Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá quy mô và tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn: Việt Nam và Trung Quốc là hai đối tác thương mại rất lâu đời. Kể từ 2004, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN.
Không chỉ vậy, hiện nay, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới, quy mô của thương mại giữa hai bên không ngừng tăng lên theo thời gian và hiện nay đã vượt hơn 100 tỷ USD thương mại hai chiều. Trong thời gian qua, xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc để gia tăng.
Tuy nhiên, xuất khẩu của ta hiện nay mới chiếm chưa đến 2% trong kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ thế giới. Vì vậy, chúng tôi cho rằng với ưu thế vị trí giữa Việt Nam và Trung Quốc rất gần kề, cùng với nhu cầu tiêu thụ của khoảng 1,4 tỷ dân với khoảng 400 triệu người có mức thu nhập trung lưu.
Thị trường Trung Quốc trong thời gian tới vẫn tiếp tục là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam mà chúng ta cần khai thác. Dĩ nhiên, khai thác thị trường Trung Quốc, chúng ta cần phải phát triển theo hướng bền vững và theo hướng cân bằng hơn nữa.
Phóng viên: Hiện nay, thâm hụt thương mại Việt Nam và Trung Quốc vẫn ở mức cao. Vì vậy, giải pháp cân bằng cán cân thương mại phải giải quyết như thế nào?
Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn: Theo quan điểm của chúng tôi, nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc xảy ra rất nhiều năm và cũng có một phần do quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế. Hiện nay Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và cũng là công xưởng của thế giới, với trình độ phát triển rất cao, với khả năng sản xuất các loại hàng hoá, thiết bị, nguyên phụ liệu với đủ các loại phân cấp có thể cung ứng cho toàn bộ các thị trường trên thế giới.
Việt Nam có vị trí địa lý gần kề Trung Quốc, tuy nhiên sản xuất trong nước chưa phát triển một cách đầy đủ, do vậy, nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam từ Trung Quốc là phù hợp theo nguyên tắc của thị trường.
Trong thời gian tới, để quan hệ thương mại giữa hai bên phát triển bền vững thì vấn đề nhập siêu càng được giải quyết càng sớm càng tốt. Ở thời điểm này, chúng ta sẽ đặt vấn đề là giảm thiểu quy mô nhập siêu, từng bước tiến tới cân bằng vấn đề nhập siêu. Về lâu dài, chúng ta phải làm tốt, làm nhanh các giải pháp sau để giải quyết bài toán nhập siêu:
Thứ nhất, phải nâng cao trình độ, năng lực sản xuất nội địa, tiến tới thay thế hàng hoá xuất nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Thứ hai, nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, đặc biệt là định hướng hoạt động xuất khẩu nông sản, thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo hướng chính chính ngạch và giảm thiểu, tiến tới giảm thiểu tối đa xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đây là nguyên nhân khiến cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản Việt Nam thời gian qua không được bền vững và thường xuyên xảy ra hiện tượng “ùn ứ” hàng hoá khi xuất khẩu.
Thứ ba, trong hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng như các nhà quản lý, nhất là các địa phương cần thay đổi cách thức tiếp cận đối với thị trường nay. Cần thay đổi quan điểm “Trung Quốc là thị trường dễ tính” bởi, Trung Quốc một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng mức tiêu dùng lớn hàng đầu thế giới. Trung Quốc với 400 triệu người là tầng lớp trung lưu nên yêu cầu của họ đối với các sản phẩm nhập khẩu ngày càng lớn.
Do vậy, “chưa bao giờ và không bao giờ Trung Quốc là một thị trường dễ tính”.
Thứ tư, tăng cường các khâu kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo các quy định và các biện pháp WTO cũng như thông lệ quốc tế cho phép để kiểm soát chất lượng hàng hoá đầu vào, cũng như là loại bỏ những mặt hàng có chất lượng kém, không phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam, tránh để Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ cũng như tiêu thụ mặt hàng kém chất lượng.
