Trách nhiệm xã hội của ngành Dệt may - Xu hướng phát triển bền vững

NCS. Vũ Văn Hoản (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, ở nước ta, cùng với sự nổi lên về trách nhiệm xã hội (TNXH) của các doanh nghiệp (DN) và xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, vấn đề TNXH của DN ngày càng được quan tâm và được xem là cốt lõi trong giá trị thành công của DN, trong đó phải kể đến ngành Dệt may. Bài viết này sẽ bàn về trách nhiệm xã hội và xu hướng phát triển bền vững của ngành Dệt may.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp, ngành dệt may, xu hướng phát triển bền vững, hội nhập.

1. Thực trạng TNXH của DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng

Thực tế, TNXH của DN được coi như là một cách tự điều chỉnh của DN và dần dần được phát triển lên một tầm cao mới khi không còn là những quyết định mang tính tự nguyện dưới cấp độ của một cá thể tổ chức nào đó, mà đó còn là một chính sách bắt buộc phải có của bất cứ tổ chức nào dù ở tầm cỡ khu vực, quốc gia hay là vượt qua cả tầm quốc gia.

TNXH của DN tin tưởng sẽ hỗ trợ DN thực hiện sứ mệnh của mình, cùng với đó, đây cũng chính là “kim chỉ nam” để DN thể hiện giá trị với người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, việc thực hiện TNXH của DN vẫn được xem là một hành động giải quyết các vấn đề xã hội vì các mục đích từ thiện và nhân đạo. Trong khi đó, TNXH nhìn chung phải được hiểu là cách thức mà một DN đạt được sự cân bằng hoặc kết hợp những yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội; đồng thời, đáp ứng những kỳ vọng của các cổ đông và các bên đối tác. Cách thức mà DN tương tác với các cổ đông, người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác luôn được coi là một đặc điểm then chốt của khái niệm trách nhiệm xã hội DN. DN thực hiện TNXH sẽ khẳng định thương hiệu của mình trong xã hội. Do đó, đồng hành vào sự phát triển chung của đất nước không chỉ là trách nhiệm, mà còn là lợi ích cho DN, từ đó, tạo ra giá trị nhân văn, văn hóa DN cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Chuyên gia Erwin Schweisshelm khi đề cập tới “Ngành Dệt may và Da giày trong bối cảnh TPP” trên tờ The Observer (Anh) đã chỉ rõ, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, và là một trong những động lực tăng trưởng chính đến từ ngành Dệt may. Quần áo may sẵn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 4 trong tổng số các nước xuất khẩu may mặc lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ.

Theo đó, ngành Dệt may ở Việt Nam có lịch sử lâu đời. Các nhà máy đều được xây dựng với công năng phục vụ duy nhất, chứ không phải là các tòa nhà được chuyển đổi công năng (như một số trường hợp của Bangladesh). Có những yêu cầu chi tiết và rõ ràng về phòng cháy chữa cháy, thông khí, chiếu sáng, kho hóa chất,… dù thực tế những thứ này không được thường xuyên kiểm tra. Điều này đã được đề cập trong báo cáo của Better Work, đồng thời được xác nhận bởi kinh nghiệm của một số tổ chức kiểm toán và công đoàn. Hơn nữa, các giá trị xã hội cũng đóng một phần vai trò trong “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Dù đặt trọng tâm rõ ràng vào cạnh tranh và giá, việc đảm bảo cho công nhân Việt Nam không bị đối xử tệ là cần thiết và nhân phẩm và quyền của họ phải được tôn trọng. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa rất được đề cao.

2. Nỗ lực nâng cao hiểu biểu về TNXH của DN ngành Dệt may

Liên quan tới TNXH của DN nói chung và DN ngành Dệt may nói riêng, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thực tế, thời gian qua, ngành cũng có nhiều nỗ lực để nâng cao nhận thức và hiểu biết về TNXH doanh nghiệp của các đơn vị toàn ngành.

Theo đó, các giá trị cần phải đảm bảo bao gồm: tuân thủ pháp luật; tự do Hiệp hội và thỏa ước tập thể; cấm phân biệt đối xử; tiền lương và thu nhập; thời gian làm việc; điều kiện lao động an toàn và đảm bảo sức khỏe; cấm sử dụng lao động trẻ em; cấm sử dụng lao động cưỡng bức và hình phạt; bảo vệ môi trường; hệ thống quản lý; tự do lựa chọn việc làm; tôn trọng quyền tự do tham gia Hiệp hội và quyền thỏa ước tập thể; điều kiện làm việc an toàn và hợp vệ sinh; không sử dụng lao động trẻ em; tiền lương; thời gian làm việc không vượt qui định; không phân biệt đối xử; có qui định về lao động; không được đối xử tàn bạo, độc ác. Đồng thời nắm bắt các qui định, tiêu chuẩn quốc tế: WRAP; ISO 9000, 14000, ISO26000 (mới)… cũng như các qui định, luật pháp Việt Nam.

