau đó. Điều này đặt ra những thách thức không chỉ về năng lực mà cả về nguồn lực thực thi đối với các DN Việt Nam.

- Việc thực hiện đồng bộ các nghĩa vụ cụ thể theo cam kết trong các FTA thế hệ mới vẫn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết, cam kết trong các FTA thế hệ mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung pháp luật nội địa trong những lĩnh vực liên quan cho phù hợp và pháp luật môi trường cũng không phải ngoại lệ. Điều này đồng nghĩa, DN Việt Nam sẽ phải cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nói chung và pháp luật môi trường nói riêng.

Thứ hai, thách thức từ sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế và các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khi phân phối trên thị trường. Do nhiều DN chưa hình thành các bộ phận về hội nhập quốc tế nên chưa chuẩn bị sẵn sàng về khả năng xử lý những vấn đề môi trường liên quan đến quá trình sản xuất - kinh doanh sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật về môi trường.

Thứ ba, nhiều DN vẫn chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đặc biệt là những trách nhiệm xã hội liên quan đến môi trường, càng không hướng tới đạt được một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ Quy tắc ứng xử; do đó nguy cơ không tồn tại được là rất cao.

4. Kết luận

Tóm lại, các cam kết môi trường trong FTA thế hệ mới sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phải quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Doanh nghiệp sẽ phải cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nói chung và pháp luật môi trường nói riêng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ có động lực hơn trong việc cử cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn về các cam kết trong FTA, cũng như tăng cường thực hiện các trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực môi trường.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1,2Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), “Hội nhập quốc tế về môi trường trong các FTA” xem tại http://www.monre.gov.vn/Pages/hoi-nhap-quoc-te-ve-moi-truong-trong-cac-fta.aspx?cm=H%E1%BB%99i% 20nh%E1%BA%ADp%20qu%E1%BB%91c%20t%E1%BA%BF truy cập ngày 20/5/2020

3,6 Nguyễn Ngọc Hà - Trường Đại học Ngoại thương (2020), Nhiệm vụ tập huấn phổ biến các cam kết của Việt Nam về môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cho sinh viên khối ngành kinh tế - luật, Đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.

4Thùy Linh - Trọng Quỳnh (2020), “Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)” Cổng thông tin điện tử Quốc hội, xem tại http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=3451,  truy cập ngày 27/5/2020.

5Thanh Nguyễn (2020), “Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Ngăn chặn, sàng lọc dự án FDI lạc hậu” xem tại https://haiquanonline.com.vn/luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-ngan-chan-sang-loc-du-an-fdi-lac-hau-127244.html truy cập ngày 27/5/2020.

7Lê Huy Khôi (2020), "Giải pháp thực thi các cam kết FTA thế hệ mới” xem tại http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/giai-phap-thuc-thi-cac-cam-ket-fta-the-he-moi-309178.html?fbclid=IwAR3oJYlifrN5ilOz5yc Vjt7dP4Wxoboz6hQQGsvRImrHRoEXfDebIr2IuqI, truy cập ngày 30/5/2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hà Công Anh Bảo (2020), Báo cáo tổng hợp Nhiệm vụ môi trường năm 2020”, đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  2. Doãn Công Khánh(2020), Động lực kinh tế mới và những dự báo tác động tới môi trường <https://moitruong.com.vn/Upload/48/Nam_2016/Thang_6/Ngay_27/Tudothuongmaivaquantritainguyenmoitruong.PDF> truy cập ngày 01/6/2020;
  3. Phạm Thị Túy (2014), Thể chế <http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-dien-mo/item/675-the-che.html> truy cập ngày 27/5/2020;
  4. Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương (2020), “Những tác động của Hiệp định EVFTA tới Việt Nam”, <https://congnghiepmoitruong.vn/nhung-tac-dong-cua-hiep-dinh-evfta-toi-viet-nam-5984.html > truy cập ngày 01/6/2020.

IMPACTS OF ENVIRONMENTAL COMMITMENTS

UNDER THE NEW-GENERATION FREE TRADE

AGREEMENTS ON VIETNAMESE ENTERPRISES 

• Master. MAI THI CHUC HANH

Faculty of Law, Foreign Trade University

ABSTRACT:

By general studying the impacts of environmental commitments under the new-generation Free Trade Agreements (FTAs) on the improvement of Vietnam’s law on environment, this paper presents the opportunities and challenges that enterprises face. This paper finds out that enterprises should usually update legal regulations in general and environmental regulations in particular in order to effectively manage natural resources associated with sustainable environmental protection. In addition, the environmental commitments under the new-generation Free Trade Agreements (FTAs) promote enterprises to identify the importance of understanding laws in general and environmental commitments of FTAs in particular and implement their corporate social responsibilities, especially in the field of environment.

Keywords: Environmental commitment, new-generation FTA, enterprise, law on environment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]