Phóng viên: Thời gian qua, quản lý nhà nước thường xuyên có khuyến nghị về xuất khẩu theo đường chính ngạch. Trung Quốc không bao giờ và chưa bao giờ coi nhẹ việc chất lượng sản phẩm. Vậy nguyên nhân tại sao chúng ta vẫn cứ tăng cường xuất khẩu theo tiểu ngạch, trong khi đó, các doanh nghiệp, địa phương vẫn chưa có được phương án để xuất khẩu chính ngạch?
Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn: Sau khi bình thường hoá quan hệ, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là trao đổi thương mại biên giới. Thời điểm đó, hai nước đều chưa phải là thành viên của WTO, các hoạt động thương mại vẫn chưa đi theo quy phạm nhất định.
Sau khi hai nước trở thành thành viên của WTO và tham gia vào Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, hoạt động thương mại giữa hai bên ngày càng đi vào chính chính thức hơn.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới kể từ những năm 1990, 1991 đến nay vẫn tồn tại. Chúng ta đều biết, hoạt động thương mại biên giới, đặc biệt là trao đổi cư dân biên giới là chính sách mà bất cứ quốc gia nào cũng sẽ dành cho nước đối tác có chung đường biên giới đất liền, mục đích chính là tạo công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho cư dân biên giới.
Từ năm 2008, khi Trung Quốc có những chính sách ưu đãi đối với trao đổi cư dân biên giới, đặc biệt là chính sách cho cư dân biên giới được phép mua hàng từ nước có chung đường biên giới mang về với giá trị là 8.000 nhân dân tệ/người/ngày. Từ khi có chính sách này, rất nhiều các doanh nghiệp của Trung Quốc đã lợi dụng để xé lẻ các mặt hàng nhập khẩu.
Trao đổi cư dân biên giới sẽ được miễn tất cả các loại thuế và phí. Rất nhiều các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây của chúng ta khi xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, mặc dù trong Hiệp định ASEAN-Trung Quốc hai bên đã dành cho nhau thuế quan 0%, tuy nhiên khi nhập khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đóng các khoản thuế phí, trong đó có thuế giá trị gia tăng từ 13-17% tuỳ từng loại mặt hàng.
Nếu họ nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới thì họ được miễn tất cả các loại thuế này. Đây là một trong những lý do rất nhiều thương nhân Trung Quốc thời gian qua đều muốn hướng đến nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới và chúng ta hay gọi là xuất khẩu tiểu ngạch. Đó chính là tận dụng chính sách trao đổi cư dân biên giới để dành những lợi thế về mặt thuế cũng về mặt giá thành.
Tuy nhiên, nhập khẩu qua đường biên giới, tiểu ngạch thì việc kiểm soát chất lượng không được tốt. Thứ hai, thương mại biên giới sẽ có những biến tướng. Ví dụ như trái cây, có những loại trái cây Việt Nam chưa được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc nhưng trao đổi cư dân biên giới thì họ vẫn có thể xuất khẩu được. Điều này đã dẫn tới tình trạng doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều năm trao đổi xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, vẫn “không chịu lớn”, không chịu thay đổi tư duy xuất khẩu.
Tức là các doanh nghiệp, người dân cứ mãi mãi đi theo con đường tiểu ngạch mà không tổ chức lại sản xuất, không làm những công tác quản lý chất lượng theo đúng quy định của nước nhập khẩu, dẫn đến các doanh nghiệp bị phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.
Thời gian qua, nhất là trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, Bộ Công Thương liên tục khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, tuy nhiên, có rất nhiều chủ hàng Trung Quốc cũng như là đối tác của phía Việt Nam, doanh nghiệp giao hàng từ Việt Nam vẫn chờ cho đến khi đường mòn, lối mở, cặp chợ biên giới mở trở lại để xuất khẩu tiểu ngạch.
Một trong những khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp là cần phải thay đổi phương thức tiếp cận thị trường, phương thức xuất khẩu để đưa mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc theo con đường chính thức và không bị phụ thuộc vào hình thức tiểu ngạch.