Ngay sau cuộc họp khẩn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chiều 7/7, ngày 8/7, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa vừa ký công văn hỏa tốc gửi doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối đề nghị tăng cường cung ứng hàng hóa cho Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Công văn 4023/BCT-TTTN nêu rõ, tính đến 6h ngày 8/7/2021 Việt Nam có tổng cộng 21.560 ca ghi nhận trong nước và 1.891 ca nhập cảnh, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 8.151 ca, chiếm 37,8% số ca của cả nước.
Trước diễn biến của dịch bệnh, để bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối truyền thống và hiện đại khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường cung ứng hàng hóa cho Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, Công văn yêu cầu:
Một là, chủ động liên hệ với Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp (phải cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19); dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch Covid-19.
Hai là, bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu đông dân cư (quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thị tứ…) để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân; có phương án mở các điểm bán hàng mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa (do có ca nhiễm Covid-19) để kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay cách ly, giãn cách xã hội.
Ba là, tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến (thương mại điện tử, đi chợ hộ…), để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh (phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội).
Bốn là, để đảm bảo vận chuyển thông suốt hàng hóa thiết yếu, có phương án tổ chức đội xe, lái xe đảm bảo an toàn dịch bệnh để ra, vào vùng dịch theo đúng quy định của ngành Y tế và Giao thông vận tải.
Trước đó, chiều tối ngày 7/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập một cuộc họp khẩn về cung ứng đủ nguồn hàng hóa thiết yếu cho người dân tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam có dịch. Ngay sau cuộc họp khẩn, Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa đã được thành lập, do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm trưởng Ban cùng 8 lãnh đạo là Cục trưởng, Vụ trưởng các đơn vị liên quan.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ triển khai ngay 6 nhiệm vụ mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao. Cụ thể:
Thứ nhất, khẩn trương, thường xuyên liên hệ, trao đổi với UBND, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng của Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có dịch để kịp thời nắm bắt nhu cầu điều phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, không bị đứt gãy hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp;
Thứ hai, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ để sẵn sàng các nguồn hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng cho người dân tại các địa phương trong mọi tình huống;
Thứ ba, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tăng cường thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến; tổ chức các hình thức cung ứng hàng hóa qua hệ thống các tình nguyện viên, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương;
Thứ tư, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là giao thông, công an để đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch khác, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác;
Bộ trưởng lưu ý, ở các địa phương có điều kiện phòng chống dịch bệnh, xem xét, mở chợ truyền thống nhưng phải tổ chức phát phiếu mua hàng theo quy định.
Thứ năm, chỉ đạo Tổng Cục quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng khác để đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng;
Thứ sáu, chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung điều tiết điện không để thiếu điện sinh hoạt, điện cho các cơ sở y tế, các khu cách ly tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có dịch trong bất kỳ tình huống nào.
Thông tin để được hỗ trợ khi gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động phân phối hàng hóa thiết yếu, đề nghị liên hệ: Ông Dương Thái Trung, Trưởng phòng, Phòng Phân phối hàng hóa và Dịch vụ thương mại, Vụ Thị trường trong nước. Email: trungdt@moit.gov.vn.