Trước đó, nhờ Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam nâng cao hiểu biết và thực hiện TNXHDN nhằm tăng cường liên kết đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất bền vững” 2013 do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) Việt Nam, ngành Dệt may đã xây dựng được nội quy, quy định của mình nhưng vẫn còn hạn chế là chưa tích hợp với các qui định quốc tế và hệ thống đồng bộ. Bên cạnh đó, có những hoạt động đáp ứng các nội dung TNXH hấp dẫn người lao động, quan hệ tốt với cộng đồng, khách hàng và người tiêu dùng, như: chế độ lương, thưởng, các phúc lợi, trang bị thiết bị an toàn bảo hộ lao động, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng nhà văn hóa, nhà ăn ca, nhà ở cho công nhân ngoại tỉnh... Đặc biệt, có tổ chức công đoàn hoạt động tốt vừa giúp chủ sử dụng lao động trong hoạt động kinh tế vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Tuy nhiên, việc hiểu về TNXH doanh nghiệp và triển khai theo trong toàn ngành với mối liên hệ với code of conduct (COC) của các khách hàng còn bị động và chưa đầy đủ (do buộc phải tuân thủ). Đơn cử như, DN muốn làm hàng xuất khẩu phải tuân thủ COC do khách hàng EU và USA chỉ mua hàng từ các nhà cung cấp tuân thủ và đạt tiêu chuẩn COC; mỗi khách hàng thường có bộ Tiêu chuẩn COC riêng hoặc theo tiêu chuẩn chung BSCI, ETI… và các tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia.

Bên cạnh đó, việc nhận thức, hiểu về TNXH vẫn chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được cơ hội và tính ưu việt của TNXH của DN nên việc thực hiện còn mang tính bị động và đối phó, chủ yếu tập trung vào DN làm hàng xuất khẩu.

Hơn nữa, bộ máy và nhân sự thực hiện TNXH của DN chưa đáp ứng yêu cầu và chưa chuyên nghiệp. Đáng chú ý, còn tồn tại nhiều nơi, nhiều lúc những vụ việc chưa tuân thủ các nội dung TNXH của DN như: Kéo dài thời giờ làm thêm, chưa đảm bảo tiền lương và thu nhập, đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ theo quy định, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh nơi làm việc, vi phạm về gây ô nhiễm môi trường… dẫn đến còn vụ việc đình công dù chủ yếu là trái luật.

Quá trình thực hiện cũng cho thấy một số vướng mắc khi triển khai, đó là, các DN gặp khó khăn trong tuân thủ TNXH do mỗi nhà nhập khẩu đều có bộ tiêu chuẩn (COC) riêng khác nhau. Các DNNVV phải đáp ứng các hệ thống kiểm tra, các công ty đánh giá khác nhau; nhiều qui định mâu thuẫn, khác nhau; tốn phí và thiếu nguồn nhân lực; mất thời gian; phải thường xuyên có hành động khắc phục...

Ngành Dệt may đã tập trung triển khai vào việc xây dựng năng lực cho các Hiệp hội, DN, tư vấn viên; nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất; tư vấn chính sách; đối thoại với các bên liên quan.

3. Để TNXH trong DN ngành Dệt may Việt Nam thực sự phát huy hiệu quả

Một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, người sử dụng lao động ngày nay buộc phải nhìn nhận quan hệ lao động và quản trị nhân lực từ góc độ chiến lược. Quan hệ lao động và quản trị nhân lực có mối liên hệ trực tiếp với năng lực cạnh tranh. Cách thức quản trị quan hệ lao động và nhân lực có tác động đến tình hình kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như năng suất lao động, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Do đó, người sử dụng lao động cần quan tâm đến chi phí lao động, chất lượng đội ngũ lao động, ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp lao động và khuyến khích động viên người lao động phấn đấu thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp.

Cũng bởi vậy, để đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, các DN phải nâng cao TNXH, DN và người lao động cần tuân thủ pháp luật lao động, người lao động có nguồn thu nhập đảm bảo, điều kiện làm việc thuận lợi, tổ chức công đoàn vững mạnh, thực hiện đầy đủ các chính sách lao động, xây dựng thỏa ước lao động tập thể tiến bộ, tiến hành thường xuyên đối thoại DN...

Thực tế, phần lớn các DN Việt Nam, trong đó có DN dệt may là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNVVN) và năng lực của các DN này chưa đáp ứng được những yêu cầu về TNXH của DN. Do đó, các DN cần nâng cao nhận thức, hiểu biết và thực hiện TNXH trên các phương diện chính, như: sản xuất hợp lý về mặt môi trường, cải thiện thông lệ về lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Không những thế, các DN phải chú trọng việc thu hút và giữ chân các công nhân viên của mình, không chỉ trả lương cao mà còn phải thực sự quan tâm đến đời sống của công nhân viên trong công ty của mình.

DN nên có các biện pháp đào tạo, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng làm việc cho công nhân viên để đạt được năng suất cao và giao hàng đúng thời gian cho đối tác.

Bản thân DN phải lập kế hoạch chiến lược về TNXH của DN, để từ đó xác định rõ mục tiêu cũng như con đường để thực hiện TNXH một cách chủ động và mang tính lâu dài, trong đó chú ý: Xác định tầm nhìn về TNXH của DN; Phân tích thực trạng TNXH của DN và các yếu tố môi trường tác động để xác định thứ tự ưu tiên của các vấn đề liên quan đến TNXH của DN, những điều kiện về nguồn lực dành cho việc thực hiện TNXH của DN; Đề xuất một số giải pháp tổng thể để thực hiện TNXH của DN.

Đặc biệt, để thực hiện tốt TNXH trong các DN dệt may nói riêng và DN Việt Nam nói chung, luật pháp Việt Nam cần lưu ý đến yêu cầu quốc tế, có tính đến hoàn cảnh của Việt Nam để DN có thể đáp ứng được; có bước đi nhanh chuyển dần từ gia công sang FOB, ODM, thiết kế mẫu, công nghiệp hỗ trợ, quản lý công nghệ và thị trường; áp dụng các chương trình, kinh nghiệm tốt của Việt Nam và quốc tế.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền đối với các DN về nghĩa vụ và lợi ích của việc thực hiện TNXH của DN. Đồng thời, phân định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc hoạch định chính sách, thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm của các DN đối với các vấn đề liên quan đến TNXH của DN nói chung, trách nhiệm đối với thị trường, người tiêu dùng và việc bảo vệ môi trường nói riêng. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể khác có liên quan cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi TNXH của DN chỉ được coi trọng và trở nên cấp thiết khi có cơ chế giám sát đồng bộ, có sự kết hợp giữa chính quyền và các lực lượng dân sự trong xã hội, đặc biệt là các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông, báo chí.

Đồng thời, cần ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN thực hiện TNXH. Cần có các biện pháp đủ mạnh để xử lý vi phạm của các DN trong việc thực hiện TNXH cũng như tăng cường các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các DN tự giác và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, như giải thưởng TNXH, cấp chứng chỉ cho các DN bảo đảm các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn TNXH trong các bộ quy tắc ứng xử được áp dụng...

4. Kết luận

Việc nâng cao nhận thức, hiểu biết và tăng cường TNXH của DN ở nước ta hiện nay đã và đang được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, TNXH của DN được xem là một trong những tiêu chí và động lực để phát triển bền vững. Biểu hiện là TNXH của DN đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với các DN nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn hiện nay, nhiều DN tiếp tục phát triển và thành công chính nhờ thực hiện TNXH. Điều này đã cho thấy, TNXH của DN cũng trở thành giá trị cốt lõi trong kinh doanh của DN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đánh giá của Tập đoàn Dệt may về thực thi của doanh nghiệp.
  2. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh, Philip.L.Cochran và Robert.A. Wood, Pennsylvania State University.
  3. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp “tiềm ẩn” và “hiện hữu”: Khuôn khổ nhận thức của sự hiểu biết tương đối về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Dirk Matten, Trường Đại học York, Toronto và Jeremy Moon, Trường Đại học Nottingham.
  4. Ngành Dệt may và Da giày trong bối cảnh TPP, Erwin Schweisshelm, The Observer (http://nghiencuuquocte.org /2016/03/16/nganh-det-may-va-da-giay-trong-boi-canh-tpp/).
  5. Tăng cường việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Việt Nam (http://www.dangcongsan.vn/kinh-te/tang-cuong-viec-thuc-hien-trach-nhiem-xa-hoi-doanh-nghiep-tai-viet-nam-184108.html).
  6. Nâng cao nhận thức và hiểu biết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngành Dệt may Việt Nam - Những tiêu chí và động lực để phát triển bền vững (http://www.dangcongsan.vn/kinh-te/nang-cao-nhan-thuc-va-hieu-biet-ve-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-nganh-det-may-viet-nam-183708.html).

SOCIAL RESPONSIBILITY OF TEXTILE INDUSTRY - SUSTAINABLE DEVELOPMENT TREND

Ph.D’s Student. VU VAN HOAN

University of Economics and Business

 Vietnam National University, Hanoi

ABSTRACT:

In recent years, with the rise of corporate social responsibilities (CSR) and deeper economics integration in Vietnam, CSR has become a growing concern which is considered as the core value for success of the textile industry. This article will discuss the social responsibility and sustainable development trends of the Textile industry.

Keywords: Social responsibility, enterprise, textile industry, sustainable development trends, integration.